Tình Cảm Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh Với Thanh Niên Thế Giới Qua Một ...

Nguyễn Thị Kim Liên

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Ngày 2/11/1944, Trung úy phi công William Shaw thuộc Phi đội 51, Tập đoàn Không quân số 14 của Mỹ có biệt danh là Không đoàn “Hổ bay” (Flying Tiger), căn cứ đặt tại vùng Hoa Nam, Trung Quốc, lái máy bay B-25 bị quân Nhật bắn trúng, phải nhảy dù xuống Bản Ngần, xã Đề Thám, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Đồng bào địa phương nhìn rõ máy bay rơi và viên phi công nhảy dù nên đã phân công nhau đi tìm. Nhìn thấy dân quân du kích, Trung úy Shaw (Sao) sợ sệt, liền rút tiền, nhẫn vàng ra để dâng. Mọi người lắc đầu, ra hiệu cho anh ta cất vào túi. Họ dẫn viên phi công về trụ sở tòa soạn báo Việt Nam độc lập đóng trong thành nhà Mạc cũ ở vùng rừng Nước Hai. Sau đó, viên phi công này được đưa tiếp lên chỗ Bác ở vùng giáp biên giới Việt - Trung.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã kể lại câu chuyện trong hồi ký của mình: “Nhìn Sao, Bác tươi cười, bắt tay anh ta, kéo anh ta ngồi xuống cạnh mình và nói chuyện hết sức thân mật:

- Quê anh ở bang nào thuộc nước Mỹ?

Nghe Bác hỏi bằng tiếng Anh rất chuẩn,

Sao ngạc nhiên, nở nụ cười rạng rỡ, đáp:

- Thưa ông, tôi ở Tếchdát.

- Anh đã lấy vợ chưa?

- Thưa ông, tôi đã có vợ.

- Anh có muốn về Mỹ gặp lại vợ không?

- Thưa ông, rất muốn.

- Chúng tôi sẽ trao trả ông cho lực lượng không quân Mỹ tại Trung Quốc.

- Thưa ông, nếu được như vậy quả là niềm vinh hạnh đối với tôi.

Rồi Bác bảo anh em bố trí nơi ăn, chốn ở chu đáo cho anh ta. Khi về chỗ nghỉ, Sao hết lời ca ngợi “Ông Cụ”, rằng: “Ông ấy nói tiếng Anh nghe rõ quá, lại đối xử với tôi thân mật như cha tôi vậy”. Sau khi gặp Bác, tinh thần của Sao phấn chấn hẳn lên. Mấy hôm sau, Bác bảo các cô gái địa phương kiếm chỉ thêu chữ “chúc mừng” (bằng tiếng Anh) trên mảnh lụa trắng tặng Sao. Nhận tặng phẩm, Sao xúc động đến rơi lệ. Anh ta không ngờ tại nơi núi rừng heo hút này lại có người đối xử với anh ta văn minh như thế(1).

Tấm lòng nhân hậu của lãnh tụ Hồ Chí Minh có tác dụng cảm hóa Trung uý Sao mạnh mẽ. Bác còn tặng người phi công Mỹ này bản “Chương trình Việt Minh” đã được Người trực tiếp dịch ra tiếng Anh. Sau đó, Trung úy Sao đã trở thành “cầu nối” để lãnh tụ Hồ Chí Minh gặp Tướng Claire Chennault, Tư lệnh Không đoàn 14, có biệt danh là đơn vị “Hổ Bay” của Mỹ, đại diện cho lực lượng Đồng Minh tại vùng Hoa Nam (Trung Quốc). Trong dịp này, Hồ Chí Minh đề nghị công nhận Mặt trận Việt Minh là một lực lượng của phe Đồng minh. Tiếp xúc với lãnh tụ Hồ Chí Minh, tướng C.Chenault đã nhận thấy quyết tâm của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, đứng về phe Đồng minh chống phát xít. Ông hứa sẽ đưa các nhóm chuyên gia sang giúp huấn luyện quân sự, trang bị vũ khí, điện đài và các trang thiết bị khác cho Việt Minh.

Hồ Chí Minh là hình ảnh sinh động, tấm gương sống về đạo đức cách mạng. Nét đặc biệt ở Người là sự khiêm tốn, giản dị chân thành. N. J. Niculin, vào thời điểm cuối năm 1954 là thực tập sinh của Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội, đã kể lại ấn tượng của mình về Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua câu chuyện về cuộc tiếp đãi trọng thể của Đại sứ quán Liên Xô nhân kỷ niệm lần thứ 37 Cách mạng tháng Mười. Trong những ngày ấy, giới báo chí phương Tây muốn xuyên tạc cuộc sống của những người kháng chiến từ núi rừng Việt Bắc trở về, và của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam như là những khu trại tập trung, những vòng vây khói lửa, và nhất là không thể có những hoạt động bình thường của một nhà nước và các đại diện ngoại giao. Lúc bấy giờ nhiệm vụ đối với nhà nước Việt Nam không những chỉ củng cố chính quyền nhân dân non trẻ, mà còn phải khôi phục lại nền kinh tế, văn hóa trên mức độ cao hơn và phát triển củng cố mối quan hệ quốc tế chặt chẽ hơn với các nước khác trên thế giới, trước hết là với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Như vậy, mặc dù gặp khá nhiều khó khăn và phức tạp, buổi lễ vẫn phải diễn ra, đó không chỉ là thể diện của nhà nước Xô Viếtmà còn là một sự kiện, khẳng định một cách trực quan tình trạng ổn định và triển vọng tốt đẹp của nhà nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho phép Đại sứ quán Liên Xô dùng nhà bếp của Phủ Chủ tịch để nấu nướng tổ chức cuộc tiếp đãi lớn đó, và chính Người đã đến thăm các nhân viên Đại sứ quán Liên Xô cùng làm việc với các đầu bếp Việt Nam trong nhà bếp Phủ Chủ tịch để chuẩn bị cho buổi lễ. Niculin kể lại: Tôi vẫn thường cho rằng, nguyên thủ quốc gia của tất cả các nước ít khi và thậm chí có thể không bao giờ đi xuống bếp. Thế nhưng, vị Chủ tịch nhân dân chân chính, Bác Hồ đã đến thăm chúng tôi trong nhà bếp. Bác đưa mắt bao quát nhìn quanh, chăm chú quan sát công việc chúng tôi làm. Khi biết những việc cơ bản đã chuẩn bị xong, Bác gật đầu rồi đưa mắt nhìn tôi và Cudơnhexốp một cách hài lòng.

- Các cậu đã có chỗ ngủ chưa? - Đột nhiên Bác Hồ hỏi chúng tôi một cách thân mật và gần gũi. Suốt đời tôi nhớ mãi câu hỏi này một cách chính xác.

Cảm động trước sự quan tâm của một vị Chủ tịch nước đối với những công việc bếp núc của mình, chúng tôi trả lời rằng, chúng tôi sẽ đi bộ về nhà ngủ.

- Không, giờ này đã muộn lắm! - Bác Hồ âu yếm nói. - Trong Phủ Chủ tịch sẽ có đủ chỗ cho hai thanh niên Liên Xô ngủ. Thành phố nói chung an toàn, nhưng dù sao cũng phải cảnh giác. Hãy sửa soạn cho hai anh bạn trẻ một chỗ nghỉ tương đối. - Bác quay sang nói với người cận vệ đi cùng.

Thế rồi giống như khi đến, Bác đưa mắt nhìn quanh một lượt rồi nhẹ nhàng đi ra khỏi bếp.

Sau đó, chúng tôi được dẫn đến một căn buồng rộng rãi và sang trọng, trong đó, đã trải sẵn chăn màn rất đẹp. Nơi đây đã hàng chục năm là chỗ ở của toàn quyền Pháp. Tôi không còn ngạc nhiên với những gì đã đến với mình nữa. Cuộc gặp gỡ tuyệt diệu với Bác Hồ đã đưa đến cho tôi một niềm vui sướng và thoải mái, một tình cảm nhân hậu, và sự quan tâm của một con người vĩ đại mà trước kia tôi chỉ được thấy trong phim và tranh ảnh”.

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, trong buổi lễ trọng thể ngày hôm sau, Niculin lại có vinh dự được ra cổng đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào hội trường. Anh kể tiếp câu chuyện đáng nhớ của mình: “Khi ngang qua tiền sảnh, Người bước chậm lại, và quay đầu nhìn tôi mỉm cười, nụ cười rạng rỡ của một nhà thông thái. Người nhanh nhẹn cầm lấy tay tôi và nói: “Cậu trẻ quá!”. Trộm nghĩ trong hoàn cảnh đó, lời nói đó đã thể hiện quan hệ hữu ái của một vị Chủ tịch, của một người lớn tuổi đối với một thanh niên, mong muốn cho anh ta chóng trở nên thành đạt trong tương lai.

Giờ đây khi đã trải qua biết bao nhiêu năm tháng của cuộc đời, khi mái tóc trên đầu tôi đã điểm bạc, khi tôi đã được Nhà nước Liên Xô, Việt Nam, Mông Cổ tặng thưởng nhiều huân, huy chương, đã được phong giáo sư, đã trở thành tiến sĩ khoa học, tôi hiểu một cách sâu sắc rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cho tôi một phần thưởng cao quý nhất trong suốt cả cuộc đời tôi. Đó chính là lúc xa xưa, khi tôi “còn trẻ quá” trong ngày lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười vĩ đại ở thủ đô Hà Nội vừa được giải phóng(2).

Cũng như với thanh niên Việt Nam, sự quan tâm chăm sóc của Bác đối với thanh niên thế giới, hơn thế nữa, đối với từng người cụ thể, không chỉ là mối quan hệ giữa một lãnh tụ, mà trước hết là tình thương của người cha, người bác đối với con cháu. Đó là cái cốt lõi nhân bản đậm bản sắc dân tộc trong đạo đức của Người và nó cắt nghĩa sự thành công và khả năng chinh phục lòng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nữ nhà văn Liên Xô Irin-na Lép-tren-cô đã phát biểu về Bác như sau: “Khi tôi nhìn Người, một con người tuyệt vời, tôi hiểu ra được rằng tại sao người ta nói đến đồng chí Hồ Chí Minh không những với lòng tôn kính mà còn cả với lòng trìu mến đặc biệt. Có lẽ bạn sẽ không biết Người giữa muôn người khác và sẽ không phân biệt được Người về dáng dấp bên ngoài, vì Người cũng như mọi người khác. Nhưng không thể không biết Người, bởi vì Người không phải như mọi người. Người là Hồ Chí Minh. Tôi còn nhớ những phút gặp gỡ đầu tiên, dáng đi nhẹ nhàng và những cử chỉ khỏe mạnh đã làm tôi ngạc nhiên Người còn có đôi mắt lạ thường - đôi mắt trẻ trung, sáng ngời, hóm hỉnh, Người hỏi tôi như người cha: “Cháu đến lâu chưa?” - Thưa Bác, cách đây hai giờ'”... Người nói một cách nhiệt tình, theo kiểu nói thanh niên và đồng thời rất nghiêm chỉnh”(3).

Qua các đoạn hồi ký của con gái của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Xu-pha-nu-vông, Nhọt kẹo-ma-ni Xu-pha-nu-vông, chúng ta được biết chị đã vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vài lần cùng với gia đình và ấn tượng của lần gặp nào cũng để lại nhiều cảm xúc sâu đậm: “cảm thấy như mình được nâng lên, được là một con người với đúng ý nghĩa của nó”, “cảm thấy thanh thản, cảm thấy tự tin hơn và muốn vươn lên để đạt tới một điều gì đó cao quý hơn, tốt đẹp hơn”... Chị kể: Đầu năm 1967, được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đến thăm gia đình chúng tôi tại nhà nghỉ ở Hà Nội, má tôi giục tôi ăn mặc và trang điểm cho thật đẹp, thật lộng lẫy ra đón Bác cho xứng đáng là con gái của ba má. Tôi nói là ăn mặc bình thường, giản dị thôi cũng được, miễn sao sạch sẽ, gọn gàng, vì dù sao Bác Hồ cũng ưa giản dị. Như để chứng minh cho lời nói của tôi, vừa trông thấy tôi ra đón, Bác Hồ thốt lên: “Cháu Kiều Nga đấy à, (Kiều Nga là tên mà ba má đặt cho tôi khi tôi theo học ở Việt Nam), trông cháu đẹp, gọn gàng như một nữ du kích Hoàng Ngân hay nữ du kích miền Nam Việt Nam ấy!” (Hồi đó còn chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nên chúng tôi ăn mặc quần áo sẫm màu, một phần để tránh máy bay Mỹ bắn phá, một phần để dễ hoạt động, đi lại, nên khi ra đón Bác, tôi vận bộ đồ bà ba: Quần đen, áo xanh sẫm, cổ quấn chiếc khăn rằn màu xanh). Tuy hơi bất ngờ vì câu nói vui của Bác, nhưng tôi cảm thấy lòng ấm áp vì nghĩ mình nói đúng. Ba tôi vui vẻ mỉm cười. Còn má tôi im lặng, không nói gì. Chủ tịch Hồ Chí Minh là như vậy đó! Người giản dị trong sự vĩ đại và vĩ đại trong sự giản dị!(4).

Hơn 50 năm đã trôi qua, những ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế với tầm vóc một danh nhân kiệt xuất, lỗi lạc của thời đại, một nhà chính trị tài ba và cũng là tấm gương cao đẹp tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn, kết tinh những tư tưởng, tình cảm, ước mơ lớn lao của nhân loại.

Chú thích:

1. Trích từ sách: Bác Hồ trong trái tim các nhà ngoại giao, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.105-194.

2. Trích từ sách: Người là Hồ Chí Minh (Tập hồi ký), Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 1995.

3. Trích từ sách: Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, tập 3, tr.20-33.

4. Trích bài đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 14/5/1990.

Từ khóa » Chuyện Kể Bác Hồ Với Thanh Niên