Tơ Hồng Vàng Và Tơ Hồng Xanh - Thuốc Và Sức Khỏe
Có thể bạn quan tâm
Tơ hồng có nhiều loại, trong đó có 2 loại thường gặp nhất, đó là Tơ hồng vàng và Tơ hồng xanh.
Tuy cùng có tên là "Tơ hồng", nhưng giữa Tơ hồng vàng và Tơ hồng xanh có rất nhiều khác biệt và công dụng làm thuốc của chúng cũng không giống nhau. Thí dụ: Vị thuốc bổ thận nổi tiếng trong Đông y, gọi là "thỏ ty tử", chính là hạt của cây Tơ hồng vàng. Còn hạt Tơ hồng xanh lại không được sử dụng làm thuốc.
Dưới đây xin nói rõ thêm về đặc điểm và ứng dụng cụ thể của từng loại Tơ hồng.
TƠ HỒNG VÀNG
Tơ hồng vàng còn có rất nhiều tên khác: thỏ ty, thỏ lô, xích võng, kim tuyến thảo, dã hồ ty, vô căn thảo, thổ huyết ty, hoàng loạn ty ...
Tên khoa học là Cuscuta chinensis Lamk. Thuộc họ Bìm bìm - Convolvulaceae.
Tơ hồng vàng là một loại dây ký sinh hoàn toàn. Nó không có khả năng tự quang hợp, nên phải sống nhờ hoàn toàn vào chất dinh dưỡng của cây chủ. Cây có thân hình sợi nhỏ, màu vàng hay nâu nhạt, cuốn trên các cây khác, trên thân có những rễ mút để hút các thức ăn từ cây chủ. Cây không có lá; lá đã tiêu giảm thành vẩy nhỏ. Hoa ít thấy, hình cầu màu trắng nhạt, gần như không có cuống, tụ thành 10-20 hoa một. Quả hình cầu, chiều ngang rộng hơn chiều cao, rộng độ 3mm, nứt từ dưới lên; có 2-4 hạt hình trứng, đỉnh dẹt, dài chừng 2mm. Tại miền Bắc thường thấy tơ hồng vàng mọc ký sinh trên cây cúc tần.
Hạt cây tơ hồng Cuscuta chinensis Lamk., tức là vị thuốc thỏ ty tử, hiện nay nói chung vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Tại Trung Quốc, vào các tháng 8-9 người ta hái cả cây về phơi khô, đập lấy hạt và loại bỏ tạp chất là được.
Theo Ðông y thỏ ty tử có vị ngọt, cay, tính ôn, vào 2 kinh can và thận. Có tác dụng bổ dương ích âm, sáng mắt, an thai, mạnh gân cốt. Dùng chữa thận hư tinh lạnh, liệt dương, di tinh, đau lưng, mỏi gối, tai ù, mắt mờ, sốt khát nước, dùng lâu giúp đẹp da. Liều dùng: ngày uống 8-16g.
Tơ hồng vàng mọc khắp nơi ở nước ta, nhưng dân gian thường ít dùng hạt, mà thường hái cả cây phơi khô. Theo Đông y dây tơ hồng có vị ngọt đắng, tính bình, không độc. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, lợi thủy, giải độc. Dùng chữa thổ huyết, nục huyết, tiện huyết, huyết băng, lâm trọc, đới hạ, lỵ tật, hoàng đản, ung nhọt, rôm sẩy...
Một số bài thuốc sử dụng Tơ hồng vàng
- Chữa tiểu tiện không thông: Dây tơ hồng vàng 1 nắm, nấu cùng với gốc cây hẹ; lấy nước thuốc bôi vào vùng bụng ở quanh rốn (theo sách Tư huệ tiểu biên).- Chữa dương nuy (liệt dương), di tinh, lưng gối đau nhức, tiểu tiện nhỏ giọt, phụ nữ bạch đới: Dây tơ hồng vàng 9-12g, sắc với nước, pha thêm chút rượu và đường đỏ để uống (Chiết Giang dân gian thường dụng thảo dược).
- Chữa kiết lỵ: Dây tơ hồng vàng (hái toàn cây - cả nụ và hoa) thêm vài lát gừng vào sắc uống (Thực vật danh thực đồ khảo).
- Chữa viêm ruột (tràng viêm): Tơ hồng vàng 50g, sắc với nước, chia thành 2 lần uống trong ngày (Trung thảo dược tân y liệu pháp).
- Chữa trẻ nhỏ lở đầu, phụ nữ bị mọc mụn trên mặt (diện sang): Dùng dây tơ hồng vàng sắc nước rửa mặt hàng ngày (Tử mẫu bí lục).
- Chữa bạch điến: Dùng dây tơ hồng vàng đem ngâm rượu, chế thành "rượu tơ hồng" 25%. Dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ có bệnh 2-3 lần trong ngày. Ðã tiến hành thử nghiệm với 10 người; 5 trường hợp kiến hiệu rõ ràng, 3 trường hợp có cải thiện, 2 trường hợp không có tác dụng. Bệnh lâu ngày ít có hiệu quả. Nói chung cần dùng trên 1 tuần mới thấy kết quả, dùng trên 1 tháng kết quả rõ ràng hơn (Trung dược đại từ điển).
Bệnh "bạch điến" (vitiligo, leukoderma), còn gọi là “bạch điến phong”, “bạch biến”, “lang trắng”, … Là tình trạng một số vùng da bị mất hay thiếu tế bào sắc tố melanin, do đó có màu trắng. Tại những vết lang trắng, da chỉ bị biến sắc, còn cấu trúc vẫn bình thường, không cộm, không có vẩy, không gây cảm giác gì khó chịu. Khi bệnh xuất hiện ở đầu, thì tóc ở chỗ vết lang cũng bị bạc trắng. Bạch điến khác “bạch tạng”: một bệnh di truyền, trong đó toàn thể da trên người và tóc đều trắng bệch.
- Chữa hen suyễn: Dây tơ hồng vàng, lá táo chua, mỗi thứ 30g, tất cả đem sao vàng, hạ thổ, sắc nước uống trong ngày (Kinh nghiệm dân gian VN).
TƠ HỒNG XANH
Tơ hồng xanh còn gọi là: "vô gia đằng", "thanh ti đằng", "quá thiên đằng", "vô căn thảo", "phi dương đằng", "vô địa sinh căn", "vô đầu đằng",...
Tên khoa học là Cassytha filiformis L., thuộc họ Long não - Lauraceae.
Tơ hồng xanh là loài thực vật cổ nhiệt đới, cũng có thân dạng sợi, nhưng to hơn dây tơ hồng vàng; các thân sợi thường mọc tréo nhau, màu lục sẫm, dính sát vào cây chủ. Lá rất nhỏ, tiêu giảm thành vẩy. Hoa nhỏ, trắng, không cuống, xếp thành bông dài 1,5-5cm. Quả hạch hình cầu, bao trong ống hoa cùng lớn lên và hoá nạc, tựa như một quả mọng.
Tơ hồng xanh mọc hoang ở các đồi núi, thường sống bán ký sinh trên các cây bụi. Có thể thu hái dây quanh năm, nhưng chủ yếu vào mùa hè và mùa thu. Mang về cắt ngắn, rửa sạch, phơi trong râm, bó lại dùng dần.
Theo Ðông y, tơ hồng xanh có vị ngọt đắng, tính hàn; vào các kinh can và thận. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, lương huyết giải độc. Dùng chữa người gầy rộc do can nhiệt (can nhiệt tiêu sấu), ho do nóng phổi (phế nhiệt khái thấu), hoàng đản, mũi chảy máu, tiểu tiện ra máu, ung thũng, lở loét...
Một số bài thuốc sử dụng tơ hồng xanh
- Chữa trẻ suy dinh dưỡng, lòng bàn chân bàn tay nóng, tinh thần uể oải: Tơ hồng xanh 60g, đổ ngập nước sắc lấy còn nửa bát, chia thành 2 phần uống trong ngày (Phúc Kiến dân gian thảo dược).
- Chữa trẻ nhỏ hoàng đản: Tơ hồng xanh 15-30g, nấu với đậu phụ thành món canh ăn với cơm hàng ngày (Tuyền Châu bản thảo).
- Chữa kiết lỵ: Tơ hồng xanh 30g, sắc nước uống (Phúc Kiến trung thảo dược).
- Chữa mũi hay chảy máu cam (tập quán tính tỵ xuất huyết): Tơ hồng xanh 15-30g, thịt lợn nạc 50g, thêm nước và rượu (mỗi thứ một nửa) hầm lên ăn (Mân Nam dân gian thảo dược).
- Chữa tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu lẫn máu (huyết lâm): Tơ hồng xanh 15-30g, sắc với nước, thêm đường đen vào uống trong ngày (Tuyền Châu bản thảo).
- Viêm thận, sỏi bàng quang: Tơ hồng xanh 30-60g, mộc thông 20g sắc uống (Trồng hái và sử dụng cây thuốc).
- Chữa mộng tinh, di tinh, xuất tinh sớm (tảo tiết): Tơ hồng xanh 60g, xương sống lợn đực 150, thêm 100ml rượu tốt vào ninh chín ăn (Phúc Kiến dân gian thảo dược).
- Chữa âm nang sưng to: Tơ hồng xanh 20-30g, trứng vịt vỏ xanh, luộc chín, bóc trứng ăn và uống nước thuốc (Mân Nam dân gian thảo dược).
- Bị ghẻ, chàm, mụn nhọt lở loét: Dùng tơ hồng xanh nấu nước rửa (Quảng Tây trung thảo dược).
- Chữa bỏng lửa: Tơ hồng xanh nghiền thành bột mịn, trộn với dầu vừng bôi vào chỗ bị bỏng (Phúc Kiến trung thảo dược).
Lương y HUYÊN THẢO - Tạp chí Dược Mỹ phẩm
Từ khóa » Tơ Hồng Vàng
-
Dây Tơ Hồng Vàng: Vị Thuốc "ký Sinh" Có Nhiều Công Dụng - YouMed
-
Dây Tơ Hồng Vàng Làm Thuốc - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Tơ Hồng Vàng – Vị Thuốc Trị Suy Yếu Chức Năng Sinh Dục
-
Dây Tơ Hồng Và Những Công Dụng Chữa Bệnh Quý - Thuốc Dân Tộc
-
Dây Tơ Hồng | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Công Dụng Chữa Bệnh Của Dây Tơ Hồng - VnExpress Sức Khỏe
-
Dây Tơ Hồng Là Gì? Công Dụng Và Cách Dùng
-
25 Tác Dụng Của Dây Tơ Hồng Làm Người Nông Thôn Ngỡ Ngàng
-
Tác Dụng Của Cây Tơ Hồng Vàng Và Cây Tơ Hồng Xanh Chữa Bệnh Gì?
-
Tác Hại Của Dây Tơ Hồng Và Cách Diệt Trừ I VTC16 - YouTube
-
Dây Tơ Hồng 1kg Tươi | Shopee Việt Nam