Tin Tức Sự Kiện - UBND QUẬN 5

 

Tiếng trống rộn ràng, ngân vang lên khắp phố phường trong khu vực Chợ Lớn, điều đó cho chúng ta biết rằng một năm sẽ qua và năm mới sắp đến. Năm nay là niềm vui kỷ niệm 85 năm thành lập Đoàn lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường Châu Quán Quận 5 thành phố Hồ Chí Minh, cũng là biểu tượng của một tinh thần mạnh mẽ và bất khuất.

Sự ra đời của Nhơn Nghĩa Đường

Ngay từ thập niên 30 và 50 của thế kỷ 20, nhiều đội lân sư đã được thành lập tại khu vực Chợ Lớn của thành phố Sài Gòn. Chẳng hạn như: Liên Nghĩa, Thanh Liên, liên Hữu, Trung Nghĩa, Liên Thắng, Tập Hưng, Quần Tân v v…., tất cả đều có lịch sử hàng chục năm, và một số đoàn nay không còn tồn tại. Tuy nhiên, Đoàn lân Sư rồng Nhơn Nghĩa Đường vẫn là đoàn lâu đời nhất, đã đứng vững tại phường 6 quận 5 trong 85 năm qua.

Sự ra đời của Nhơn Nghĩa Đường Việt Nam là khi võ sư Lưu Hạo Lương đến định cư và kiếm sống từ Quảng Đông, Trung Quốc khi còn trẻ. Vào thời điểm đó, võ sư Lưu Hạo Lương đang giảng dạy tại Câu lạc bộ Nghiên cứu võ thuật của Hội quán Tam Sơn Quận 5, sau đó ông mở lớp riêng dạy võ thuật. Năm 1936, võ sư Lưu Hạo Lương thành lập Đoàn lân sư Nhơn Nghĩa Đường để truyền dạy võ thuật Chu Gia Quyền. Võ sư Lưu Hạo Lương là đệ tử đầu tiên của võ sư Chu Bưu, một trong "Ngũ hổ nhà Chu" ở Tân Hội Trung Quốc. Vì vậy, ông lấy “Chu Quán” hai chữ đi đầu đặt tên là "Đoàn lân Chu Quán Nhơn Nghĩa Đường". 

Thời điểm đó, hoạt động của các đoàn lân sư không mấy sôi động, các thành viên tập võ, múa lân thường ngày, chỉ biểu diễn trong đêm giao thừa hoặc đi lễ chùa trong dịp Tết ta, thỉnh thoảng phối hợp với các hội quán để quyên góp tiền cho các bệnh viện, trường học, cứu trợ thiên tai hoặc làm từ thiện. Năm xưa do nhân lực và tài lực đoàn lân sư còn yếu, một đoàn lân khoảng 15 thanh thiếu niên.

 

Đồng tâm hiệp lực phát triển Nhơn Nghĩa Đường

Sau khi Đoàn lân Chu Quán Nhơn Nghĩa Đường được thành lập, võ sư Lưu Hạo Lương đã truyền dạy kỹ năng võ thuật Chu Gia Quyền cho con cái và những đệ tử khác. Và cùng với họ để quản lý đoàn lân sư. Đến năm 1970, Lưu Kiếm Xương là con trai trưởng của võ sư Lưu Hạo Lương, tiếp quản đoàn lân sư khi mới 20 tuổi. Em trai kế là Lưu Thế Xương phụ trách về trống và âm nhạc. Chị cả Lưu Tiếu Trân là chuyên huấn luyện viên múa lân. Em thứ sáu tên Lưu Kỳ Xương và em thứ tám Lưu Vĩnh Xương là huấn luyện viên môn nội công. Người em trai thứ chín Lưu Bảo Xương phụ trách huấn luyện võ thuật, múa lân leo cột cao và xếp chồng La Hán trận.  

Được biết, tiết mục đặc sắc nhất của đoàn lân sư này là xếp chồng La Hán trận. Tiết mục này được tạo ra bởi sư phụ Lương Hạo Lương và yêu cầu nhiều thành viên cùng nhau biểu diễn. Ví dụ: 16-18 người ở tầng dưới đỡ một tấm gỗ tròn; ở tầng thứ hai, 5 người đứng trên đó và sau đó cầm tấm gỗ; ở tầng thứ ba, hai người ở trên múa lân leo cột cao, trở thành kỹ thuật đặc sắc leo cột cao được xếp thành 4 tầng. Các pha này trông thấy nguy hiểm nhưng rất thú vị.  

Năm 1972, võ sư Lưu Hạo Lương qua đời do bệnh. Võ sư Lưu Kiếm Xương với các em trai, em gái và những đệ tử chân thành đoàn kết, đồng tâm hiệp lực phối hợp để mang lại thành tích huy hoàng cho đoàn lân. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng vào năm 1975, Nhơn Nghĩa Đường có thêm đội múa rồng. Về mặt này, đoàn đã khiêm tốn học hỏi, tham khảo ý kiến ​​của nhiều võ sư trong ngành, rèn luyện sức khỏe và không ngừng nâng cao nghệ thuật múa rồng.  

Năm 1978, đoàn có thêm tiết mục Múa Sư tử Bắc. Võ sư Lưu Kiếm Xương đã cử hai con trai là Lưu Hoán Phi, Lưu Đằng Phi cùng 3 người đệ tử đến Trung tâm thể dục thể thao quận 1 để học các môn thể dục gồm: xà đơn, xà kép, vòng treo và nhào lộn…. Đồng thời, học cách chơi cồng chiêng và trống Kinh kịch từ các sư phụ Tăng Văn Hùng và Lâm Kiếm Phong, để các điệu múa lân Bắc uyển chuyển và âm thanh đặc sắc. Ngoài ra, đoàn còn có nhóm nội công, nhóm kỹ xảo đặc biệt, nhóm đánh trống,… phát triển toàn diện khiến tiết mục ngày càng trở nên phong phú và sôi động.

Trong mấy mươi năm qua, đoàn lân sư rồng vẫn duy trì các hoạt động truyền thống. Chẳng hạn như thờ cúng tổ sư Quan Thánh Đế Quân vào ngày 24 tháng 6 âm lịch. Cuối năm, đến Miếu Quan Âm của Hội quán Ôn Lăng, Miếu Thiên Hậu của Hội quán Tuệ Thành và Chùa Ông Quan Công của Hội quán Nghĩa An để làm lễ cúng thần và điểm mắt khai quang. Trong dịp Tết Nguyên Đán, ngoài việc ở thành phố, đoàn còn đến Bình Dương, Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang, Châu Đốc và các nơi khác để cúng bái các vị thần. Hàng năm, đếu có tổ chức cho các thành viên đi nghỉ mát. Trong 20 năm qua, đoàn cũng đã tổ chức biểu diễn các chương trình đặc sắc tuyệt vời cho Lễ hội đèn lồng tết Nguyên Tiêu và các hoạt động khác tại Trung tâm văn hóa quận 5 nhân dịp Lễ hội mùa xuân.  

Với sự phát triển không ngừng của đất nước và xã hội, hoạt động lân sư rồng ngày càng sôi động và phong phú. Kể từ năm 1991, Đoàn múa lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường đã lập nhiều thành tích và kỷ lục rực rỡ. Chẳng hạn, trưởng đoàn Lưu Hoán Phi đã lập nhiều kỷ lục Guiness Việt Nam. Đoàn này thường xuyên có những buổi biểu diễn giao lưu ở nước ngoài. Ngoài trong nước, đoàn cũng thường xuyên ra nước ngoài tham gia các cuộc thi lân sư rồng quốc tế và đạt nhiều giải thưởng. 

Ngoài ra, từ lâu đoàn này đã thành lập phòng khám chuyên khoa xương khớp để điều trị cho các bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến chỉnh hình xương khớp. Đoàn võ thuật thường xuyên tuyển học viên mới để dạy Thiếu Lâm Chu Gia Quyền. Được biết, đội khí công hiện có 13 huấn luyện viên thâm niên cao và hàng trăm thành viên trong đội. Đoàn còn có đội ngũ làm nhiều loại đạo cụ lân sư rồng như làm rồng, lân, may đồng phục nhóm, cờ, trống, chiêng, chũm chọe.  

Hiện tại, sư phụ Lưu Kiếm Xương đã giao Nhơn Nghĩa Đường cho con trai trưởng Lưu Hoán Phi quản lý các hoạt động và biểu diễn của đoàn. Sư phụ Lưu Hoán Phi cũng đã kế thừa chí nguyện của cha mình và ra sức để phát huy tinh thần thượng võ của Nhơn Nghĩa Đường, và đổi mới các tiết mục biểu diễn đặc sắc hàng năm. Đặc biệt trong nhiều năm qua, ông đã khéo léo biến những con giáp của năm đó thành tiết mục chúc mừng năm mới. Nhân dịp năm mới Tân Sửu, ông đã làm ra một con bò vàng đặc biệt, được ra mắt trong lễ kỷ niệm 85 năm thành lập đoàn và đã nhận được sự đánh giá cao của mọi người.

 

Sự quang vinh và lòng biết ơn của Lưu Kiếm Xương

Tất cả mọi người trong Nhơn Nghĩa Đường đã làm việc chăm chỉ và ra biết bao mồ hôi xương máu cho vì sự phát triển của đoàn lân sư rồng trong nhiều năm, đồng thời phấn đấu để đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, thêm vinh quang và danh tiếng. Đặc biệt là võ sư Lưu Kiếm Xương, âm thầm truyền dạy võ thuật cho con cháu và đệ tử. May mắn thay, một số đệ tử đã mở chi nhánh của Nhơn Nghĩa Đường tại Úc, New Zealand, Pháp, Ý, Hoa Kỳ… để mở rộng sự kế thừa và phát triển võ thuật cho đoàn lân sư rồng. 

Trong nửa thế kỷ qua, cùng lúc phát triển Nhơn Nghĩa Đường, võ sư Lưu kiếm Xương cũng đã từng là chủ nhiệm Câu lạc bộ Lân sư rồng Quận 5 trong nhiều nhiệm kỳ. Trong nhiều thập kỷ qua, võ sư Lưu Kiếm Xương đã có nhiều đóng góp to lớn cho hoạt động lân sư rồng của thành phố. Trong 10 năm qua, Sư phụ Lưu Kiếm Xương đã giành được nhiều danh hiệu cao quý khác nhau từ chính phủ. Như: “Nghệ nhân dân gian” năm 2014, “Nghệ nhân ưu tú” năm 2016 và đạt danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” năm 2019. Ngoài ra, còn có các giải thưởng khác.   

Ngoài hoạt động biểu diễn múa lân sư rồng, võ sư Lưu Kiếm Xương còn có nhiều đóng góp cho y học, hiện ông là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Đông y TP.HCM, chủ tịch Hội Đông y quận 5. Năm 2019, võ sư Lưu Kiếm Xương được Bộ Y tế trao tặng danh hiệu “thầy thuốc mẫu mực”. 

Công việc văn hóa nghệ thuật là một hoạt động lao động cần cù. Nhưng mà, nếu không có sự hỗ trợ của một cộng đồng những người tâm huyết với văn hóa, nghệ thuật thì quả thật khó có thể duy trì và phát triển. Vì vậy, Nhơn Nghĩa Đường đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Ban trị sự các khoá và những người nhiệt tình trong xã hội suốt 85 năm qua, giúp cho đoàn phát triển mạnh mẽ. Sư phụ Lưu Kiếm Xương bày tỏ lòng biết ơn đến nhà nước và Chính phủ đã tặng thưởng và tạo điều kiện cho đoàn lân sư rồng hoạt động suôn sẻ; đồng thời, cũng cảm ơn tất cả những thành viên trong ban trị sự và cố vấn đã hỗ trợ thầm lặng và cống hiến quên mình trong suốt những năm qua.

Võ sư Lưu Kiếm Xương cho biết, trên hành trình hướng tới kỷ nguyên mới và những cột mốc mới, đoàn sẽ không chỉ bảo tồn các hoạt động và biểu diễn truyền thống mà còn tiếp tục đổi mới và nâng cao nghệ thuật cũng như trình độ múa r lân sư rồng, đồng thời biểu diễn những chương trình thú vị hơn, đặc sắc hơn; luyện tập chăm chỉ và Nâng cao trình độ cho các vận động viên tham gia thi đấu lân sư rồng quốc tế giành vinh quang về cho Tổ quốc. Hiện tại, đang có kế hoạch hồi sinh các chương trình đặc sắc của xếp chồng La Hán trận năm xưa.

Trải qua 84 năm thăng trầm, tuy Nhơn Nghĩa Đường không còn trẻ nữa, nhưng đoàn này là sự kế thừa và phát triển kiểu gia đình. Mang trong mình quá khứ, giờ đây đoàn đã là thế hệ thứ 4. Vẫn còn tràn đầy một sức trẻ đầy nhiệt huyết, khát vọng cao và dũng cảm leo lên đỉnh cao.

Từ khóa » đội Lân Nhân Nghĩa đường