Tình Hình Hoạt động Cụm Công Nghiệp Trên địa Bàn Tỉnh Bắc Giang

1. Đặc điểm và phân bố cụm công nghiệp (CCN)

Các CCN của tỉnh Bắc Giang được hình thành trên cơ sở các điểm công nghiệp và doanh nghiệp đã đầu tư. Tính đến tháng 6/2016, trên địa bàn tỉnh có 31 CCN nằm trong quy hoạch với diện tích 661,93 ha; đã thành lập được 30 cụm công nghiệp với diện tích 648,83 ha; diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch chi tiết là 454,2 ha; diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 307,6 ha.

(Ảnh minh họa)

Các CCN đã thành lập tập trung chủ yếu tại một số các huyện, thành phố có điều kiện thuận lợi về giao thông và có khả năng thu hút đầu tư cao, cụ thể: Thành phố Bắc Giang có 6 CCN, huyện Việt Yên có 3 CCN, huyện Yên Dũng có 4 CCN, huyện Lạng Giang có 4 CCN, huyện Tân Yên có 1 CCN, huyện Hiệp Hòa có 4 CCN, huyện Yên Thế có 2 CCN, huyện Lục Nam có 2 CCN và huyện Lục Ngạn có 3 CCN, riêng huyện Sơn Động chưa thành lập CCN nào.

Trong 30 CCN được thành lập có 18 CCN đã lập quy hoạch chi tiết, 12 CCN đã được phê duyệt dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, có 13 CCN đã lấp đầy 100%, tỷ lệ đất cho thuê so với tổng diện tích đất công nghiệp của các CCN trên toàn tỉnh là 65,82%.

2. Kết quả thu hút đầu tư

Với 30 CCN được thành lập, đến nay đã thu hút được trên 202 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 8.332 tỷ đồng (bao gồm đã quy đổi vốn đầu tư bằng USD), trong đó đã có 177 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, số vốn thực hiện đầu tư khoảng 4.700 tỷ đồng, chiếm 66,9% tổng vốn đăng ký.

Tổng số lao động làm việc trong các CCN khoảng 36.500 người, thu nhập bình quân đầu người từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.

3. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

Để tạo điều kiện cho các CCN phát triển, ngoài hỗ trợ xây dựng hạ tầng của Trung ương, tỉnh Bắc Giang cũng có hỗ trợ về lập quy hoạch chi tiết, song việc hỗ trợ từ tiền ngân sách cho một số CCN nhỏ, từ 2 - 8 tỷ đồng/CCN nên không đủ để hoàn thiện một số hạng mục của CCN.

Chủ đầu tư hạ tầng các CCN chủ yếu là UBND cấp huyện, chỉ có 2 công ty kinh doanh hạ tầng kỹ thuật là Công ty TNHH E Park’s đầu tư hạ tầng tại CCN Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa (1.287,582 tỷ đồng); Công ty TNHH Nam Á đầu tư hạ tầng CCN Hoàng Mai, huyện Việt Yên (287,11 tỷ đồng). Các công ty này cũng đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, về kêu gọi các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư. Ngoài ra do CCN hình thành trước khi có nhà đầu tư hạ tầng nên các doanh nghiệp có trước không theo quy hoạch và rất khó cho việc định giá thuê đất trong CCN.

Với các CCN nằm ở các huyện miền núi, ngoài việc giao thông không thuận lợi, xa trung tâm, nhân lực thiếu, yếu, địa hình có độ dốc cao, suất đầu tư hạ tầng cao, không hiệu quả nên chưa thu hút được các dự án cũng như các nhà đầu tư hạ tầng.

4. Những khó khăn trong công tác quản lý CCN

- Về cơ chế quản lý: Theo quy định, Sở Công Thương là đơn vị quản lý các CCN trên địa bàn tỉnh, song chỉ tham mưu về xây dựng quy hoạch, thành lập, mở rộng và bổ sung CCN; còn tham mưu chấp thuận các dự án đầu tư là nhiệm vụ của Sở Kế hoạch và Đầu tư; giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, lập đề nghị đưa vào quy hoạch, mở rộng, thành lập, bổ sung quy hoạch là UBND cấp huyện; quản lý đất đai, môi trường là Sở Tài nguyên và Môi trường; quy hoạch chi tiết, quy hoạch chung và cấp phép xây dựng nhà xưởng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật là Sở Xây dựng; việc đấu nối giao thông tuyến tỉnh và đầu mối đấu nối với Quốc lộ là Sở Giao thông Vân tải; chấp thuận các ưu đãi, định giá thuê đất là Sở Tài chính; thu thuế của doanh nghiệp là Cục Thuế (không phải Chi cục Thuế); liên quan đến lao động là Sở Lao động Thương binh và Xã hội... Do đó, để xin chấp thuận đầu tư các dự án vào CCN, nhà đầu tư phải tự mình đi gặp các cơ quan để hoàn thành thủ tục (không tập trung như quản lý các khu công nghiệp), nên mất thời gian, cơ hội cho nhà đầu tư, do đó hạn chế việc thu hút các doanh nghiệp vào CCN (kể cả các doanh nghiệp, cơ sở thuộc diện di rời vào CCN). Bên cạnh đó, từ cơ chế trên dẫn đến việc quản lý CCN có rất nhiều ngành tham gia, trong khi đó theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ thì Sở Công Thương là cơ quan tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn nhưng trong quá trình doanh nghiệp đầu tư cho đến khi hoạt động thì vai trò của Sở Công Thương hết sức mờ nhạt, không có quyền trong vai trò giúp doanh nghiệp ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư và hoạt động sau cũng như hết thời hạn đầu tư hoặc phá sản của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chủ trì Hội thảo đánh giá 5 thực hiện QĐ 105/2009/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp (ảnh minh họa)

- Về quy mô CCN: Giai đoạn thành lập CCN chỉ được 50 ha, sau đó có đủ điều kiện mới được mở rộng nhưng cũng không quá 75 ha. Đây cũng là điều kiện hạn chế sự phát triển CCN, vì để đầu tư hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, trạm xử lý chất thải, điện chiếu sáng...) diện tích CCN càng lớn thì suất đầu tư thấp mới có giá thấp và nhà đầu tư mới đến thuê, nhà kinh doanh hạ tầng mới hạ được giá để cạnh tranh...

- Về ưu đãi: Ưu đãi cho các doanh nghiệp trong và ngoài CCN không có gì khác nhau, trong khi đó nếu vào CCN thì các doanh nghiệp phải bỏ tiền thuê đất cao hơn vì phải thuê hạ tầng, do đó không khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào CCN.

5. Một số đề xuất để thu hút đầu tư phát triển các CCN

- Cần có cơ chế nhất là quyền và một số ưu đãi cho các nhà đầu tư hạ tầng để thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước, nhất là các quy định để cho các dự án vào đầu tư vào CCN nhanh, thuận lợi.

- Việc quản lý tập trung về một mối để quản lý và tạo điều kiện cho các nhà doanh nghiệp về thủ tục đầu tư vào CCN.

- Giai đoạn tới, Sở Công Thương tham mưu với UBND tỉnh: Chỉ bổ sung các CCN có quy mô từ 25 ha trở lên và có khả năng thu hút đầu tư; có doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hạ tầng; các CCN không đủ điều kiện xây dựng hạ tầng thì cho rút khỏi quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh./.

Lương Hồng Thái - Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp

Từ khóa » Cụm Công Nghiệp Hoàng Mai Bắc Giang