Tổ Chức Chính Quyền địa Phương ở đơn Vị Hành Chính – Kinh Tế đặc ...
Có thể bạn quan tâm
Vân Đồn (Quảng Ninh) sẽ trở thành một trong những đặc khu kinh tế của Việt Nam. Ảnh: internet |
1. Khái quát về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt
Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là một đơn vị hành chính được Nhà nước trao những cơ chế, chính sách đặc biệt, có tính ưu đãi về kinh tế, xã hội và quản lý nhà nước, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững ở mỗi địa phương cũng như của cả nước.
Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có những đặc trưng chủ yếu sau:
- Đây là một đơn vị hành chính có ranh giới địa lý xác định, có quy mô lãnh thổ và dân cư nhất định, có bộ máy chính quyền để thực hiện chức năng quản lý nhà nước và cung ứng các dịch vụ công trên địa bàn. Đặc trưng này để phân biệt với một số dạng đặc khu kinh tế (khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, khu kinh tế cửa khẩu…) đang tồn tại ở nước ta ở chỗ: các đặc khu này không phải là một đơn vị hành chính, không có bộ máy chính quyền riêng, mà chỉ là một khu vực lãnh thổ trong đó diễn ra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt.
- Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt thường nằm ở những địa bàn có vị trí địa lý thuận lợi để tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xuất khẩu, gần các đầu mối giao thương quốc tế (cửa khẩu, bến cảng, sân bay quốc tế) hoặc các trung tâm kinh tế, tài chính lớn… Một số đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt còn được lựa chọn ở các vị trí đắc địa của quốc gia (khu vực biên giới, hải đảo…), nơi có nhiều điều kiện thuận lợi hoặc có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội.
- Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải là khu vực hành chính – lãnh thổ mà ở đó, các nhà đầu tư được hưởng những ưu đãi đặc biệt hơn so với các đơn vị hành chính – lãnh thổ khác trong một quốc gia; đó là những ưu đãi về thuế quan, về xuất, nhập khẩu, về cơ sở hạ tầng, sử dụng đất đai, tài nguyên, lao động, tài chính - tiền tệ.v.v… Đây là những ưu đãi nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… phù hợp với quy hoạch phát triển của mỗi đơn vị. Việc xác định đúng phạm vi, mức độ ưu đãi, đặc biệt về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong từng lĩnh vực nói trên là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của mỗi đơn vị hành chính – kinh tế, cũng như những lợi ích mà nó mang lại cho mỗi quốc gia, mỗi khu vực lãnh thổ. Vấn đề là cần giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích để vừa đảm bảo được lợi ích cho nhà đầu tư, vừa đảm bảo được lợi ích quốc gia hoặc khu vực lãnh thổ, xét trên tổng thể các phương diện khác nhau.
- Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt phải là những đơn vị hành chính - lãnh thổ có những nét đặc biệt về thể chế hành chính, về luật pháp, chính sách, cơ chế quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn. Theo đó, khung khổ thể chế, luật pháp, chính sách, thủ tục hành chính… tại các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và người dân trên địa bàn. Đồng thời, tại các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, người dân thường được đảm bảo các điều kiện sống tốt hơn về vật chất và văn hóa, tinh thần, được cung ứng các dịch vụ giáo dục, y tế, vui chơi, giải trí… chất lượng cao.
Những đặc trưng riêng có trong quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công là một trong những nhân tố cốt lõi, quyết định những đặc thù của mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Theo đó, ở các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt thường phải có cơ cấu bộ máy chính quyền gọn nhẹ, ít đầu mối trung gian, vận hành thông suốt, nhanh nhạy, với đội ngũ nhân lực công tinh, gọn, có năng lực và trách nhiệm cao mới có thể thực thi công vụ có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất các đòi hỏi của nhà đầu tư trong và ngoài nước, của các tổ chức kinh tế – xã hội và người dân.
2. Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt
Thuật ngữ “mô hình” được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Trong khoa học tổ chức, thuật ngữ mô hình tổ chức được sử dụng để chỉ hình hài của một tổ chức, là căn cứ để phân biệt giữa tổ chức này với tổ chức khác trong tự nhiên hoặc xã hội. Nội hàm của mô hình tổ chức bao gồm bốn yếu tố chính: vị trí của tổ chức; chức năng của tổ chức; cơ cấu của tổ chức; cơ chế vận hành của tổ chức.
Từ quan niệm về mô hình tổ chức nói trên có thể hiểu, mô hình tổ chức chính quyền là hình thức biểu hiện của một tổ chức chính quyền cụ thể trong mối quan hệ với các tổ chức khác thuộc bộ máy chính quyền nhà nước. Như vậy, khi nói đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở một đơn vị hành chính – lãnh thổ cụ thể là nói đến các yếu tố: vị trí, vai trò; chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu bộ máy và phương thức hoạt động (cơ chế vận hành) của tổ chức chính quyền đó.
Theo Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, “Chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND). Nguyên tắc tổ chức, phương thức hoạt động của HĐND, UBND ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật này”(2). Như vậy, khi nói đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, cần phải xem xét đến cơ quan HĐND và UBND trên các phương diện: vị trí, vai trò; chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu bộ máy; phương thức hoạt động.
2.1 Về vị trí, vai trò
Xuất phát từ đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội mang tính chất tập trung, thống nhất cao, trên một quy mô lãnh thổ hẹp, mật độ dân số cao, nên mỗi đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là một đơn vị hành chính đô thị, và trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, nên có vị trí là một thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là thành phố đặc khu) là phù hợp.
Chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt gồm có HĐND và UBND; nguyên tắc tổ chức và phương thức hoạt động của hai cơ quan này được thực hiện theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Tại mỗi đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, để phù hợp với đặc điểm, tính chất tập trung, thống nhất cao về kinh tế - xã hội của mỗi thành phố đặc khu, bộ máy chính quyền địa phương ở đây nên được tổ chức theo mô hình một cấp chính quyền hai cấp hành chính, bao gồm cấp chính quyền thành phố và hai cấp hành chính là cấp hành chính thành phố và cấp hành chính phường (xã); cụ thể là:
- Ở cấp thành phố (thành phố đặc khu) cần thiết phải tổ chức một cấp chính quyền đầy đủ. HĐND với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và cơ quan đại biểu của người dân địa phương quyết định những chủ trương và biện pháp thực hiện chính sách, pháp luật nhà nước trên địa bàn, những công việc riêng có của địa phương, do các nhà đầu tư, các tổ chức và người dân trên địa bàn yêu cầu và giám sát hoạt động của UBND, các cơ quan nhà nước, tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công trên địa bàn. Trong điều kiện tồn tại những nét “đặc biệt” của các đơn vị hành chính – kinh tế này lại càng cần thiết phải tổ chức cơ quan HĐND có thực quyền, có năng lực và trách nhiệm. Đây là yêu cầu tất yếu khách quan để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng, hiệu quả phục vụ các nhà đầu tư, các tổ chức và người dân trên địa bàn.
- Ở cấp phường (xã), với vị trí là các đơn vị hành chính trong nội bộ đô thị (thành phố đặc khu), do tính chất tập trung, thống nhất cao của các hoạt động kinh tế - xã hội của đô thị này, nên các vấn đề về phát triển đô thị đều được quyết định bởi HĐND cấp thành phố đặc khu. Do vậy, tại các đơn vị hành chính phường (xã) trong nội bộ thành phố đặc khu, chỉ nên là một cấp hành chính thuần túy, không cần tổ chức HĐND.
Cơ quan hành chính tại phường (xã) có thể tổ chức theo mô hình UBND hoặc theo mô hình Ban đại diện hành chính(3). UBND phường (xã) hoặc Ban đại diện hành chính phường (xã) đều có vai trò là cánh tay nối dài của chính quyền thành phố đặt tại phường (xã), để thực thi một số nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công, chủ yếu theo cơ chế ủy quyền của UBND thành phố đặc khu, nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức và người dân trên từng địa bàn. Cơ quan hành chính phường (xã) chịu sự giám sát trực tiếp của HĐND thành phố đặc khu, thông qua các tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND tại phường (xã).
Việc tổ chức một cấp chính quyền, hai cấp hành chính tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cho phép có bộ máy gọn nhẹ, hoạt động thông suốt, nhanh nhạy, có thể đáp ứng tốt nhất các nhu cầu, lợi ích của các nhà đầu tư, các tổ chức và người dân trên địa bàn, phù hợp với đặc điểm, tính chất của các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cũng như với tính chất tập trung, thống nhất cao về kết cấu hạ tầng và các hoạt động kinh tế - xã hội của một đô thị có trình độ phát triển cao.
Mô hình một cấp chính quyền, hai cấp hành chính ở các thành phố đặc khu này không trái với Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, bởi lẽ, Luật này chỉ quy định “Chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm có HĐND và UBND…”(4), mà không quy định cụ thể trong đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tổ chức mấy cấp chính quyền, mấy cấp hành chính. Do đó, việc tổ chức theo mô hình một cấp chính quyền, hai cấp hành chính ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt chính là cụ thể hóa Điều 75 của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Để có cơ sở pháp lý cho việc áp dụng mô hình này cần phải được quy định tại một văn bản luật riêng cho đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
2.2 Về chức năng, thẩm quyền
- Để phù hợp với tính chất đặc thù riêng có của các hoạt động kinh tế - xã hội tại các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, chính quyền địa phương cần phải được phân cấp, phân quyền, ủy quyền nhiều hơn (so với các đơn vị hành chính cấp huyện khác) trên một số lĩnh vực cụ thể như: quy hoạch, kế hoạch, đầu tư; tài chính – ngân sách; quản lý đất đai, tài nguyên; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; tiêu chuẩn, định mức, phí, giá một số dịch vụ công; tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp và quản lý cán bộ, công chức, viên chức;… Việc tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở đây sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc phát huy tính năng động, sáng tạo để thực thi công việc quản lý nhà nước một cách có hiệu lực, hiệu quả, cũng như kịp thời cung ứng các dịch vụ công cho các nhà đầu tư, các tổ chức và người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, phân cấp, phân quyền cái gì, đến mức độ nào cần phải tính toán một cách đầy đủ, toàn diện các yếu tố khách quan, chủ quan và các điều kiện cần thiết để đảm bảo cho chính quyền địa phương có thể thực hiện có kết quả, hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền, ủy quyền.
- HĐND ở các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cần được phân cấp thẩm quyền ban hành một số chính sách cụ thể nhằm thu hút đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao và các nguồn lực xã hội khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; được quyết định một số tiêu chuẩn, định mức sử dụng và mức phí, giá một số dịch vụ công; được quyết định hoặc đề nghị chính quyền cấp trên quyết định cơ cấu bộ máy các cơ quan chuyên môn của UBND, bộ máy các cơ quan hành chính đại và biên chế công chức, viên chức phù hợp với đặc điểm, tính chất của mỗi đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
- UBND ở các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt thực hiện vai trò, chức năng của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, vừa đảm bảo tuân thủ nghiêm kỷ cương, phép nước, vừa tổ chức cung ứng các dịch vụ công một cách nhanh chóng, kịp thời, có chất lượng, hiệu quả cao.
Để tạo thuận lợi cho UBND ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có thể thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, UBND cấp tỉnh phải phân cấp, ủy quyền nhiều hơn, rộng hơn (so với UBND cấp huyện nói chung) trong một số lĩnh vực cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng dịch vụ công thuộc phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Trong một số trường hợp cụ thể, UBND ở các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có thể được ủy quyền trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ hoặc của các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ để giải quyết một số công việc của các nhà đầu tư và các chủ thể kinh tế, xã hội khác trên địa bàn.
- UBND phường (xã) hoặc Ban đại diện hành chính phường (xã) tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có chức năng quản lý hành chính nhà nước trên một số lĩnh vực cụ thể và cung ứng một số dịch vụ hành chính công trên địa bàn theo sự ủy quyền của UBND thành phố đặc khu. Nếu áp dụng mô hình UBND, thì UBND phường (xã) có thể được phân cấp thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể của quản lý hành chính nhà nước; còn nếu áp dụng mô hình Ban đại diện hành chính phường (xã) thì Ban đại diện hành chính này chỉ thực hiện nhiệm vụ theo cơ chế ủy quyền.
- Tại các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt còn có một số chi nhánh, bộ phận của các cơ quan chuyên môn tổ chức theo ngành dọc (thuế, hải quan, kho bạc, công an…) đặt trên địa bàn để thuận lợi cho quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ công.
2.3 Về cơ cấu tổ chức bộ máy
Cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo luật định gồm có HĐND và UBND cùng bộ máy các cơ quan chuyên môn giúp việc cho hai cơ quan này. Tuy nhiên, nếu áp dụng mô hình một cấp chính quyền thì:
- Đối với HĐND thành phố đặc khu, cần có số lượng đại biểu đủ để đại diện cho các khu vực dân cư, các nhà đầu tư, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và người dân trên địa bàn. Về bộ máy, nên tổ chức một số ban chuyên môn, trong đó có đại biểu làm việc chuyên trách, đại biểu không chuyên trách và một số công chức chuyên môn giúp việc các ban này. Do tính chất đặc biệt của thành phố đặc khu nên HĐND ở đây phải giải quyết một khối lượng công việc lớn hơn, đa dạng, phức tạp hơn so với HĐND ở các thành phố thuộc tỉnh khác. Vì vậy, HĐND ở đây phải có số lượng đại biểu và bộ máy làm việc khác với các đơn vị hành chính thuộc tỉnh khác và được quy định bởi một văn bản luật riêng cho đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
- Đối với UBND thành phố đặc khu, giống thông lệ chung, gồm Chủ tịch, một số Phó Chủ tịch và một số Ủy viên UBND.
- Đối với UBND hoặc Ban đại diện hành chính phường (xã), cần phải có bộ máy chuyên môn phù hợp, được tổ chức gọn nhẹ, không có các phòng, ban chuyên môn mà chỉ nên gồm một số công chức chuyên môn và một số viên chức sự nghiệp. Những công chức, viên chức chuyên môn làm việc tại phường, xã có thể gồm hai lực lượng: là công chức của các phòng, ban chuyên môn của UBND thành phố đặc khu cử xuống, một số thuộc biên chế của UBND hoặc của Ban đại diện hành chính phường (xã), tùy thuộc vào đặc điểm, tính chất của từng nhiệm vụ chuyên môn cụ thể; không nhất thiết tất cả công chức, viên chức ở đây phải là biên chế thuộc UBND phường (xã) như ở các đơn vị xã, phường khác. Điều này cho phép có độ linh hoạt cao hơn trong sử dụng và điều động công chức, viên chức nhằm đáp ứng nhanh nhạy, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan hành chính phường (xã) tại các thành phố đặc khu.
- Về cơ cấu bộ máy các cơ quan chuyên môn của UBND, nên tổ chức gọn nhẹ phù hợp với đặc điểm, tính chất của nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước và cung ứng dịch vụ công trong một đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, không nhất thiết phải giống như các thành phố thuộc tỉnh khác, mà có thể thêm hoặc bớt phòng, ban chuyên môn để phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của mỗi thành phố đặc khu.
- Về biên chế nhân lực của chính quyền thành phố đặc khu, để đáp ứng được yêu cầu cao của các nhà đầu tư, các tổ chức và người dân ở đây, đội ngũ công chức, viên chức cần phải được tuyển chọn kỹ càng, coi trọng chất lượng hơn số lượng, chú ý cả về năng lực và phẩm chất, đạo đức công vụ. Đồng thời, có thể áp dụng những cơ chế ưu đãi riêng có tính thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công làm việc trong bộ máy hành chính, sự nghiệp thuộc chính quyền thành phố đặc khu.
2.4 Về phương thức hoạt động
Theo Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, phương thức hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật này; theo đó phương thức hoạt động của HĐND, UBND và bộ máy chuyên môn của hai cơ quan này đều được điều chỉnh bởi các điều, khoản của Luật hiện hành.
Tuy nhiên, nếu áp dụng mô hình tổ chức một cấp chính quyền, hai cấp hành chính tại các thành phố đặc khu thì phương thức hoạt động của UBND phường (xã) hoặc Ban đại diện hành chính phường (xã) sẽ có những điểm mới, chưa được quy định trong Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Ví dụ, nếu tổ chức UBND phường (xã) thì Ủy ban này phải làm việc theo chế độ tập thể (chế độ ủy ban), còn nếu tổ chức Ban đại diện hành chính phường (xã) thì Ban này lại làm việc theo chế độ thủ trưởng hành chính, Trưởng ban là người đứng đầu hành chính, do UBND thành phố đặc khu bổ nhiệm, bãi miễn, chịu trách nhiệm trước UBND thành phố đặc khu về mọi hoạt động của Ban đại diện hành chính này. Do đó, cần phải được quy định cụ thể trong văn bản luật riêng dành cho đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
3. Các điều kiện để áp dụng mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt
3.1 Về thể chế
Mô hình tổ chức chính quyền ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt xuất phát từ những nét đặc biệt, riêng có của đối tượng quản lý và phục vụ của bộ máy chính quyền, nên cần có những đặc thù nhất định (về vị trí, vai trò, chức năng, thẩm quyền, cơ cấu bộ máy, phương thức hoạt động), không hoàn toàn giống với mô hình tổ chức chính quyền địa phương cùng cấp của cả nước, theo quy định chung của pháp luật. Do vậy, để xây dựng thành công mô hình tổ chức chính quyền ở các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, trước hết cần ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền cũng như của các chủ thể kinh tế, xã hội hoạt động trên địa bàn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nên có một luật điều chỉnh riêng cho từng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt hay chỉ có một luật chung điều chỉnh tất cả các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong một quốc gia.
Nếu ban hành một luật điều chỉnh tất cả các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt thì sẽ nhẹ nhàng hơn cho các cơ quan có trách nhiệm xây dựng và ban hành luật (chỉ phải làm một luật mà không phải làm nhiều luật khác nhau). Tuy nhiên, nội dung của luật sẽ khó tránh khỏi những quy định chung chung, không cụ thể, khó sát hợp được với những đặc điểm, tính chất riêng của mỗi đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Do vậy, nếu điều chỉnh chỉ bằng một luật chung thì cần thiết ban hành một số văn bản dưới luật để cụ thể hóa luật này cho từng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt mới có tính khả thi trong thực tiễn.
Nếu mỗi đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có một luật riêng điều chỉnh sẽ có điều kiện cụ thể hóa các quy định trong luật sát hợp với đặc điểm, tính chất, các đặc thù riêng có trong hoạt động kinh tế - xã hội của mỗi đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cũng như những khác biệt về mô hình tổ chức bộ máy chính quyền ở từng đơn vị hành chính đặc khu trên các mặt: 1) Phân cấp, phân quyền, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công; 2) Số lượng, cơ cấu đại biểu và bộ máy chuyên môn của HĐND, số lượng, cơ cấu thành viên của UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND; 3) Phương thức hoạt động của HĐND, UBND, mối quan hệ ngang, dọc trong hệ thống hành chính nhà nước, trong bộ máy chính quyền và trong hệ thống chính trị ở địa phương…
Như vậy có thể nhận thấy, phương án ban hành riêng từng luật để điều chỉnh hoạt động của từng đơn vị hành chính – kinh tế là có phần hợp lý hơn.
3.2 Về nhân lực của bộ máy chính quyền
Để mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có thể vận hành một cách suôn sẻ, nhanh nhạy, có hiệu lực, hiệu quả cao, cần phải có một đội ngũ nhân lực công đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm công vụ cần thiết, đáp ứng yêu cầu quản lý và phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra trên địa bàn. Khác với các địa phương trong cả nước, các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là nơi quy tập các kỹ thuật, công nghệ cao, các phương pháp, kinh nghiệm quản lý hiện đại, với lực lượng lao động có tri thức, tay nghề, chất lượng cao và đi liền với nó là một cuộc sống xã hội văn minh, mặt bằng dân trí cao, đa dạng, phức tạp hơn. Điều đó đòi hỏi lực lượng nhân lực công (cán bộ, công chức, viên chức) của bộ máy chính quyền ở các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt phải có kiến thức và kỹ năng thực thi công vụ hiện đại, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ, về phương pháp quản lý và phục vụ ngang tầm thế giới. Chất lượng đội ngũ nhân lực công đóng vai trò quyết định trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công của bộ máy chính quyền đặc khu; là điều kiện quan trọng nhất, trực tiếp đảm bảo sự thành công của mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
3.3 Về nhận thức, quan điểm
Thực tiễn đã chỉ ra rằng, một chủ trương, chính sách mới muốn đi vào cuộc sống, trước hết phải tạo được sự thống nhất về mặt nhận thức để có quan điểm đúng đắn trong việc ủng hộ cái mới và quyết tâm chính trị cao trong tổ chức thực hiện. Vì vậy, để áp dụng thành công mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, cần phải tạo được sự thống nhất về mặt nhận thức từ giới lãnh đạo, quản lý đất nước đến người dân, trực tiếp là người dân tại các đơn vị này. Theo đó, các cấp, các ngành, các cơ quan và nhân dân địa phương cần nhận thức rõ, đủ, toàn diện sự cần thiết khách quan phải áp dụng mô hình tổ chức một cấp chính quyền, hai cấp hành chính là phù hợp với đặc điểm, tính chất của đối tượng quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn một đô thị có trình độ phát triển cao của các thành phố đặc khu.
Sự thống nhất về mặt nhận thức là cơ sở để xây dựng quan điểm đúng đắn, ủng hộ mô hình mới về tổ chức chính quyền ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, tạo được quyết tâm chính trị cao trong tổ chức thực hiện, từ việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật đến triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền và trách nhiệm, cũng như có được sự đồng tình, ủng hộ của người dân địa phương.
TS. Dương Quang Tung - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ
--------------------------
Ghi chú:
([1]) Điều 74, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
(2) Khoản 1, Điều 75 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
(3) Thực hiện Hiến pháp năm 1959, tại các thành phố ở miền Bắc nước ta đã áp dụng mô hình Ban đại diện hành chính tiểu khu từ 1960 đến 1980.
(4) Khoản 1, Điều 75, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
tcnn.vn
Từ khóa » đơn Vị địa Lý Là Gì
-
Địa Lý – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đới (địa Tầng) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đơn Vị Hành Chính Là Gì? Phân Loại đơn Vị Hành Chính Tại Việt Nam?
-
Đơn Vị Hành Chính Là Gì? - Luật Hoàng Anh
-
Xác Lập đơn Vị Hành Chính - Lãnh Thổ ở Việt Nam Hiện Nay
-
Chính Quyền địa Phương Trong Hiến Pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội ...
-
.vn - Cổng Giao Tiếp điện Tử Thành Phố Hà Nội
-
Địa Vị Pháp Lý Là Gì ? Khái Niệm Về địa Vị Pháp Lý - Luật Minh Khuê
-
Các Luận điểm, Nguyên Tắc, Phương Pháp Phân Vùng
-
Tổ Chức đơn Vị Hành Chính Lãnh Thổ Theo định Hướng Nhà Nước Kiến ...
-
Tổng Quan Về Hậu Giang
-
Tổ Chức Sắp Xếp Lại Tổ Chức Hành Chính Nhà Nước Hiện Nay - Bộ Nội Vụ
-
Chính Quyền địa Phương Là Gì ? Phân Biệt Khái Niệm đơn Vị Hành ...
-
Đơn Vị Hành Chính Là Gì? - Luật Hoàng Phi