Tình Yêu Thương Của Hai Người Mẹ - Tuổi Trẻ Online

RfITr5uC.jpgPhóng to
Bà Sương và con trai ông Lê Kiên Thành - Ảnh tư liệu
TT - Nếu như mẹ tôi hi sinh tất cả hạnh phúc bình thường nhất của một người phụ nữ, một chiến sĩ cộng sản cho sự nghiệp của chồng; thì người mẹ cả của tôi lại gom góp tất cả những gì có thể cho ba tôi mà không đòi hỏi bất cứ điều gì.

Kỳ 1: Đồng chí Lê Duẩn - anh Ba của một thời lửa đạn Kỳ 2: Căn nhà đặc biệt giữa Sài Gòn 1956 Kỳ 3: Ngọn đèn 200 nến Kỳ 4: Những câu chuyện đời thường

Người mẹ hậu phương

Năm 1960, tôi lên 5 và được theo ba về thăm ông nội lần đầu. Mọi cảm xúc của chuyến đi ấy của tôi có lẽ cũng giống nhiều đứa trẻ khác. Riêng điều tôi nhớ nhất là hình ảnh một người đàn bà xưng là mạ với tôi. Mạ gần bằng tuổi ba tôi, tai to mặt vuông, răng đen nhánh, liên tục ăn trầu và hút thuốc lá. Từ lúc tôi nhìn thấy mạ gần như không khi nào chân tay bà ngơi nghỉ.

Ông nội tôi làm thợ mộc, bà nội làm nghề nấu cao dán mụn nhọt. Tôi để ý từ đầu đến cuối cuộc hồi hương của ba tôi, ông rất ít khi nói chuyện riêng với mạ. Còn mạ thì lao động cần mẫn và lặng lẽ. Hết lo cơm nước, đồng áng, lợn gà, chăm sóc ông tôi rồi cha con tôi và các anh các chị. Với tôi, mạ chăm sóc từ việc rửa mặt, lau tay, ăn mắm cà, cá kho ớt, chao... và thú vị nhất là chiếc súng cao su làm từ chạc cây đầu tiên trong đời tôi do chính tay mạ làm tặng. Có lẽ mạ hiểu trẻ con đứa nào cũng thích nó. Tất cả mọi cảm nhận của tôi về quê hương Quảng Trị đều do mạ đem lại.

Mạ tôi tên là Lê Thị Sương, người cùng quê ba tôi. Năm 1929, khi ba tôi đang làm thư ký hỏa xa trên tỉnh, mới 22 tuổi thì bị ông nội tôi gọi về bắt cưới vợ. Theo ba tôi kể, một phần thấy con trai đến tuổi gia thất, nhà lại độc đinh, rất mong con đầu cháu sớm. Ba tôi công tác xa, ông bà nội muốn có người lo việc gia đình. Thêm nữa, gia đình nhà mạ tôi thuộc diện giàu có trong vùng nên ông nội buộc ba tôi phải cưới. Hai vợ chồng không biết mặt nhau làm sao ở với nhau? Ba tôi hỏi mạ. Bà nói: Không biết, ba mạ sắp đặt thì theo! Cưới xong, ba tôi lại đi. Mấy lần về quê ông nói mạ nên tìm chồng khác vì ông đi làm cách mạng, nhưng bà không nghe, vẫn ở nhà cơm bưng nước rót nuôi cha mẹ chồng. Khi bà nội tôi mất, mạ một tay lo toan việc tang ma, sắp xếp lại gia đình. Chiến tranh giặc giã, gia đình phải đi sơ tán, mạ quẩy quang gánh, một bên là con một bên là bếp núc, gạo nước, tay đẩy xe đưa bố chồng chạy khắp làng trên xóm dưới.

Mạ tôi như người luôn đứng phía sau làm hậu phương vững chắc của ba tôi. Mặc dù ba tôi có bác sĩ, người nấu ăn, phục vụ sinh hoạt khác nhưng mạ vẫn làm không thiếu thứ gì để lo cho ba tôi. Nhà ở phố nhưng bà tự tay làm chuồng gà, chuồng lợn, chặt chuối, nấu cám, ấp gà, trồng rau, làm mắm... để chế biến những món ông thích. Mỗi lần ba tôi ăn cơm, mạ thường lặng lẽ ngồi một góc nào đó kín đáo để ý xem ông ăn có ngon không, thiếu thứ gì không... Ba tôi quá bận bịu, mạ tôi thì lúc nào cũng chỉ mong có cơ hội để chăm lo cho ông.

TD6FxZOT.jpgPhóng to
Đồng chí Lê Duẩn và gia đình - con gái Lê Tuyết Hồng, con trai Lê Kiên Thành, con dâu Bảo Khanh và cháu nội (bên phải), cháu ngoại (bên trái) - Ảnh tư liệu
Điều may mắn trong đời tôi

Khi chị em chúng tôi bắt đầu biết đọc, biết đi thì ba tôi đã làm tổng bí thư. Thế nhưng chúng tôi vẫn có một cuộc sống khó khăn vì không có mẹ ở bên. Ba tôi bận kháng chiến miền Nam, kiến thiết miền Bắc, đối ngoại, đối nội... không có thời gian chăm lo nhiều cho chúng tôi. Quần áo chúng tôi thường đến khi cộc hở rốn, trơ mắt cá chân thì mới có người đưa chúng tôi đến hiệu may.

Có một thời kỳ đất nước quá nghèo, trong nhà bốn bố con có hai cái quạt điện. Mùa hè có người vào tháo quạt của chúng tôi vì họ nói: Chỉ có ba tôi có chế độ dùng quạt. Người khác không được. Ba tôi nói tháo cái của ông, vì ông đi kháng chiến gian khổ nóng lạnh quen rồi, dành tiêu chuẩn ấy cho bọn trẻ. Thấy vậy họ để lại... Chúng tôi sống như thế cho đến khi ông nội tôi mất, mạ lo tang ma xong thì ra Hà Nội. Từ đó chúng tôi có thêm người mẹ. Cuộc sống tươi tắn hẳn lên.

Đến khi tôi đi học lớp thiếu sinh quân ở Đại Từ, Thái Nguyên mới hiểu được tầm quan trọng của mạ với mình. Cả trường lúc đó học sinh nào cũng có cha mẹ, anh em chú bác thay nhau thăm hỏi, gửi quà, bồi dưỡng, động viên... Với tôi, người duy nhất có thể ngóng mỗi chiều cuối tuần chính là hình bóng mạ. Cứ hai tuần một lần, dù mưa gió bão bùng cũng không khi nào mạ quên thăm tôi. Món quà thường có nhất là lọ muối lạc. Khi bà về rồi, mấy đứa chúng tôi thường dùng đũa gõ vào lọ muối để những mảnh lạc vỡ nổi lên trên, lấy thìa xúc ăn cho bùi. Khi chỉ còn toàn muối và bột lạc thì mới chịu thôi.

Từ khi có mạ ở bên, chúng tôi mới biết thế nào là những món ăn dân gian, đặc sản quê nhà, mới biết ngày giỗ ông, giỗ bà... Đến sau này, khi ba tôi mất, bà trở thành một bà lão già nua, chúng tôi là những cán bộ, sĩ quan, có con cháu đề huề, cuộc sống cũng không còn khó khăn như xưa thì bà vẫn chọn cho mình cuộc sống đạm bạc ở phía sau mọi người. Bà không chịu ra ngồi cùng mâm ăn cơm với con cháu. Bà bảo: “Tôi già rồi, mặt mũi nhăn nheo, xấu xí, con cháu nhìn thấy chúng ăn cơm không ngon...”. Bà cho rằng ba tôi đã hoàn thành nhiệm vụ một người chiến sĩ cách mạng, chúng tôi đã trưởng thành, bổn phận của bà đã trọn vẹn. Đời mạ dường như chưa biết đòi hỏi một sự bù đắp nào cả, chỉ biết hi sinh.

Khi ra Bắc, trong dịp tết, mẹ tôi bồng tôi và dắt chị Vũ Anh về thăm ông nội và mạ. Lúc đó gia đình ông nội tôi đã chuyển ra Nghệ An. Mẹ tôi đem theo chai mật ong, mấy củ sâm, vài thước lụa Hà Đông làm quà. Đến khi mẹ tôi phải công tác xa, mạ chăm nuôi chúng tôi với tình thương yêu sâu sắc tận đáy lòng. Mẹ tôi cũng rất yêu thương, quan tâm những người con của mạ. Với tôi, điều may mắn là tôi có được tình yêu thương của hai bà mẹ.

Mạ tôi sinh được bốn anh chị là anh Hãn, chị Cừ, chị Hồng và chị Muội hiện đang sinh sống ở Hà Nội và TP.HCM. Mẹ tôi sinh được ba người con là chị Vũ Anh (nay đã mất), tôi và chú Trung cũng đều đang sống và làm việc ở hai thành phố này. Hiện mạ tôi đã 96 tuổi đang ở số 6 Hoàng Diệu (Hà Nội) với các anh chị, mạ nằm không đi lại được nữa. Còn mẹ tôi đang ở TP.HCM.

Chuyện đời Trần Thị Hạ

Trần Thị Hạ đang chờ tới ngày toại nguyện ước mơ 16 năm của mình: về nhà. Nhưng để những người trong gia đình chồng ở Trung Quốc tin chị là người Việt Nam, để đứa con trai giờ đây có thể nói "con có ông bà ngoại rồi", người phụ nữ này đã phải trải qua chuỗi ngày cơ cực đầy nước mắt.

Lần đầu tiên có người chịu lắng nghe mình nói, chị Hạ đã trải hết nỗi niềm...

Từ khóa » Bà Lê Thị Diệu Muội