Tổ đấu Dây Máy Biến áp - LIEMELEC.COM

Các máy biến áp có cùng góc lệch pha giống nhau được xếp chung vào cùng một tổ đấu dây. Vậy tổ đấu dây là gì, làm thế nào để xác định được tổ đấu dây cho máy biến áp thì mời các bạn theo dõi bài viết sau.

Trong các máy biến áp ba pha có 3 hình thức đấu dây đó là đấu hình sao (Y), đấu tam giác (D), đấu Zigzag. Đối với các máy biến áp điện lực, kiểu đấu điểm hình là đấu sao (Y) và đấu tam giác. Kiểu đấu Zigzag không được áp dụng trong máy biến áp điện lực vì kiểu đấu này tốn nhiều dây. Kiểu đấu Zigzag chỉ được áp dụng cho các máy biến áp đo lường để hiệu chỉnh sai số về góc lệch pha.

Trong máy biến áp 1 pha, góc lệch pha sẽ là 0° hoặc 180°. Trong máy biến áp 3 pha, góc lệch pha của máy biến áp chỉ có thể là bội số của 30°. Góc lệch pha ở đây được hiểu là góc lệch pha giữa các sức điện động cảm ứng phía cao áp và hạ áp, đo tại các đầu nối ra của máy biến áp. Vì góc lệch pha của máy biến áp là 30° bằng với góc giữa 2 điểm đánh dấu giờ trên mặt đồng hồ, nên thế giới đã quy ước chung dùng hình tượng của 2 kim đồng hồ để đánh dấu cho các tổ đấu dây. Trong hình tượng này, kim dài được đánh dấu véc-tơ sức điện động cảm ứng phía cao áp và luôn được đặt ở vị trí số 12, kim ngắn để đánh dấu véc-tơ sức điện động cảm ứng phía hạ áp. Số giờ được đọc sẽ dùng để chỉ thị cho tổ đấu dây.

Xác định tổ đấu dây cho máy biến áp 3 pha

Các tổ đấu dây cho máy biến áp đấu Y/Y luôn mang giờ chẳn và các máy biến áp đấu Y/D luôn mang giờ lẻ. Các máy biến áp đấu Y/Y cùng cực tính sẽ có số giờ sau Y/Y-0, Y/Y-4, Y/Y-8. Các máy biến áp đấu Y/Y ngược cực tính sẽ có số giờ sau: Y/Y-2, Y/Y-6/ Y/Y-10. Các máy biến áp đấu Y/D cùng cực tính sẽ có số giờ sau Y/D-3, Y/D-7, Y/D-11. Các máy biến áp đấu Y/D ngược cực tính sẽ có số giờ sau: Y/D-1, Y/D-5, Y/D-9.

  • Trường hợp đấu Y/Y-0
Tổ nối dây Y/Y-0

Cách vẽ:

Dựng tam giác ABC phía cao áp sao cho véc-tơ AB thẳng đứng. Thứ tự ABC theo chiều kim đồng hồ theo hình vẽ.

Vì phía sơ cấp nối hình sao. Do đó điện áp đặt vào cuộn dây không phải là cạnh của tam giác điện áp. Ta cần xác định trọng tâm N của tam giác này.

Từ trọng tâm N, nối các đường NA, NB, NC. Các đường thẳng này sẽ biểu thị các véc tơ điện áp XA, YB và ZC.

Chọn 1 điểm n bên ngoài tam giác điện áp trên để làm gốc cho hệ thống véc tơ điện áp phía hạ áp.

Vẽ véc-tơ xa song song và cùng chiều với XA. Gốc x của véc tơ trùng với n.

Tương tự, vẽ véc-tơ yb song song và cùng chiều với YB, zc song song và cùng chiều với ZC. Các điểm y và z trùng với n.

Nối hai điểm ab, bc, ca. Ba đường thẳng này sẽ biểu thị cho tam giác điện áp phía hạ áp.

Tịnh tiến véc tơ ab về phía tam giác điện áp phía cao áp, sao cho điểm a trùng với A. Ta thấy véc tơ ab sẽ có vị trí giống như kim ngắn đồng hồ chỉ 0 giờ.

Như vậy góc lệch tính theo giờ của máy biến áp này là 0 giờ, tổ đấu dây của máy biến áp này là Y/Y-0.

Nếu chúng ta đánh dấu các đầu ra của máy biến áp khác đi, sao cho các cuộn tương ứng của các pha vẫn giữ nguyên thứ tự theo vòng tròn abc và cùng cực tính, ta sẽ có tổ đấu dây với góc lệch khác đi Y/Y-4, Y/Y-8.

Tổ nối dây Y/Y-0, Y/Y-4, Y/Y-8

Nếu các cuộn dây hạ áp được đánh dấu theo hướng ngược lại, nghĩa là cuộn dây hạ áp ngược cực tính với cuộn dây cao áp, ta sẽ có các tổ đấu dây Y/Y-6, Y/Y-10, Y/Y-2. Cách vẽ cũng tương tự như đấu cùng cực tính:

Tổ đấu dây Y/Y ngược cực tính: Y/Y-6, Y/Y-10, Y/Y-2
  • Trường hợp đấu Y/D-11
Tổ đấu dây Y/D-11

Cách vẽ:

Dựng tam giác ABC đối với phía đấu Y, giống như trường hợp tổ đấu dây Y/Y.

Từ một điểm ngoài tam giác điện áp, vẽ véc-tơ xa song song và cùng chiều với XA.

Vẽ véc tơ yb song song và cùng chiều với véc tơ YB. Vì đầu nối a trên cuộn dây xa nối với đầu nối y trên cuộn dây yb, nên khi ta vẽ véc tơ yb phải vẽ sao cho gốc y phải trùng với ngọn a của véc-tơ xa.

Tương tự, vẽ véc tơ zc song song và cùng chiều với véc tơ ZC. Gốc z của zc trùng với ngọn b của yb.

Tịnh tiến véc tơ ab về phía tam giác điện áp phía cao áp, sao cho điểm a trùng với A. Ta thấy véc tơ ab sẽ có vị trí giống như kim ngắn đồng hồ chỉ 11 giờ.

Như vậy góc lệch tính theo giờ của máy biến áp này là 11 giờ, tổ đấu dây của máy biến áp này là Y/Δ-11.

Nếu chúng ta đánh dấu các đầu ra của máy biến áp khác đi, sao cho các cuộn tương ứng của các pha vẫn giữ nguyên thứ tự theo vòng tròn abc và cùng cực tính, ta sẽ có tổ đấu dây với góc lệch khác đi Y/D-3, Y/D-7

Tổ đấu dây Y/D-11, Y/D-3, Y/D-7

Nếu các cuộn dây hạ áp được đánh dấu theo hướng ngược lại, nghĩa là cuộn dây hạ áp ngược cực tính với cuộn dây cao áp, ta sẽ có các tổ đấu dây Y/D-5, Y/D-9, Y/D-1. Cách vẽ cũng tương tự như đấu cùng cực tính:

Tổ đấu dây Y/D-5, Y/D-9, Y/D-1

Kết luận:Tổ đấu dây máy biến áp Y/Y thì sẽ có số giờ chẵn Y/Y-0, Y/Y-4, Y/Y-8 và tổ đấu dây máy biến áp Y/D thì sẽ có số giờ lẻ: Y/D-11, Y/D-3, Y/D-7.

Các máy biến áp có sơ đồ đấu dây cao áp và hạ áp giống nhau có góc lệch cơ bản là 0 giờ và 11 giờ. Ví dụ như Y/Y-0, Y/D-11.

Nếu ta đảo ngược cực tính, ta có góc lệch mới đối xứng qua tâm, nghĩa là lệch nhau 6 giờ:

Ví dụ: Y/Y-0 đấu cùng cực tính thì Y/Y-6 là đấu ngược cực tính. Y/D-11 đấu cùng cực tính thì Y/D-5 đấu ngược cực tính.

Khi hoán chuyển pha ta có góc lệch nhau 4 giờ: Ví dụ từ Y/Y-0 thì hoán chuyển pha là Y/Y-4.

Trên đây là cách xác định tổ đấu dây của máy biến áp. Nếu có thắc mắc cần giải đáp vui lòng gửi mail đến [email protected]

Từ khóa » Cách đấu Dây Mba