Tính Danh Học Việt Nam: Bút Hiệu

[ Xem Mục Lục ]

Tính danh học Việt Nam: Bút Hiệu
TIẾT E: BÚT HIỆU 1. Định Nghĩa Bút Hiệu: Bút hiệu hay còn gọi là bút danh là tên của các văn nghệ sĩ, ký giả chọn để thay cho tên chánh, hoặc cho đi kèm với tên chánh để xác nhận tác quyền trên những tác phẩm văn chương, nghệ thuật, đồng thời để biểu lộ một mục đích hay lý tưởng nào đó. 2. Nguồn Gốc Bút Hiệu: Bút hiệu xuất hiện đầu tiên tại Pháp. Vào thời Trung Cổ, công dân Pháp bị buộc phải tòng quân, trốn tránh sẽ bị tử hình. Do vậy, những người trốn lính phải lấy tên khác để che dấu tung tích. Tên đó Pháp ngữ gọi là “nom de guerre”, nghĩa là tên chiến tranh. Cũng vào thời Trung Cổ, dân Pháp không có quyền tự do ngôn luận. Tác phẩm nào xúc phạm tới giới chức chính quyền hay tầng lớp giáo sĩ sẽ bị trừng phạt. Do vậy, các văn sĩ bắt chước kiểu tên “nom de guerre”, đặt ra “nom de plume”, tức là bút hiệu để che dấu tung tích, lý lịch của mình trong sinh hoạt văn chương chữ nghĩa. Từ Pháp, bút hiệu lan ra khắp thế giới và lẽ dĩ nhiên có cả Việt Nam. Ngày nay, người Hoa Kỳ vẫn mượn từ ngữ “nom de plume”của Pháp để chỉ bút hiệu. 3. Hình Thức Bút Hiệu: Bút hiệu xuất hiện tại Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ hai mươi, đồng thời với sự hình thành của nền quốc văn mới, chịu ảnh hưởng văn hóa tây phương. Về phương diện hình thức, nếu tên hiệu thường gồm hai chữ thì bút hiệu có thể là: Một số mẫu tự ghép lại: Nhà thơ TTKh, TCHYA. VIP. KK. Một từ: Hoạ sĩ Tuýt, Choé, Mõ, Mít. Hai từ: Nhà thơ Xuân Diệu, Thế Lữ. Ba từ: Thi sĩ Hàn Mặc Tử. Đủ thành phần tên: Thi sĩ Vũ Đình Liên, Bàng Bá Lân. Một ngoại ngữ: Họa sĩ Etcetera, thi sĩ Jean Leiba. Căn cứ vào nội dung các bút hiệu, ta thấy văn nghệ sĩ áp dụng hai phương pháp sau đây để đặt bút hiệu: 4. Phương Pháp Đặt Bút Hiệu Của Các Nhà Nho: Vào khoảng những năm đầu của thế kỷ hai mươi, các văn nghệ sĩ, ký giả còn là các nhà nho, vốn liếng Hán học còn nhiều, nên nguyên tắc đặt bút hiệu của các cụ lúc này vẫn theo các nguyên tắc đặt tên hiệu. Xin nêu các ví dụ sau: a. Bút hiệu đặt theo một câu văn Tàu: Cụ Trần Trọng Kim (1882-1953), tác giả hai bộ sách rất giá trị là Việt Nam Sử Lược và Nho Giáo, có bút hiệu là Lệ Thần. Cụ lấy tên này vì tên cụ là Kim, nghĩa là vàng. Tục ngữ Trung Quốc có câu: Ngọc ẩn Côn Sơn, kim sanh Lệ Thủy, nghĩa là ngọc ẩn ở núi Côn, vàng sinh ra ở sông Lệ. Cụ Kim chọn bút hiệu Lệ Thần vì muốn thần phục sông Lệ. b. Bút hiệu đặt theo nguyên tắc tên tự: Theo nguyên tắc này, tên chánh và bút hiệu có ý nghĩa gần giống nhau. Ví dụ nhà văn Đào Trinh Nhất (1900-1951) tự là Quán Chi, bút hiệu là Bất Nhị. Nhất nghĩa là một, Bất Nhị nghĩa là không phải là hai. Còn tên tự Quán Chi, Quán và Nhất đều có nghĩa hạng nhất, đứng đầu (Ví dụ quán quân). Nhà văn Hồ Văn Trung (1885-1958), tác giả hàng trăm cuốn tiểu thuyết, có bút hiệu là Biểu Chánh. Chữ Trung và Chánh đều có nghĩa là ngay thẳng. c. Bút hiệu đặt theo tên một nhân vật lịch sử: Cụ Lê Dư, một tay bút chiến cự phách của làng báo Việt Nam buổi ban đầu, lấy bút hiệu là Sở Cuồng. Cụ lấy bút hiệu này vì tên cụ giống tên nhà triết học thời Chiến Quốc là Tiệp Dư, người nước Sở, có tên hiệu là Sở Cuồng. Học giả Phạm Quỳnh đã giải thích vì sao ông chọn bút hiệu Thiếu Hoa Đường. Ông viết: Cụ Phạm Quý Thích hiệu Lập Trai, biệt hiệu Hoa Đường. Vì chính cụ là người làng Lương Ngọc tôi, trước là làng Lương Đường, mà tên về đời Lê là Hoa Đường. Tôi mộ cái tài học danh tiết một bậc tiền bối, lại vừa là vị chân nho ôn hòa thuần túy cũng lạm lấy tên Hoa Đường làm biệt hiệu. Tên cụ là Lão Hoa Đường mà cho mình là Thiếu Hoa Đường. 5. Phương Pháp Đặt Bút Hiệu Của Phái Tân Học: Đến khoảng năm 1930, khi văn chương quốc ngữ lấn lướt hẳn văn chương Hán Nôm, thì các văn nghệ sĩ thời này chọn cho mình những bút hiệu có nội dung phóng khoáng hơn. Các bút hiệu không còn lệ thuộc vào những điển tích, câu văn trong cổ thư Tàu, hay những bút hiệu phải có những chữ như Trai, Am, Hiên, Đường, Xuyên, Sơn, Phu, Phụ như trước nữa, mà đặt bút hiệu theo nhu cầu mục đích của mình. Sau đây là các mục đích của các văn thi sĩ, ký giả khi đặt bút hiệu: a. Bút hiệu để che dấu tên thật. Vì một lý do nào đó, như e ngại bị phê bình, sợ bị kiện tụng, các văn nghệ sĩ chọn một bút hiệu để che dấu tên thật. Trường hợp này có thể phân làm hai loại: che dấu hẳn và che dấu một phần. Che dấu hẳn là lấy bút hiệu để người khác không biết ai là tác giả. Đại đa số các bút hiệu của người Việt Nam thuộc loại này. Một thí dụ điển hình là bút hiệu T.T. Kh, tác giả bài thơ nổI tiếng Hai Sắc Hoa Ti Gôn được đăng ở tập san Tiểu Thuyết Thứ Bảy, đã làm xôn xao dư luận xóm nhà văn vào năm 1937. Cho tới nay, không người nào biết T.T. Kh là ai. Báo chí một thời đã viết nhiều bài tìm hiểu về T.T. Kh, nhưng vẫn chưa ai biết tên thật của thi sĩ này là gì. Nhà phê bình thi ca Hoài Thanh, Hoài Chân đã trách khéo T.T. Kh rằng: Liệu rồi đây, người có thể lẳng lặng ôm nỗi buồn riêng cho đến khi về chín suối ? Tác giả truyện Kho Vàng Sầm Sơn lấy bút hiệu là TCHYA. Bút hiệu này gây thắc mắc cho nhiều người, có người giải thích chữ tắt đó là Tôi Chẳng Yêu Ai, hoặc Tôi Chẳng Hề Yêu Ai. Cuối cùng, nhà văn Đái Đức Tuấn giải thích TCHYA là tiếng viết tắt của câu Tôi Chỉ Yêu Angèle. Trong lối che dấu tung tích, các nhà văn còn dùng cách thức đặt hẳn một tên khác, cũng có tên họ, tên đệm và tên chính, nhưng đó không phải là tên thực của tác giả. Ví dụ nhà thơ Chu Vương Miện có tên thật là Nguyễn Văn Thưởng. Nhà thơ Cung Trầm Tưởng tên thật là Cung Thúc Cần. Nhà thơ Du Tử Lê có tên thật là Lê Cự Phách. Dùng bút hiệu loại này, các văn nghệ sĩ muốn độc giả nghĩ đó là tên thật vì một bài viết, một tác phẩm được đánh giá là đứng đắn, nghiêm túc khi chính tác giả dùng tên thật để xác nhận bản quyền. Che dấu một phần là phương pháp mà ta có thể đoán ra tên thật nhờ yếu tố có trong bút hiệu. Các văn thi sĩ áp dụng bốn cách sau đây để che dấu một phần tông tích: Thứ nhất, lấy tên đệm và tên chính làm bút hiệu. Nhà văn Nguyễn Lan Khai lấy bút hiệu là Lan Khai. Nhà thơ Phạm Huy Thông (1918-?) lấy bút hiệu là Huy Thông. Nhiều nhà văn áp dụng nguyên tắc này để chọn tên hiệu. Thứ hai, lấy tên đệm và tên chính rồi nói lái. Nhà văn Nguyễn Thứ Lễ(1907-?) nói lái ra là Thế Lữ. Thứ ba, ghép vần tên họ với vần tên chính. Nhà văn Ngô Văn Phát ghép vần chữ Ngô và chữ Phát thành Tố Phang. Nhà văn Trần Khánh Giư (1896-1947) đảo lộn hai từ Khánh Giư thành Khái Hưng để làm bút hiệu. Thứ tư, lấy tên chính viết ra Hán tự, rồi lấy bộ chữ tạo thành tên chính đó làm bút hiệu. Ví dụ học giả Phạm Quỳnh (1892-1945) lấy bút hiệu là Hồng Nhân. Chữ Quỳnh nếu viết ra Hán tự có bộ Ngọc nghĩa là hồng ngọc, nên cụ chọn bút hiệu Hồng Nhân. Hơn nữa, cụ chọn bộ Ngọc vì một lý do khác nữa là nguyên quán của cụ ở làng Ngọc Cục, Hải Dương. Chỉ có các vị uyên thâm nho học mới lấy bút hiệu kiểu cách này. b. Bút hiệu chỉ nơi sinh quán: Người Việt có tâm lý rất gắn bó và quyến luyến nơi sinh quán. Dù cư ngụ ở đâu, họ cũng vẫn hoài tưởng quê hương. Tâm lý này được thể hiện qua nhiều bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, văn chương. Đối với tính danh học, tâm lý này thể hiện qua việc lấy địa danh quê quán làm bút hiệu. Xin đan cử một vài ví dụ: Nhà văn Phạm Quỳnh (1892-1945), có các bút hiệu khác nhau là Lương Ngọc, Hồng Nhân, Thượng Chi. Ông lấy bút hiệu Lương Ngọc vì nguyên quán của ông ở làng Lương Ngọc, tổng Ngọc Cục, Huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông Nguyễn Đức Nhuận (1900-?), chủ nhiệm nhật báo Sàigòn Mới, có bút hiệu là Bút Trà vì ông sinh ở Quảng Ngãi nơi có núi Bút Sơn và sông Trà Khúc. Nhà thơ Nguyễn Trọng Trí lần lượt lấy các bút hiệu Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử và sau cùng là Hàn Mặc Tử. Riêng bút hiệu Lệ Thanh là do hai chữ đầu của sinh quán Lệ Mỹ và chánh quán Thanh Tân ghép lại. Nhà văn Trần Trung Lương, tác giả của nhiều tác phẩm nói về đời sống người tỵ nạn Việt Nam ở Canada, lấy hiệu là Trà Lũ vì tổ tiên ông ở làng Trà Lũ, Nam Định, trước khi di cư sang Phát Diệm để tránh cuộc bắt đạo của Tổng đốc Trịnh Quang Khanh. c. Bút hiệu có ý nghĩa hay, có âm thanh hài hòa. Hầu hết các văn nghệ sĩ Việt Nam chọn tên hiệu theo tiêu chuẩn này. Các văn nghệ sĩ thường chọn các từ ngữ Hán Việt, để vừa có ý nghĩa hay, vừa có âm thanh hài hòa. Ví dụ: Thanh Lãng, Nguyên Sa, Thanh Tịnh, Hải Linh, Nhất Linh, Hàn Mặc Tử, Sĩ Phú, Quỳnh Giao, Mai Hương, v.v… d. Bút hiệu để diễn tả hoàn cảnh bản thân. Trong văn chương, không những ta thấy có văn chương tự trào, mà còn thấy các văn nghệ sĩ chọn bút hiệu để diễn tả hoàn cảnh bản thân. Ông Vũ Hối, nhà danh họa Việt Nam, được Tòa Bạch Ốc mời vẽ chân dung Tổng Thống John F. Kennedy, kể chuyện về bút hiệu của mình: Khi đi tù, tôi bị hành hạ trong bao nhiêu năm. Chúng đánh tôi hư một con mắt, cùm tôi hư một chân. Do đó khi ra tù tôi chọn bút hiệu là Vũ Đát Di. Đố anh bút hiệu này có nghĩa là gì? Biết ông là người hay chữ và hóm hỉnh nên tôi đoán ra ngay là vừa đi vừa dắt chứ gì? Ông chịu quá bèn không đố nữa mà kể cho tôi nghe những bút hiệu khác của ông. Nhiều lắm. Chẳng hạn Vũ Sơn Trạch là Vũ sạch trơn, vì ông ta ra tù thì 2 bàn tay trắng. Nguyễn Y Vân là vẫn y nguyên, ý nói thân xác hao gầy nhưng lòng ông vẫn như xưa. Vũ Vi Vân là vẫn vi vu, ông vẫn đi đây đi đó như gió. Và bút hiệu cuối cùng, Hồng Khôi, thì ông không đùa giỡn với chữ nghĩa nữa. Bút hiệu này vừa nói lên cái tâm Phật của ông, vừa để tưởng nhớ hai người anh ruột đã bị sát hại. Anh Hồng và anh Khôi. Hồng Khôi là Hồi Không. Cuộc đời này rồi ra còn gì đâu. Không cả. Thâm thúy quá chứ . e. Bút hiệu phù hợp với nội dung bài viết hay tác phẩm: Ngoài bút hiệu chính, các văn nghệ sĩ còn có thể có nhiều bút hiệu khác, tùy theo nội dung tác phẩm. Khi viết loại văn chương có mục đích đả phá hay chỉ trích, nhà văn thường chọn từ ngữ gợi ý không tốt đẹp làm bút hiệu. Nhà văn Nguyễn Tường Long trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn có hai bút hiệu: Tứ Ly và Hoàng Đạo. Khi viết cho tờ Phong Hóa, ông chuyên dùng thứ văn chương châm biếm để đả phá hủ tục mê tín dị đoan, bói toán, bốc phệ nên chọn bút hiệu là Tứ Ly. Theo bói toán, Tứ Ly là giờ xấu nhất trong ngày. Đến khi tờ Phong Hóa đóng cửa, ông sang viết cho tờ Ngày Nay, chuyên về văn nghệ, thì lại lấy bút hiệu là Hoàng Đạo. Hoàng Đạo trong tử vi tướng số là giờ tốt nhất trong ngày. Bút hiệu sau của nhà văn Nguyễn Tường Long đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam. Học giả Nguyễn Văn Toán, bút hiệu Toan Ánh, tác giả nhiều bộ sách phong tục Việt Nam, đã cho cá nhân chúng tôi biết khi phê bình hay bút chiến một vấn đề gì, ông lấy bút hiệu là Ngạc Nhân. Ông giải thích: Ngạc trong Hán tự nghĩa là con cá sấu. Hình ảnh cá sấu gợi lên ý nghĩa tấn công. Khi vẽ hay viết về các đề tài có tính cách nửa đùa nửa thực, diễu cợt, châm biếm, các nhà văn, họa sĩ thường chọn các từ ngữ hài hước châm biếm làm bút hiệu: Xin liệt kê các bút hiệu sau đây đã thấy trong làng báo Việt Nam trong nửa thế kỷ qua để làm ví dụ: Thầy Gòn, Thiên Hổ, Thiên Cẩu, Tú Kếu, Tú Gàn, Tú Rua, Đốc Gàn, Đồ Dịch, Đạo Chích, Ký Còm, Đào Nương, Lão Móc, Bút Thép, VIP.KK. Các hoạ sĩ vẽ tranh hí họa cho báo chí như: Tuýt, Etcetera, Chóe, Mõ, Mít, Hĩm. f. Bút hiệu đặt theo trào lưu văn hóa mới. Khi xã hội Việt Nam còn chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, các tên hiệu đều là các từ Hán Việt. Đến khi văn hóa tây phương tràn vào Việt Nam, người ta thấy ngay một chuyển biến mới. Đầu tiên, các văn nghệ sĩ thay vì lấy tên hiệu, họ lấy bút hiệu. Sau đó, thêm một bước nữa là có vị lấy tên hiệu bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh. Ví dụ thi sĩ thời tiền chiến Lê Văn Bái lấy bút hiệu là J. Leiba. Nhà báo Đinh Từ Thức viết cho tờ Độc Lập vào những năm trước 1975 lấy bút hiệu là VIP.KK. Chữ VIP là tiếng viết tắt của Very Important Person, nghĩa là nhân vật rất quan trọng. Ngoài ra, một biến chuyển quan trọng chưa từng thấy trong lịch sử văn chương Việt Nam là các văn nghệ sĩ chịu ảnh hưởng văn hóa tây phương, lấy tên thật của mình làm bút hiệu. Khuynh hướng này bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 1920 và càng ngày càng phổ biến vì các tác giả không mấy sợ tiếng khen chê, lại muốn tên tuổi của mình được phổ biến càng nhiều càng tốt. Ngày nay, nhiều tác giả không ngần ngại khai báo hết lý lịch cá nhân như sinh năm nào, ở đâu, làm nghề gì, học vấn ra sao, đã xuất bản bao nhiêu tác phẩm v.v… Và nhiều vị còn in hình của mình trên bìa sau tác phẩm. Tinh thần này trái hẳn với tinh thần của các cụ trong nền văn chương Hán Nôm xưa là lấy tên hiệu để ghi quyền tác giả như: Ức Trai Thi Tập, Tiều Ẩn Thi Tập, Giới Hiên Thi Tập v.v… Ngày mai: Nghệ Danh
Nguyễn Long Thao VietCatholic News (Thứ Sáu 10/12/2004)

[ Xem Mục Lục ]

Từ khóa » Cách đặt Bút Danh Hay