Tinh Chất Trị Mụn Oubaku: Có “thần Thánh” Như Lời Quảng Cáo?

Thời gian qua, PV Thương hiệu và Pháp luật liên tiếp nhận được phản ánh của người tiêu dùng về việc tinh chất trị mụn Oubaku của Dr.Lacir là sản phẩm mỹ phẩm do Công ty Cổ phần Quốc tế Dopharma phân phối, có địa chỉ tại số nhà 31, tổ 41 phố Tân Phú, (phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) hiện đang thổi phồng quảng cáo vượt quá thực tế để thu hút khách hàng.

Rất nhiều dòng quảng cáo “nổ” về tinh chất trị mụn Oubaku.

Để làm rõ thông tin phản ánh, PV truy cập tại website: http://myphamlamercare.com/ và http://lamerdrlacir.com/ thì không khó thấy nhiều thông tin, hình ảnh giới thiệu sản phẩm tinh chất trị mụn Oubaku là sản phẩm được quảng cáo như một “thần dược” có công dụng đánh bay mọi loại mụn như mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn cám, giúp da mịn màng và căng bóng hơn; Kháng khuẩn, kháng viêm, chống ô xy hóa da, kích thích các tế bào da mới, ngăn ngừa xuất hiện các nếp nhăn cho da khỏe mạnh hơn.

Thậm chí, cũng không khó để tìm thấy rất nhiều dòng quảng cáo “nổ” về sản phẩm này ở các trang website bán hàng online, khi đó chúng ta sẽ rất dễ dàng tìm mua được bộ sản phẩm trị mụn không bong không sưng Oubaku... sử dụng những lời có cánh nhằm lôi kéo niềm tin của khách hàng.

Theo thành phần chính của Oubaku được chiết xuất rau má: giảm tổn thương da, chống viêm và giảm ngứa; Chiết xuất oubaku: là hoạt chất giúp giảm mụn đầu đen, mụn cám, ngăn ngừa mụn phát triển; Vitamin B5: Phân giải dầu thừa thừa trên da, ngăn chặn sự hình thành mụn trứng cá. Chiết xuất cây phỉ và trà xanh: Làm sạch sâu, giảm quá trình oxi hóa gây lão hóa da; Zinc Oxide và Salicylic Acid: Giảm mụn, giảm biên sưng, làm khô đầu mụn và thúc đẩy hình thành cồi mụn nhanh. Và đặc biệt là tinh chất bôi ngày 3-4 lần.

Thành phần tinh chất trị mụn Oubaku có chứa Salicylic Acid..

Đó là tất cả thông tin và công dụng của sản phẩm. Từ đây, dư luận đặt ra hàng loạt nghi vấn: Có phải tất cả khách hàng đều sử dụng được Tinh chất trị mụn Oubaku? Hàm lượng các chất, hợp chất trong sản phẩm như thế nào? Thông thường đối với mỹ phẩm, sản phẩm đặc trị, nhà sản xuất sẽ đính kèm một tờ khuyến cáo về một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi phản ứng trên da, đối tượng khách hàng là ai, nhất là trong đây lại chứa Salicylic Acid – một chất gây hại trên da khi dùng quá liều lượng và không tốt cho phụ nữ có thai và cho con bú? Vậy thì Oubaku rốt cuộc là mỹ phẩm hay sản phẩm đặc trị? Nếu đây chỉ đơn thuẩn là mỹ phẩm thông thường thì nhà sản xuất cần xem lại cách quảng cáo của mình, để người sử dụng tránh bị nhầm lẫn giữa mỹ phẩm và sản phẩm đặc trị, điều trị, ngăn ngừa.

Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân sử dụng sản phẩm có chứa Salicylic Acid – 1 lần/ngày vào buổi tối và 02-03 lần/tuần, thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ em. Nên khám và nhờ sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa da liễu để nắm rõ hơn về cách sử dụng sản phẩm để tránh tác dụng phụ đáng tiếc xảy ra. Thận trọng khi tiếp nhận thông tin quảng cáo về công dụng của sản phẩm được nhà sản xuất đưa ra, tránh “tiền mất tật mang”.

Chúng ta cũng không khó để tìm thấy rất nhiều dòng quảng cáo “nổ” về sản phẩm này ở các trang website bán hàng online.

Như vậy, dư luận đặt ra câu hỏi về việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho mỹ phẩm của mình, Công ty Cổ phần Quốc tế Dopharma cùng các cá nhân có liên quan phải chăng đang cố tình “lách luật” nhằm “đánh lừa”, gây nhầm lẫn cho người dùng để nâng cao giá trị sản phẩm của mình và thu hút người mua.

Trước những thông tin trên, PV Thương hiệu và Pháp luật đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Quốc tế Dopharma. Đại diện phía công ty cho biết: “Trong tất cả các sản phẩm từ vỏ, bao bì không có một ngôn từ nào "đặc trị" cả. Nhưng khi đến các nhà phân phối đại lý thì cũng có một hiện tượng là trên 1-2 website ghi thông tin đấy. Nên phía Công ty đã nhờ để kiểm tra tên miền xem ai đăng ký và được biết người đăng ký truyền thông rất lạ, hiện nay không biết là ai cả, đang đề nghị để gỡ cái thông tin ấy đi”.

"Ngoài ra, để không ảnh hưởng phía Công ty Cổ phần Quốc tế Dopharma có ra văn bản đề nghị thu hồi không bán sản phẩm nữa, nên phía Sở Y tế thu hồi luôn. Mặt khác, khi PV đề nghị được tiếp cận quyết định thu hồi từ Sở Y tế thì phía đại diện Công ty cho rằng: 'Chỉ là tham khảo thôi'", đại diện công ty nói.

Nếu nhà sản xuất có hành vi ghi nhãn mỹ phẩm không đầy đủ nội dung mà pháp luật quy định sẽ bị Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trưởng xử phạt hành chính với mức phạt từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 53 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Mức phạt này cũng áp dụng đối với các nhãn ghi tính năng, công dụng sai với bản chất vốn có của sản phẩm cùng với đó cơ sở vi phạm còn bị buộc tiêu hủy mỹ phẩm và cơ quan xử phạt có quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Đối với hoạt động quảng cáo mỹ phẩm cũng phải tuân theo các quy định chung của Luật Quảng cáo 2012 và quy định riêng trong lĩnh vực mỹ phẩm tại Điều 4 Nghị định 181/2013/NĐ-CP. Các hành vi quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc; quảng cáo có nội dung phóng đại, thổi phồng, không phù hợp với các tài liệu đã được cơ quan Nhà nước kiểm duyệt hay quảng cáo thiếu các nội dung cảnh báo người tiêu dùng đều bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và buộc phải cải chính thông tin và tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo theo quy định tại Điều 69 Nghị định 158/2013/NĐ-CP. Trường hợp đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục quảng cáo gian dối thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 với các hình phạt tiền, hoặc cải tạo không giam giữ tùy theo mức độ vi phạm.

Diệu Huyền

Từ khóa » Bộ Trị Mụn Oubaku