Tình Hình Việt Nam Sau Hiệp định Giơnevơ Năm 1954 Và Nội Dung, ý ...

Câu 6: Tình hình Việt Nam sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 và nội dung, ý nghĩa đường lối cách mạng Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960) đề ra?

a. Hoàn cảnh lịch sử

Trên thế giới, thuận lợi là hệ thống xã hội chủ nghĩa tiếp tục lớn mạnh cả về kinh tế, quân sự, khoa học – kĩ thuật, nhất là Liên Xô. Phong trào giải phóng dân tộc tiếp tục phát triển ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh. Phong trào đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội lên cao ở các nước tư bản.

Khó khăn là đế quốc Mỹ có tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh, âm mưu bá chủ thế giới với các chiến lược toàn cầu phản cách mạng. Thế giới bước vào thời kỳ chiến tranh lạnh, chạy đua vũ trang; xuất hiện sự bất đồng trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, nhất là giữa Liên Xô và Trung Quốc.

Ở trong nước, tình hình sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 có mặt thuận lợi là miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, làm căn cứ địa vững chắc cho cả nước. Thế và lực của cách mạng đã lớn mạnh hơn sau 9 năm kháng chiến. Có ý chí độc lập thống nhất Tổ quốc của nhân dân từ Bắc chí Nam.

Khó khăn là đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, nhảy vào miền Nam nước ta nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta. Đất nước ta bị chia làm 2 miền với 2 chế độ chính trị khác nhau. Miền Nam do đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai kiểm soát. Trong khi đó kinh tế miền Bắc nghèo nàn, lạc hậu, cơ sở vật chất kỹ thuật hầu như bị tàn phá.

Trong hoàn cảnh đó, Trung ương Đảng đã họp nhiều hội nghị chuyên đề bàn về đường lối cách mạng của Việt Nam, của cách mạng mỗi miền. Đến tháng 9/1960, Đảng triệu tập Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 tại Hà Nội nhằm đưa ra những quyết định mới về chiến lược cách mạng nhằm thống nhất đất nước.

b. Nội dung đường lối cách mạng do Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) xác định

Về đường lối chung của cách mạng Việt Nam là “Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới”.

Nhiệm vụ của mỗi miền: cách mạng XHCN ở miền Bắc có nhiệm vụ xây dựng miền Bắc trở thành căn cứ địa vững mạnh, hậu phương lớn để cung cấp sức người sức của cho tiền tuyến miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ.

Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam: có nhiệm vụ đánh thắng đế quốc Mỹ ở miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, bảo vệ miền Bắc XHCN.

Vị trí và vai trò của mỗi miền: cách mạng XHCN ở miền Bắc có vai trò quyết định nhất do có nhiệm vụ xây dựng tiềm lực và bảo vệ căn cứ địa của cả nước, hậu thuẫn cho cách mạng miền Nam, chuẩn bị cho cả nước đi lên CNXH về sau.

Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam: có vai trò quyết định trực tiếp trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Mối quan hệ của cách mạng hai miền: mỗi miền đều có nhiệm vụ khác nhau, vai trò, vị trí khác nhau nhưng nhiệm vụ cách mạng của cả hai miền có mối quan hệ mật thiết với nhau bởi vì đều có chung một mục tiêu: hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cùng đi lên xây dựng CNXH.

Con đường thống nhất đất nước: Tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng, Đảng kiên trì con đường hòa bình thống nhất theo tinh thần Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, sẵn sàng thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử hòa bình thống nhất đất nước. Tuy nhiên phải luôn đề cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với mọi tình thế. Nếu đế quốc Mỹ và tay sai liều lĩnh gây ra chiến tranh hòng xâm lược miền Bắc thì nhân dân cả nước sẽ kiên quyết đứng lên đánh bại chúng, hoàn thành độc lập và thống nhất tổ quốc.

Triển vọng của cách mạng: Là cuộc đấu tranh gay go, gian khổ, phức tạp và lâu dài nhưng thắng lợi cuối cùng nhất định thuộc về nhân dân Việt Nam.

c. Ý nghĩa

Việc tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng là sự vận dụng đúng đắn và sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Nhờ vào việc nắm vững đường lối này mà Đảng đã phát huy được sức mạnh cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đây là một hình thái đặc biệt của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng. Thể hiện sự độc lập, tự chủ, sáng tạo của của Đảng trong việc xử lý những vấn đề không có tiền lệ lịch sử, vừa đúng với thực tiễn, vừa hợp với lợi ích của nhân loại và xu thế của thời đại.

Từ khóa » Nhiệm Vụ Cách Mạng Việt Nam Sau Hiệp định Giơnevơ