Tính Dân Tộc Trong Văn Học - Tạp Chí Cửa Việt

T

ính dân tộc trong văn học là một vấn đề lớn. Từ nhiều năm nay, dựa trên thực tiễn sáng tạo văn học của loài người, khoa nghiên cứu văn học đã dần dần xác lập được lý thuyết cơ bản của tính dân tộc trong văn học. Thực tiễn sáng tạo văn học của loài nguời đã chỉ ra rằng tính dân tộc của văn học là một trong những phẩm chất quan trọng hàng đầu của nền văn học, của tác phẩm văn học mà giới nghiên cứu, phê bình văn học, rộng hơn là ngành ngữ văn học, không thể bỏ qua.

Trước tiên, cần xác định khái niệm dân tộc. Dân tộc là một cộng đồng người nối tiếp nòi giống, cư trú trên một địa dư, lãnh thổ nhất định, có chung tiếng nói, lối cảm, lối nghĩ, nếp sống, phong tục, và trên hết là sắc thái văn hóa. Dân tộc, có thể ở phạm vi nào đó, trùng hợp phần nào hoặc trùng khít với nhân dân, Tổ quốc. Khái niệm dân tộc đang bàn tới thường dùng để chỉ một dân tộc trên một lãnh thổ rộng, trùng hợp với đất nước, xét về mặt cơ học và địa lý. Nếu xét về mặt dân tộc học, xã hội học, thì lại cần nhìn nhận theo hướng các thành viên dân tộc trong một dân tộc. Thí dụ trong dân tộc Việt Nam (khái niệm chung về đất nước, địa lý, chính trị) có các dân tộc: Việt, Mường, Thái, Tày, v.v... ( xét về chủng tộc người).

Xét về mặt cơ bản và truyền thống, từ xa xưa đến nay, dân tộc vẫn mang tính ổn định, vững bền nhất. Trên thế giới, thực tế cho thấy, diễn biến của lịch sử mang màu sắc chính trị sâu sắc thường làm thay đổi khái niệm về bản chất nhân dân và đất nước. Nhân dân có thể dễ dàng thay đổi, thậm chí thay đổi nhiều tùy theo từng thời kỳ lịch sử. Đất nước cũng có thể dễ dàng tạo hợp hoặc phân ly khi chính trị thay đổi. Riêng dân tộc mang tính ổn định cao. Dân tộc luôn luôn là vấn đề nhạy cảm hàng đầu ở mọi thời đại, mọi quốc gia, mọi khu vực. Tuy nhiên, nói dân tộc có tính ổn định cao không có nghĩa là nói dân tộc đứng nguyên. Dân tộc, với ý nghĩa nội hàm phong phú của nó, có thể phát triển theo lịch sử. Các yếu tố như: sự biến động của lịch sử, sự phát triển đi lên (hoặc lùi lại), sự tác động của các dân tộc láng giềng, cũng có thể làm cho dân tộc nào đó loại trừ và bổ sung đặc tính mới.

Trở lại vấn đề tính dân tộc trong văn học, chúng ta thấy điều này có tính lịch sử sâu sắc, song lại luôn luôn mới và đầy nhạy cảm. Từ lâu, khoa lý luận văn học đã xác lập được một cách khá rõ ràng lý thuyết, quan niệm về tính dân tộc trong văn học. Như đã biết, văn học, nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội, thuộc kiến trúc thượng tầng. Nền văn học nào cũng nhận thức và phản ánh ý thức xã hội nhất định của một dân tộc nhất định. Nhà văn nào cũng thuộc về một đất nước, một xã hội, một dân tộc nhất định và một tiếng nói nghệ thuật của anh ta hiển nhiên phải là tiếng nói của dân tộc anh ta, mà tác giả như là người đại điện.

Lý luận tiến bộ và lý luận kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lênin đã chỉ ra lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn nảy sinh trên cơ sở thế giới quan, nhân sinh quan của nhà văn. Lý tưởng thẩm mỹ ấy hàm chứa tính dân tộc sâu sắc. Lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn, tính dân tộc của văn học nằm trong bản chất xã hội của văn học. Nghiên cứu văn học đâu chỉ nghiên cứu riêng tác phẩm, mà bắt buộc phải tìm hiểu cặn kẽ, sâu sắc thời đại và tác giả. Ngay cả văn học truyền miệng, văn học khuyết danh, việc nghiên cứu tác giả vẫn phải đặt ra. Ở đó là tác phẩm tập thể, là nhân dân, là tác giả ẩn danh. Người sáng tạo ra những tác phẩm ấy, những tác phẩm mang tính dân tộc, vẫn phải là đối tượng nghiên cứu, giúp hiểu thêm tác phẩm, đánh giá tác phẩm.

Tính dân tộc trong văn học không phải là một thực thể thẩm mỹ bất biến trong đời sống một nền văn học trải qua nhiều giai đoạn lịch sử hoặc trong hệ thống tác phẩm của một tác giả, một nhóm tác giả. Tùy theo sự phát triển của lịch sử, của cách mạng, tùy theo sự tiến bộ của văn minh nhân loại mà tính dân tộc cũng biến đổi. Khi có sự xâm lấn quốc gia, dân tộc, tính dân tộc trong văn học rất đậm đà, được giới nghiên cứu rất quan tâm. Cuộc sống thanh bình, ít va chạm quốc gia, dân tộc, ít giao lưu đan xen, thì tính dân tộc thường là ổn định, ít sắc thái mới mẻ. Nước ta hàng nghìn năm nay luôn luôn có chiến tranh, dân tộc Việt Nam luôn luôn phải cưỡng lại một cách quyết liệt sự đồng hóa của văn hóa Trung Quốc, văn hóa Pháp. Ý thức mạnh mẽ chống lại âm mưu xóa văn hóa bản địa, đi đến xóa cả một dân tộc, đã khiến nền văn học của chúng ta luôn luôn mang nặng trong nó cảm thức dân tộc.

Những năm qua, thế giới và Việt Nam có nhiều biến động. Thế giới biến động theo cả hướng tốt lẫn hướng xấu. Riêng Việt Nam, dân tộc ta đang ở thế đi tới đầy khả quan. Trên thế giới, tính dân tộc trong văn học được quan tâm rất cao, như thể chưa bao giờ được quan tâm đến vậy. Một số nhà văn viết về dân tộc thiểu số của mình đã đoạt giải Nô-ben..., có nhà văn "Chống đạo Hồi" bị truy lùng và kết án tử hình... Các cuộc chia rẽ, phân hóa sắc tộc, hình thành đất nước mới để khẳng định một dân tộc... đang làm cho văn học không thể lơ là bản chất xã hội của mình. Thật ra, từ ngàn xưa, dân tộc vẫn là vấn đề luôn nóng hổi, nhạy cảm. Chỉ khác là, đến cuối thể kỷ XX, vấn đề sắc tộc lại nổi lên gần như là một vấn đề toàn cầu. Văn học các nước đã và đang phản ánh sâu sắc điều đó.

Ở nước ta, từ nghìn năm trước, nhiều tác phẩm văn học đã mang tính dân tộc. Từ khi có văn học viết, rồi khi có văn học viết bằng chữ quốc ngữ, tính dân tộc càng đậm đà hơn. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và hàng loạt nhà văn ở đầu thế kỷ XX đã viết với một cảm thức dân tộc sâu sắc. Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 do Đảng ta đề xướng đã trở thành kim chỉ nam cho giới viết văn, trong đó nêu rõ văn học ta phải Dân tộc, khoa học, đại chúng. Phải nói rằng, từ sau năm 1954 trở đi, các nhà văn nước ta mới dần dần có ý thức sâu sắc, đầy đủ về việc viết thế nào cho phù hợp với dân tộc mình. Cũng từ sau năm 1945, giới nghiên cứu mới dần đi sâu nghiên cứu về tính dân tộc trong văn học, để rồi từ quãng năm 1960 trở lại đây, tham khảo thêm tài liệu nước ngoài, mới có những giáo trình, những công trình nghiên cứu hoàn chỉnh về tính dân tộc trong văn học xuất bản bằng tiếng Việt do các nhà nghiên cứu, giáo sư Việt Nam viết.

Từ sau năm 1975 và nhất là từ sau năm 1986, bước vào thời kỳ đổi mới, dân tộc ta đang đứng trước những thử thách mới. Trong nền văn hóa của dân tộc ta, nhiều yếu tố cần phải đào thải, nhiều yếu tố cần phải coi trọng và không ít yếu tố cần phải bổ sung. Mở cửa ra với thế giới, hòa nhập hay là hòa tan?

Làm thế nào để giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, mà lại vẫn tiếp thu nền văn hóa, khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới? Đó là những câu hỏi, tưởng giản đơn mà không dễ giải đáp ngay một lúc. Có một điều dễ thấy là, nhìn lẻ tẻ ở nhiều nơi, ta đang đánh mất ta, song, nhìn về toàn cục, nhìn vào chiều sâu, ta đang cưỡng lại một cách mạnh mẽ sự đánh mất mình. Văn học đang dị ứng với lối sống phè phỡn, dị ứng với mặt trái của cơ chế thị trường. Nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, bài thơ da diết hướng về làng quê, hướng về cuộc sống thôn dã. Nhiều tác phẩm tố cáo lối sống thị trường, chạy theo đồng tiền, bán rẻ nhân cách. Qua những cuộc trao đổi về văn hóa, về tính dân tộc trong thơ những năm gần đây chứng tỏ ý thức dân tộc của các giới văn nghệ đang nỗ lực chống lại ý thức phản dân tộc. Hiện nay, không có chiến tranh, mà chúng ta lại quan tâm đến dân tộc hơn thời chiến tranh chống kẻ thù xâm lược. Bởi vì, sự xâm lấn văn hóa trong thời bình chắc chắn nguy hiểm hơn rất nhiều lần sự xâm lược bằng phương tiện chiến tranh, cơ học. Thuốc đắng người ta có thể phản ứng bằng cách lè lưỡi ra, còn thuốc bọc đường dễ nuốt hơn và dùng thiếu kiềm chế. Vì bối cảnh xã hội vừa nêu quan niệm tính dân tộc có thay đổi ít nhiều, sắc thái dân tộc trong tác phẩm văn học cũng khác trước. Đời sống xã hội và thực tiễn sáng tác đổi mới, khiến quan niệm về tính dân tộc cũng phải thay đổi. Chưa bao giờ tính dân tộc trong quan hệ với tính toàn cầu được bàn đến một cách kỹ lưỡng, được các nhà văn quan tâm sâu sắc như hiện nay. Chúng ta không thể mất nước được nữa, đó là điều cần phải được khẳng định chắc chắn, song nếu không cảnh giác, sẽ "mất dân tộc". Tuy nhiên, "mất dân tộc" là hiểu theo nghĩa biểu cảm, chứ trên thực tế, dân tộc, với nền văn hóa của nó, không thể nào mất đi được. Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương: "Xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc". Cho nên, như đã trình bày, hiện nay ở trên thế giới và nước ta, tính dân tộc trong văn học là một khía cạnh thuộc bản chất xã hội của văn học, nhạy cảm hơn bao giờ hết, thời sự hơn bao giờ hết.

Tính dân tộc trong văn học luôn luôn được đối chiếu vào tác phẩm văn học cụ thể. Bởi vì, mỗi nhà văn không có ý thức sâu sắc về dân tộc, mỗi tác phẩm không mang tính dân tộc ở mức độ nào đó, thì làm sao có thể xác định được tính dân tộc của cả một nền văn học, làm sao có thể trả lời được câu hỏi: "Nền văn học này có tính dân tộc hay không?".

Một tác phẩm có tính dân tộc, trước hết tác phẩm đó phải được nêu ra được các vấn đề của dân tộc, nêu lên được khát vọng của dân tộc, tinh thần, diện mạo văn hóa của dân tộc. Sau đó, tác phẩm ấy phải bộc lộ được cách cảm, cách nghĩ của dân tộc. Thiên nhiên, địa lý cũng xác định tính dân tộc của tác phẩm. Rồi, phong tục, tập quán nữa, cũng thể hiện tính dân tộc. Tác phẩm nào mang âm hưởng dân gian, cũng khiến người cảm thụ thấy rõ tác phẩm đó có màu sắc dân tộc. Về hình thức của tác phẩm, tính dân tộc xuyên thấm vào nhiều yếu tố: thể loại, giọng điệu, cấu tạo tác phẩm, ngôn ngữ, âm hưởng... Một tác phẩm giàu tính dân tộc, tức là một tác phẩm "có dân tộc" trọn vẹn, trong một chỉnh thể nội dung trong hình thức, hình thức trong nội dung, khó tách rời hai yếu tố đó ra khỏi nhau. Nếu vấn đề nêu ra, cảm hứng bộc lộ có tính dân tộc, thì hiển nhiên giọng điệu, ngôn ngữ cũng phải phù hợp, nghĩa là cũng phải có tính dân tộc. Tuy nhiên, đây là xét về mặt lý thuyết. Còn đi vào tác phẩm cụ thể của một tác giả cụ thể ở một bối cảnh xã hội cụ thể, thì không thể đo đếm tính dân tộc một cách cứng nhắc, mà cần có cách nhìn, cách cảm uyển chuyển, mềm mại, phù hợp với mọi nhẽ.

Xin kết thúc vấn đề đang bàn luận này bằng dẫn chứng một tác phẩm cụ thể đó là tác phẩm thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Thơ của Tố Hữu trong suốt đời thơ của nhà thơ này là luôn luôn đậm đà tính dân tộc. Nổi bật nhất là thơ ông ở thời kỳ hòa bình vừa được lập lại. Vấn đề mà Việt Bắc nêu ra phù hợp kịp thời và sâu sắc nỗi vui mừng, lo toan của dân tộc ta thời ấy. Tố Hữu đã nói lên khát vọng của dân tộc ta là hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Khát vọng xã hội của dân tộc đã trở thành khát vọng thẩm mỹ, lý tưởng thẩm mỹ trong thơ. Đó là tiếng hòa ca rộn vui, êm ái, đoàn tụ sau hòa bình. Dân tộc ta trọng ân nghĩa, thủy chung, uống nước nhớ nguồn. Việt Bắc khi hướng về cội nguồn, đã nói được điều đó. Cách cảm, cách nghĩ của Việt Bắc là của người Việt Nam: tình nghĩa, đôn hậu, khi sướng vui, nhớ lại lúc buồn khổ, gian nan. Nhớ, không quên, cảm ơn đó là tâm lý dân tộc mà Việt Bắc nói được. Sau nữa, nói đến đoàn tụ, niềm vui đoàn tụ xen đan nỗi nhớ phân ly, cũng là cách cảm của người Việt Nam, một dân tộc nghìn năm trải qua chiến tranh, luôn luôn chịu đựng ly tán. Xét về nghệ thuật biểu hiện, Việt Bắc mang màu sắc dân tộc khá đậm đà. Thể thơ lục bát, tuy rằng không phải là độc tôn của Việt Nam, nhưng là thể thơ truyền thống, dễ đồng cảm với người tiếp nhận. Yếu tố dân gian xuyên thấm vào tác phẩm. Lối đối đáp, cách kết cấu trùng điệp - lặp lại "ta mình" khiến ta liên tưởng đến một miền quê nào đó từ ngàn xưa đã văng vẳng tiếng hát ru. Kết cấu của tác phẩm từ cách sử dụng điệp đoạn đến cách gói tác phẩm theo lớp lang khiến ta nghĩ đến cấu trúc ổn định, vững bền của tư duy người Việt, đến sự ngăn nắp đĩnh đạc, hài hòa của nếp nghĩ, thao tác sáng tạo của dân tộc ta nhiều thế kỷ. Kết thúc hay là mở đầu của tác phẩm, đều theo kiểu truyền thống, có hậu, giải bày tâm tình. Ngôn ngữ của Việt Bắc sáng trong, dễ hiểu, ảnh hưởng dân ca và Truyện Kiều. Trên hết và cuối cùng, Việt Bắc dư vang một âm hưởng trữ tình của lối cảm, lối nghĩ rất Việt Nam.

P.T.S

Từ khóa » Ví Dụ Về Tính Dân Tộc