Tổ Chức Hành Chính Cấp Vùng Của Nước Pháp

Hiện nay nước Pháp có 13 vùng ở chính quốc: Auvergne - Rhône - Alpes, Bourgogne - Franche - Comté, Bretagne, Centre - Val de Loire, Corse, Grand Est, Hauts - de - France, Ile - de - France, Normandie, Nouvelle - Aquitaine, Occitanie, Pays de la Loire, Provence - Alpes - Côte d’Azur. Đồng thời thêm 5 vùng hải ngoại: Guadeloupe, Guyane, Martinique, Mayotte, Réunion.

Vậy vùng (région) là gì, nó được tổ chức như thế nào và có vai trò ra sao về mặt kinh tế - chính trị?

Vùng là một trong năm loại cộng đồng lãnh thổ, theo phân chia hiện nay của nước Pháp và là đơn vị hành chính lớn nhất có tư cách pháp nhân. Dưới vùng sẽ có cấp tỉnh (département) và huyện (commune). Mỗi vùng được quản lý bởi hội đồng vùng (chủ tịch hội đồng vùng có chức năng hành pháp theo quy định của Luật 2.3.1982), cùng với hội đồng kinh tế, xã hội và môi trường vùng, có chức năng cố vấn. Các thành viên của hội đồng vùng được bầu theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu trực tiếp. Chủ tịch hội đồng vùng do các thành viên bầu chọn. 

Đơn vị hành chính cấp vùng được hình thành gần đây, trong mục đích phi tập trung hóa (décentralisation), tức là giảm quyền lực của nhà nước, bằng cách phân bổ bớt các quyền lực của nhà nước cho các chính quyền địa phương. Trong lịch sử, nhà nước Pháp vốn là một nhà nước tập quyền, là nơi tập trung rất nhiều quyền lực. Bắt đầu từ 1956, các vùng hành chính được hình thành, đến 1982 có quy chế riêng cho vùng và năm 2003 vùng được ghi vào Luật Hiến pháp.

Các vùng tạo ra một cấp quản lý trung gian, góp phần làm giảm quyền lực của nhà nước và phân quyền hành chính về cho các cộng đồng lãnh thổ địa phương. Phi tập trung hóa còn có nghĩa giảm bớt sự tập trung kinh tế và chính trị vào một số đô thị quan trọng, chẳng hạn Paris, khiến cho những đô thị này phát triển nhanh chóng và vượt bậc, trong khi các tỉnh khác không được chú ý và đầu tư thích đáng. Việc đặt Paris vào trong vùng Ile - de - France tạo điều kiện cho các tỉnh lân cận Paris có cơ hội công bằng trong đầu tư và phát triển. Đây là những ý nghĩa căn bản của việc thành lập vùng trong lịch sử hành chính nước Pháp.

Vùng có những thẩm quyền gì?

Theo luật mới về tổ chức lãnh thổ của Pháp, Luật NOTRe ban hành ngày 7.8.2015, vùng không có quyền can thiệp đến mọi tài sản nhân danh lợi ích công của địa phương. Thẩm quyền của vùng bị hạn chế bởi các quy định của luật pháp. Theo điều L4421-1 của luật chung về các cộng đồng lãnh thổ, hội đồng vùng “có thẩm quyền thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, y tế, văn hóa và khoa học của vùng, hỗ trợ tiếp cận nhà ở và cải thiện điều kiện sinh sống, ủng hộ chính sách của thành phố và cải cách đô thị, ủng hộ các chính sách giáo dục, quy hoạch và đảm bảo công bằng cho các khu vực trong vùng, đồng thời gìn giữ bản sắc và khuyến khích các ngôn ngữ địa phương, trong khi tôn trọng tính toàn vẹn, tự chủ và quyền hạn của các tỉnh và các huyện”. Như vậy, luật quy định nhiệm vụ của vùng là góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quy hoạch lãnh thổ một cách bền vững. 

Nước Pháp có 13 vùng chính quốc (trong bản đồ này không thể hiện  vùng đảo Corse). Ảnh: TL

Vùng có các thẩm quyền đặc thù: phát triển kinh tế, quản lý các quỹ châu Âu, đào tạo luân phiên, dạy nghề, phát triển giao thông, quy hoạch lãnh thổ. Vùng chia sẻ với các cộng đồng lãnh thổ khác (tỉnh, huyện) các thẩm quyền về văn hóa, du lịch, thể thao. Vùng xác định một sơ đồ chung về phát triển kinh tế, cải cách và quốc tế hóa, trong đó cụ thể hóa các định hướng về hỗ trợ xí nghiệp, các hoạt động quốc tế hóa, hỗ trợ đầu tư bất động sản, các hỗ trợ cải cách và thúc đẩy khả năng thu hút của vùng.

Cụ thể: 

- Hội đồng vùng là cấp thẩm quyền duy nhất có khả năng quy định các chính sách hỗ trợ và cấp tài trợ cho các xí nghiệp trong vùng. Vùng tạo môi trường cho cạnh tranh và phát triển.

- Vùng tham gia phối hợp hoạt động của các tác nhân trong hệ thống dịch vụ công về việc làm trên lãnh thổ của mình. Chủ tịch hội đồng vùng và tỉnh trưởng, hoặc thị trưởng, phối hợp để hình thành chiến lược điều tiết lao động, định hướng và đào tạo nghề nghiệp.

- Vùng xây dựng kế hoạch phòng ngừa và quản lý chất thải, trong mục đích phòng ngừa trước tác động của chất thải, tái chế chất thải và xử lý làm cho các chất thải trở nên có giá trị sử dụng. 

- Vùng còn có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ các nguồn nước. Khi nước có tiềm ẩn những nguy cơ đối với sức khỏe và môi trường, vùng có nhiệm vụ tham vấn và tham gia giải quyết.

- Về giao thông, vùng là cấp thẩm quyển tổ chức toàn bộ các phương tiện giao thông liên tỉnh. Vùng tổ chức các dịch vụ giao thông đặc biệt, chẳng hạn phương tiện chở học sinh tàn tật tới trường. Vùng cũng điều phối các phương tiện giao thông hàng hải công cộng, phục vụ đi lại cho người dân và vận chuyển hàng hóa, ở phạm vi các đảo.

- Vùng có trách nhiệm xây dựng bản đồ quy hoạch lãnh thổ của vùng, đảm bảo tính bền vững và công bằng giữa các cộng đồng lãnh thổ thuộc vùng.

Trong mục đích làm giảm tập trung quyền lực của nhà nước trung ương, các vùng của nước Pháp càng ngày càng được hưởng những định chế luật pháp cho phép độc lập và tự chủ hơn trong việc phát huy các động năng phát triển về mọi mặt của địa phương. Một ví dụ cụ thể: ngày 1.1.2018, các vùng được hưởng một phần của thuế VAT thay vì trợ cấp của nhà nước. Và một bộ mới được thành lập, chịu trách nhiệm đối thoại, liên kết và thiết lập quan hệ giữa nhà nước với các chính quyền vùng. 

Nguyễn Thị Từ Huy

Từ khóa » Hình ảnh Bản đồ Nước Pháp