Tin Tức - Sự Kiện - Trang Thông Tin Tuyên Truyền, Phổ Biến Pháp Luật

VCCI góp ý xây dựng Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) Ngày đăng 12/05/2022 | 18:07 | Lượt xem: 378

Theo VCCI, việc yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo khi thay đổi Điều lệ sẽ làm gia tăng gánh nặng về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, và cũng không thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp, nên cần xem xét bỏ quy định này.

TIN LIÊN QUAN

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở góp ý của các doanh nghiệp, vừa có văn bản đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), dự kiến được trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới.

Theo Dự thảo, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.

VCCI cho hay, một trong các vấn đề nhận được góp ý của các doanh nghiệp là quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Dự thảo Luật quy định phải “có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài giải thích đầy đủ và hiểu rõ” các nội dung về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

Theo VCCI, đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp nhất. Việc yêu cầu phải có bằng chứng xác nhận bên mua đã được giải thích và hiểu rõ các nội dung về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, mục đích là bảo về quyền lợi của người mua, tuy nhiên quy định này có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các bên và thủ tục phiền hà khi giao kết hợp đồng. Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định phải có bằng chứng xác nhận này.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định khi thay đổi điều lệ của doanh nghiệp, quy chế hoạt động của chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp phải thông báo cho Bộ Tài chính.

Theo VCCI, việc yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo khi thay đổi Điều lệ sẽ làm gia tăng gánh nặng về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, và cũng không thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp, nên cần xem xét bỏ quy định này.

Bên cạnh đó, VCCI cũng góp ý vào quy định về phá sản doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Theo đó, Dự thảo Luật quy định khi nhận yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, Tòa án sẽ “mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm mà không tổ chức hội nghị chủ nợ và thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, theo Luật Phá sản 2014, Tòa án phải tuyên bố doanh nghiệp phá sản rồi mới tiến hành thanh lý tài sản. Trong khi đó, Dự thảo lại quy định Tòa sẽ tiến hành thanh lý tài sản ngay sau khi mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản. Tức là, thời điểm này doanh nghiệp bảo hiểm chưa bị tuyên bố phá sản. Như vậy, quy định tại Dự thảo sẽ không rõ thời điểm nào doanh nghiệp bảo hiểm sẽ “bị tuyên bố là phá sản” hay là doanh nghiệp bảo hiểm không cần bị tuyên bố phá sản?

“Trong Báo cáo giải trình, cơ quan soạn thảo đang sửa đổi quy định theo hướng “Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, tuyên bố doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản”. Hướng sửa đổi này là hợp lý, tuy nhiên Dự thảo vẫn chưa thể hiện được định hướng này, đề nghị xem xét lại quy định tại Điều 99 Dự thảo”, văn bản của VCCI nêu.

Về thông tin công khai thường xuyên, Dự thảo quy định doanh nghiệp phải công khai thường xuyên “quy tắc, điều khoản, biểu phí của từng sản phẩm bảo hiểm đang cung cấp”. Theo VCCI, quy định này cần được cân nhắc lại vì mỗi chương trình bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có mức phí bảo hiểm khác nhau áp dụng cho từng quyền lợi và điều kiện bảo hiểm khác nhau. Đối với các sản phẩm bảo hiểm thương mại, phí bảo hiểm được tính toán dựa trên rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức độ rủi ro của từng hợp đồng và các mức giá trên thị trường tái bảo hiểm quốc tế. Do đó, yêu cầu công khai này là chưa phù hợp với thực tế;

VCCI cho rằng, quy tắc, điều khoản, biểu phí của từng sản phẩm là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp và được bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Vì vậy, việc yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải công khai thông tin này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. VCCI đề nghị cân nhắc bỏ quy định nêu trên.

Mai Chi

Nguyễn Thị Lý

Các tin khác
  • Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 và một số nội dung quan trọng
  • Hà Nội: Quán triệt, triển khai những định hướng của Đảng về "kỷ nguyên vươn mình"
  • Thống nhất chủ trương đầu tư dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
  • Quốc hội thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên
  • Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với nhiều điểm mới
  • Quốc hội sửa đổi 4 luật về đầu tư, quy hoạch, đấu thầu
  • Tuyên truyền, phổ biến Tài liệu giới thiệu Luật Thủ đô số 39/2024/QH15
  • Kế hoạch Hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024
  • Phóng sự “Luật Thủ đô năm 2024 - Khơi thông nguồn lực phát triển Thủ đô”
Xem tất cả
  • Cảnh giác với chiêu trò bán vé chương trình 'Anh trai say hi' qua hội nhóm
  • Cảnh giác ứng dụng AI kết hợp sử dụng DeepFake, DeepVoice... làm giả thông tin để lừa đảo
  • Khuyến cáo đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trong sử dụng điện tại cơ sở, hộ gia đình
  • Cảnh giác với thủ đoạn lừa cài app ngân hàng giả mạo
Xem tất cả

Vềđầu trang // ]]>

Từ khóa » điều Lệ Của Vcci