Tính Chất Vật Lý, Tính Chất Hóa Học Của Nhôm Al, Hợp Chất ... - KhoiA.Vn

Bài viết này sẽ giúp các em biết vị trí của nhôm Al trong bảng tuần hoàn, cấu hình electron nguyên tử của Al? Tính chất vật lý, tính chất hóa học của Al, sản xuất nhôm và ứng dụng? các hợp kim của nhôm như: nhôm oxit Al2O3, nhôm hidroxit Al(OH)3, nhôm sunfat Al2(SO4)3.

A. Nhôm (Al): Tính chất vật lý, tính chất hóa học của nhôm, ứng dụng của nhôm và cách sản xuất nhôm

I. Vị trí của nhôm trong bảng tuần hoàn, cấu hình electron nguyên tử

- Nhôm (Al) ở ô số 13, thuộc nhóm IIIA, chu kì 3 của bảng tuần hoàn.

- Cấu hình electron nguyên tử: 1s22s22p63s23p1; viết gọn là [Ne]3s23p1.

- Nhôm dễ nhường cả 3 electron hóa trị, nên có số oxi hóa +3 trong các hợp chất.

- Nhôm có cấu tạo mạng tinh thể lập phương tâm diện.

II. Tính chất vật lý của nhôm

- Nhôm là kim loại màu trắng bạc, nóng chảy ở 660oC, khá mềm, dễ kéo sợi, dễ dát mỏng. Có thể dát được những lá nhôm mỏng 0,01 mm dùng làm giấy gói kẹo, gói thuốc lá,...

- Nhôm là kim loại nhẹ (D = 2,7 g/cm3), dẫn điện tốt (gấp 3 lần sắt, bằng 2/3 lần đồng) và dẫn nhiệt tốt (gấp 3 lần sắt).

III. Tính chất hóa học của nhôm

- Nhôm là kim loại có tính khử mạnh, chỉ sau kim loại kiềm và kiềm thổ, nên dễ bị oxi hóa thành ion dương.

 Al → Al3+ + 3e

Tính chất hóa học của nhôm:

  1. Tác dụng với phi kim
  2. Tác dụng với axit
  3. Tác dụng với oxit kim loại
  4. Tác dụng với nước
  5. Tác dụng với dung dịch kiềm

1. Nhôm tác dụng với phi kim

Nhôm khử dễ dàng các nguyên tử phi kim thành ion âm.

a) Nhôm tác dụng với halogen:

- Với Cl2, Br2 phản ứng ngay ở t0 thường tạo thành AlCl3, AlBr3 (bột nhôm tự bốc cháy khi tiếp xúc với khí clo).

 Al + 3Cl2 → AlCl3

- Khi đun nóng, phản ứng được với I2, S. Khi đun nóng mạnh, phản ứng được với N2, C.

 2Al + 3S    Al2S3

 2Al + N2    2AlN

 4Al + 3C    Al4C3

b) Nhôm tác dụng với oxi

- Khi đốt, bột nhôm cháy trong không khí với ngọn lửa sáng chói, tỏa nhiều nhiệt.

- Nhôm bền trong không khí ở nhiệt độ thường do có màng oxit Al2O3 rất mỏng và bền bảo vệ.

  4Al  + 3O2    2Al2O3

2. Nhôm tác dụng với axit

- Nhôm khử dễ dàng ion H+ trong dung dịch HCl và H2SO4 loãng thành khí H2.

  2Al + 6H+ → 2Al3+ + 3H2↑

- Nhôm tác dụng mạnh với dung dịch HNO3 loãng, HNO3 đặc, nóng và H2SO4 đặc, nóng. Trong các phản ứng này, Al khử N+5 hoặc S+6 xuống số oxi hóa thấp hơn.

 Al + 4HNO3(loãng)    Al(NO3)3 + NO + 2H2O

 2Al + 6H2SO4 (đặc)   Al2(SO4)3 + 3SO2 + 6H2O

- Nhôm không tác dụng với H2SO4, HNO3 đặc nguội nên có thể dùng thùng nhôm để chuyên chở những axit đặc, nguội này.

3. Nhôm tác dụng với oxit kim loại

- Ở nhiệt độ cao, Al khử được nhiều oxit kim loại như Fe2O3, Cr2O3,... thành kim loại tự do.

  2Al + Fe2O3  Al2O3 + 2Fe

- Phản ứng giữa bột nhôm và sắt oxit gọi là phản ứng nhiệt nhôm. Nhiệt lượng do phản ứng tỏa ra lớn làm sắt nóng chảy nên phản ứng này được dùng để điều chế một lượng nhỏ sắt nóng chảy khi hàn đường ray.

4. Nhôm tác dụng với nuớc

- Nếu phá bỏ lớp oxit trên bề mặt nhôm (hoặc tạo thành hỗn hống Al - Hg), thì nhôm sẽ tác dụng với nước ở nhiệt độ thường.

 2Al + 6H2O → 2Al(OH)3↓ + 3H2↑

- Nhôm không tác dụng với nước, dù ở nhiệt độ cao là vì trên bề mặt của nhôm được phủ kín một lớp Al2O3 rất mỏng, bền và mịn, không cho nước và khí thấm qua.

5. Nhôm tác dụng với dung dịch kiềm

Al2O3 là oxit lưỡng tính nên lớp màng mỏng Al2O3 trên bề mặt nhôm tác dụng với dung dịch kiềm tạo ra muối tan.

Khi không còn màng oxit bảo vệ, nhôm sẽ tác dụng với nước tạo ra Al(OH)3 và giải phóng khí H2Al(OH)3 là hiđroxit lưỡng tính nên tác dụng tiếp với dung dịch kiềm.

 2Al + 6H2O → 2Al(OH)3↓ + 3H2↑

 Al(OH)3 + NaOH → NaAlO2 + 2H2O

Cộng 2 phương trình phản ứng trên ta có phương trình:

  2Al + 2NaOH + 6H2O → 2Na + 3H2↑

Như vậy, nhôm có thể tan trong dung dịch kiềm và giải phóng khí hiđro.

IV. Ứng dụng và trạng thái tự nhiên của nhôm

1. Ứng dụng của nhôm

- Nhôm và hợp kim của nhôm có ưu điểm là nhẹ, bền đối với không khí và nước nên được dùng làm vật liệu chế tạo máy bay, ô tô, tên lửa, tàu vũ trụ.

- Nhôm và hợp kim của nhôm có màu trắng bạc, đẹp nên được dùng trong xây dựng nhà cửa và trang trí nội thất.

- Nhôm nhẹ, dẫn điện tốt nên được dùng làm dây dẫn điện thay cho đồng. Do dẫn nhiệt tốt, ít bị gỉ và không độc nên nhôm được dùng làm dụng cụ nhà bếp.

- Bột nhôm trộn với bột sắt oxit (gọi là hỗn hợp tecmit) để thực hiện phản ứng nhiệt nhôm dùng hàn đường ray.

2. Trạng thái tự nhiên của nhôm

Nhôm là kim loại hoạt động mạnh nên trong tự nhiên chỉ tồn tại ở dạng hợp chất. Nhôm là nguyên tố đứng hàng thứ ba sau oxi và silic về độ phổ biến trong vỏ Trái Đất. Hợp chất của nhôm có mặt khắp nơi, như có trong đất sét (Al2O3.2SiO2.2H2O), mica (K2O.Al2O3.6SiO2), boxit (Al2O3.2H2O), criolit (3NaF.AlF3),...

V. Sản xuất nhôm

Trong công nghiệp, nhôm được sản xuất bằng phương pháp điện phân nhôm oxit nóng chảy.

1. Nguyên liệu sản xuất nhôm

Nguyên liệu là quặng boxit Al2O3.2H2O. Boxit thường lẫn tạp chất là Fe2O3 và SiO2. Sau khi loại bỏ tạp chất bằng phương pháp hóa học thu được Al2O3 gần nguyên chất.

2. Sản xuất nhôm bằng cách điện phân nhôm oxit nóng chảy

Nhiệt độ nóng chảy của Al2O3 rất cao (2050oC), vì vậy phải hòa tan Al2O3 trong criolit nóng chảy để hạ nhiệt độ nóng chảy của hỗn hợp xuống 900oC.

- Quá trình điện phân:

Cực âm (catot) của thùng điện phân là một tấm than chì nguyên chất được bố trí ở đáy thùng. Ở catot xảy ra quá trình khử ion Al3+ thành Al.

 Al3+ + 3e → Al 

Nhôm nóng chảy được định kì tháo ra từ đáy thùng.

Cực dương (anot) cũng là những khối than chì lớn. Ở anot xảy ra quá trình oxi hoá ion O2- thành khí O2.

  2O- → O2 + 4e

Khí O2 ở nhiệt độ cao đốt cháy C thành khí CO và CO2. Vì vậy, sau một thời gian phải thay thế điện cực dương.

B. Một số hợp chất quan trọng của nhôm

I. Nhôm oxit Al2O3

1. Tính chất vật lý của nhôm oxit

Nhôm oxit (Al2O3) là chất rắn, màu trắng, không tan trong nước và không tác dụng với nước, nóng chảy ở trên 2050oC.

2. Tính chất hóa học của nhôm oxit

Nhôm oxit là oxit lưỡng tính, vừa tác dụng với axit, vừa tác dụng với bazơ.

 Al2O3 +  6HCl → 2AlCl3  + 3H2O

 Al2O3 + 2NaOH → 2NaAlO2 + H2O (natri aluminat)

3. Ứng dụng của nhôm oxit

Trong tự nhiên, nhôm oxit tồn tại dưới dạng ngậm nước và dạng khan.

- Dạng oxit ngậm nước là thành phần chủ yếu của quặng boxit (Al2O3.2H2O) dùng để sản xuất nhôm.

- Dạng oxit khan, có cấu tạo tinh thể là đá quý ít phổ biến, thường gặp là:

+ Corinđon ở dạng tinh thể trong suốt, không màu, rất rắn, được dùng để chế tạo đá mài, giấy nhám,...

+ Trong tinh thể Al2O3, nếu một số ion Al3+ được thay bằng ion Cr3+ ta có hồng ngọc dùng làm đồ trang sức, chân kính đồng hồ và dùng trong kĩ thuật laze.

+ Tinh thể Al2O3 có lẫn tạp chất Fe2+Fe3+ và Ti4+ ta có saphia dùng làm đồ trang sức.

+ Bột nhôm oxit dùng trong công nghiệp sản xuất chất xúc tác cho tổng hợp hữu cơ.

II. Nhôm hiđroxit Al(OH)3

1. Tính chất vật lý của nhôm hiđroxit

Nhôm hiđroxit (Al(OH)3) là chất rắn, màu trắng, kết tủa ở dạng keo, không tan trong nước và dễ bị nhiệt phân hủy.

2. Tính chất hóa học của nhôm hiđroxit

Al(OH)3 là hiđroxit lưỡng tính.

Nhôm hiđroxit thể hiện tính bazơ trội hơn tính axit. Do có tính axit nên nhôm hiđroxit còn có tên là axit aluminic. Axit aluminic là axit rất yếu, yếu hơn axit cacbonic.

- Dễ bị nhiệt phân thành nhôm oxit :

 2Al(OH)3  Al2O3 + 3H2O

- Là hợp chất lưỡng tính, tan trong axit và bazo

 Al(OH)3 + 3HCl  →   AlCl3   +  3H2O

 Al(OH)3 + NaOH   →    Na[Al(OH)4][Al(OH)4]

3. Điều chế nhôm hidroxit

- Cho muối nhôm phản ứng với dung dịch NH3 hoặc muối Na2CO3:

 AlCl3 + 3NH3 + 3H2O → Al(OH)3↓ + 3NH4Cl

 2AlCl3 + 3Na2CO3 + 3H2O → 2Al(OH)3↓ + 6NaCl + 3CO2↑

III. Nhôm sunfat

Muối nhôm sunfat khan tan trong nước tỏa nhiệt làm dung dịch nóng lên do bị hiđrat hóa.

Muối nhôm sunfat có nhiều ứng dụng nhất là muối sunfat kép của nhôm và kali ngậm nước gọi là phèn chua, công thức: K2SO4.Al2(SO4)3. 24H2O, hay viết gọn là: KAl(SO4)2.2H2O. Phèn chua được dùng trong ngành thuộc da, công nghiệp giấy, chất cầm màu trong ngành nhuộm vải, chất làm trong nước,...

Trong công thức hóa học trên, nếu thay ion K+ bằng Li+, Na+ hay NH4+ ta được các muối kép khác có tên chung là phèn nhôm (nhưng không gọi là phèn chua).

Từ khóa » Các Hợp Chất Lưỡng Tính Của Nhôm