Tính Hai Mặt Của Lao động Sản Xuất Hàng Hoá

Sở dĩ hàng hoá có hai thuộc tính giá trị sử dụng và giá trị vì lao động của người sản xuất hàng hoá có tính hai mặt, đó là lao động cụ thể và lao động trừu tượng.

a) Lao động cụ thể là lao động có ích dưới một hình thức cụ thể của một nghề nghiệp chuyên môn nhất định. Mỗi lao động cụ thể có mục đích riêng, công cụ lao động, đối tượng lao động, phương pháp lao động và kết quả lao động riêng. Chính những cái riêng đó làm cho các lao động cụ thể khác nhau. Ví dụ: lao động cụ thể của người thợ may khác với lao động của người thợ nề; lao động cụ thể của người thợ mộc khác với lao động cụ thể của người thợ dệt...

Mỗi lao động cụ thể tạo ra một giá trị sử dụng nhất định. Trong xã hội, giá trị sử dụng muôn hình, muôn vẻ do lao động cụ thể muôn hình muôn vẻ tạo ra. Lao động cụ thể là một phạm trù vĩnh viễn nên giá trị sử dụng là phạm trù vĩnh viễn.

Lao động cụ thể tồn tại vĩnh viễn cùng với sản xuất và tái sản xuất xã hội, không phụ thuộc vào bất cứ hình thái kinh tế - xã hội nào; nhưng hình

thức của lao động cụ thể phụ thuộc vào sự phát triển của kỹ thuật, của lực lượng sản xuất, phân công lao động xã hội và nhu cầu tiêu dùng. Khoa học, kỹ thuật, phân công lao động càng phát triển thì các hình thức lao động cụ thể càng phong phú và đa dạng.Tất cả các loại lao động cụ thể hợp thành hệ thống phân công lao động xã hội ngày càng chi tiết.

b) Lao động trừu tượng là lao động của người sản xuất hàng hoá không kể đến hình thức cụ thể của nó, hay nói cách khác lao động trừu tượng là sự hao phí sức lực của con người nói chung không kể hình thức cụ thể của nó như thế nào. Đó là sự tiêu hao cơ bắp, thần kinh, trí óc của con người sau một quá trình lao động. Nhưng không phải là sự tiêu hao sức lực của con người nói chung, mà là sự tiêu phí sức lực của người sản xuất hàng hoá. Lao động trừu tượng tạo ra giá trị hàng hoá, là một phạm trù lịch sử, riêng có của sản xuất hàng hoá.Tất nhiên, không phải có hai thứ lao động kết tinh trong hàng hoá, mà chỉ là lao động của người sản xuất hàng hoá có tính chất hai mặt mà thôi.

Như vậy, lao động sản xuất hàng hoá, nếu xem xét dưới góc độ lao động cụ thể tức là xem xét lao động đó tiến hành như thế nào, sản xuất ra cái gì; còn nếu xem xét dưới góc độ lao động trừu tượng tức là xem xét lao động đó tốn bao nhiêu sức lực, hao phí bao nhiêu thời gian lao động.

Tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hoá phản ánh tính chất tư nhân và tính chất xã hội của lao động.

Tính chất tư nhân của lao động sản xuất hàng hoá biểu hiện: sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai là công việc cá nhân của chủ sở hữu về tư liệu sản xuất, họ tự quyết định. Đồng thời, lao động của người sản xuất hàng hoá lại mang tính xã hội, nó trở thành là một bộ phận của lao động xã hội nằm trong hệ thống phân công lao động xã hội. Sự phân công lao động xã hội làm nảy sinh mối liên hệ giữa những người sản xuất. Người này sản xuất ra sản phẩm để cho người khác dùng; và ngược lại, họ cần sản phẩm của người khác. Sự phân công lao động xã hội tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa những người sản xuất hàng hoá thông qua trao đổi hàng hoá. Việc trao đổi hàng hoá không thể căn cứ vào lao động cụ thể mà phải quy về lao động trừu tượng.

Lao động của người sản xuất hàng hoá bao hàm sự thống nhất giữa hai mặt đối lập là tính chất xã hội và tính chất tư nhân của lao động. Mâu thuẫn giữa tính chất xã hội và tính chất tư nhân của lao động sản xuất hàng hoá là mâu thuẫn cơ bản của nền sản xuất hàng hoá giản đơn, mâu thuẫn đó được biểu hiện thành mâu thuẫn giữa lao động trừu tượng và lao động cụ

thể, giữa giá trị và giá trị sử dụng của hàng hoá. Mâu thuẫn trên bộc lộ rõ khi sản xuất thừa, cung vượt quá cầu, lao động tư nhân không dược xã hội thừa nhận, giá trị sử dụng không đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Mâu thuẫn giữa lao động tư nhân và lao động xã hội chứa đựng khả năng sản xuất “thừa” và là nguồn gốc của mọi mâu thuẫn của kinh tế hàng hoá.

Từ khóa » Tính Chất Hai Mặt Của Sản Xuất Hàng Hóa