Tính Dị Bản Của Văn Học Dân Gian

Sau đây là 6 câu cuối của dị bản ở Phú Yên:   

Giúp cho một rổ lá gai

Một cân nghệ bột với hai tô mè

Giúp cho năm bảy lạng chè

Cái ấm sắc thuốc cái bồ (ghè?) đựng than

Giúp cho đứa nữa nuôi nàng

Mai ngày trọn tháng cho chàng tới lui…

Rồi những buổi trưa nồng, ta hay nghe văng vẳng tiếng hát ru con:

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng

Về sông ăn cá về đồng ăn cua

Nhưng một hôm ta lại nghe:

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng

Về kinh ăn cá về đồng ăn cua

Lại một hôm, ta nghe:

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng

Về bưng ăn ốc về đồng ăn cua

Thế là ta đem hỏi bạn bè. Rồi cãi nhau. Câu nào đúng? Xin  đừng cãi nhau làm gì, bởi đó là những dị bản. Chẳng ai đúng mà cũng chẳng ai sai. Quê anh có sông, anh hát về sông, tôi ở trong kinh, trong rạch, mà kinh rạch của tôi cũng nhiều cá, thế là tôi sửa lại thành về kinh. Ở Ðồng Tháp Mười có rất nhiều bưng biền, bưng biền ở đấy có nhiều ốc, thế là người ta lại sửa thành về bưng ăn ốc (chẳng ai cấm cản gì).

Tương tự như thế, câu ca dao:

Bao phen quạ nói với diều

Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm

Cũng có dị bản:

Bao phen quạ nói với diều

Cù lao ông Hổ có nhiều cá tôm

Hay:

Bao phen quạ nói với diều

Ði về trại đáy ăn nhiều cá tôm…

Một ngày giáp hạt, ta cùng mẹ vét những thúng lúa cuối cùng trong bồ đem đi chà gạo, vừa làm mẹ vừa rỉ rả:

Vóc bồ thương kẻ ăn đong

Có chồng thương kẻ nằm không một mình

Ta nghĩ, trong lòng mẹ đang có sự đồng cảm đây!

Một hôm, ta lại nghe ông hàng xóm ngân nga:

Thóc bồ thương kẻ ăn đong

Có chồng thương kẻ nằm không một mình

Ồ, lại thêm một nghĩa khác? Ðúng là một nghĩa khác. Chỉ cần thay đổi một từ vóc và thóc mà đã thành ra hai nghĩa. Có người bảo, bài thứ nhất đúng hơn, có người lại bảo bài thứ hai đúng hơn. Bài thứ nhất chẳng qua là bị nói trại âm, từ thóc mà thành ra vóc (như kiểu trong câu chuyện hài về anh nông dân dốt, người ta nói phước bất trùng lai, hoạ vô đơn chí, anh nghe thành cuốc đất trồng khoai, quạ vô ăn chuối vậy!).

Trong  cuộc sống, ông bà mình cũng thường hay nói “Cái khó bó cái khôn” để chỉ những khó khăn nhiều khi lại trói buộc những dự định, hoài bão của con người. Nhưng cũng từ trong khó khăn, có người lại trăn trở, suy tính và cuối cùng tìm được hướng giải quyết, thế là họ lại bảo “Cái khó ló cái khôn”. Nhờ khó mà họ khôn ra, năng động hơn…

Rồi một hôm nào đó, mình lại nghe bà bảo chú mình:

Dạy con từ thuở còn thơ

Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về

Câu đầu thì hiểu được. Bởi ông bà mình cũng có câu “Uốn cây từ thuở còn non/Dạy con từ thuở con còn ngây thơ”. Dạy con cái phải dạy ngay từ khi còn nhỏ, những bài học đầu đời luôn là những bài học có giá trị sâu sắc đối với trẻ. Nhưng còn câu sau? Tại sao lại là bơ vơ? À, có lẽ họ muốn nói khi người vợ mới về nhà chồng, còn lạ nước lạ cái, còn bơ vơ chưa có “đồng minh” nên nói gì cũng phải nghe, dạy gì cũng phải học (không dám cãi). Nhưng có người lại không đồng ý với từ bơ vơ mà họ sửa thành ban sơ. Họ cho rằng, ban sơ là ban đầu, là lúc cô gái mới về nhà chồng, dùng ban sơ dễ hiểu hơn. Dùng bơ vơ nghe tội nghiệp quá! Thế là lại có thêm một dị bản:

Dạy con từ thuở còn thơ

Dạy vợ từ thuở ban sơ mới về

Tương tự như thế, câu tục ngữ Một lần sợ tốn bốn lần không đủ cũng có dị bản Một lần sợ tốn, bốn lần không xong.

Nhu cầu đời sống tinh thần là vô cùng phong phú. Ngày nay, xã hội phát triển, phương tiện sinh hoạt giải trí cũng đa dạng hơn. Tuy vậy, bên cạnh nhiều phương tiện giải trí hiện đại, Văn Học Dân Gian vẫn âm thầm tồn tại, nhất là những câu tục ngữ, những bài ca dao, với dấu ấn hiện đại hơn, thời sự hơn. Và trong số ấy có rất nhiều bài được làm theo dạng “cải biên” từ những bài ca dao, câu tục ngữ cũ. Nội dung cải biên thường theo xu hướng trào phúng, châm biếm.

Ví dụ, ngày xưa dân gian thường bảo Có tiền mua tiên cũng được, ngày nay lại bảo Có tiền mua xe hơi cũng được, Có tiền mua Vila cũng được…

Câu tục ngữ Ði một ngày đàng học một sàng khôn được cải biên thành Ði một ngày đàng học một sàng mánh khoé.

Từ câu ca dao:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

thành:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Mẹ ơi mẹ hỡi mau mau gởi tiền

Từ câu:

Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon

thành:

Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp, lắc đầu… chê tanh

Từ câu:

Sáng trăng trải chiếu hai hàng

Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ

thành:

Sáng trăng trải chiếu hai hàng

Bên anh “sập xám”, bên nàng “tiến lên”…

Ở dạng cải biên, có xếp vào loại dị bản hay không còn do ở các nhà nghiên cứu. Nhưng đây cũng là một đặc trưng khá tiêu biểu và hấp dẫn của Văn Học Dân Gian thời hiện đại, chắc chắn sẽ còn nhiều thú vị, bất ngờ.

Từ khóa » Tính Dị Bản Trong Văn Học Dân Gian Là Gì