Tình Trạng Trồng Cây Chứa Chất Ma Túy Tái Diễn Phức Tạp

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Từ lâu, pháp luật Việt Nam đã nghiêm cấm mọi hình thức, mục đích việc trồng cây thuốc phiện và các loại cây chứa chất ma túy khác. Chính quyền địa phương các cấp đã triển khai đồng bộ các biện pháp để nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa không tái trồng cây thuốc phiện, các loại cây chứa chất ma túy.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, tình trạng trồng cây thuốc phiện, cần sa đan xen với cây công nghiệp, cây nông nghiệp vẫn diễn ra tại một số địa phương. Các đối tượng còn trồng cây chứa chất ma túy trái phép trong vườn nhà, ở những khu đất kín đáo, trồng trà trộn cùng với các loại cây khác hoặc trồng trên ban công, sân thượng, trong các thùng xốp với số lượng nhỏ, dưới vỏ bọc là "trồng hoa và trồng rau sạch". Thậm chí, lực lượng công an đã phát hiện đối tượng trồng "nấm thức thần" tại địa bàn TP.Hà Nội rồi mang bán trên mạng xã hội.

Điển hình, ngày 3-4-2021, Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện 4 vụ trồng cây cần sa với quy mô lớn tại rẫy của 4 hộ dân ở xã Hòa Thuận, TP.Buôn Ma Thuột. Tại đây, lực lượng chức năng đã nhổ bỏ hơn 1.500 cây cần sa. Để qua mặt người dân và cơ quan chức năng, các đối tượng đã xây tường rào cao quanh rẫy và còn xây dựng khu vườn ươm với hệ thống đèn Led chiếu tia cực tím để cây cần sa phát triển tốt.

Cây cần sa được trồng lẫn với các loại cây khác

Trước đó, chiều 7-3, Công an huyện Mộc Châu (Sơn La) làm nhiệm vụ ở khu vực nương rẫy tại tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu đã phát hiện bà Lầu Thị Mỷ (dân tộc Mông, SN 1935) trồng 200 cây thuốc phiện tại nương rẫy của gia đình. Số cây thuốc phiện này đang trong giai đoạn trổ hoa, được đối tượng trồng ở khe đồi, nơi ít người qua lại.

Ngày 6-3, Công an huyện Ea H,leo (Đắk Lắk) bắt quả tang hai đối tượng đang trồng trái phép gần 1.600 cây cần sa xen canh trong vườn cà phê, hồ tiêu ở xã Ea Hiao. Cả hai khai trồng để làm thuốc chữa bệnh cho gia cầm. Ngày 19-2, Công an Bắc Giang cũng triệt phá một vườn trồng hơn 3.000 cây cần sa và cây anh túc trong vườn nhà. Đối tượng khai trồng cần sa và anh túc để làm rau.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tình trạng trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn cả nước. Đồng bào vùng cao đã có tập quán trồng và sử dụng thuốc phiện từ lâu đời, hiện số người nghiện thuốc phiện còn nhiều. Lợi nhuận mang lại từ việc trồng cây chứa chất ma túy đặc biệt cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

Trong khi công tác chỉ đạo, quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát và xử lý của chính quyền ở một số địa phương còn chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết. Việc kiểm tra, phát hiện và triệt phá càng gặp nhiều khó khăn do đối tượng tái trồng ngày càng có nhiều cách thức tinh vi hơn để đối phó với các cơ quan chức năng, địa bàn tái trồng ở vùng xa xôi, hẻo lánh, trồng xen canh trong vườn ở xa khu dân cư...

Lầu Thị Mỷ cùng số cây thuốc phiện trồng trái phép

Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho rằng, để ngăn chặn việc trồng cần sa, anh túc trái phép, trước hết phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, giúp người dân nhận diện và hiểu rõ về các loại cây này cũng như mối nguy hại do ma túy mang lại.

Cán bộ cơ sở cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cách phân biệt các loại cây có chứa chất ma túy, để không vô tình tiếp tay cho kẻ xấu; đồng thời tích cực kiểm tra, kịp thời phát hiện những nơi trồng để ngăn chặn, xử lý, không để tạo thành "điểm đen" tại khu vực, địa bàn. Thời gian tới, lực lượng công an sẽ tăng cường công tác đấu tranh, triệt phá các điểm trồng cây chứa chất ma túy, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Về phía mỗi người dân, cần nhận thức rõ việc trồng cây cần sa, anh túc, cây có chứa chất ma túy là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm, không thể bao biện với bất kỳ lý do nào. Các chủ hộ và mỗi thành viên trong gia đình phải nêu cao cảnh giác, chủ động tìm hiểu kỹ trước khi trồng bất kỳ loại cây gì, không để kẻ xấu lợi dụng thuê trồng dẫn đến phạm tội.

Riêng đối với cây lanh, một cây gắn liền với đời sống lâu đời của người dân tộc Mông, với quan niệm "hạt lanh có trước, con người có sau", được bà con trồng lấy sợi dệt vải, làm thức ăn gia súc, chất đốt, đại tá Vũ Văn Hậu cho biết, đây cũng là cây có chứa chất ma túy.

Cây lanh có thành phần chủ yếu là Cannabidiol, chất Delta-9-Tetrahydrocannabinol (THC) là chất ma túy được quy định trong danh mục I, Nghị định 60/2020 của Chính phủ quy định về danh mục các chất ma túy và tiền chất. Tuy nhiên, hàm lượng THC trong cây lanh có hàm lượng thấp, dưới 0,3%.

Cây lanh không nằm trong các danh mục cấm, nhưng theo quy định tại Bộ luật Hình sự thì cây lanh nằm trong phạm trù các loại cây khác có chứa chất ma túy. Do đó, cơ quan chức năng sẽ xác định mục đích, hành vi cụ thể của đối tượng để xử lý.

Trong đó, trường hợp sử dụng cây lanh và các chế phẩm từ cây lanh vào mục đích dân sinh như lấy sợi dệt vải, làm thức ăn gia súc, chất đốt thì không vi phạm hình sự. Tùy vào diễn biến và hành vi của các đối tượng, cơ quan tiến hành xử lý có thể áp dụng các hình thức xử lý hành chính, ký cam kết và các biện pháp quản lý xã hội khác.

Trong trường hợp đối tượng lợi dụng trồng, sử dụng cây lanh và các chế phẩm từ cây lanh nhằm khai thác chất gây nghiện, lôi kéo, kích động, tổ chức sử dụng không vì mục đích dân sinh mà thực hiện các hành vi phạm tội về ma túy, thì căn cứ vào hành vi cụ thể thể xem xét xử lý về hình sự quy định.

Trà My

Từ khóa » Trồng Cây Tài Mà