TÌNH YÊU – MỘT PHƯƠNG DIỆN HIỆN ĐẠI TRONG KIỆT TÁC ...

TÌNH YÊU – MỘT PHƯƠNG DIỆN HIỆN ĐẠI TRONG KIỆT TÁC TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU

Tháng Mười Hai 31, 2015 at 2:58 sáng Bình luận về bài viết này

TÌNH YÊU – MỘT PHƯƠNG DIỆN HIỆN ĐẠI TRONG KIỆT TÁC

TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU

                                                                           Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận

Ra đời trong thời trung đại, Truyện Kiều đương nhiên mang những đặc điểm thi pháp truyền thống. Tuy nhiên, ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du đã khiến không ít phương diện của tác phẩm đi trước thời đại. Một trong những yếu tố “hiện đại” tạo nên sức cuốn hút ở mọi thời cho Truyện Kiều chính là chủ đề tình yêu đôi lứa. Ở phương diện này, người đọc vừa khám phá vừa như được trải nghiệm sự phong phú, tinh tế của tâm hồn con người.

  1. Tình yêu xuất phát từ trạng thái tâm sinh lý tự nhiên, vượt ra ngoài mọi quy tắc của lễ giáo phong kiến.

Dưới thời phong kiến, tình yêu nam nữ bị cấm kỵ trong đời sống xã hội. Thế nhưng, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã diễn tả nó thật sự như trạng thái tâm sinh lý tự nhiên của con người. Điều đó tất yếu đi ngược lại giáo điều bất di bất dịch tồn tại hàng nghìn năm. Tất cả các quy tắc đương thời như “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” (nếu có sự chủ động trong việc tìm kiếm bạn đời thì đó là nam, không phải nữ – “trâu đi tìm cọc”, chứ không có chuyện “cọc đi tìm trâu”), “lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống”, “nam nữ thụ thụ bất thân”, “môn đương hộ đối”… đều bị các nhân vật yêu nhau trong tác phẩm bứt tung.

Thứ nhất, lễ giáo quy định “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” thì Kim Trọng – cậu học trò chính thống của Khổng giáo – chỉ mới nghe qua lời đồn đại về sắc đẹp diễm lệ của Thuý Kiều đã đem lòng thầm yêu, trộm nhớ. Đến khi tình cờ gặp Thuý Kiều trong tiết thanh minh, trước người đẹp trong thực tại bằng xương bằng thịt, chàng Kim liền chạm phải tiếng sét ái tình. Từ đó, chàng thư sinh Kim Trọng rơi vào trạng thái lâng lâng, tâm thần mất ổn định, lúc nào cũng bâng khuâng tưởng nhớ đến bóng hình người đẹp. Đó là trạng thái tâm lý tự nhiên của các chàng trai đến tuổi dậy thì, bước vào thời thanh niên, tất có sự chú ý đến người khác giới, mà trước hết là sự hấp dẫn ở ngoại hình. Tuy nhiên, không phải là chuyện trai tài gái sắc hạnh ngộ yêu nhau như một cuộc tình lãng mạn nhất thời, mà chàng Kim đã nghĩ ngay đến chuyện duyên tình trăm năm, lo nghĩ đến duyên nợ vợ chồng tiền định. Chàng không hề chú ý đến nàng có “môn đăng hộ đối” hay không; họ hàng, cha mẹ của nàng ra sao… mà chỉ mơ mộng đến sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” của bản thân Thuý Kiều.

Ví chăng duyên nợ ba sinh,

Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi.

Thuý Kiều là con nhà gia giáo nhưng cũng tương tự. Gặp Kim Trọng, cô đã thầm nghĩ:

Người đâu gặp gỡ làm chi,

Trăm năm biết có duyên gì hay không?

Thế rồi cả Kim Trọng lẫn Thuý Kiều đều tự quyết định tiến đến hôn nhân, “quên” vai trò định đoạt của cha mẹ, vượt quyền cha mẹ, để thề thốt với nhau. Ngay từ trong “buổi mới lạ lùng”, Kim Trọng đã nghĩ ngay đến chuyện nếu mẹ cha không đồng ý thì sẽ tự tử:

Ví dù giải kết đến điều,

Thì đem vàng đá mà liều với thân.

Còn Kiều khẳng định:

Một lời vâng tạc đá vàng thuỷ chung.

Việc quên, hay cố tình chống đối, các quy tắc lễ giáo phong kiến còn được thể hiện ở nhân vật Thúc Sinh. Thúc Sinh thậm chí còn dám tuyên bố thẳng với cha: sẵn sàng quyên sinh nếu cha mẹ không đồng ý chuyện yêu đương của mình.

Lượng trên quyết chẳng thương tình,

Bạc đen thôi có tiếc mình làm chi!

Không chỉ Kim Trọng hay Thúc Sinh, nói chung là tất cả các nhân vật trong Truyện Kiều đều không theo sự sắp đặt của cha mẹ trong chuyện quan hệ nam nữ, hôn nhân.

Thứ hai, trong tư duy thời phong kiến, như đã nói, nếu có sự chủ động trong chuyện tìm kiếm bạn đời thì đó là nam chứ không phải nữ. Thế nhưng, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã để nhân vật nữ Thuý Kiều chủ động, táo bạo trong việc tìm đến với người yêu. Không phải đến lúc Kiều “xăm xăm băng lối vườn khuya” thì bước chân cô mới vượt ra ngoài mọi khuôn phép của lễ giáo. Ngay từ khi xin – trao cành kim thoa với chàng Kim, không ít người đọc “choáng” vì việc Kiều đã “câu” chàng Kim, có thể nói là “đặt bẫy” chàng Kim, bằng cành kim thoa và chàng Kim đã “sập bẫy” một cách…thi vị.

Để có buổi gặp gỡ Thuý Kiều, chàng Kim đã phải đợi chờ những hai tháng trời:

Nhẫn từ quán khách lân la,

Tuần trăng thấm thoắt nay đà thèm hai.

Hai tháng ấy, mỗi ngày “sầu đong càng lắc càng đầy, ba thu dọn lại một ngày dài ghê”. Thật đã quá sức chịu đựng của chàng Kim. Đến lúc chàng Kim tưởng như không còn có thể chịu đựng lâu hơn được nữa, thì nàng Kiều xuất hiện:

Cách tường phải buổi êm trời,

Dưới đào dường có bóng người thướt tha.

Đó là một ngày đẹp, được thiên thời (“êm trời”) lại thêm địa lợi (“cách tường, dưới đào”). Giữa lúc ấy, thấp thoáng xuất hiện bóng giai nhân (“dường có bóng người thướt tha”). Thế là đã hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Đúng là một điều kiện vàng. Thoáng thấy bóng người đẹp, Kim Trọng đã “buông cầm xóc áo vội ra”. Lời thơ – tường thuật cho thấy cả ba hành động xảy ra liên tiếp nhưng như là đồng thời với nhau: buông đàn, chỉnh trang y phục, chạy vội ra ngoài. Nhịp thơ 2/2/2/ diễn tả tốc độ nhanh như cắt của chàng Kim. Ấy vậy mà:

Hương còn thơm nức người đà vắng tanh.

Chàng Kim không thấy người đẹp đâu. Tuy nhiên mùi hương trong không gian hãy “còn thơm nức” đã xác tín điều ngờ hoặc: đúng là Kiều mới xuất hiện! Kiều đi đâu, làm gì mà nhanh đến mức chàng Kim gần như bay vụt ra mà vẫn không kịp gặp? Cảm giác bất thường ở người đọc tăng dần theo những tình tiết tiếp sau:

Lần theo tường gấm dạo quanh,

Trên đào nhác thấy một cành kim thoa.

Giơ tay với lấy về nhà:

Này trong khuê các đâu mà đến đây?

Kim Trọng mừng thầm vì lại cho rằng có duyên nợ (lần trước, khi nhìn thấy chữ “Thuý” trong ba chữ “Lãm Thuý hiên” ở nhà chàng xin ở trọ tình cờ trùng với chữ “Thuý” trong tên “Thuý Kiều” mà chàng cũng đã khấp khởi mừng thầm như thế này rồi). Nhưng người đọc thì lại suy ngẫm theo hướng khác, thắc mắc vì sao cái thoa cài trên tóc người đẹp lại có thể ở vị trí “trên đào”? Chàng Kim là nam, lẽ thường cao hơn nữ – cao hơn hơn chủ nhân của cành thoa – mà phải “giơ tay” lên cũng chưa thể cầm lấy nó dễ dàng, chỉ có thể “với lấy”. Cành thoa trên mái tóc Kiều, nếu vô tình vướng vào cành đào thì Kim Trọng chỉ cần “đưa tay” là “cầm lấy” được. Chỉ cần một chút suy luận từ hai động tác “giơ tay” và “với lấy” của Kim Trọng, người đọc đã có thể nghi ngờ: cành kim thoa không phải vô ý mắc trên cành đào mà chính là tự tay nàng Kiều đặt nó lên đó. Thì ra, thực hiện xong cái sáng kiến – mẹo vặt một cách vụng trộm này, Kiều phải nhanh chân biến khỏi “hiện trường”, kẻo bị phát giác. Nhưng nàng làm việc này nhằm mục đích gì? Dựa vào những chi tiết tiếp theo, người đọc có thể lần ra được câu trả lời thú vị:

Tan sương đã thấy bóng người,

Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ.

Thuý Kiều đích thân đi tìm vật báu từ rất sớm (“tan sương”). Cách kể chuyện của Nguyễn Du ở đây cho người đọc thấy Kiều diễn kịch không chuyên nghiệp, nên có phần buồn cười, thiếu tự nhiên vì cách đi tìm của nàng: “Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ”. Kiều đi đi lại lại, đi rồi lại quay lại, rồi lại đi, rồi lại quay lại, loanh quanh một chỗ (“quanh tường”). Kiểu “quanh” ấy khiến cho người đọc hiểu rằng Kiều biết đích xác cành kim thoa ấy ở chỗ nào rồi. Thêm nữa, chữ “ra ý” cho thấy cô đang cố gắng tạo ra vẻ “ngẩn ngơ”, cô đang “diễn” về sự nuối tiếc của lỡ để rơi của mình! Và hiệu quả của lần hành động thứ hai này của Kiều khiến người đọc thán phục cô:

Sinh đà có ý đợi chờ,

Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng:

Thoa này bắt được hư không,

Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về?

Tiếng Kiều nghe lọt bên kia:

Ơn lòng quân tử sá gì của rơi.

Chiếc thoa nào của mấy mươi,

Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao!

Cái bẫy giăng ra, và đã sập. Bấy giờ, Kim – Kiều được hội ngộ, không ai phải chờ thêm mấy tuần trăng nào nữa. Kẻ văn nhân nho nhã, người tiểu thư khuê các đều tuân thủ tuyệt đối quy tắc lịch sự trong giao tiếp, dùng lời lẽ văn hoa phù hợp và xứng danh với dòng dõi con nhà. Có điều, xét ra cả hai đều vi phạm vào phương châm về chất trong lý thuyết hội thoại – nói ra một điều đã biết là không đúng. Vì cành kim thoa ấy ở trên cây đào trong vườn nhà Kiều, vậy nó vẫn thuộc sở hữu của Kiều. Kim Trọng “giơ tay với lấy” là việc làm bất chính, có thể coi là tội ăn trộm. Vậy mà chàng lại đương nhiên coi việc đó là “bắt được hư không”. Thuý Kiều không một chút thắc mắc, phản ứng; đã vậy lại còn tôn “kẻ trộm” lên hàng “quân tử”, “trọng nghĩa khinh tài”, là cớ làm sao? Thêm nữa, nàng còn rất nhẹ nhàng trong âm lượng lời nói. Kiều nói rất nhỏ, rất khẽ, chỉ đủ để “lọt” vào tai người nghe, cho thấy nàng đang cố gắng giữ bí mật với mọi người về việc gặp gỡ với chàng Kim. Việc trả – nhận của rơi giữa người đánh mất với người nhặt được là lẽ thường, sao Kiều phải cố bí mật, cố giấu giếm?

Như thế, xâu chuỗi lại toàn bộ những sự đáng ngờ, người đọc mới bừng tỉnh ra rằng, hoá ra chính là nàng Kiều đã sắp xếp cuộc gặp gỡ với chàng Kim. Nàng đã biết rõ chàng Kim ở ngay sát nhà mình mà không có cớ gặp gỡ, tỏ bày. Thế nên nàng đã chọn ngày, chọn giờ, chọn nơi mà buông một cành thoa để “câu” chàng Kim! Kiều thông minh, chủ động, táo bạo, đáng cho người thời nay nể phục chính là ở những tình tiết này. Đoạn trích trên cho thấy sự táo bạo của nàng Kiều được thể hiện ngầm trong bề sâu ngữ nghĩa của ngôn từ, lời kể của Nguyễn Du. Ở những đoạn sau mới là hiện diện trực tiếp ở bề nổi của ngôn từ. Kiều không hổ danh là một nữ nhi trung đại nhưng có hành động của kỳ nữ tân tiến, hiện đại!

Một điều nữa, ngay từ lúc trao nhận “của tin”, Kim – Kiều đã bỏ qua quy tắc “nam nữ thụ thụ bất thân”. Sự bứt phá khỏi quy tắc này càng được thể hiện rõ rệt hơn khi Thuý Kiều đi vào phòng Kim Trọng ở tư thế “sánh vai về chốn thư hiên”, và rồi ngồi gần chàng Kim đến mức “dải là hương lộn, bình gương bóng lồng”. Những từ “sánh”, “lộn”, “lồng” cho thấy cả chàng lẫn nàng đã trong tư thế gần bên nhau của nam nữ hiện đại, không hề còn khoảng cách!

Thêm nữa, Thuý Kiều và Kim Trọng còn vượt qua quy tắc: “Nam đáo nữ phòng, nam tắc loạn; nữ đáo nam phòng nữ tắc dâm” cấm đoán trai gái sang phòng ở của nhau. Ở việc này, Kiều cũng là người đi trước! Kiều chẳng những một thân đến phòng chàng Kim, lại còn ở đó tình tự suốt ngày cho đến tối, về nhà một lát liền quay trở lại tiếp tục tình tự suốt đêm cho đến sáng hôm sau. Còn về Kim Trọng, khi “mảng tin xiết nỗi kinh hoàng”, chàng bèn “băng mình lén trước đài trang tự tình”. Bây giờ mới là lúc Kim Trọng “đáo nữ phòng”, sau Thuý Kiều.

Rõ ràng, chỉ có lý lẽ của con tim, không có sự ràng buộc nào của lễ giáo. “Nếu xét theo luân lý phổ thông cùng thời thì quả là một hành vi táo bạo khó tha thứ, một cuộc cách mạng về quan niệm luyến ái. Nguyễn Du đã đi trước thời đại của ông hằng thế kỷ, giải phóng người phụ nữ khỏi những ràng buộc lễ giáo để chỉ nghe theo tiếng gọi trung thực của lòng mình” [5].

  1. Tình yêu phức hợp và biến đổi theo “phép biện chứng tâm hồn”

2.1. Sự phong phú, đa dạng trong tính chất các cuộc tình

Trong thời trung đại Việt Nam, chủ đề tình yêu được thể hiện rất nhiều trong văn chương thế kỷ 18-19, đặc biệt là trong các truyện Nôm. Tuy nhiên, Các tác phẩm cùng thời, tình yêu chỉ có một phư­ơng diện: Hoa Tiên, Phan Trần – tình yêu ban đầu; Cung oán – nhục thể; Bích câu – mong nhớ… Chỉ có Truyện Kiều, tình yêu mới được miêu tả phong phú, đa dạng theo “phép biện chứng tâm hồn” [1; 166-167]. Các tác phẩm khác, nhân vật chính thường chỉ có một cuộc tình. Truyện Kiều không như vậy. Riêng với nhân vật Kiều, Nguyễn Du đã chứng minh, trong cuộc đời ng­ười ta có thể có rất nhiều mối tình khác nhau. Kiều ít nhất có 3 mối tình: với Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải. Mỗi cuộc tình của nàng một sắc thái.

2.1.1. Với Kim Trọng là tình yêu sôi nổi, lãng mạn.

Trước hết đó là vẻ đẹp của con người, tuổi đời và độ nồng cháy, đam mê. Kim – Kiều đẹp đôi vì trai tài gái sắc (“ng­ười quốc sắc kẻ thiên tài”). Nàng mới ở độ tuổi “cập kê”. Còn chàng cũng mới chỉ là thư sinh. Cả hai đều là lần đầu rung động, đều là mối tình đầu.

Đó là mối tình thần tốc, cuồng nhiệt. Kim Trọng mới nghe đồn về sắc đẹp của Kiều đã thầm yêu, trộm nhớ. Thuý Kiều vừa gặp chàng Kim đã “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Độ nhanh của cuộc tình ấy được thể hiện rõ nhất trong màn Kim – Kiều trao cành kim thoa. Chỉ vẻn vẹn chút sáng tinh sương, Kim – Kiều đã hoàn thành bao công đoạn: vừa nói đến chuyện người đánh mất, kẻ nhặt được đã lập tức tỏ tình, trao nhận vật đính ước và thề thốt. Kiều vừa nói: “Trẻ thơ đã biết đâu mà dám th­ưa”, song ngay lập tức quyết định: “Đã lòng quân tử đa mang/ một lời vâng tạc đá vàng thuỷ chung”. Mức độ nhanh như tên đó còn thể hiện ở từ ngữ (“chạy”, “băng”, “vội”, “xăm xăm”…), ở nhịp thơ 2/2/2 và 2/2/2/2 của người thuật chuyện (“buông cầm, xóc áo vội ra”; “xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang”). Tất cả cho thấy, cả chàng và nàng đều dồn dập, vội vàng, gấp gáp.

 Không chỉ ở bước chân, lời nói, cao độ của cuộc tình này còn là ở sự mãnh liệt trong tâm trạng, cảm xúc.

Mới ít ngày không gặp Thuý Kiều, Kim Trọng đã bạc nửa mái đầu khi mới ở độ tuổi thư sinh (“tuyết sương đã nửa mái đầu hoa râm”). Nghe tin Thuý Kiều bán mình chuộc cha, Kim Trọng đau xé ruột, khóc ra máu, ngất từng cơn (“máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao”). Tình cảm của đôi tình nhân này tưởng như không thể có mức nào cao hơn được nữa!

Thứ hai là cái đẹp ở sự lãng mạn, thi vị, trong sáng. Gắn với mối tình đầu của Kim Trọng và Thuý Kiều là một thế giới thiên nhiên đất trời tươi đẹp: họ gặp nhau trong cảnh mùa xuân kiều diễm (“một vùng như thể cây quỳnh cành dao”). Họ trao vật làm tin, đính ước trong sáng tinh sương, dưới tán hoa đào. Họ thề nguyền dưới ánh trăng vằng vặc giữa trời (“vầng trăng vằng vặc giữa trời, đinh ninh hai mặt một lời song song”)... Đó là thế giới của cỏ cây, hoa lá, trăng sao thơ mộng.

Cùng với cảnh thiên nhiên nhiên tươi đẹp là thơ ca, nhạc hoạ. Kiều khen bức tranh vẽ tùng của chàng Kim và đề thơ lên đó. Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe. Những bức hoạ, vần thơ, tiếng đàn ấy đã tô điểm thêm cho vẻ đẹp lãng mạn của mối tình. Không những vậy, Nguyễn Du còn tô điểm mối tình này bằng cách quyện hoà giữa thực với mộng. Đẹp nhất là hình ảnh Kiều sang nhà Kim Trọng giữa lúc chàng “nửa chiều như tỉnh nửa chiều như mê”. Thế nên, chàng đã tưởng mình đang mơ thấy tiên nữ:

Tiếng sen sẽ động giấc hoè,

Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.

Bâng khuâng đỉnh Giáp, non Thần,

Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.

Giữa sự chập chờn của thực và mơ qua đôi mắt chàng Kim, Kiều tuyệt đẹp. Nguyễn Du chọn dùng một loạt điển cố và hình ảnh ước lệ để diễn tả vẻ tuyệt mỹ của nàng. Giữa cảnh đêm trăng thơ mộng, Kiều xuất hiện như hoa sen, hoa lê, như nàng tiên làm cả không gian trở thành chốn Bồng Lai tiên cảnh (“đỉnh Giáp, non Thần”). Vẻ đẹp tuyệt vời, đẹp từ gót chân trở đi, trong thực và ảo giữa người với cảnh ấy càng chứng tỏ Kim Trọng đã ngắm Kiều bằng đôi mắt si mê, say đắm!

Có thể nói, Nguyễn Du đã dành trọn tài năng, tâm huyết của mình để khắc hoạ một mối tình đầu đẹp đẽ, đắm say, thơ mộng.

2.1.2. Với Thúc Sinh là mối tình pha tính thực dụng và nhục dục.

Cuộc tình của Thúc Sinh với Thuý Kiều có sự khác biệt rõ ràng về tính chất so với mối tình với Kim Trọng. Mối tình của Thúc Sinh với Thuý Kiều vẫn nhiều trăng, sao, nhạc, hoạ, rượu, thơ:

Khi gió gác khi trăng sân,

Tay tiên chuốc rượu câu thần nối thơ.

Khi hương sớm khi trà trưa,

Bàn vây điểm nước, đường tơ hoạ đàn.

Tuy nhiên, nó nghiêng về tính chơi bời, giải trí hoa lá cành giữa một khách làng chơi với một kỹ nữ. Cho nên, nó không thể có được sự kết hợp tuyệt vời giữa thực và mộng như khi Kiều yêu chàng Kim. Ngược lại, sự thực dụng đã song hành cùng trăng sao, thơ ca, nhạc hoạ, rượu trà. Trước kia, khi chàng Kim tỏ tình, Kiều đã ngay lập tức thề thốt: “Một lời vâng tạc đá vàng thuỷ chung”. Còn với Thúc Sinh, sau biến động của cuộc đời, bị Sở Khanh lừa, lòng tin của nàng vào sự trung thành của tình yêu đã mất, Kiều cân lên đặt xuống. Cô sợ lòng Thúc đổi thay:

Rồi ra nhạt phấn phai hương,

Lòng kia giữ được thư­ờng thư­ờng mãi chăng?

Cô lo chuyện Thúc đã có vợ cả, sợ chuyện ghen tuông:

Vả trong thềm quế cung trăng,

Chủ trương đã có chị Hằng ở trong.

Cô nghĩ đến chuyện Thúc Sinh còn có cha:

Ở trên còn có nhà thung,

Lượng trên trông xuống biết lòng có thương.

Cô e ngại cho danh tiếng của chàng Thúc:

Lại càng dơ dáng dại hình,

Đành thân phận thiếp ngại danh giá chàng.

Cô sợ lại phải quay lại chốn lầu xanh:

Sá chi liễu ngõ hoa tường,

Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh.

Cuối cùng, cô kết luận bằng việc đòi hỏi Thúc Sinh phải “tính sao cho trọn mọi đường”:

Thư­ơng sao cho vẹn thì thương,

Tính sao cho trọn mọi đường thì vâng.

Rõ ràng, Thuý Kiều đã có vốn sống và đã hiểu cảnh ngang trái của cuộc đời. Phải nói rằng, trong cuộc đời Kiều, mối tình với Thúc Sinh là mối tình thực tế nhất trong đời.

Bên cạnh tính thực dụng, mối tình Kiều – Thúc được Nguyễn Du tô đậm ở khía cạnh nhục dục (nội dung này xin đề cập ở phần sau).

2.1.3. Với Từ Hải là mối tình của ước mơ và lý tưởng.

Nếu mối tình Kiều – Thúc hiện thực bao nhiêu thì chuyện tình Thuý Kiều – Từ Hải lại lý tưởng bấy nhiêu. Đó là mối tình đáp ứng ước mơ của muôn người.

Trước hết đó là sự kết hợp lý tưởng giữa “trai anh hùng” với “gái thuyền quyên” – giữa tài và sắc.

Thứ hai là tình tri kỷ và những chữ “trí”, “tín”, “nghĩa” trong quan hệ người – người của bậc quân tử theo đạo Nho. Vừa bước vào lầu xanh, Từ đã hiểu rõ bản chất đích thực của Kiều: như hoa sen thơm ngát giữa bùn lầy:

Mắt xanh chẳng để ai vào, có không?

Câu hỏi của Từ thẳng thắn, không hoa mỹ. Cụm từ “có không?” ở cuối câu khiến cho giọng hỏi nhấn mạnh, tăng tiến. Đó là lối hỏi của bề trên, lối hỏi không cần câu trả lời, tự nó đã mang sắc thái khẳng định. Còn Thuý Kiều cũng đã là một ngư­ời đàn bà “tinh đời”, nhận ra ngay bậc anh hùng trong lúc trần ai (người anh hùng khi còn rất đỗi bình thường, chưa làm nên sự nghiệp).

Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.

Kiều khẳng định Từ sẽ là bậc đế vương (“Tấn Dương”, “mây rồng”). Ở những câu này, cả Từ lẫn Kiều đều thực là tri kỷ. Giữa họ có lý tưởng của chữ “trí” – hiểu người.

Bởi thế, khác với sự cân lên đặt xuống trước chàng Thúc, bây giờ, Kiều tức khắc nhờ cậy:

Rộng thương cỏ nội hoa hèn,

Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau.

Và Từ lập tức nhận lời, thề như đinh đóng cột:

Một lời đã biết đến ta,

Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau.

Không chỉ là mối tình lý tưởng trong quan hệ nhân, nghĩa, trí, tín của Nho giáo, mối tình của Từ Hải với Thuý Kiều còn đáp ứng mơ ước đổi đời từ ngàn xưa của dân chúng. Hơn cả ước mơ “võng anh đi trước võng nàng theo sau”, Từ đưa Kiều từ một kỹ nữ lên ngôi hoàng hậu. Từ Hải dùng nghi lễ dành cho hoàng hậu để rước dâu nàng Kiều:

Sẵn sàng phượng liễn loan nghi,

Hoa quan chấp chới hà y rỡ ràng.

Dựng cờ nổi trống lên đường,

Trúc tơ nổi trước kiệu vàng kéo sau.

Đây rõ ràng là đỉnh cao mơ ước của dân chúng thời xưa.

Chưa hết, Từ Hải còn giúp Kiều báo ân báo oán. Thường người ta chỉ nghĩ đến sự quả báo ở chốn âm ty địa ngục, ở kiếp sau. Còn ở đây, Từ Hải đã lập một cán cân công lý ngay giữa cõi trần, ngay chính kiếp đời này, thoả mãn giấc mơ ở hiền gặp lành, ác giả ác báo của dân gian. Từ Hải như vị thần tiên trong truyện cổ tích. Rõ ràng, Kiều – Từ là một mối tình lý tưởng nhiều hơn là cuộc đời thực!

Như vậy, đời Kiều có nhiều mối tình nhưng với “mỗi người mỗi vẻ” đổi thay theo năm tháng cuộc đời và hoàn cảnh cuộc sống. Vấn đề này chúng tôi xin tiếp tục nhấn mạnh ở phần sau.

2.2. Sự đan xen, phức điệu trong tình cảm của con người.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du không chỉ cho thấy mỗi giai đoạn của cuộc đời, Thuý Kiều yêu một người, mỗi người mỗi khác, mà còn chứng minh rằng “người ta có thể cùng trong một lúc có nhiều mối tình khác nhau về tính chất” [1; 168]. Riêng với nhân vật Thuý Kiều, Nguyễn Du đã chứng tỏ trái tim con người không dễ dàng rành mạch. Ở đó có sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa việc trước mắt với sự hồi tưởng, tái hiện những kỷ niệm xưa. Điều này đã được không ít tác giả bàn khá sâu.

Kể từ khi lưu lạc, Kiều rất nhiều lần nhớ về chàng Kim. Lần đầu tiên trên đường theo Mã Giám sinh từ Bắc Kinh về Lâm Tri nàng đã nhớ:

Dặm khuya ngất tạnh, mù khơi,

Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.

Lần thứ hai là trước lầu Ngưng Bích:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

Tin sương luống những rày trông mai chờ.

Lần thứ ba, trong lầu xanh Lâm Tri:

Nhớ lời thề nguyện ba sinh,

Xa xôi ai có thấu tình chăng ai.

Đến khi sống với Thúc Sinh, Thuý Kiều vẫn không nguôi nhớ Kim Trọng:

Tóc thề đã chấm ngang vai,

Nào lời non nước, nào lời sắt son.

Đến lần thứ 5, Nguyễn Du khắc hoạ nỗi nhớ Kim Trọng của Thuý Kiều khi nàng ở nhà chờ Từ Hải đi đánh trận. Lần này, trong nỗi nhớ thương của nàng có cả hình ảnh của ba chàng lần lượt xuất hiện:

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

Duyên em dầu nối chỉ hồng,

May ra khi đã tay bồng tay mang.

Tấc lòng cố quốc tha hương,

Đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời.

Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,

Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.

Hai câu đầu nói nỗi nhớ Thúc Sinh, 2 câu sau là Kim Trọng và những câu cuối là Từ Hải. Sự phức tạp ấy còn được thể hiện ở cảnh Kiều báo ân báo oán. Ngồi ngay bên cạnh Từ Hải, Kiều vẫn thể hiện “nghĩa trọng nghìn non” với chàng Thúc Sinh! Kiều yêu Từ nh­ưng vẫn có thiện cảm với Thúc, vẫn nhớ Kim. Điều đó chứng tỏ “Nguyễn Du là nghệ sĩ lớn. Ông lớn vì ông dám chấp nhận sự thực của tâm hồn và miêu tả nó bất chấp dư­ luận” [1; 168]. Đây chính là điểm mới và hiện đại nữa trong chuyện nam nữ của Truyện Kiều.

2.3. Sự biến đổi trạng thái cảm xúc theo thời gian và hoàn cảnh sống trong tình yêu.

Với các nhân vật trong Truyện Kiều, Nguyễn Du còn cho thấy tình cảm của con người không nhất thành bất biến. Ngược lại, hoàn cảnh sống đổi thay, tình cảm của con người cũng bị biến chuyển. Hơn nữa, tâm lý của con người cũng bị chi phối theo thời gian.

Đặc điểm này không chỉ được khắc hoạ rõ qua sự khác biệt của những mối tình trong cuộc đời Kiều (đã phân tích ở trên) mà còn được thể hiện cụ thể ở từng mối tình.

Trước hết là chuyện tình Kim Trọng – Thuý Kiều. Như đã nói, hình bóng Kim Trọng luôn ở trong trí nhớ của nàng Kiều. Tuy nhiên, sau mười lăm năm lưu lạc, Kiều thảng thốt nhận ra:

Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa.

Những chữ “nọ”, “đó”, “xưa” đã tạo ra một khoảng cách vời vợi trong lòng nàng. Nó khác với cảm xúc khi Kiều nhìn thấy cha mẹ và hai em: “xuân già còn khoẻ, huyên già còn tươi”, “hai em phương trưởng hoà hai”. Cha mẹ và hai em là người của xưa và nay. Riêng chàng Kim bị đẩy lùi về quá khứ. Có sự hụt hẫng. Đây chính là cảm giác cho sự khởi đầu để trong bữa tiệc đoàn viên, Kiều xin Kim Trọng “đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ”.

Với Thúc Sinh, Kiều cũng có sự thay đổi trong lòng. Lúc gặp lại Thúc Sinh trong buổi báo ân báo oán, nàng vẫn nói “nghĩa trọng nghìn non” nhưng gọi Thúc Sinh là “Lâm Tri người cũ”. Chữ “cũ” cho thấy dù quý trọng Thúc Sinh nhưng tình yêu của nàng Kiều với người đàn ông này chỉ còn trong kỷ niệm. Kiều không còn xao xuyến khi gặp lại.

Sự biến đổi tình cảm còn được khắc hoạ rõ ở nhân vật Thúc Sinh. Khác với Kim Trọng, nghe đồn thổi về nhan sắc của chị em nàng Kiều đã thầm yêu trộm nhớ; Thúc Sinh ban đầu đến với Kiều chỉ để “trăng gió”. Về sau, “càng quen thuộc nết càng dan díu tình”. Thúc Sinh mê Kiều như điếu đổ không chỉ vì nhan sắc mà còn vì nết, vì tài của nàng. Chàng đã quên người vợ cả. Được vợ cả gợi ý: “Lâm Tri chàng phải tính mà thần hôn”, Thúc Sinh vui mừng “được lời như cởi tấc son, vó câu thẳng ruổi nước non quê người”. Trong tâm trạng vui tươi náo nức, chàng thấy không gian quanh mình vô cùng nên thơ:

Long lanh đáy nước in trời,

Thành xây khỏi biếc non phơi bóng vàng.

Lúc tưởng Kiều đã gặp hoạn nạn, bị chết cháy thực, Thúc Sinh đau đớn “dễ ai lấp thảm quạt sầu cho khuây”. Tuy nhiên, một thời gian sau, chàng đã “khuây dần nhớ thương”.

Đó là những hiện thực tâm lý. Nguyễn Du đã không lý tưởng hoá nhân vật. Ông gắn nhân vật của mình với hiện thực cuộc sống. Đây chính là một trong những yếu tố khiến cho nhân vật của Nguyễn Du mang đặc điểm của tiểu thuyết hiện đại như nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định.

  1. Tình yêu là sự hoà hợp tâm hồn gắn liền với khát khao thể xác.

Yếu tố thể xác trong Truyện Kiều đã được không ít tác giả bàn tới. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng Nguyễn Du hiện đại ở chỗ tình yêu trong tác phẩm của ông luôn có sự kết hợp giữa sự hoà kết tâm hồn với niềm khát khao thể xác. Nói cách khác, đó là sự hài hoà giữa tình cảm với tình dục đúng với định nghĩa của tâm lý học: tình yêu là sự hoà hợp về tâm hồn cùng với sự cuốn hút, đam mê về thể xác. Điều này được thể hiện trong cả ba mối tình chính của Kiều.

Các mối tình trong Truyện Kiều đều bắt đầu bằng sự đam mê ngoại hình, nhan sắc. Kim Trọng chưa gặp Thuý Kiều mà đã rộn trái tim yêu chính vì nghe tiếng về sắc đẹp của nàng:

Trộm nghe thơm nức hương lân,

…Những là trộm nhớ thầm yêu chốc mòng.

Bởi người đẹp “đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu” mà cử chỉ chàng Kim “xem trong âu yếm có chiều lả lơi” xuất hiện như một tất yếu, rất hiện thực, tự nhiên. Từ Hải tìm đến Kiều chắc chắn cũng vì Kiều đẹp, hơn nữa, còn vì “mắt xanh chẳng để ai vào”. Do vậy, ở buổi đầu Từ – Kiều gặp gỡ, Nguyễn Du cũng đưa cái yêu bằng mắt lên trước: “hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa”. Tính nhục dục cao nhất và hay nhất trong Truyện Kiều là ở mối tình Thúc Sinh – Thuý Kiều. Thúc Sinh mê mẩn trước vẻ đẹp ngọc ngà của thân thể nàng Kiều:

Trướng tô giáp mặt hoa đào,

Vẻ nào chẳng mặn nét nào chăng ưa?

Xưa nay, người đời thường dẫn bức tranh nàng Kiều khoả thân bằng ngôn ngữ tuyệt mỹ qua đôi mắt chàng Thúc:

Rõ màu trong ngọc trắng ngà,

Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, táo bạo nhất phải là những câu miêu tả Kiều “sex” với Thúc Sinh:

Hải đường mơn mởn cành tơ,

Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng.

Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng.

Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng?

Và:

Hương càng đượm lửa càng nồng,

Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen.

Những câu thơ này miêu tả theo lối ước lệ trung đại. Nhưng cũng chính lối ước lệ này đã khiến người đọc có trường liên tưởng thú vị. “Gió”, “mưa”, “hoa”, “nguyệt” là những từ ước lệ chỉ các động thái giao hoan. Điệp từ “càng” diễn tả Thúc Sinh càng truy hoan càng đắm đuối, si mê, ham muốn (“hương càng đượm lửa càng nồng”); Thuý Kiều càng truy hoan càng đẹp. “Càng sôi vẻ ngọc” nghĩa là da thịt nàng hồng hào lên, “càng lồng màu sen” nghĩa là môi nàng thêm thắm đỏ. Đoạn thơ ngắn nhưng đủ vừa diễn tả sự ân ái của Thúc – Kiều mỗi ngày một tăng cả về số lượng lẫn sự cuồng nhiệt. Đáng nói là không chỉ ở Thúc sinh mà còn chính là ở nàng Kiều – nhân vật nữ! Miêu tả người đàn bà nồng nàn chăn gối như vậy, phải nói rằng Truyện Kiều là có một không hai trong thời trung đại!

Nói chung, yếu tố tình dục đã được Nguyễn Du đưa lên vị trí tiên quyết và không thể thiếu trong tình yêu nam nữ. Phương diện tình cảm xuất hiện sau. Tuy nhiên, vai trò của nó lại vô cùng quan trọng. Nó chính là yếu tố tạo nên sự bền lâu và thắm thiết của mỗi cuộc tình. Nó cũng không thể thiếu trong bất cứ cuộc tình nào trong cuộc đời Kiều.

Với chàng Kim, Kim Trọng đã cảm được tâm hồn đa sầu, đa cảm của nàng Kiều qua tiếng đàn và “càng thêm nể thêm vì mười phân” khi Kiều “giảng” cho chàng một bài về trinh tiết, rồi “lấy hiếu làm trinh”. Say Thuý Kiều, Thúc Sinh “càng quen thuộc nết càng dan díu tình”. Khác với Kim Trọng, Thúc sinh, Từ Hải mới xuất hiện đã ngay tức khắc hiểu thấu nàng Kiều. Chuyện coi trọng tình nghĩa, tri kỷ được thể hiện rõ nhất là ở mối tình này.

Trên cơ sở cảm hiểu, trân trọng, thắm thiết yêu thương, các nhân vật trong Truyện Kiều đều coi trọng tấm lòng và đối đãi với nhau bằng tấm lòng (nội dung này đã được GS. Trần Đình Sử bàn cặn kẽ trong Thi pháp Truyện Kiều). Chúng tôi xin nhấn mạnh thêm: yếu tố nhan sắc xuất hiện trước và trở thành điều kiện tiên quyết cho các cuộc tình; tuy nhiên, tình cảm lại trở thành yếu tố quyết định cho vấn đề tình dục khi các nhân vật đã có thời gian yêu nhau. Chính vì càng “quen thuộc nết” cho nên chuyện chăn gối giữa Thúy Kiều với Thúc sinh mới mỗi ngày một thêm nồng. Vì Kim Trọng đã trở thành “người ngày xưa” của Thuý Kiều cho nên nàng không thể “cầm sắt” với Kim Trọng khi đoàn tụ! Thêm nữa, Nguyễn Du còn đặc biệt sâu sắc và tiến bộ khi để Thuý Kiều tiếc nuối ngay từ mối tình đầu:

Biết thân đến bước lạc loài,

Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.

Đây là ý thức về sự coi trọng thân mình, thân mình phải trao tặng cho người mình yêu và xem tình dục là sự dâng hiến! Quan niệm này của Nguyễn Du rõ ràng khác biệt hoàn toàn toàn với tư tưởng tình dục là nhu cầu sinh lý trong duy trì nòi giống hoặc là kỹ thuật phòng the để đạt đến khoái cảm. Nguyễn Du đã gắn tư tưởng tình yêu là sự kết hợp hoàn hảo giữa tâm hồn với thể xác của mình vào nỗi niềm của nhân vật nữ! Hạnh phúc trong cuộc đời là được trao cái ngàn vàng cho đúng người mình yêu thương. Điều này không chỉ hiện đại mà còn rất đỗi văn minh!

Kết luận

Truyện Kiều ra đời trong thời trung đại, nhưng ngòi bút tài hoa và táo bạo của Nguyễn Du đã khiến tình yêu trong tác phẩm của ông mang đặc điểm của tiểu thuyết hiện đại. Tình yêu đó xuất phát từ trạng thái tâm sinh lý tự nhiên của con người, vượt ra ngoài mọi quy tắc của lễ giáo phong kiến. Đặc biệt, Nguyễn Du để cho nhân vật nữ Thuý Kiều chủ động tìm đến tình yêu của mình, thể hiện thái độ chống đối những quy định bất công trọng nam khinh nữ lưu truyền từ nghìn xưa. Với nhân vật Thuý Kiều, Nguyễn Du đã cho thấy, trong cuộc đời người ta có thể có rất nhiều mối tình khác nhau (Thuý Kiều ít nhất có 3 mối tình: với Kim Trọng, với Thúc Sinh, và với Từ Hải. Mỗi mối tình một sắc thái. Với Kim Trọng là tình yêu sôi nổi, mãnh liệt, thi vị, lãng mạn, đẹp như một giấc mơ thủa đầu đời. Với Thúc Sinh, tình yêu được tô đậm nhiều ở khía cạnh nhục dục. Với Từ Hải là mối tình lý tưởng với một bậc anh hùng hảo hán). Thêm nữa, Nguyễn Du còn chứng minh: người ta có thể cùng trong một lúc có nhiều mối tình khác nhau về tính chất (Thuý Kiều yêu Từ Hải nhưng vẫn có thiện cảm với Thúc Sinh, vẫn nhớ Kim Trọng). Hơn thế, bên cạnh việc đề cao yếu tố tri kỷ, tình yêu trong Truyện Kiều còn gắn liền với khát khao về thể xác. Tất cả chứng tỏ Nguyễn Du là một nghệ sĩ lớn của mọi thời. Ông dám chấp nhận sự thực của tâm hồn và miêu tả nó sâu sắc, tinh tế.

TP.HCM, tháng 7.2015

————–

Tài liệu tham khảo:

  1. Phan Ngọc (1985), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb. KHXH, Hà Nội.
  2. Trần Đình Sử (2003), Thi pháp Truyện Kiều, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
  3. Hoài Thanh (1949), Quyền sống của con người trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, Hội Văn hoá Việt Nam xuất bản.
  4. Trương Tửu (1956), Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, Nxb. Xây dựng, Hà Nội.
  5. Bùi Hạnh Nghi, “Tinh thần nhân bản trong Đoạn trường tân thanh“, http://ttntt.free.fr/archive/BuiHanhNghia.html

————————

Chia sẻ:

  • Facebook
  • Twitter
Thích Đang tải...

Có liên quan

Entry filed under: 3- NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH.

Từ khóa » Thuý Kiều Yêu Ai