Tính Chất, Mô Hình Nền Kinh Tế Việt Nam Trong Hiến Pháp Năm 2013

Tính chất, mô hình nền kinh tế Việt Nam trong Hiến pháp năm 2013

TÍNH CHẤT, MÔ HÌNH NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

TRONG HIẾN PHÁP NĂM 2013

Phí Mạnh Long [*]

Hiến pháp là văn bản chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, là đạo luật cơ bản của nhà nước, điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản nhất, quan trọng nhất gắn liền với việc xác định chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước. Do vị trí, vai trò quan trọng như vậy, nên từ sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân, nhà nước ta đã ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của nhà nước dân chủ nhân dân - Hiến pháp năm 1946. Qua mỗi thời kỳ lịch sử quan trọng, nhà nước ta lại sửa đổi, ban hành các bản Hiến pháp mới cho phù hợp với tình hình, yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng, đó là: Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp năm 2013.

So với các bản Hiến pháp trước đó, Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ mới. Đây là bản Hiến pháp vừa kế thừa được những giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992; vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng phát triển đất nước đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 bổ sung, phát triển năm 2011 (Cương lĩnh 1991). Trong Hiến pháp năm 2013, một trong những nội dung quan trọng là nội dung quy định tại Chương III về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Nội dung Chương này đã thể chế hóa chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta hiện nay.

Chế độ kinh tế là sự tập trung nhất của chính trị, không có một chế độ kinh tế nào lại không mang nội dung chính trị, chính trong kinh tế phản ánh rõ nét nhất các quan hệ chính trị. Theo đó, đối với mỗi bản Hiến pháp của nhà nước ta đều đặc biệt coi trọng chế độ kinh tế. Sự thể hiện chế độ kinh tế trong Hiến pháp là sự thể chế hóa những quan điểm chính trị - kinh tế của giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết TW2), Kết luận Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Kết luận TW5) và xuất phát từ yêu cầu của Cương lĩnh 1991, trong Hiến pháp năm 2013, chế độ kinh tế được quy định tại Chương III, việc quy định này trên cơ sở lồng ghép chương II và III trong Hiến pháp năm 1992. Các quy định của Hiến pháp đã thể hiện mối quan hệ gắn kết chặt chẽ, mật thiết giữa các nội dung về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Vì kinh tế, văn hoá giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường là những vấn đề động. Do vậy, Hiến pháp không quy định những chính sách cụ thể mà tập trung vào chính sách lớn, bảo đảm cho sự ổn định và tầm vĩ mô của Hiến pháp.Những nội dung về kinh tế được đổi mới trong Hiến pháp năm 2013 đã tạo môi trường pháp lý thông thoáng khơi nguồn nội lực, thu hút ngoại lực cho các thành phần kinh tế phát triển. Cụ thể:

1. Hiến pháp đã làm rõ hơn tính chất, mô hình kinh tế, vai trò quản lý của nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trên cơ sở kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Điều 50). Những quy định khái quát, có tính bền vững này đã bổ sung, phát triển và nâng cao những quy định liên quan trong các Điều 15, 16 của Hiến pháp năm 1992. Việc quy định như vậy vừa thể hiện được bản chất, vừa thể hiện được động lực và mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững nền kinh tế ở nước ta; khẳng định đường lối phát triển kinh tế gắn bó chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” (Khoản 1 Điều 51). Quy định này đã xác định rõ tính chất của nền kinh tế, mục tiêu phát triển nền kinh tế theo đúng quan điểm, đường lối thể hiện trong Cương lĩnh 1991, Kết luận TW5. Các văn kiện của Đảng xác định nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường XHCN là định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách xã hội, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế và xã hội, bảo đảm công bằng, an sinh xã hội, vì lợi ích của nhân dân. Khác với các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 thể hiện tư duy mới về các thành phần kinh tế, quy định rất khái quát, không đề cập từng thành phần mà để luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định cụ thể. Cách thể hiện này phù hợp với tính chất của đạo luật cơ bản, bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp, đồng thời phù hợp với sự vận động, phát triển của nền kinh tế thị trường.

Tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là không đồng nhất kinh tế nhà nước (trong đó có ngân sách nhà nước và các nguồn lực kinh tế - tài chính khác của nhà nước) với doanh nghiệp nhà nước, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo chứ không phải doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo. Quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, mặc dù góp ý dự thảo có nhiều ý kiến khác nhau. Như chúng ta đã biết, trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội đều tồn tại nhiều kiểu quan hệ sản xuất, trong đó có một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng giữ vai trò thống trị, đại diện cho chế độ sở hữu của xã hội đó. Chế độ sở hữu đặc trưng của hình thái kinh tế - xã hội XHCN là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Bên cạnh đó, thành phần kinh tế không thể nằm ngoài chế độ kinh tế và không thể đảo ngược chế độ kinh tế, không thể thay thế chế độ kinh tế của một quốc gia. Ngày nay, tất cả các nước đều phải xây dựng và phát triển kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trong chế độ xã hội khác nhau, kinh tế thị trường được sử dụng với mục đích khác nhau. Trong các nước tư bản, đó là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Ở nước ta, đó là kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cho nên dù có tồn tại nhiều thành phần kinh tế, nhưng thành phần kinh tế nhà nước dựa trên chế độ công hữu vẫn phải giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, chế độ công hữu phải là nền tảng.[1] Ngoài ra, trong Cương lĩnh 1991 đã khẳng định: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. [2]

Đặc biệt, so với Điều 19 Hiến pháp năm 1992, những đổi mới căn bản đã được khẳng định minh bạch, nhất quán lâu dài, đó là: “Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật” (Khoản 2 Điều 51). Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác được đối xử bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước cùng hoạt động trong một hành lang pháp lý chung và theo cơ chế thị trường, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Lần đầu tiên, vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp được ghi nhận trong Hiến pháp: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh” (Khoản 3 Điều 51). Những quy định nêu trên trong văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, thể hiện sự đổi mới toàn diện, vừa là chuẩn mực của nhà nước pháp quyền, vừa như lời kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, doanh nhân thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tin tưởng, phát huy vai trò đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà nhiệm vụ xây dựng kinh tế là trung tâm và doanh nghiệp, doanh nhân là đội quân xung kích.

2. Về các hình thức sở hữu. Sự tồn tại và phát triển của nhiều hình thức sở hữu khác nhau tạo nên sự tách biệt kinh tế giữa các chủ thể kinh tế độc lập cũng là điều kiện tất yếu cho sự tồn tại và phát triển kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường ở nước ta. Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, tôn trọng đa dạng hình thức sở hữu, bảo hộ quyền sở hữu tư nhân cả về tư liệu sản xuất, các quyền tài sản (Điều 32) và sở hữu trí tuệ (Điều 62). Cần thấy rằng khi tính tự giác của con người chưa đạt được trình độ như trong xã hội cộng sản thì chế độ sở hữu hỗn hợp vẫn cần được duy trì như là một yếu tố kích thích nhằm nâng cao năng xuất lao động và hiệu quả kinh tế trong sản xuất và tiêu dùng để thực hiện việc quản lý và khai thác hiệu quả hơn các nguồn tài sản trong xã hội. Bởi quy định về sự tồn tại của chế độ sở hữu nào thì trước hết cũng phải thúc đẩy được việc nâng cao năng suất lao động, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài sản trong xã hội, trên cơ sở đó giải quyết một cách hợp lý lợi ích kinh tế của mỗi chủ thể trong quan hệ sở hữu, từng bước thực hiện công bằng, dân chủ xã hội.

Kế thừa và phát triển quy định về sở hữu trong Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (Điều 53). Tuy nhiên, Điều 53 quy định khái quát, không liệt kê quá nhiều các loại tài nguyên mà chỉ quy định “đất đai, nguồn nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên”, trong đó bao gồm rừng tự nhiên và các nguồn lợi thiên nhiên khác để tránh trùng lắp. Đồng thời, quy định trên đây thể chế hóa Cương lĩnh 1991, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của ĐảngKết luận TW5, tiếp tục khẳng định khẳng định vai trò, chức năng của nhà nước trong việc đại diện chủ sở hữu toàn dân và thống nhất quản lý đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Tóm lại, với những quy định trên đây, Hiến pháp năm 2013 đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn tính chất, mô hình nền kinh tế Việt Nam, đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với vai trò quản lý của nhà nước được đề cao. Ngoài ra, tính chất, mô hình nền kinh tế Việt Nam được quy định trong Hiến pháp năm 2013 có độ mở lớn, liên kết rộng và chặt chẽ, không tách rời với các quyền con người, quyền công dân; đồng thời, có nội dung toàn diện, bao quát đầy đủ các khía cạnh, các quá trình, các hoạt động kinh tế, cả quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp, doanh nhân và công dân. Hiến pháp cũng xác định rõ vai trò và nguyên tắc quản lý nhà nước trong bảo đảm quyền kinh tế. Việc nhận thức đúng đắn về tính chất, mô hình nền kinh tế trong Hiến pháp là chìa khóa giúp hiểu toàn diện, sâu sắc hơn quyền con người, quyền công dân; củng cố lòng tin của các doanh nghiệp, doanh nhân về chủ trương, chính sách quản lý của nhà nước về kinh tế./.

P.M.L

[*] Đại úy, giáo viên Khoa Luật, T04

[1] Xem: PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan, “Chế độ sở hữu trong các Hiến pháp Việt Nam và xu hướng phát triển chế độ sở hữu ở Việt Nam hiện nay”, Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992: Những vấn đề lý luận & thực tiễn, Tập 2, Nxb Hồng Đức, Hà Nội 2012, tr. 260.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr. 73-74.

Nguòn: Tạp chí Khoa học và Giáo dục an ninh, số đặc biệt (12/2014), trang 89 - 92.

Tags mohinhkinhtevietnamtronghienphap2013

Tin khác

Nội luật hoá quy định của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đối với hành vi hợp pháp hoá tài sản do phạm tội mà có trong BLHS Việt Nam năm 2015

Nội luật hoá quy định của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đối với hành vi hợp pháp hoá tài sản do phạm tội mà có trong BLHS Việt Nam năm 2015(19/10/2020)

Bài viết phân tích ưu điểm cũng như những hạn chế, bất cập của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 về nội luật hóa hành vi hợp pháp hóa tài sản do phạm tội mà có theo Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (CTOC) trong Tội rửa tiền....

Một số nhận thức về các trường hợp từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự

Một số nhận thức về các trường hợp từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự(16/10/2020)

Bài viết trình bày một số nhận thức về các trường hợp từ chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành

Một vài điểm mới về Quyền tự do kinh doanh trong Hiến pháp năm 2013

Một vài điểm mới về Quyền tự do kinh doanh trong Hiến pháp năm 2013(16/10/2020)

Bài viết trình bày Một vài điểm mới về Quyền tự do kinh doanh trong Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992, qua đó thấy được sự thay đổi tiến bộ trong các quy định về quyền tự do kinh doanh

Đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Hiến pháp năm 2013

Đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Hiến pháp năm 2013(15/10/2020)

Bài viết trình bày những đặc trưng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Hiến pháp năm 2013

Từ khóa » Tính Chất Của Nền Kinh Tế Thị Trường Hiện đại