Tình Yêu, Hôn Nhân Và Hạnh Phúc | Báo Dân Trí

Trong đó, TÌNH-YÊU-HẠNH-PHÚC được hiểu là sự hòa hợp cả về tâm hồn lẫn tình dục. Theo D. Simonnet (TBT tạp chí L’ Express)[1], HÔN NHÂN là giai đoạn kết hợp đầu tiên của người nam và người nữ. Ông viết: Giữa đàn ông và người vợ chính thức của anh ta không có vấn đề tình cảm… Vợ chồng lấy nhau chỉ để sinh con và để khẳng định sự thừa kế và dòng dõi[2]. Mãi nhiều năm sau, nhu cầu tình yêu mới xuất hiện. Và ham muốn nhục dục là giai đoạn đến sau nhất. Bằng những nghiên cứu khảo cổ nghiêm túc, D. Simonnet và những cộng sự của ông đã khẳng định như vậy.

Thời nay thì khác, hình như giới trẻ đang làm ngược lại quy trình đó của tổ tiên!

***

Quan niệm hôn nhân phải bắt nguồn từ tình yêu đồng thời là khởi nguồn của hạnh phúc lứa đôi đã hình thành trong sự phát triển tiến bộ của xã hội loài người những thế kỷ gần đây. Trong đó, TÌNH-YÊU-HẠNH-PHÚC được hiểu là sự hòa hợp cả về tâm hồn lẫn tình dục.

Thiếu bất cứ một vế nào, cũng dẫn đến sự què quặt, giả tạo. Chỉ có tình yêu thực sự, mới có Hôn nhân hạnh phúc. Nhưng cũng không nên tuyệt đối hoá, bởi tình yêu đôi lúc cũng mù quáng. Bởi khi yêu, người trong cuộc thường không khách quan, thậm chí bị cuốn hút đến mê muội, không thấy được những ngang trái mà người ngoài nhìn qua cũng thấy!

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Cái gọi là tiếng sét ái tình, không phải lúc nào cũng giúp người ta gặp đúng được ý chung nhân để quyết định gắn bó suốt cuộc đời. Tình yêu cũng rất cần sự tỉnh táo, nghĩa là rất cần sự chín chắn trong quá trình tìm hiểu, để có được người tình là nửa kia đích thực của mình - một người hội đủ điều kiện để đi tới HÔN NHÂN, để chung sống với nhau trong suốt cả cuộc đời.

Truyền thống dân tộc Việt Nam ta rất coi trọng việc Hôn nhân, quan niệm Hôn nhân như một “Đạo”. Điều đó đã được học giả Phan Kế Bính nói đến từ những năm đầu Thế kỷ trước, trong tác phẩm nổi tiếng “Việt Nam Phong tục”: “Cái Đạo vợ chồng cũng là một mối cương thường trong ngũ Luân” (ngũ Luân là năm điều Luân lý người xưa đặt ra để dậy bảo con cháu biết cách xử thế trong các mối quan hệ: Vợ - Chồng, Cha - Con, Vua - Tôi, Anh Chị - Em, Bạn - Bè; trong đó, “Vợ - Chồng là đầu ngũ Luân”. Đạo vợ - chồng còn được coi là “gốc” của “gia đạo”: “phu phụ hoà nhi hậu gia đạo hành - vợ chồng hoà thuận, tạo nên gia đạo”.

Hôn nhân được coi trọng vì Hôn nhân không chỉ đơn thuần là sự kết hợp hai con người thuộc hai giới tính thành đôi, mà còn mang một sứ mạng cao hơn rất nhiều, đó là trách nhiệm duy trì, phát triển dòng tộc, nòi giống. Cha ông ta quan niệm, trong những tội bất hiếu, tội không có con (trai) là tội bất hiếu lớn nhất, gọi là “tội vô hậu”!

Được coi trọng, nên việc dựng vợ gả chồng cho con cháu đã được người xưa đặt ra những quy trình rất chặt chẽ. Chặt chẽ ngay từ khâu lựa chọn “bạn đời”. Nào: trai thì “lấy vợ xem Tông”; gái thì “lấy chồng xem giống”. Nào trai thì “lấy vợ hiền hoà (làm nhà hướng Nam)”, rồi còn phải chọn được “những cô thắt đáy lưng ong, đã khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con”; gái thì “tìm nơi có Đức gửi thân”, chứ nhất quyết không thể qua loa đại khái được! Cơ sở của mọi sự lựa chọn kể trên là “cây nào, quả ấy”; là “nòi nào, giống ấy”; là “con nhà Công không giống lông cũng giống cánh”! Và sự lựa chọn nào cũng nhằm tạo cho các cặp vợ chồng sự “xứng đôi vừa lứa”. Xứng đôi không chỉ về tuổi tác, sức khoẻ, mà còn cả về tính cách và trình độ hiểu biết - theo cách nói hiện đại là “cùng mặt bằng văn hoá”!

Sự lựa chọn “bạn đời” cho đôi Trẻ còn nhằm có được “rể hiền, dâu thảo”. Rể hiền thì rõ rồi, nhưng thế nào là dâu thảo? Cũng theo Phan Kế Bính “phải đủ tứ Đức mới gọi là Hiền”. Tứ Đức gồm: Phụ Dung, Phụ Công, Phụ Ngôn và Phụ Hạnh - thường được gọi tắt là “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”. “Phụ Dung” là dáng người đàn bà. Dáng phải chính đính hoà nhã.... “Phụ Công” là nghề khéo (của người đàn bà) như thêu thùa may vá, buôn bán,... “Phụ Ngôn” là lời ăn tiếng nói phải khoan thai dịu dàng,... “Phụ Hạnh” là nết na. Nết na thì phải trên kính dưới nhường; ở trong nhà thì chiều chồng thương con và lấy nết hiền hậu mà ăn ở với anh em nhà chồng. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh và cũng không cay nghiệt với ai.

***

Tình yêu được củng cố bằng HÔN NHÂN (hiểu theo nghĩa ràng buộc pháp lý - giấy giá thú). Nhưng giấy giá thú có mang tính pháp lý đến mấy cũng không giữ được hạnh phúc. Cái thời trói cuộc đời người này vào người kia, để cả hai cùng đau khổ (thậm chí còn làm khổ lây cả đến con cháu và người thân), đã và đang dần trôi về dĩ vãng. Điều này phải chấp nhận thôi và đừng cho đó là “Tây hóa”. Cuộc sống vốn luôn vận động và phát triển!

Nhưng tình yêu và hôn nhân có được còn do cơ duyên - là hoàn cảnh hoàn toàn khách quan, là điều kiện cho người này gặp được người kia trên cõi đời! Có thuyết cho rằng cơ duyên chỉ có được khi có “tiền duyên” tức là “duyên từ kiếp trước”, thậm chí “nợ từ kiếp trước”!.. Có lẽ nhận định ấy không hoàn toàn là duy tâm.

Hôn nhân bắt nguồn từ tình yêu cũng sẽ là nền tảng tổ chức một GIA ĐÌNH VĂN HÓA đúng nghĩa. Cộng đồng gia đình văn hóa tạo tiền đề hình thành XÃ HỘI VĂN HÓA, VĂN MINH - Không thể khác, không thể đảo ngược.

Cái cần phê phán, cần giáo dục cho lớp trẻ hiểu được, ấy là quan điểm thực dụng trong tình yêu và hôn nhân. Mà biểu hiện rõ nhất chính là thái độ đồng hóa tình yêu và tình dục - cả hai thứ đó đều có thể mua được bằng tiền. Họ cho rằng tình yêu đích thực, tình yêu không vụ lợi, tình yêu thiêng liêng - đã lỗi thời hoặc đã chết.

Trách nhiệm đó thuộc về từng gia đình, từng tổ chức xã hội…

Trần Huy Thuận (Nam Định)

[1] CÂU CHUYỆN HAY NHẤT VỀ TÌNH YÊU - Nguyễn Thị Thìn dịch. NXB Thế giới. 2006

[2] “Một số loài động vật đã tạo nên những đôi bền vững như các loài chim săn mồi, loài quạ, chó sói đã kết hợp với nhau suốt đời… Liệu đó có phải là tình yêu không? Tôi cho rằng đó chỉ là bản năng” (SĐD, trang 19).

LTS Dân trí - Kinh nghiệm thực tế cho thấy hôn nhân bắt nguồn từ tình yêu đích thực dựa trên cơ sở hòa hợp về tâm hồn, chí hướng và những sở thích giống nhau thường dẫn tới hạnh phúc lâu bền. Ngược lại, những cuộc hôn nhân vội vã, chưa có thời gian tìm tìm hiểu kỹ về tính tình, chí hướng, sức khoẻ…xem có phù hợp hay không thì kết quả có thể dẫn tới những hệ lụy khó lường trước.

Tính cách của tuổi trẻ thường là bồng bột, lại sống trong thời buổi cơ chế thị trường và “mở cửa”, chịu nhiều áp lực trong cuộc sống và những ảnh hưởng ngoại lai, cho nên nhiều khi yêu nhau, rồi tự nguyện “sống chung” mà không cần dẫn tới hôn nhân, hoặc lấy nhau vội vã mà không nghĩ tới hạnh phúc dài lâu. Những trường hợp như vậy thường dẫn tới những câu chuyện buồn mà nhiều người đã chứng kiến.

Từ khóa » Dantri Tình Yêu Hôn Nhân Gia đình