Tính Cách Con Người Thể Hiện Qua Ngữ Điệu Của Lời Nói
Có thể bạn quan tâm
TÍNH CÁCH CON NGƯỜI
THỂ HIỆN QUA NGỮ ĐIỆU CỦA LỜI NÓIMinh Thùy
DẪN NHẬP
Từ xưa ông bà ta đã có kinh nghiệm nhìn diện mạo mà thăm dò tính cách của con người qua câu nói “xem mặt mà bắt hình dong”. Cũng từ nền tảng đó ngày nay nhiều nhà nghiên cứu tâm lý học cho rằng: tính cách của con người được thể hiện qua nhiều nét những biểu hiện bên ngoài khác nhau như: cử chỉ, nét mặt, dáng đi và đặc biệt là qua lời nói.
Bằng lời nói, con người thể hiện tính cách qua lớp từ người ấy sử dụng, qua các tầng ý nghĩa của lời, qua sự chọn lựa lời, qua phong cách và qua ngữ điệu của lời khi phát ngôn. Đề tài này được chọn nhằm giúp nhận diện tính cách của người đối thoại trong quá trình giao tiếp.
Đã có rất nhiều người nghiên cứu về vấn đề này, nhưng hoặc là họ nghiên cứu chuyên về “ngôn ngữ học” hoặc họ nghiên cứu chuyên về “tâm lí học”. Hầu như chưa có công trình nào liên kết hai ngành học này lại. Với tiểu luận này, tôi trình bày vấn đề dưới góc độ liên kết hai ngành khoa học này lại với nhau. Với ước mong tìm ra được câu trả lời mới cho đề tài đã chọn.
Trong giới hạn của đề tài, tôi xin đặc biệt chú trọng đến ngữ điệu lời nói, một trong những nét thể hiện tính cách con người. Các ví dụ cụ thể là những điều thường gặp trong cuộc sống, và những biểu hiện của các nhân vật chính trong tác phẩm “Nửa chừng xuân” của Khái Hưng. Đóng góp của đề tài góp phần ứng dụng trong ngôn ngữ giao tiếp, hoặc trong ứng xử về ngôn ngữ.
Kết cấu của đề tài gồm hai phần, một nhìn từ góc độ ngôn ngữ, một nhìn từ góc độ tâm lí, kết luận sẽ đưa ra một cái nhìn chung khi liên kết hai lãnh vực này với nhau, trong ngôn ngữ giao tiếp và tâm lý cuộc sống.
NỘI DUNG
I-Nhìn vấn đề từ hai bình diện riêng biệt : “tâm lý học” và “ngôn ngữ học”
1.1.Từ bình diện “Ngôn ngữ học”
1.1.1.Ngữ điệu([1])
Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học cho rằng sự thống nhất của một tập hợp phức tạp các thành tố có quan hệ tương tác lẫn nhau, bao gồm các yếu tố như: âm điệu, tiết tấu, cường độ, tốc độ nói, âm sắc, trọng âm logich, được sử dụng ở cấp độ câu làm phương tiện biểu thị ý nghĩa và phạm trù cú pháp, cũng như các sắc thái cảm xúc biểu cảm. Các thành tố đó gọi chung là ngữ điệu.
Ngữ điệu là phương tiện quan trọng hình thành phát ngôn (lời nói) và làm sáng tỏ ý của phát ngôn. Trong phát ngôn, ngữ điệu thực hiện các chức năng : phân biệt các kiểu thông báo, phân biệt các bộ phận của phát ngôn. Trong hàng loạt câu của chuỗi phát ngôn, ngữ điệu có khả năng giúp phân ra nhiều loại câu khác nhau. Trong tâm lý học ngữ điệu cũng góp phần về việc nhận diện tính cách của người phát ngôn, (dĩ nhiên nó thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau)
Ví dụ: như một người vợ nói với chồng “Sao anh về sớm thế” với giọng điệu bình thường, âm vực hơi tăng ở cuối câu, với phát ngôn này người nghe sẽ hiểu đó là câu hỏi. Nhưng cũng với phát ngôn “Sao anh về sớm thế” đó mà âm vực tăng ngay từ đầu rất cao, nói rời từng từ, thì đó không thể là một phát ngôn dùng để hỏi mà là dùng để mỉa mai thì đúng hơn.
1.1.1.1.Các phương diện của ngữ điệu
*Âm điệu : Âm hưởng uyển chuyển của chuỗi âm thanh lời nói được tạo nên nhờ sự sắp xếp theo một trật tự hợp lí các thành tố có cao độ âm thanh khác nhau cấu thành chuỗi đó.
*Tiết tấu (Rhythmós) : có nghĩa là tính nhịp nhàng, đều đặn, của đơn vị lời nói, được dùng để thực hiện các chức năng cấu trúc, cấu tạo văn bản và chức năng cảm xúc biểu cảm.
*Cường độ : là mức độ tăng hoặc giảm động tác thở ra, tức là độ mạnh hay yếu của sự phát âm trong khi cấu âm.
*Tốc độ lời nói : mức độ nhanh chậm khi phát âm một chuỗi âm thanh trên bình diện câu.
*Âm sắc : phẩm chất của âm thanh được xác định bởi mối tương quan phụ thuộc, hòa hợp giữa cao độ và cường độ của thanh chính và thanh phụ ở thanh đó.
Ví dụ : “Hôm nay nó về nhà” (nhấn mạnh hôm nay chứ không phải ngày mai), “Hôm nay nó về nhà” (nhấn mạnh nó chứ không phải ai khác), “Hôm nay nó về nhà” (Nhấn mạnh về nhà chứ không phải đi vắng).
1.1.1.2.Ngữ điệu của các câu
*Ngữ điệu của câu cảm thán (ngữ điệu câu than) : phát âm cao giọng hơn so với trong câu tường thuật, nhưng lại thấp giọng hơn so với câu hỏi.
*Ngữ điệu của câu cầu khiến (ngữ điệu câu mệnh lệnh) : mạnh và dứt khoát.
*Ngữ điệu kết thúc : ngắt cách dứt khoát.
*Ngữ điệu liệt kê : bằng và nhấn từng phần liệt kê có tính cách bằng nhau.
*Ngữ điệu câu hỏi : ngữ điệu nâng cao giọng ở từ muốn hỏi.
Ví dụ : Cùng một phát ngôn “đẹp nhỉ” nhưng với ngữ điệu khác nhau sẽ tạo nhiều lớp ngữ nghĩa khác nhau. Nếu nói với âm vực vừa phải, trọng âm logich 1-1, sẽ là một nhận định ; nhưng nếu âm vực tăng ở cuối câu, và trọng âm logich 0 -1 sẽ là câu hỏi ; và nếu âm vực tăng trong toàn bộ phát ngôn, trọng âm logich 0 -1, và kéo dài phần cuối của phát âm sẽ là một phát ngôn mang nghĩa ngược lại, tức (không đẹp).
1.1.2.Lời nói([2])
Lời nói là hoạt động nói năng của người sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện giao tiếp với các thành viên khác trong cộng đồng ngôn ngữ là hình thức tồn tại của ngôn ngữ. Trong hoạt động này lời nói là hành động của cá nhân, có tính chất nhất thời và luôn đổi mới. Nếu coi ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu tồn tại trong bộ óc của những người cùng nói một thứ tiếng, là một cái mã chung cho cả cộng đồng ngôn ngữ thì lời nói là sự vận dụng cái mã này của người nói và là cái biểu hiện cụ thể của hệ thống ký hiệu tiềm ẩn trong bộ óc của từng người. Có những điểm chung, nhưng cũng có những biểu hiện riêng của từng nhân cách.
Lời nói là phương tiện tồn tại của ngôn ngữ. Lời nói là cái cần thiết để cho ngôn ngữ xác lập và phát triển. Tính đa dạng, tính tự do sáng tạo của lời nói làm cho ngôn ngữ trở thành một công cụ tinh vi, tế nhị để diễn đạt mọi tư tưởng tình cảm của con người trong những hoàn cảnh rất khác nhau.
Có bốn kiểu lời nói: lời nói bên ngoài, lời nói bên trong, lời nói gián tiếp, lời nói trực tiếp. Trong giới hạn của đề tài chỉ chú ý đến lời nói trực tiếp của người truyền đạt dưới dạng một câu độc lập, hoặc những câu độc lập trong cùng một chu cảnh.
1.2.Từ bình diện “Tâm lý học”
. 1.1.3. Tính cách([3]):
Là những phẩm chất chung của nhân cách, là tập hợp không phải là tất cả, mà chỉ những đặc điểm điển hình nhất của nhân cách ở trong mối liên hệ rất chặt chẽ. Biểu hiện của tính cách là thái độ đối với cuộc sống. Đặc điểm của tính cách là thuộc tính nhất định đại diện cho một cá nhân, giúp ta phân biệt cá nhân này với hàng loạt cá nhân khác không có thuộc tính ấy; và cùng với hàng loạt những cá nhân khác cũng có những thuộc tính ấy, thì ta có những tính cách giống nhau, trên những cá nhân khác nhau.
Nhà tâm lý B.M. Cheplốp đã viết: "Tính cách biểu thị một tập hợp những thuộc tính tâm lý trụ cột của con người, chúng ghi lại dấu ấn trên tất cả mọi hành vi và hoạt động của con người.” Vì thế có người nói tính cách là bộ khung của nhân cách. Tính cách bao gồm những đặc điểm bản chất nhất của nhân cách.
Tính cách có tính chất ổn định, nhưng không phải là nhất thành bất biến nó có qúa trình hình thành và phát triển. Các nhà tâm lý học cho rằng tính cách không phải được hình thành dưới từng nét riêng lẻ mà phải hình thành nó dưới dạng phức hợp nhiều tính cách gắn bó với nhau.
2/ Nhìn vấn đề trên phương diện “ngôn ngữ tâm lý học”
Như phần trên nhà tâm lý học Cheplốp đã cho thấy: “Tính cách biểu thị một tập hợp những thuộc tính tâm lý trụ cột của con người, chúng ghi lại dấu ấn trên tất cả mọi hành vi và hoạt động của con người”. Như thế hiển nhiên tính cách sẽ biểu hiện qua lời nói, trên mọi lãnh vực của lời nói: từ ngữ nghĩa, lớp từ vựng, cho đến ngữ điệu. Mặt khác “lời nói là một công cụ tinh vi, tế nhị diễn đạt mọi tư tưởng tình cảm của con người trong những tình cảnh khác nhau.” Như vậy ta có thể khẳng định một điều như những nhà tâm lý học rằng: ngữ điệu lời nói là phương tiện thể hiện tính cách.
2.1.Ông cha ta đã nhìn nhận vấn đề qua tục ngữ, ca dao, dân ca và một vài đúc kết qua các thành ngữ ([4])
Tục ngữ, ca dao, dân ca là những kinh nghiệm sống của con người trải qua thời gian dài, nó được tích tụ như là quy luật sống: cứ biểu hiện này là phải kéo theo biểu hiện tương hợp kia, thường là bất di bất dịch, chỉ có một vài trường hợp đặc biệt mới có biểu hiện khác đi mà thôi. Còn thành ngữ là một trong những câu nói có nghĩa đen là thế này nhưng nghĩa bóng của nó lại ám chỉ một điều gì đó, một vài thành ngữ ví dụ sau cũng biểu hiện hàm ý nói về điều đã được cảm nhận “tính cách con người thể hiện qua ngữ điệu lời nói”.
2.1.1.Trước hết nói về tục ngữ, ca dao, dân ca
Ông bà ta thường dạy con cháu rằng
"Người thanh tiếng nói cũng thanh,
Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu".
hoặc
"Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe".
Điều này muốn nói lên một người có tính cách thanh nhã nhẹ nhàng, tất yếu giọng nói của họ cũng thanh thanh dễ nghe, thật khó tìm một giọng nói ngọt ngào nơi một người có tính cách dữ tợn. Quả thật tính cách của một người biểu thị qua giọng nói. Đó là về phương diện người phát ngôn nhưng về phương diện người thụ ngôn tính cách đón nhận của họ cũng chịu ảnh hưởng của ngữ điệu lời nói, biểu hiện qua câu tục ngữ thứ hai, “chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu”, “người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe" có nghĩa là người có tính cách nhạy bén tốt thì chỉ cần nói nhẹ cũng biết đón nhận và nếu họ có phải đóng vai truyền đạt thông tin thì họ cũng không cần gì phải to tiếng mà lời nói của họ tất yếu sẽ nhỏ nhẹ, ngọt ngào thanh thoát như mật rót vào lòng người nghe vậy.
“Hoa thơm ai nỡ bỏ rơi,
Người khôn ai nói nặng lời làm chi".
Hoặc "Kim vàng ai nỡ uốn câu,
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời".
Ở đây ông bà ta cho thấy, những người có tính cách khôn ngoan luôn biết làm chủ ngữ điệu lời nói của mình, không khi nào buông ra một lời mà mình không kiểm soát được. Đó là về phía người phát ngôn; nhưng về phía người thụ ngôn, nếu tính cách người ấy qủa thật khôn ngoan thì lẽ tất nhiên họ xứng đáng nhận được những lời nói không bao giờ có ngữ điệu “nặng nề”. Người khôn biết lựa ngữ điệu trong mọi tình huống giao tiếp của mình.
"Người khôn không nỡ roi đòn,
Một lời nhè nhẹ hãy còn đắng cay".
Cho thấy tác động của một câu nói nhẹ nhàng thật hữu hiệu, và như vậy chỉ những người có tính cách hoàn hảo mới biết dùng hết hiệu quả của nó mà thôi. Đâu cần phải to tiếng, thét lên mới thu phục được lòng người, mà chỉ cần nói nhẹ nhàng… càng nhẹ nhàng càng thấm thía.
"Lọ là thét mắng mới nên,
Một lời siết cạnh bằng nghìn roi song.
Roi song đánh đoạn thì thôi,
Một lời siết cạnh, muôn đời chẳng quên".
“Một lời siết cạnh” là một lời biết sử dụng đúng chức năng đúng tác động của nó, biết nhấn đúng ngữ điệu, biết nhấn đúng trọng âm. Một người vợ hỏi chồng “hôm nay anh về sớm thế?” mà nhấn sai ngữ điệu, sai trọng âm thì quả thật là phản tác dụng. Một người nói với bạn mình “bữa tiệc hôm nay vui quá” mà nhấn sai ngữ điệu sai trọng âm thì hàm ý cho thấy không phải bữa tiệc vui mà là ngược lại. Ví dụ một người mẹ quát mắng con: “Tao nói mày không nghe à”, với một người mẹ nói nhẹ nhàng: “Con nên coi lại, con làm như thế có đúng không ?”. Chắc chắn phát ngôn thứ hai này sẽ thu phục được lòng những đứa con hơn là phát ngôn đầu.
Như vậy ngữ điệu của lời nói thật quan trọng, nó có tác dụng làm cho phát ngôn được tiếp nhận cách trọn vẹn hoặc phát ngôn bị hủy bỏ hoàn toàn kèm theo hậu quả tai hại của nó, ông bà ta đã chẳng nói thêm rằng:
"Một lời nói quan tiền thúng thóc,
Một lời nói, dùi đục cẳng tay".
Đây là một nhận định về cách sử dụng lời nói, có thể trên bề mặt nghĩa, có thể trên bình diện ngữ điệu, cũng một nội dung lời nói nhưng cách nói này sẽ tốt hơn cách noí kia. Nếu có phản ứng về một câu nói thì người nghe dường như nhanh nhạy với ngữ điệu hơn, trước khi từ từ cảm nhận hết về mặt ngữ nghĩa của nó. Như thế một tính cách hoàn hảo không nên quên sử dụng thuần thục cách phát ngôn có ngữ điệu hợp lý. Hoặc trong một bối cảnh khác ông bà ta đã nói :
"Đàn ông rộng miệng thì tài,
Đàn bà rộng miệng điếc tai láng giềng".
Từ “rộng miệng” ở đây không phải là cái hình dáng bên ngoài cái miệng của một người, nhưng là âm vực của người ấy, một người đàn bà “rộng miệng” mà câu tục ngữ ám chỉ với tất cả hàm ý xấu của nó, rằng bà ta ăn nói to quá chẳng nhỏ nhẹ, chẳng dịu dàng chút nào, chứ không phải bà ta có cái miệng rộng. Như thế tính cách của người phụ nữ xưa nay thể hiện qua lời nói tất yếu phải là nhỏ nhẹ dễ nghe. Và như cửa nhà tan hoang khi có người đàn bà “rộng miệng”, thì chắc hẳn sẽ chẳng có hạnh phúc khi trong nhà có một người đàn bà mang ngữ điệu theo kiểu “rộng miệng” cả.
“Chim khôn chết mệt vì mồi,
Người khôn chết mệt về lời nhỏ to”.
“Lời nhỏ to” ấy chính là lời hiệu quả mạnh mẽ xét trên mặt ngữ điệu, làm lung lay cả người xem ra rất khôn. Tâm lý thông thường khi muốn nhờ vả ai, muốn góp ý ai, muốn trút tâm hồn cho ai thì ngữ điệu thích hợp nhất ắt hẳn phải là ngữ điệu của “lời nhỏ to” lời của người có tính cách khôn ngoan mới thu phục được chính người thụ ngôn cũng thật khôn ngoan.
Như vậy từ xưa lắm rồi, ông bà ta đã có kinh nghiệm về ngữ điệu lời nói của con người nó bộc lộ tính cách của người ấy. Quan niệm của người xưa chưa có thuật ngữ “ngữ điệu” của ngôn ngữ học nhưng thường họ hay đồng nhất nó với giọng nói, giọng nói được dùng làm phương tiện cho con người biểu thị tính cách của mình. Tính cách nào có giọng nói ấy:
“Anh đà có vợ con chưa,
Mà sao anh nói gió đưa ngọt ngào”.
2.1.2.Bên cạnh đó ta cũng thấy xuất hiện một vài câu thành ngữ có nghĩa ám chỉ tính cách con người thể hiện trên ngữ điệu lời nói như: mặc dù chưa biết người ấy làm sao nhưng nghe giọng “nói như chim hót” hoặc là giọng “nói như dùi vào tai”, “nói như dùi đục chấm mắm nêm”, “nói bấc nói chì”, “nói dẻo như kẹo”… thì đoán biết được tính cách người ấy thế nào. Tất nhiên với câu nói “nói như chim hót” thì không thể gán cho một người có tính cách xấu xa, thô bỉ và với câu nói “nói như dùi vào tai”, “nói như dùi đục chấm mắm nêm” thì không thể nào gán cho một người có tính cách thanh lịch, nhẹ nhàng, tao nhã. Cũng thế một người có kiểu nói “vòng vo tam quốc” không phải là một người có tính cách chân thật, lời nói và tâm hồn người ấy không thể là một. Một người “nói dẻo như kẹo” không phải là một người vụng về, tính cách của họ ắt hẳn phải là khôn ngoan, lanh lợi, khéo léo lắm mới nói được như thế. Một người không biết sử dụng chức năng của ngữ điệu lời nói thì không thể khai thác được hết tác dụng của nó trên người thụ ngôn.
2.2.Các nhà tâm lý học với hai cách tiếp cận vấn đề
* Một là tính cách con người thể hiện qua ngữ điệu lời nói.
*Hai là ngữ điệu lời nói là phương diện con người có thể nhận diện tính cách.
Với hai cách tiếp cận này có thể gây hiểu lầm rằng hai mặt của vấn đề có phần tách biệt nhau, nhưng thực tế trong bản chất chúng là một vấn đề, hoặc ta nhìn từ bình diện ngôn ngữ đến bình diện tâm lý, hoặc ta nhìn từ bình tâm lý đến bình diện ngôn ngữ, nhưng hai mặt của vấn đề sẽ được sáng tỏ nếu nhìn trong toàn bộ mối quan hệ giữa tâm lý học và ngôn ngữ học, nói cách khác là nhìn vấn đề dưới góc độ một ngành khoa học nghiên cứu “ngôn ngữ tâm lý học”. Với ngành khoa học này ta nhìn vấn đề tâm lý học và ngôn ngữ học như là một chỉnh thể không có khả năng tách rời. Nếu trong khi nghiên cứu có thể tách để thấy vấn đề cho rõ ràng hơn, thì ta nên tách hoặc chỗ nào gộp lại để vấn đề sáng hơn thì ta gộp lại để tránh lập đi lập lại cách nhàm chán.
Cũng phải nói ở đây rằng, nghiên cứu này chỉ muốn đưa ra hiện tượng tâm lý phổ biến rất thường gặp mà mọi người thấy dường như đó là quy luật, là một điều thường xuyên thể hiện nơi mỗi tính cách chứ không phải là ngữ điệu của từng câu riêng lẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những quy luật phổ biến đó không phải không có những trường hợp dị biệt. Và như vậy việc nghiên cứu này không có ý cào bằng tất cả các ngữ điệu của mọi người khi nói… nhưng như đã nói trên đó là những điều thường gặp dường như đã thành quy luật mà thôi. Mặt khác nhiều những khi muốn giải mã hàm ý giọng điệu (ngữ điệu) nào đó, cần phải dựa vào hoàn cảnh trò chuyện (ngữ cảnh) và thói quen đặc trưng ngôn ngữ mà từng đối phương thường sử dụng, hoặc đặc trưng các yếu tố văn hoá địa phương mà người ấy đã chịu ảnh hưởng, không nên tách chúng ra thành một đối tượng khảo cứu riêng biệt làm giảm mất hiệu lực của nó.
2.2.1.Tính cách thể hiện qua ngữ điệu lời nói.
Ngữ điệu lời nói như: âm điệu, tốc độ, giọng cao thấp, lớn nhỏ, ngắt quãng khi nói.v.v. thông thường nó đều mang một ý nghĩa nhất định. Cùng một câu nói, nếu có những ngữ điệu khác nhau sẽ có những hàm ý khác nhau. Đó là xét trên bình diện phát ngôn tùy ngữ cảnh mà người nói chọn lựa ngữ điệu cho phù hợp, nhưng nếu đứng trên bình diện tính cách ta thấy, có những người với tính cách riêng luôn luôn sử dụng một loại ngữ điệu gần như cho toàn bộ các phát ngôn của họ, đó không còn là ngữ cảnh của phát ngôn nữa mà là khí chất của người đó. Nói đúng hơn đó là nét đặc trưng về tính cách của người đó.
+Người nóng tính
Tất nhiên ngữ điệu của họ không thể là từ từ chậm rãi, cũng không thể là nhỏ nhẹ, mà hầu như trong toàn bộ phát ngôn họ cảm thấy không thể nói chậm và nhỏ được. Đối diện với một vấn đề họ phải nói ngay, nói to, dằn từng từ. Ví dụ như: Một người hễ hỏi đến họ bất cứ vấn đề gì họ đều lớn tiếng, nói nhanh, và có những cử chỉ phù hợp đi kèm theo. Một người mẹ nhờ đứa bé lấy cho cái ly, nó vung tay và nói lớn “đã nói không là không”. Dĩ nhiên khí chất, và thuộc tính của tính cách của cậu bé này là quá nóng tính hơn bình thường.
Trong tác phẩm “Nửa chừng xuân” nhân vật bà Phán là một nhân vật “nóng tính” biểu hiện qua ngữ điệu lời nói của bà rất rõ nét. Trong đoạn chị Loan đi thăm con ở bệnh viện về chị muốn tránh bà để khỏi phải trả lời bà về hiện trạng của con, nhưng bà Phán gọi giật lại : “thế nào mợ” … “mợ cả” … “thế nào mợ bảo mợ vừa đi thăm con mợ về có phải không”… “Người ta chữa ! Chữa giết con người ta như thế à”… “Bây giờ mợ nghĩ sao?” … “à, Mợ nhất định”… “Ai hành hạ nó, ai giết nó hở con kia”. Qua các câu nói của bà Phán thì qủa bà không phải là người dịu dàng mà là người rất nóng tính, cứ những câu nói này thì ngữ điệu không thể là nhỏ, mà là to, rõ ràng, nói đay từng lời.
+Người ôn hòa
Ngược lại với người nóng tính, người ôn hoà thường vừa nói vừa nghe đối phương, tốc độ lời nói thường đều đều, âm vực lời nói không qúa to cũng không lí nhí trong cổ họng. Mỗi lời nói của họ dường như đã được kiểm duyệt kỹ lưỡng trước khi phát ra.
Thấy một người đến nhà mắng vốn vì của chị A đã ném đá lên mái tôn nhà họ. Chị A là người ôn hoà với một ngữ điệu tha thiết : “Chị đừng giận để em về em dạy cháu, con em em biết mà, nghịch lắm”. Nhưng một người thiếu ôn hoà sẽ lên giọng ngay câu nói “con em em biết mà”, hàm ý toàn bộ câu nói và ngữ cảnh sẽ đổi khác hoàn toàn. Nghĩa của câu khác đi do đổi ngữ điệu khác đi.
Nhân vật Loan trong “nửa chừng xuân” cho thấy đó là một nhân vật hiếu hoà biểu hiện rõ nét qua ngữ điệu lời nói của chị. Cũng trong bối cảnh từ bệnh viện về, mặc dù rất đau lòng trong tình cảnh đau đớn của con nhưng chị vẫn làm chủ giọng nói của mình cách rất ôn hoà “Thưa mẹ không việc gì, Thầy thuốc bảo phải hai ba hôm nữa mới biết được”… “biết bao lâu thì có thể… khỏi hẳn được”… “Thưa mẹ vâng có việc gì cơ ạ”…
+Người khôn ngoan khéo léo
Tất nhiên ngữ điệu lời nói của họ phải là ngọt ngào, tiết tấu nhịp nhàng, âm vực vừa đủ, họ biết nhấn mạnh trọng âm, không phải họ thuần thục trên phương diện ngôn ngữ, nhưng tính cách của họ đã tạo cho họ có cách thể hiện như trên. Cũng như tính cách được giáo dục, thì việc sử dụng phát ngôn của họ cũng cần được giáo dục, nếu họ không được trời phú cho một giọng điệu bẩm sinh, thì do học hỏi tích lũy, họ sẽ có nhiều biểu hiện của một tính cách khôn khéo trong việc sử dụng ngữ điệu lời nói.
Ví dụ như: chồng nói với vợ “Anh hiểu mà, đừng trách nữa, rồi mọi chuyện sẽ qua…” Cứ ngữ điệu trầm ấm, uyển chuyển và khéo léo ấy họ rót vào tai người nghe một sự hài lòng, cho dù người nghe có phải khó khăn lắm mới đón nhận được hiện thực.
+Người thiếu tự tin và hay mặc cảm tự ti
Trước mọi người, mẫu người này nói rất nhỏ, lí nhí trong cổ họng. Nếu họ phải nói chuyện với những người có điạ vị cao, có học thức, có điều kiện kinh tế cao hơn họ thì họ càng có khuynh hướng nói nhỏ đi, và có dáng vẻ nuốt lời.
+Người đơn sơ, hoạt bát, cởi mở
Giọng nói của họ sẽ to, đều, rõ ràng, khoáng đạt, không nghe một chất ẩn khuất u ám nào. Tất nhiên ngữ điệu này khi đi vào nghiên cứu kỹ lưỡng dĩ nhiên sẽ có khác biệt với giọng nói to của một người nhẹ dạ, nói cách nôm na là "phỗng".
+Người không thật thà
Thường nói lắp bắp, nhanh, nhưng nhỏ; điều lắp bắp là thể hiện sự không thật thà, còn nói nhanh và nói nhỏ là đang che đậy sự không thật thà ấy. Ngữ điệu của người không thật thà thường như nấc cục, bởi vừa nói vừa phải ứng biến với vấn đề. Ví dụ : Một đứa bé vừa mới ăn vụng, nó không biết rằng mẹ đã nhìn thấy, mẹ hỏi “con làm gì thế” câu trả lời sẽ là “con … con đang … à không có gì đâu mẹ”.
Trong “nửa chừng xuân” khi Loan phải nói dối mẹ chồng về bệnh tình của con mình, chị đã thể hiện bằng giọng điệu ấp úng, cho ta có cảm nhận chị đang nói dối: “Bẩm, biết bao lâu thì có thể … khỏi hẳn được”, “lúc tôi về thì nó tỉnh hẳn … tôi tưởng”. Đây không phải là tính cách đặc trưng của nhân vật Loan, nhưng ngữ điệu thể hiện sự nói dối của chị trong hoàn cảnh này cho thấy chị là người phụ nữ khôn khéo, biết nói dối đúng tình huống. Ở đây xin không chú trọng đến tất cả biểu thị của nhân vật mà chỉ chú ý đến ngữ điệu của lời nói nếu trong trường hợp nói như thế thì thể hiện tính cách gì mà thôi.
+Người tự thể hiện mình
Giọng nói thay đổi ngữ điệu liên tục, có khi là sự thuần thục trong việc phát ngôn, nhưng trong một vài trường hợp nói mà thay đổi ngữ điệu liên tục là hình thức giả, họ cố làm ra vẻ huyễn hoặc, đang cố tạo ấn tượng cho đối phương, nói bằng một từ không được hay lắm là họ đang "nổ". Đó là hai tính cách thể hiện mình, một sự thể hiện mình cách thật thà, còn sự thể hiện kia là sự thể hiện bằng vỏ bọc giả.
Nhìn cách khái quát vấn đề, có rất nhiều tính cách trong cuộc sống, mỗi tính cách ảnh hưởng lên lời nói một cách khác nhau, mỗi tính cách có một cách thể hiện khác nhau. Tính cách nào thì đi kèm cách phát ngôn ấy. Khó lòng mà tìm thấy một tính cách xấu trong phát ngôn chuẩn, ngữ điệu ngọt ngào và cũng khó lòng tìm thấy một tính cách tốt trong một phát ngôn mà ngữ điệu lệch chuẩn. Về điều này quan sát các nhân vật trong phim hoặc các nhân vật trong cốt truyện, ta thấy tính cách của nhân vật ấy qúa xấu xa mà bắt đầu đổi giọng điệu ngọt ngào thì ta thấy ngay lập tức sau đó là sự lừa đảo, mưu chước, lừa gạt.
2.2.2.Nghe ngữ điệu lời nói để đoán tính cách một người.
Ta đưa ra một ví dụ như khi ai đó nói câu “Anh làm gì đó”, nếu nói với giọng bình thường cho thấy chỉ là hỏi thăm đối phương không có hàm ý khác ; nếu dừng lại sau từ “anh” một lát, còn “làm gì đó” nói một cách chậm rãi, thì câu nói rõ ràng pha sự bất mãn; nếu nói nặng từ “anh”, nói nhanh câu “làm gì đó” thì hoàn toàn bộc lộ sự phẫn nộ của đối phương. Nhưng những ví dụ này chỉ nằm trên bình diện câu nói thường ngày ngữ điệu có thể thay đổi tùy lúc. Xét tính cách ta thường phải xét những biểu hiện ổn định, chắc chắn, thường là trong mọi hoàn cảnh phát ngôn của người ấy.
Có một điều khó khăn là : người ta có thể làm rõ ý nghĩa của mặt từ, ngữ mà người ta lại thật khó hiểu hết ý nghĩa của giọng điệu, hoặc mỗi người hiểu theo một cách; nhưng ngược lại người ta dễ dàng nhạy cảm với giọng điệu cách mau lẹ hơn là với các tầng ý nghĩa của lời. Ví dụ như sự dừng câu: đối với một số người thì sự dừng đó tượng trưng cho việc “nhấn mạnh”, nhưng với một số người khác thì sự dừng câu như thế biểu thị sự “không dám khẳng định", ở cách tiếp cận nào thì dừng câu cũng được người ta tiếp nhận trước khi tiếp nhận nghĩa của toàn bộ câu. Theo nhà tâm lý học Khúc Nguyên và Thuyết Nguyên[5] tốc độ, âm vực, trường độ, cường độ lời nói có quan hệ rất lớn với tính cách người nói. Trong một số trường hợp tốc độ phản ánh rõ nét tính cách, thái độ của người nói.
+Nói nhanh
Người nói nhanh thường hay nóng tính. Một vài trường hợp khác người nói nhanh biểu thị tính tình hoạt bát, nhanh nhẹn. Người nói nhanh hàm ý mình nắm vấn đề rất chu đáo, kỹ và tự tin, là người nói giỏi, người ưa thích tranh luận muốn biểu lộ cho người khác thấy mình tài trong ăn nói nhưng ngược lại cũng có trường hợp nói nhanh vì chưa tự tin, tăng tốc độ để bớt áp lực tâm lý, tăng tốc độ để choán hết thời gian suy nghĩ của đối phương, che bớt nhược điểm của mình. Trên bình diện lời nói bình thường, một vài trường hợp nói nhanh cho thấy dối tượng nói nhanh ấy đang nói dối. Nói nhanh về ngữ điệu đồng thời cũng nhanh về sự chuyển ý lộn xộn từ vấn đề này qua vấn đề khác.
Ví dụ: Một em bé trốn học đi chơi bị mẹ hỏi “sao đi học về sớm thế”, qủa thật ngữ điệu của mẹ cũng chỉ là ngữ điệu của câu hỏi, nhưng vì đứa bé ấy nói dối, nên nó tiếp nhận thông tin của mẹ nó, nó sẽ lúng túng như là một lời trách hoặc (mỉa mai) và nó trả lời rất nhanh “con đi học, hôm nay ngoài đường có chuyện gì mà người ta đông lắm mẹ ạ” khiến ta cảm thấy rằng nó đang sắp đặt lời nói, câu nói nhanh dần và thường càng nhỏ dần về cuối.
+Nói chậm
Người nói chậm là người có đặc trưng sống nội tâm, họ thường kém tài ăn nói, nên nói chậm để che bớt nhược điểm. Mỗi lần nói thường họ suy nghĩ kỹ càng, dễ bày tỏ đúng ý kiến của mình, tốc độ nói chậm giúp họ suy nghĩ được nhiều hơn. Người nói chậm cũng thường biểu lộ tính cách của người cẩn thận cân nhắc suy nghĩ nhiều mới nói. Tư duy chậm thì hành động thường cũng có phản ứng chậm.
Cũng theo như hai tác giả này thì có thể họ đang có bất mãn trong lòng, họ đang bất mãn với người đối diện. Trong trường hợp này nếu lưu ý ta sẽ thấy khi hai người cãi nhau mà không có tình huống nói chuyện ào ào mà nói từng lời đứt đoạn dứt khoát, thì phải biết rằng họ rất cẩn thận trong từng lời họ dùng để làm tê liệt đối phương.
+Nói to
Trong giao tiếp ngôn ngữ, đôi khi cần phải điều chỉnh âm thanh theo từng ngữ cảnh, để tránh làm phiền người khác và tránh hiểu lầm, nhưng có một số người do tính cách quy định nên lúc nào cũng nói to. Người nói to thường có tích cách hướng ngoại, phóng khoáng dễ cởi mở.
Nét đặc biệt là họ suy nghĩ đơn giản, tư tưởng đơn giản, ít biết ứng xử trong những tình huống phức tạp. Gặp một người quen mà họ chào hỏi rộn rã, ta nhận thấy tính cách của họ dễ bộc lộ, có sao nói vậy; nhưng ngược lại một người lúc nào cũng có vẻ bí ẩn thầm kín qua giọng nói không thoát khỏi cổ, trong giao tiếp ta thấy loại người này có tính cách vô cùng khó hiểu.
Một người mà nói to mọi nơi mọi lúc qủa là người thiếu tế nhị, thường dễ xã giao bên ngoài nhưng ít có một người bạn tâm huyết. Một người mà bình thường có giọng nói ổn định âm thanh vưà phải dễ nghe nhưng bỗng nói to tiếng ắt hẳn là người ấy đang tức giận, đang muốn nhấn điều mình nói cho đối phương có vẻ lơ đãng.
Người nói to ít tính mềm dẻo cần thiết, không biết quan sát những bí mật của người khác khi giao tiếp, chỉ biết tiếp xúc với phong cách và thói quen cố định của mình. Nói to dễ gây cảm giác cãi lộn, bực tức. Một người luôn hoà nhã mà hôm nay lên giọng to tiếng ắt hẳn là người ấy phải đang có chuyện bực tức lắm. Tính cách của người ấy sẽ là tức giận, nhưng hiện tượng này không phải là thường xuyên và ổn định nhưng là hiện tượng nhất thời.
Trong tác phẩm “nửa chừng xuân” nhân vật của cô Bích con gái bà Phán là nhân vật có ngữ điệu này, lúc nào cũng có vẻ chua chát, nói to giọng, day day câu nói cách đay nghiến, cũng trong bối cảnh chị Loan từ bệnh viện về và cô ấy cũng từ bệnh viện về : “Tôi vừa đi thăm cháu về” … “Thế mà chị dám nói với mẹ là cháu không việc gì”… “Tôi thì tôi cho là chỉ nội đêm nay, hay qúa lắm là sáng mai…”… “Không biết họ làm ăn ra sao”…
+Nói nhỏ nhẹ
Thường là người hướng nội, biết dùng lời "người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe", biết sử dụng ngữ điệu cho đúng ngữ cảnh thật là người khôn ngoan. Nhưng nếu là nhỏ lí nhí, thì đó lại là biểu hiện của tính cách khác. Người nói nhỏ qúa thường ít tự tin, có mặc cảm tự ti. Người nói qúa nhỏ là người ít thành thục trong giao tiếp, ưa dựa vào người khác.
Một câu nói mà cứ nhỏ dần về phiá đuôi làm cho ta có cảm giác người phát ngôn ấy không khoẻ mạnh; nhưng nếu một chuỗi những phát ngôn liên tục mà cứ nhỏ dần nhỏ dần cho ta hiểu người đó ít có tính bền vững và bỏ dở dang công việc.
Người nói qúa nhỏ cũng là người thiếu chín chắn về mặt tâm lý, thường những người này lớn lên bởi sự chăm sóc rất ân cần của mẹ, lúc còn nhỏ mẹ luôn là người phát ngôn thay họ, khi lớn lên họ không tự tin nếu không có mẹ, họ thiếu chín chắn về tâm lý, phát ngôn ngữ điệu khôn tự tin yếu ớt…
+Nói to nhỏ thất thường
Nếu không phải là nội dung của phát ngôn đòi hỏi lúc to lúc nhỏ mới diễn tả hết ý nghĩa của phát ngôn, mà người nói trong mọi lời nói của mình đều to nhỏ thất thường mà không diễn tả gì thì qủa thật là tính cách thất thường của người ấy được bộc lộ hoặc đôi khi người ấy có sự không bình thường về tâm lý.
+Nói ở âm vực cao (đay nghiến)
Một người lúc nào giọng nói cũng the thé, the thé, thì đó không phải là người hiền. Rất ít khi thấy những người có những phát ngôn ở âm vực cao chọn nội dung thông tin mang tính “dễ lọt tai”. Ví dụ như “Mày đi học về rồi đấy hả con kia”, “còn không biết quét nhà, tắm rửa, thu dọn đi mà cứ ngồi ì ra đấy”, “tao mà đứng dậy, tao phang cho mỗi đứa mấy cán chổi đó nha” nguyên giọng điệu cứ the thé, lanh lảnh, to, và vang như thế của một người đàn bà “chua chát, dữ tợn” với các con của mình. Cứ y như là chuyện thằng Chí Phèo của Nam Cao đang cào mặt ra mà chửi trời chửi đất, chửi cái làng Vũ Đại, chửi người đẻ ra hắn .v.v… vậy.
+Nói giọng trầm ấm:
Người nói giọng trầm ấm có thể dễ gây thiện cảm, dễ thu phục lòng người. Lời họ nói là lời rót vào tai, là lời thủ thỉ tâm sự bí quyết chính của họ là gây nghệ thuật cảm tình, là cách thu phục lòng người bằng chính sự chân thành của họ.
Giọng nói của ông Phán cũng trong ngữ cảnh Loan đi bệnh viện về đang bị hai mẹ con bà Phán gây hấn, ông nói chỉ một câu trong lúc này nhưng với ngữ điệu trầm ấm của ông, người đọc dành cho ông một tình cảm qúy mến về tính cách của ông : “Chữa tuốc tây phải kiên tâm mới có công hiệu”.
+Nói lên bổng xuống trầm
Người có phát ngôn này thường là ngững người làm trong đài phát thanh, trên truyền hình, hay đóng kịch trên sân khấu. Một người bình thường mà có ngữ điệu lời nói kiểu này thường họ thể hiện mình cách rất tự tin, muốn cho người khác thấy rằng mình có bẩmtính cao siêu hơn người khác. Nếu qủa thật họ không có những điều ấy, thì họ đang tạo cảm giác giả cho người thụ ngôn.
*Một vài yếu tố ảnh hưởng đến ngữ điệu lời nói.
Tính cách của một người thể hiện trên ngữ điệu của lời nói người ấy nhưng bên cạnh cũng có một vài yếu tố không phải là biểu hiện của tính cách cũng ảnh hưởng trên ngữ điệu của lời nói. Một người mới lao động mệt nhọc (yếu tố ngoại cảnh), dĩ nhiên là lời nói không được đều đặn, mà lúc to lúc nhỏ, đức khúc theo từng hơi thở của họ. Cũng có những người từ bẩm sinh ngữ điệu lời nói của họ đã như thế, cũng phải nói lại điều đã nói ở trên rằng nét thể hiện tính cách có thể giáo dục được, trừ những người cố giữ nét bẩm sinh mà không chịu thay đổi ngữ điệu lời nói của mình mà thôi.
KẾT LUẬN
Ngôn ngữ và tâm lý có liên hệ mật thiết với nhau: ngôn ngữ thể hiện tâm lý, tâm lý được nhận biết qua ngôn ngữ.
Các nhà khoa học có thể liên kết hai ngành này, hỗ trợ với nhau về mặt ứng dụng. Tuy nhiên, cũng có thể nghiên cứu nhiều lãnh vực khác của ngôn ngữ ảnh hưởng đến tâm lý của con người như : lớp từ người ấy sử dụng, cách diễn tả câu, và các trích dẫn khi người ấy sử dụng trong các văn bản của mình.
Từ khóa » Nói Nhanh Thể Hiện điều Gì
-
Nghe Giọng Nói đoán Tính Cách Vận Mệnh Con Người
-
Những Người Nói Nhanh Và Chậm đều Cùng Chia Sẻ được Một Lượng ...
-
ĐOÁN TÍNH CÁCH CON NGƯỜI QUA GIỌNG NÓI VÀ NỤ CƯỜI
-
Bao điều Thể Hiện Qua Giọng Nói
-
'Ngôn Từ Làm Bộc Lộ Tính Cách Con Người' - BBC News Tiếng Việt
-
Cao Nhân Dạy: Tướng Sang Hay Hèn, Nghe Giọng Nói Là Biết
-
Khám 3 Kiểu Tính Cách Qua 3 Giọng Nói
-
6 Bí Quyết Giao Tiếp Giúp Bạn Khắc Phục Thói Quen Nói Nhanh
-
Giọng Nói Phần Nào Phản ánh Tính Cách Con Người Bạn
-
13 Dấu Hiệu Tuy Nhỏ Nhưng Lại Nói Lên Rất Nhiều điều Về Con Người Bạn
-
Kỹ Thuật điều Khiển Giọng Nói Trong Giao Tiếp Và Thuyết Trình
-
Làm Chủ Giọng Nói & Ngôn Ngữ Cơ Thể
-
Rối Loạn Lưỡng Cực: Nguyên Nhân Triệu Chứng Chẩn đoán Và điều Trị