Tình Phí: Bình đẳng Khéo Léo để Tình Bền Lâu - Báo Tuổi Trẻ

Tuổi Trẻ Online giới thiệu phần tư vấn của thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung và phần chia sẻ của bạn đọc Phúc Cường như lời kết cho diễn đàn nhỏ này.

KQCObdNw.jpgPhóng to
Để tình yêu tồn tại và đơm hoa kết trái, người trong cuộc cũng cần học được cách xử lý khéo léo vấn đề "tình phí" - Ảnh minh họa: từ Flickr

* Học cách dung hòa khúc mắc "tình phí"

Chào bạn Trần Hoa,

Chuyện tiền bạc luôn là chuyện được gắn mác “tế nhị” trong tất cả các mối quan hệ chứ không chỉ là tình yêu. Không ít người đã nhận định rằng, vấn đề liên quan đến chuyện tiền bạc là kiểu vấn đề “dễ mà không dễ” giải quyết. Vì vậy, chúng tôi rất đồng cảm với nỗi khó xử của bạn trong chuyện này.

Theo số liệu từ cuộc khảo sát bỏ túi của Trung tâm Đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt thì phần lớn nam giới cho rằng, họ rất sẵn lòng chi trả cho những bữa ăn, những món quà trong những cuộc hẹn hò với người yêu. Nguyên nhân dẫn đến hành động đó một phần vì họ muốn chứng tỏ sự ga-lăng, lịch sự của mình, một phần vì họ quan niệm rằng, khi đã có tình cảm, sự yêu thương với một ai đó thì mọi sự “tính toán” gần như “biến mất” hoặc không tồn tại.

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp cá biệt khi hai người yêu nhau vẫn tồn tại sự tính toán, chi li rạch ròi các khoản ăn uống, chi tiêu dựa trên sự thống nhất và đồng thuận từ hai phía. Do đó, dù tiền bạc không quyết định tình cảm nhưng cách tiêu tiền, chi tiền trong chuyện tình cảm cũng có thể phản ánh một góc độ nào đó về về mức độ tình cảm dành cho nhau.

Quay lại câu chuyện Chàng ơi sòng phẳng làm chi? của bạn, qua mỗi tình tiết bạn kể thì hẳn không ít người sẽ thốt lên “sao lại có sự vô lý thế này vì không thể nào lại có một người bạn trai quá sức sòng phẳng với người yêu từng đồng, từng cắc như vậy?”.

Có thể một số khác sẽ cho rằng, phụ nữ ngày nay hay đòi hỏi sự bình đẳng, do vậy, hãy tập những thói quen bình đẳng trong từng việc nhỏ nhặt và việc chia đôi mọi chi phí ăn uống, vui chơi như vậy cũng đang là một cách để thiết lập sự bình đẳng trong mối quan hệ.

Nhưng dù là nhìn ở cách nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng nên xác nhận rằng, để tình yêu tồn tại và đơm hoa kết trái được thì rất cần có sự dung hòa trong tính cách cũng như mỗi người nên tự điều chỉnh thái độ, hành vi, quan điểm, lối sống của mình để tạo ra sự cân bằng trong mối quan hệ tình cảm.

Nếu cán cân tình cảm cứ bị chông chênh mà không tìm ra hướng giải quyết thì cả hai người hoặc một trong hai sẽ luôn mệt mỏi, ức chế thay vì cảm giác hạnh phúc trong tình yêu.

Về người bạn trai của bạn, việc sòng phẳng đó có thể là thói quen, có thể là tính cách nhưng cũng có thể là một sự tính toán nhằm hạn chế ở mức thấp nhất sự tổn hại về tài chính trong một mối quan hệ mà anh ấy không chắc có phải là đích đến trong cuộc đời - như anh ta đã nói.

Dù là gì đi nữa, hoặc bạn nên kiên trì, mềm mỏng và khéo léo để góp ý theo kiểu “nước chảy đá mòn” nhằm tạo ra sự điều chỉnh nơi anh ấy để xô nốt cái rào cản cuối cùng trong chuyện tình cảm này; hoặc bạn tham khảo ý kiến bạn bè, những người đã có gia đình... để có cái nhìn nhận “lý trí” nhất về cái cách mà anh ấy đang yêu thương, quan tâm đến bạn.

Nếu bạn cảm thấy việc được cùng anh ấy ăn uống, xem phim là niềm vui lớn thì hãy coi việc chia sẻ tiền bạc là cách để hai người thường xuyên có được niềm vui ấy.

Nếu bạn cảm thấy việc tính toán chi li là “an toàn” hơn việc thoáng vì như vậy sau này sẽ không lo lắng về việc người đàn ông của mình “chi tiêu vô tội vạ”; nếu bạn cân đo đong đếm xong hết mà bản thân cảm thấy có thể chấp nhận được anh ấy thì hãy tiếp tục.

Hãy mạnh dạn và chủ động tạo ra những sự chuyển biến tích cực để chuyện tình cảm của bạn có được một kết cục đẹp nhé!

Khi bước vào giảng đường đại học, cũng là thời gian mình bắt đầu phải lo toan, trang trải cuộc sống. Thời gian đầu ngoài giờ lên lớp và tự học, phải lo nào là sinh nhật, tiệc tùng và nhất là khoản "tình phí".

Thời gian đầu không có kinh nghiệm, nên mình thường chưa hết tháng là đã “rỗng túi” và nhiều bạn bè xung quanh cũng như vậy. Các khoản chi phí thường rất phí phạm, không cần thiết. Rồi mình lại phải xoay sở, vay mượn rất nhiều.

Dần dần, mình cũng tích lũy được nhiều hơn kinh nghiệm, và cả kiến thức về cách quản lý tiền cách thức tiêu tiền sao cho hiệu quả. Mình nghĩ, giới trẻ Việt hiện nay cũng rất cần được trang bị nhiều hơn kiến thức về quản lý, về thái độ, cách ứng xử và sự trân trọng với tiền. Điều này quan trọng không chỉ trong công việc, quan hệ xã hội mà cả trong tình yêu nữa.

Mình không đồng ý quan điểm cho rằng, việc chia tiền sòng phẳng chính là cách thể hiện sự quan tâm, trân trọng cảm xúc người yêu. Người biết cách chi tiêu tiền bạc không phải là người điều gì cũng tính toán và sòng phẳng quá được.

Điều này đúng trong tình yêu và cả nhiều lĩnh vực khác của đời sống. Nên rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ. Cho đi nhiều hơn thì chắc chắn mình cũng sẽ nhận được nhiều hơn. Đừng đặt vấn đề ai nợ ai trong tình yêu.

Khi đã mời nhau, tặng quà nhau thì đó là tấm lòng chân thành, là giá trị tinh thần. Cho đi nhiều hơn không có nghĩa là hoang phí, không có nghĩa là làm những việc vượt ngoài phạm vi khả năng, điều kiện của mình. Nếu sòng phẳng, căn ke quá sẽ mất đi sự lãng mạn, tinh tế, sự khoáng đạt và một tâm thức rộng mở trong ứng xử. Đó là những phẩm chất rất cần thiết cho một tình yêu đẹp.

Khi đã yêu nhau thì không thiếu gì cơ hội và không gian để bạn gái cũng có thể mời bạn trai đi chơi, tham dự các sự kiện trong những dịp nào đó và trả tiền. Hoặc khi đi xem một buổi ca nhạc, bạn trai trả tiền vé, bạn gái chi tiền ăn chẳng hạn; tặng nhau vài món quà có ý nghĩa. Qua đó thể hiện sự quan tâm, chia sẻ với nhau, mà lại rất tinh tế, lãng mạn. Vấn đề là bạn có muốn tự tạo ra các cơ hội đó không mà thôi. Không thể lúc nào cũng nhất nhất đòi cưa đôi được!

Bạn gái trong câu chuyện Chàng ơi sòng phẳng làm chi? không nên sợ người yêu sẽ nghĩ là mình là người “cả nghĩ” khi chia sẻ với anh ấy. Không có gì phải lo lắng cho rằng tình yêu không còn trong sáng hay vụ lợi.

Khi người ta đã yêu nhau thì đó phải là sự chia sẻ, hòa hợp từ hai phía. Hai người nên chia sẻ với nhau các quan điểm sống, quan điểm về tình yêu, sự nghiệp và cả vấn đề tiền, cách tiêu tiền nữa. Khi đã có sự thấu hiểu và đồng cảm thì chắc chắn người bạn gái cũng phải để tâm cân bằng, không để cho bạn trai phải chi tiêu một cách quá đà đến mức “chưa đến cuối tháng đã rỗng túi” giống như hoàn cảnh của mình trước đây được.

Còn người bạn trai, nếu khi bạn gái chủ động mời hoặc trả tiền thì chắc anh ta cũng vui vẻ, dễ chịu thôi. Vấn đề không phải ai trả tiền mà là cách ứng xử với tiền thế nào cho hợp tình, hợp lý.

Chàng "keo" phải mừng, chàng "vung" mới loTại sao đàn ông phải "độc quyền" tình phí?Cứ lúc tính tiền là anh "giả chết"Chàng ơi sòng phẳng làm chi?Để em chia "tình phí" với anh!Tình phí “cưa” đôi!

Từ khóa » Cách Xử Bạn Trai Xin đi Chơi Hoài