Tinh Dầu Sả Tụt Giá, Khó Tiêu Thụ

Từ thành phố Lai Châu, chúng tôi vượt gần 250km đến xã Ka Lăng (huyện Mường Tè) để tìm hiểu về việc trồng và chiết xuất tinh dầu sả của người dân trên mảnh đất biên cương nơi thượng nguồn sông Đà. Thăm nương sả của gia đình chị Lỳ Gió Nu (ở bản Mé Gióng), đúng thời điểm chị và mọi người trong gia đình đang thu hoạch và chiết xuất tinh dầu sả. Lau những giọt mồ hôi, chị Nu buồn bã chia sẻ: Năm nay là năm thứ 6 gia đình tôi chuyển 1,2ha nương ngô sang trồng cây sả. Trồng sả cũng vất vả nhưng cho thu nhập cao hơn trồng ngô, sắn. Mỗi năm cây sả cho thu hoạch 6 vụ, sau mỗi vụ thu hoạch, chỉ cần làm cỏ là cây sả lại phát triển bình thường. Mấy năm trước, tinh dầu sả sau khi chiết xuất cũng rất dễ tiêu thụ và được giá, có thời điểm 1 lít dầu sả có giá trên 600 nghìn đồng. Tuy nhiên, từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, việc thông thương với nước bạn Trung Quốc gặp khó khăn, dầu sả xuống giá, giờ 1 lít chỉ trên 200 nghìn đồng mà tiêu thụ còn khó. Người dân trồng sả đang gặp rất nhiều khó khăn.

Người dân xã Ka Lăng (huyện Mường Tè) thu hoạch sả.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Khoàng Sỳ Chừ - Chủ tịch UBND xã Ka Lăng cho biết: Có thời điểm được giá, từ việc trồng và chiết xuất dầu sả, người dân thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến đa số các hộ dân tự phát chuyển diện tích nương của gia đình sang trồng sả. Hiện, trên địa bàn xã Ka Lăng người dân trồng trên 300ha cây sả. Việc trồng và chiết xuất tinh dầu sả của các hộ dân trên địa bàn đang được thực hiện với phương thức thủ công, dùng củi làm nhiên liệu để nấu sả, là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên của xã. Theo kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của huyện và định hướng phát triển kinh tế của xã, sả không phải là cây được khuyến khích trồng và phát triển.

Xã đã tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn không phá rừng trồng sả. Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ triển khai thực hiện Đề án phát triển cây mắc-ca, tuyên truyền vận động Nhân dân trồng xen cây mắc-ca vào diện tích nương sả. Từ đầu năm 2020 trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thị trường tiêu thụ giá dầu sả giảm sâu ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu và đời sống Nhân dân. Việc tìm đầu ra cho tinh dầu sả được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm. UBND xã đã có văn bản kiến nghị với UBND huyện và các phòng chuyên môn kêu gọi các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp vào nghiên cứu nâng cao chất lượng dầu sả và tổ chức liên kết trồng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trên địa bàn huyện Mường Tè hiện có khoảng 1.000ha cây sả, tập trung tại 2 xã: Ka Lăng, Thu Lũm và rải rác tại các xã: Bum Tở, Tá Bạ, Mường Tè, Kan Hồ... Tuy nhiên, việc trồng và chiết xuất dầu sả của người dân Mường Tè đang là hoạt động tự phát. Trồng sả và thu hoạch sả chưa được bà con thực hiện theo quy trình kỹ thuật để thu được lượng dầu sả tốt nhất. Việc chiết xuất dầu sả vẫn làm theo phương pháp thủ công, nồi nấu sả được các hộ dân mua từ Trung Quốc, nhiên liệu dùng để chưng cất sả vẫn là củi. Lá sả sau khi chiết xuất vẫn chưa được người dân tái sử dụng… Cùng với đó, tinh dầu sả do bà con sản xuất ra, thị trường tiêu thụ vẫn chủ yếu là Trung Quốc. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc thông thương giữa Nhân dân khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc đang tạm dừng nên dầu sả của người dân Mường Tè bị xuống giá là điều khó tránh. Vì vậy, người trồng cây sả ở Mường Tè đang cần một hướng đi bền vững cho việc trồng và chiết xuất tinh dầu sả.

Trao đổi với ông Tống Văn Thi - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Tè, chúng tôi được biết: Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường Tè lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, cây sả không được xác định là cây trồng thế mạnh của huyện. Tuy nhiên, việc hỗ trợ người dân trồng sả trên địa bàn được cấp ủy, chính quyền huyện Mường Tè đặc biệt quan tâm. UBND huyện xác định phải quản lý, khai thác tốt diện tích cây sả hiện có và mời các nhà khoa học đánh giá chất lượng tinh dầu sả. Qua phân tích, tinh dầu sả của Mường Tè được các nhà khoa học đánh giá rất cao về chất lượng. Đồng thời, UBND huyện cũng đã mời một số doanh nghiệp lên các xã có sản lượng lớn để tổ chức liên kết trồng, sản xuất dầu sả, xây dựng sản phẩm dầu sả Mường Tè thành sản phẩm OCOP và tìm đầu ra bền vững. Đến nay, trên địa bàn xã Thu Lũm đã có HTX liên kết với người dân tổ chức trồng, sản xuất tinh dầu và xây dựng sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp huyện đã triển khai hiệu quả Đề án phát triển cây mắc-ca, triển khai trồng xen với diện tích cây sả trên địa bàn để từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao hiệu quả sử dụng đất cho người dân.

Tạm biệt Ka Lăng trong ánh nắng chiều biên giới, nỗi niềm của người trồng và chiết xuất dầu sả trên địa bàn huyện Mường Tè do giá dầu xuống thấp luôn “canh cánh” trong lòng chúng tôi. Mong sao, những nỗ lực của các cấp chính quyền trong tổ chức liên kết giữa người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng và sản xuất tinh dầu sả, mở rộng thị trường tiêu thụ được triển khai thực hiện hiệu quả. Để người tiêu dùng trong nước biết đến tinh dầu sả Mường Tè, giúp tinh dầu sả Mường Tè thoát khỏi “vòng kim cô” là thị trường tiểu ngạch xuất sang Trung Quốc.

Từ khóa » Tinh Dầu Sả Lai Châu