Tính Sinh động Và Sáng Tạo Của Mô Hình Chủ Nghĩa Xã Hội Trong Giai ...

Có hai tác động thường xuyên đến tư duy và hành động xây dựng chủ nghĩa xã hội và quy định hiệu quả của chúng: Một là, các quy luật, nguyên lý mà chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã vạch ra, có tác động định hướng để từ đó xây dựng chủ nghĩa xã hội khoa học; hai là, “mảnh đất hiện thực” của mỗi quốc gia, có tác động quy định để từ đó, như lời V.I.Lê-nin, xây dựng “chủ nghĩa xã hội sinh động, sáng tạo”(1). Xét cho cùng, đó là hai mặt của một vấn đề: Hài hòa giữa lý luận và thực tiễn.

Thành tựu về thực tiễn và lý luận của thời kỳ cải cách, đổi mới chỉ thực sự đạt được khi nào cả hai tác động trên hài hòa với nhau và đặc biệt là, hiểu rõ và làm đúng vấn đề có tính quy luật mà V.I.Lê-nin đã từng tổng kết: chủ nghĩa xã hội là sinh động, sáng tạo.

Những bất cập, khủng hoảng rồi đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội hiện thực giai đoạn 1917 - 1991 cũng xác nhận mối quan hệ trên. Các biểu hiện giáo điều, dập khuôn trong tư duy và hành động của nhiều nước xã hội chủ nghĩa phải chăng là, chiều này thì phản ánh việc chưa chuyển hóa được lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học; còn chiều kia, là chưa nhìn nhận được xây dựng chủ nghĩa xã hội như một quá trình rất sinh động và giàu sức sáng tạo?

Xa hơn, lịch sử phát triển của tư tưởng xã hội chủ nghĩa cũng xác nhận điều đó. Chủ nghĩa xã hội trước C. Mác sở dĩ không tưởng, vì không tìm ra được quy luật, nguyên lý vận động của xã hội loài người, cụ thể là của giai đoạn từ chủ nghĩa tư bản đi lên chủ nghĩa xã hội. Nó “ưu tiên cho mộng tưởng chủ quan” của các nhà nhân đạo, để “sáng tạo” ra một xã hội công bằng, dân chủ, bình đẳng, tự do. Nó đưa ra các biện pháp không tưởng và cho rằng nhân loại nên làm theo. Ở đây, sức sáng tạo của các nhà không tưởng đã thay thế cho tư duy duy lý, khoa học; ước vọng chủ quan đã thay thế cho quy luật của sự vận động xã hội và cũng vì thế mà thất bại trên thực tế.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội tư duy của chủ thể thường bắt đầu từ một số vấn đề cơ bản sau đây: Vì sao có chủ nghĩa xã hội và phải cần đến nó? Quan niệm thế nào về mô hình chủ nghĩa xã hội sẽ xây dựng? Và, xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng con đường nào? Điểm chung nhất trong việc giải quyết những vấn đề ấy vẫn là kết hợp hài hòa giữa nguyên lý, quy luật, phương pháp luận của chủ nghĩa xã hội khoa học với sự sáng tạo để xây dựng chủ nghĩa xã hội sinh động trên mảnh đất hiện thực của từng quốc gia. Cải cách, đổi mới đã giải quyết những vấn đề cơ bản ấy như thế nào? Trả lời được những vấn đề đó sẽ thấy những thành tựu mà cải cách, đổi mới đạt được nhờ giải quyết hài hòa giữa lý luận và thực tiễn để có chủ nghĩa xã hội đầy tính sinh động và giàu sức sáng tạo, bao gồm:

Vấn đề thứ nhất: Nhận thức về tính tất yếu kinh tế của chủ nghĩa xã hội trong cải cách, đổi mới

C.Mác đã chỉ ra tính tất yếu kinh tế của chủ nghĩa xã hội trước tiên từ tính chất xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất trong chủ nghĩa tư bản phát triển. Theo quy luật cơ bản của các hình thái kinh tế - xã hội là quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa tất yếu phải tìm tới hình thức “xã hội hóa” tức là xác lập chế độ công hữu, thông qua một cuộc cách mạng kinh tế. Từ đó, cùng với quá trình giai cấp công nhân nắm lấy quyền lực nhà nước, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, sự thay đổi của xã hội diễn ra từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng, xã hội xã hội chủ nghĩa dần được xây dựng. Tư tưởng căn bản của C.Mác - Ph.Ăng-ghen về tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội được xây dựng theo quan niệm duy vật về lịch sử và các ông coi đó “là một quá trình lịch sử - tự nhiên”.

Từ khóa » Nhược điểm Của Chủ Nghĩa Xã Hội Khoa Học