Tình Thái Từ Là Gì? Ví Dụ Và Bài Tập Về Tình Thái Từ - Ngữ Văn 8

Lượt xem: 36.832

Tình thái từ được sử dụng rất phổ biến trong Tiếng Việt; giúp người nghe có thể hiểu rõ hơn về nội dung, thái độ bạn muốn trình bày. Vậy tình thái từ là gì? Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giúp bạn ôn tập cũng như bổ trợ thêm kiến thức về loại từ này nhé!

Contents

  • Tình thái từ là gì? 
  • Tình thái từ có chức năng gì?
    • Tạo câu theo mục đích nói
    • Biểu thị sắc thái tình cảm
  • Phân loại tình thái từ
  • Cách sử dụng tình thái từ
  • Phân biệt câu cảm thán với tình thái từ
  • Bài tập tình thái từ
    • Dạng 1: Xác định các tình thái từ trong câu hoặc đoạn văn cho trước
    • Dạng 2: Đặt câu hoặc viết đoạn văn có chứa tình thái từ. 

Tình thái từ là gì? 

Tình thái từ là những từ được thêm vào để tạo câu theo mục đích nói hoặc thể hiện tình cảm, nhấn mạnh cảm xúc, thái độ của người nói. Tình thái từ được dùng nhiều trong giao tiếp hơn là văn viết.

Ví dụ về tình thái từ: 

  • Cậu về nhà hả? => Tình thái từ: hả
  • Anh về nhé! => Tình thái từ: nhé
  • Tôi không về nhà đâu! => Tình thái từ: đâu

Nhìn chung, không có sự xuất hiện của tình thái từ thì câu nói vẫn diễn đạt một ý trọn vẹn. Tuy nhiên, nếu sử dụng thì câu nói trở nên có ngữ điệu và cảm xúc hơn. 

tình thái từ là gì
Soạn bài tình thái từ

Bài viết tham khảo: Trạng từ là gì? Tìm hiểu về các loại trạng từ trong tiếng Anh

Tình thái từ có chức năng gì?

Trong câu, tình thái từ đóng vai trò cực kỳ quan trọng, cụ thể như sau: 

Tạo câu theo mục đích nói

Tình thái từ giúp người nghe có thể hiểu được mục đích, thông tin truyền đạt của người nói. Mục đích đó có thể là để hỏi, cầu khiến hoặc bộc lộ cảm xúc về một sự việc, hành động nào đó. 

Ví dụ về tình thái từ nhằm mục đích để hỏi: 

  • Bố không có ở nhà ạ?
  • Hôm nay con không đi học hả?
  • Có chuyện gì hử?
  • Thằng An lại đi chơi rồi chăng?…

Ví dụ về tình thái từ nhằm mục đích cầu khiến: 

  • Đi về thôi!
  • Nghe máy đi nào!
  • Làm giúp tớ bài tập này nhé!
  • Lát em về trước đi chợ nghe!

 Ví dụ về tình thái từ nhằm mục đích bộc lộ cảm xúc:  

  • Thương thay!
  • Thật sao! Không thể tin nổi!

Biểu thị sắc thái tình cảm

Đó có thể là thái độ nghi ngờ, hoài nghi, ngạc nhiên, bất ngờ, trông chờ, cầu mong, nhấn mạnh, miễn cưỡng,… Các tình thái từ biểu thị sắc thái tình cảm thường là: a, nhé, à, cơ mà,… 

Ví dụ: 

  • Em về nhé! (Sắc thái gần gũi, thân mệt)
  • Em làm lại vậy! (Thể hiện sự miễn cưỡng)
  • Em làm đây! (Thể hiện sự nhấn mạnh, thông báo)
  • Hoa về rồi phải không? (Thể hiện sự hoài nghi)… 
tình thái từ là gì
Các chức năng của tình thái từ

Phân loại tình thái từ

Tình thái từ được chia thành các loại sau:

  • Tình thái từ nghi vấn: chứ, chăng, hử,… 
  • Tình thái từ cầu khiến như: đi, nào, với,…
  • Tình thái từ cảm thán như: sao, trời ơi, ôi,… 
  • Tình thái từ thể hiện tình cảm và thái độ của người nói: nhé, vậy, mà,… 

Lưu ý: Cách phân loại trên chỉ mang tính chất tương đối. Bởi trong thực tế, một số tình thái từ có thể là phương tiện cấu tạo nên câu nghi vấn, cầu khiến, cảm thán nhưng nó cũng có khả năng biểu thị sắc thái tình cảm của người nói. Vì vậy, để xác định xem tình thái từ đó thuộc loại nào thì ta cần phải xem xét ngữ cảnh của câu nói. 

Cách sử dụng tình thái từ

Tình thái từ được dùng nhiều trong giao tiếp hàng ngày. Tuy nhiên, ta cần sử dụng chúng phù hợp với đối tượng và ngữ cảnh giao tiếp để tránh gây hiểu lầm hoặc xuất hiện các xung đột không đáng có. 

Ví dụ, khi giao tiếp với người lớn tuổi, cần thể hiện sự lễ phép, lịch sử thì bạn có thể thêm từ “ạ” vào cuối câu. Tuy nhiên, nếu giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa thì không cần. 

Hoặc thể hiện sự miễn cưỡng, ta có thể đặt từ “vậy” ở cuối câu. Ví dụ: “Thôi, tớ đành làm một mình vậy!”. Thêm tình thái từ “vậy” vào cuối câu thể hiện sự miễn cưỡng, có chút thất vọng của người nói nhưng không làm mất hòa khí giữa cả hai. Ngược lại, nếu bạn chỉ nói: “Thôi, tớ làm một mình” thì giọng điều đã khác hẳn, có thể khiến người nghe có những suy nghĩ không tốt về bạn. 

Ví dụ với câu trần thuật: “tớ đi chợ”, khi ta thêm các tình thái từ khác nhau sẽ biểu hiện sắc thái tình cảm riêng biệt. Cụ thể như sau: 

  • Tớ đi chợ đây: Mang tính chất thông báo
  • Tớ đi chợ nhé: Thể hiện thái độ thân thiết, gần gũi
  • Tớ đi chợ vậy: Thể hiện sự miễn cưỡng, không muốn làm nhưng vẫn phải làm. 

Vậy nên, dù là khi nói hay viết thì hãy chú ý sử dụng tình thái từ phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp nhé (tình cảm, thứ bậc, tuổi tác,…). 

ngữ văn lớp 8
Sử dụng tình thái từ như thế nào cho đúng cách?

Phân biệt câu cảm thán với tình thái từ

Vì đều có tác dụng bộc lộ cảm xúc của người nói nên không ít người nhầm lẫn tình thái từ với câu cảm thán. Để có thể phân biệt và nhận biết được chúng, bạn đọc có thể tham khảo bảng thông tin dưới đây: 

Tiêu chí so sánh Tình thái từ Câu cảm thán
Hình thức Thường xuất hiện các từ như à, ư, chẳng, hử, đi, ạ, cơ, vậy,… ở cuối câu.  Xuất hiện các từ ngữ cảm thán như hỡi ơi, trời ơi, ôi chao,… và thường kết thúc bằng dấu chấm than. 
Chức năng Tạo câu nói (cảm thán, nghi vấn, cầu khiến) theo mục đích nói. 

Thể hiện sắc thái tình cảm, cảm xúc của người nói. 

Bộc lộ cảm xúc của người nói. 

Bài tập tình thái từ

Dạng 1: Xác định các tình thái từ trong câu hoặc đoạn văn cho trước

Đối với dạng bài tập này, các bạn cần phải đọc kỹ từng câu và dựa vào ngữ cảnh cụ thể để xác định đâu là tình thái từ. 

Ví dụ 1: Hãy xác định tình thái từ trong các câu sau:

  1. Cháu nín đi! Bác không sao đâu mà!
  2. Bà đã khỏe hẳn rồi chứ ạ?
  3. Chuyển sang lớp chọn, em phải cố gắng hơn nhé!

Trả lời: 

  1. đi, mà
  2. chứ, ạ.
  3. nhé

Ví dụ 2: Những câu nào dưới đây thể hiện đúng chuẩn mực giao tiếp của người Việt Nam. 

  1. Con ăn cơm rồi. 
  2. Cảm ơn cô!
  3. Con đi chơi đây!

Trả lời: 

Cả 3 câu trên đều không thể hiện đúng chuẩn mực giao tiếp của người Việt Nam. Bởi cả 3 đều là những câu giao tiếp giữa người ít tuổi hơn với người lớn tuổi hơn nhưng sắc thái biểu hiệu của người nói lại giống như cuộc trò chuyện giữa những người cùng vai vế vậy. Vì vậy, ta cần phải thêm các tình thái từ phù hợp để thể hiện sự lễ phép, kính trọng. Cụ thể như sau:

  1. Con ăn cơm rồi ạ!
  2. Cháu cảm ơn cô ạ!
  3. Con đi chơi đây ạ!

Dạng 2: Đặt câu hoặc viết đoạn văn có chứa tình thái từ. 

Đối với dạng bài tập này, các bạn học sinh được củng cố, ôn tập kiến thức về tình thái từ và luyện khả năng viết văn.

Bài viết tham khảo:

Dùm hay giùm? Làm giùm hay làm dùm? Từ nào đúng chính tả

Chân thành hay trân thành? Sử dụng từ nào mới đúng?

Bài viết trên đã cung cấp toàn bộ thông tin giúp bạn đọc trả lời câu hỏi tình thái từ là gì? Mong rằng với những chia sẻ trên của supperclean.vn sẽ giúp các bạn nắm vững hơn về phần kiến thức này nhé!

4.9/5 - (9 bình chọn)

Từ khóa » đặt 4 Câu Có Sử Dụng Tình Thái Từ