TÍNH THỐNG NHẤT BIỆN CHỨNG GIỮA “NGƯỜI LÃNH ĐẠO” VÀ ...
Có thể bạn quan tâm
TÍNH THỐNG NHẤT BIỆN CHỨNG GIỮA “NGƯỜI LÃNH ĐẠO” VÀ “NGƯỜI ĐẦY TỚ CỦA DÂN” TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
ThS. Trần Ngọc Sáng
Khoa Xây dựng Đảng
Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại, người thầy kính yêu của Đảng và dân tộc ta đã vĩnh viễn ra đi, để lại nỗi xót thương vô hạn trong lòng đồng bào cả nước. Trước lúc đi xa, Người đã để lại "muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng",[1]cùng với đó là lời dặn dò tâm huyết: "Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".[2]
Quan điểm Đảng vừa là “người lãnh đạo”, vừa là “người đầy tớ của dân” thực sự là một nét độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, song điều Người dặn dò đến nay vẫn nóng bỏng tính thời sự, không phải cán bộ, đảng viên nào cũng thấm nhuần và thực hiện đúng.
Lãnh đạo có thể hiểu là hoạt động mang tính định hướng, dẫn đường để người khác tin tưởng, đi theo. Lãnh đạo không thể cưỡng ép mà phải bằng sự ảnh hưởng, thuyết phục, tạo dựng niềm tin, động lực để người khác tự nguyện, đồng lòng hành động vì mục tiêu chung. Về vai trò lãnh đạo của Đảng¸ Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công”.[3]
Lịch sử đã chứng minh, sự lãnh đạo của Đảng chính là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Để thực hiện sứ mệnh lãnh đạo quần chúng, cán bộ, đảng viên phải có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, trình độ chuyên môn cao, tinh thần dũng cảm, đức hi sinh... Như vậy mới được nhân dân yêu quý, kính trọng và tin tưởng.
“Người đầy tớ của dân” trong Tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với bản chất cách mạng của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện sự tiến bộ, sự khác biệt của chế độ mới với chính quyền thực dân, phong kiến trước kia. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”.[4]Một cá nhân vào Đảng, không phải để “thăng quan phát tài”, “làm quan cách mạng”, mà là sự tự nguyện đặt lợi ích của tập thể cao hơn lợi ích cá nhân, nguyện tận tụy suốt đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Như vậy, “người lãnh đạo” và “người đầy tớ của dân” có sự khác biệt rất rõ ràng, song lại không hề mâu thuẫn, đối lập, ngược lại giữa chúng còn có sự thống nhất biện chứng với nhau.
Thứ nhất, “người lãnh đạo” và “người công bộc” là hai mặt thống nhất, không thể tách rời trong mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó “người lãnh đạo” là mặt nội dung, còn “người công bộc” chính là mặt hình thức. Khi cán bộ, đảng viên có phẩm chất bên trong của một “người lãnh đạo”, họ sẽ thể hiện rõ vai trò là “người đầy tớ của dân” thông qua những hành động cụ thể trong thực tế.
Thứ hai, xét trên góc độ vỹ mô, để Đảng thật sự xứng đáng là “người lãnh đạo”, thì Đảng phải xây dựng, thực thi một chủ trương, đường lối hợp lòng dân, vì lợi ích của dân. Bởi lẽ, nếu xuất phát điểm của chủ trương, đường lối không từ phục vụ nhân dân, Đảng cũng không thể nhận được sự tín nhiệm của quần chúng để hoàn thành sứ mệnh của “người lãnh đạo”.
Thứ ba, xét từ góc độ vi mô, muốn đưa chủ trương, đường lối vào cuộc sống, mỗi cán bộ, đảng viên với vai trò “người lãnh đạo” phải gần dân, hiểu dân, trăn trở với lợi ích của dân, vì dân phục vụ. Tự nhận nhức mình là “người đầy tớ của dân”, không có nghĩa là cán bộ, đảng viên tự hạ thấp vị thế của mình. Ngược lại, muốn trở thành “người đầy tớ của dân” để phục vụ nhân dân tốt nhất, cán bộ, đảng viên càng phải thể hiện đạo đức, tài năng của mình vượt trội hơn hẳn mặt bằng chung của quần chúng.
Trong thực tế hiện nay, nhiều cán bộ, đảng viên vẫn có những nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí lệch lạc về vấn đề này. Một số cá nhân cho rằng bản thân họ đã là “người lãnh đạo” thì luôn phải thể hiện mình ở trên quần chúng, bởi vậy họ lên mặt “quan cách mạng”, lúc nào cũng khệnh khạng, nói năng quan cách, mở miệng là “chỉ đạo”, là “định hướng”. Họ coi thường quần chúng, cho rằng chỉ có mình mới là thông minh, là nhìn xa trông rộng, không ai hơn được mình. Đây chính là căn bệnh “tự cao tự đại” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc đến. Bản thân những cán bộ đảng viên ấy không hiểu rằng, khi họ cố gắng thể hiện mình là “người lãnh đạo”, chẳng những không hề nâng cao được vị thế của họ, ngược lại còn bị quần chúng khinh ghét, coi thường, xa lánh. Và như vậy thực chất họ chỉ đang lạm dụng quyền lực để chèn ép quần chúng, chứ chẳng thể lãnh đạo được ai. Luôn nhấn mạnh bản thân là “người lãnh đạo”, song càng tự thể hiện thì rốt cuộc những cán bộ, đảng viên ấy lại càng chẳng thể hoàn thành được sứ mệnh của một “người lãnh đạo” một cách đúng nghĩa.
Lại có những cán bộ, đảng viên hiểu sai về việc bản thân mình là “người đầy tớ của nhân dân”. Những cá nhân này thường yếu kém về năng lực, do đó họ luôn tự ti, không có chính kiến, từ đó họ trở thành kẻ theo đuôi quần chúng. Họ làm ra vẻ “dân chủ”, lúc nào cũng “xin ý kiến của tập thể” mà không dám quyết một việc gì, dù là việc to hay việc nhỏ. Bản thân họ có thể luôn thực tâm mong muốn phục vụ quần chúng tốt nhất, nhưng trong thực tế ở vị trí lãnh đạo mà không thể đưa ra những định hướng, những giải pháp tháo gỡ khó khăn, không biết cách tuyên truyền, vận động, họ chẳng giúp ích gì nhiều cho quần chúng. Muốn trở thành “người đầy tớ của dân”, nhưng càng nhún mình trước quần chúng, càng dựa dẫm quần chúng, thì những cán bộ, đảng viên ấy lại càng chưa làm hết vai trò là “người đầy tớ của dân” như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Tóm lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến vai trò là “người lãnh đạo” của Đảng với sự nghiệp cách mạng. Đồng thời, Người cũng thường xuyên căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nhận thức được bản thân là “đầy tớ của dân”. Nhận thức rõ điều này sẽ chi phối, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tự tu dưỡng, tự rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong bối cảnh hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên cần ý thức rõ tính thống nhất biện chứng giữa “người lãnh đạo” và “người đầy tớ của dân” trong bản thân mình, có như vậy mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cách mạng hiện nay./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, Tập 2.
2. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, Tập 4.
3. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, Tập 12.
[1] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, Tập 12, tr 518.
[2] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 12, tr 516.
[3] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 2, tr 267 - 268.
[4] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 4, tr 64.
Từ khóa » Công Bộc đầy Tớ Của Dân
-
Cán Bộ, đảng Viên Phải Là Công Bộc Của Dân - Tin Tức, đọc Báo, Sự Kiện
-
“Cán Bộ Là đầy Tớ Của Nhân Dân”
-
Công Bộc Là Gì ? Khái Niệm Công Bộc Trong Tư Tưởng Hồ Chí Minh.
-
Công Bộc Là Gì? Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về Công Bộc Của Dân?
-
Bài Học “Cán Bộ Là Công Bộc Của Nhân Dân” - Thành ủy TPHCM
-
Quan điểm Của Hồ Chí Minh Về “Người Lãnh đạo, Người đày Tớ” Thật ...
-
đầy Tớ Của Dân - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
Khi Cán Bộ Là Công Bộc Của Dân - Hồ Chí Minh
-
Xem Trước Bài Viết - Đảng Bộ Khối Dân - Chính
-
Khắc Họa Những “Công Bộc” Của Dân Trong Phòng Chống Dịch Covid ...
-
Để Mỗi Cán Bộ, đảng Viên Thực Sự Là Công Bộc Của Dân Theo Tư ...
-
Học Tập Bác Hồ Là Làm Tốt Vai Trò Công Bộc Của Nhân Dân