Tô Ngọc Vân: Người Chiến Sĩ Họa Nên ánh Sáng Cho Dân Tộc
Có thể bạn quan tâm
Tô Ngọc Vân là một trong những họa sĩ đời đầu của nền mỹ thuật hiện đại, ông được người đời xem là bậc thầy trong phong cách vẽ tranh sơn dầu và bản thân họa sĩ cũng là người đem chất liệu này vào Mỹ thuật Việt Nam.
Nghệ thuật của ông là sự hòa trộn giữa những kỹ năng hội họa phương Tây đầy điêu luyện và cốt cách Á Đông ghi dấu ấn rõ nét trong từng tác phẩm. Được đào tạo bài bản tại trường Mỹ thuật Đông Dương, Tô Ngọc Vân sở hữu nhiều kiệt tác mà đến nay vẫn được nhắc đến như Thiếu nữ bên hoa huệ, Hai thiếu nữ và em bé.
Đứng giữa sự lan tràn của hội họa Pháp lúc bấy giờ, bản thân ông vẫn luôn mong mỏi việc xây dựng một nền hội họa Việt Nam có tính chất dân tộc, giành lấy một địa vị mỹ thuật trọng yếu cho đất nước trên thế giới. Tiếc rằng trong quá trình tham gia kháng chiến chống Pháp, Tô Ngọc Vân đã hy sinh mà không kịp thực hiện khao khát bấy lâu.
Mục lục ẩn 1 Hành trình tìm đến nghệ thuật của họa sĩ Tô Ngọc Vân 2 Tô Ngọc Vân và hình tượng người thiếu nữ trong tranh vẽ 3 Một danh họa có thể vẽ ra những phẩm chất tốt đẹp của người dân Việt Nam 4 Người chiến sĩ đích thực sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốcHành trình tìm đến nghệ thuật của họa sĩ Tô Ngọc Vân
Tô Ngọc Vân sinh vào năm 1908 trong một gia đình nghèo tại làng Xuân Cầu, tỉnh Hưng Yên. Bố mẹ ông khi ấy khó khăn đến độ không có đủ điều kiện cho con đi học, phải quá tuổi học sinh ông mới bắt đầu đến trường để làm quen với từng con chữ.
Khi đó, cậu bé Tô Ngọc Vân dù đi học muộn so với chúng bạn nhưng đã bộc lộ tài năng hội họa và niềm yêu thích với bộ môn nghệ thuật này từ rất sớm, vừa học xong hết lớp tám thì ông đã quyết định dừng việc học để toàn tâm theo đuổi đam mê của mình.
Đây có thể coi là một quyết định đầy rủi ro vì nếu thất bại thì ngay cả gia đình ông cũng không thể giúp đỡ. Tuy nhiên, ngọn lửa đam mê sục sôi như buộc Tô Ngọc Vân phải chọn lựa và đảm bảo rằng bản thân ông sẽ thành công.
Trời cao đã không phụ lòng người, Tô Ngọc Vân thi đỗ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1926, một trong những ngôi trường đào tạo mỹ thuật danh tiếng nhất cả nước lúc bấy giờ và tiến gần hơn đến con đường hiện thực hóa ước mơ.
Ông là một trong những lứa học viên đầu tiên của trường tính từ những ngày đầu thành lập và thuận lợi tốt nghiệp vào năm 1931, bản thân Tô Ngọc Vân cũng là một trong những danh họa nổi tiếng của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bên cạnh Nguyễn Vạn Thọ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ và Bùi Xuân Phái.
Ông cũng là một trong những họa sĩ vẽ tem ngay từ thời Pháp thuộc và đã thiết kế thành công mẫu tem Apsara ngay trong năm tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương, lấy cảm hứng những chuyến đi sáng tác ở hai ngôi đền nổi tiếng Angkor Wat và Angkor Thom.
Trên con tem là hình tượng người vũ nữ Apsara được khắc nổi trên vách đền đài của người Khmer cổ, đây là mẫu tem thứ 23 được Bưu điện Đông Dương phát hành kể từ khi người Pháp mang văn hóa tem thư du nhập vào Việt Nam.
Mỹ thuật là một bộ môn nghệ thuật mà ngoài năng khiếu bẩm sinh thì sự chăm chỉ và thời gian luyện tập cũng là hai yếu tố quan trọng, Tô Ngọc Vân đã trải qua những năm tháng miệt mài trước giá vẽ để rồi khi ra trường, ông từng bước trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp.
Thậm chí, ông đã hoàn thành được rất nhiều tác phẩm xuất sắc ngay từ những ngày đầu vào nghề và nhận được không ít giải thưởng về hội họa tại Pháp, cái nôi danh tiếng về nghệ thuật của Châu Âu.
Một trong số đó là Bức thư, tác phẩm này được ông vẽ bằng chất liệu tranh lụa và được Hội các họa sĩ Pháp tặng bằng khen, đồng thời Bức thư cũng vinh dự giành huy chương vàng trong một buổi triển lãm thuộc địa tổ chức tại Paris vào năm 1932.
Nghệ thuật của Tô Ngọc Vân không chỉ gói gọn trong các thể loại tranh dân gian Việt Nam mà còn được tích góp và chọn lọc từ rất nhiều nền văn minh khác nhau trên thế giới. Có lẽ vì ông đã từng đi qua rất nhiều nước châu Á như Campuchia, Thái Lan để quan sát và học hỏi những giá trị mới, làm đa dạng thêm kiến thức về nghệ thuật của chính mình.
Trong khoảng thời gian từ năm 1935 đến năm 1939, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã lưu lại Phnom Penh, thủ đô của Campuchia để dạy học cũng như tìm hiểu thêm về văn hóa Khmer.
Từ năm 1939, Tô Ngọc Vân quay trở lại Việt Nam và nhận công việc giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cho đến năm 1945. Suốt khoảng thời gian ấy, ngoài công việc đứng lớp hàng ngày, Tô Ngọc Vân vẫn luôn miệt mài sáng tác nhằm thỏa mãn đam mê.
Ngoài công việc vẽ tranh và giảng dạy, ông còn hợp tác với một số các tờ báo lớn như báo Phong Hóa, báo Thanh Nghị để viết bài về mỹ thuật và phê bình nghệ thuật được xuất bản hàng tháng.
“Ai đầu tiên đã nghĩ sinh ra tranh Tết? Ai đầu tiên đã vẽ tranh Tết và tự bao giờ? Chúng tôi không biết. Song một điều chúng tôi chắc chắn mà phỏng đoán là những tác phẩm ấy do những người không phải tay nghề “họa sĩ trong một phút” cao hứng mà phác ra. Tất cả những nhân vật đều hình dung một cách ngây thơ, thô mộc, không có óc nhận xét, tuy nhiều khi giáng giấp cũng linh hoạt. Phần lớn thì mặt người nào cũng giống người nào, trẻ con, đàn bà hay đàn ông; và tờ tranh nào cũng có ngần ấy mầu dùng nguyên chất không bao giờ đổi. Ở những tranh loại luân lý và phong tục thường kèm những dòng chữ nôm dẫn giải ngụ ý của tác giả.” – trích bài phê bình về tranh Tết của họa sĩ Tô Ngọc Vân trên báo Thanh Nghị.
Với những bài viết đầy tâm huyết và chất lượng của mình, Tô Ngọc Vân và họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung là những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành Lý luận Phê bình Mỹ thuật ở Việt Nam.
Hiện nay, những công trình nghiên cứu của ông vẫn được lưu lại làm tài liệu giảng dạy tại các trường Mỹ thuật lớn trên toàn quốc.
Tô Ngọc Vân và hình tượng người thiếu nữ trong tranh vẽ
Tô Ngọc Vân được biết đến là một trong những họa sĩ tiên phong trong giai đoạn khởi đầu của nền Mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Sở hữu tâm hồn nhạy cảm, trái tim đầy nhiệt huyết và học thức uyên bác đầy chuẩn mực, những tác phẩm do ông họa nên ít nhiều đều chạm được đến điểm sâu nhất trong tâm trí mỗi người thưởng tranh.
Trước năm 1945, chủ đề chính trong tranh của Tô Ngọc Vân phần lớn là vẻ đẹp người thiếu nữ Việt Nam trong tà áo dài truyền thống. Nổi tiếng nhất phải kể đến là tác phẩm Thiếu nữ bên hoa huệ được ông sáng tác bằng chất liệu sơn dầu.
Bức tranh vẽ về một người thiếu nữ nghiêng mình bên những nhành hoa trắng muốt, dù chủ thể chính đã chiếm đến ba phần tư bức tranh nhưng không hề tạo cảm giác “ngợp” cho người xem nhờ bố cục hài hòa và chặt chẽ.
Thêm vào đó, đây được coi là một tỉ lệ hoàn hảo khi dụng ý của tác giả chính là muốn tôn lên vẻ đẹp mặn mà của người thiếu nữ, khiến cho đến cả loài hoa kiêu sa nhất cũng phải cúi mình.
Cả tác phẩm tạo thành một vòng tròn khép kín, thu hút mắt nhìn vào khu vực trung tâm chính là khuôn mặt trầm tư của người phụ nữ trẻ và cành hoa e lệ trước ngón tay mềm.
Từng đường nét trong bức tranh đều nhẹ nhàng và uyển chuyển, đặc biệt là hình dáng những ngón tay thon dài tựa như đang nâng niu những cánh huệ mỏng manh.
Một chi tiết nữa khiến tổng thể bức tranh hài hòa chính là màu sắc và kỹ thuật đánh sáng của họa sĩ. Trong tranh, Tô Ngọc Vân sử dụng gam màu vàng đất và trắng ngà là chủ yếu, điểm tô thêm một chút xanh sẫm trên nền tường và lớp vân trang trí của chiếc lọ cắm hoa.
Ông đã nhấn nhá một chút sắc vàng sáng màu hơn trên tà áo dài trắng và cả những bông hoa cắm trong lọ, một nửa khuôn mặt nghiêng của thiếu nữ cũng sáng hơn phần mặt còn lại đang cúi xuống giúp tạo nên cảm giác cả căn phòng được thắp sáng, từng sự vật trở nên vô cùng rực rỡ và lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Một tác phẩm khác tiêu biểu cho hình ảnh thiếu nữ trong nghệ thuật của Tô Ngọc Vân là bức Hai thiếu nữ và em bé, đây cũng là một tác phẩm sơn dầu đại diện cho trường phái Lãng mạn mà họa sĩ theo đuổi.
Nếu bức Thiếu nữ bên hoa huệ được vẽ theo bố cục vòng tròn quy tụ thì Hai thiếu nữ và em bé lại mang lại hiệu ứng dàn trải nhờ bố cục hình tam giác kinh điển trong hội họa.
Màu sắc trong tranh của Tô Ngọc Vân vẫn luôn đạt được mức hoàn hảo tuyệt đối trong kỹ thuật vẽ sơn dầu, không một gam màu nào đối nghịch vì sử dụng sai mà vô cùng hài hòa, bổ trợ cho nhau, nêu bật lên nội dung và ý nghĩa mà bức tranh muốn truyền đạt.
Trong Hai thiếu nữ và em bé, đứa bé ngồi chơi ở cuối góc phải bức tranh mặc tấm áo màu đỏ thể hiện cho sự nghịch ngợm nhiều năng lượng của trẻ thơ, ngược hai thiếu nữ với một người áo vàng, một người áo trắng nên khi mới nhìn vào đã nhận ra được nét dịu dàng, đằm thắm đặc trưng của phụ nữ thời xưa.
Tô Ngọc Vân đã phải quan sát rất kỹ thì mới rút ra được những chọn lọc về ngoại hình vô cùng tinh tế này. Trong mắt của ông, người thiếu nữ Việt Nam luôn xuất hiện với tà áo dài truyền thống, mái tóc vấn thấp sau lưng và những điểm đặc trưng trên khuôn mặt như lông mày ngang, má phớt hồng cùng làn môi mỏng chúm chím.
“Lịch sử mỹ thuật thế giới và Việt Nam đã khẳng định đề tài phụ nữ, nhất là thiếu nữ, những giai nhân của dân tộc và thời đại đã sớm trở thành một trang sử mỹ thuật đẹp. Trong đó, các tác phẩm sơn dầu đầu tiên của họa sĩ Tô Ngọc Vân đã đi vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam, được sáng tác theo tuyên ngôn về nghệ thuật của ông: Hội họa là gỡ cái đẹp trong cử chỉ đẹp nhất, tươi nhất, có ý nghĩa nhất, là tươi cuộc đời.” – Nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo
Một điều tuyệt vời trong kỹ thuật vẽ của họa sĩ Tô Ngọc Vân chính là chỉ cần một vài nét cọ đơn giản, ông đã có thể họa nên cả một câu chuyện cho những bức tranh.
Không chỉ dừng lại ở đó, người xem còn có thể nhìn ra được một số nét chuyển động trong tranh của ông, đó là những cử chỉ sinh động không hề gượng ép của nhân vật, là tà áo dài mềm mại như lụa ôm theo dáng hình người thiếu nữ, đây là một trong những điều mà hiếm có nghệ sĩ nào làm được và làm thành thạo như ông.
Tô Ngọc Vân được ca ngợi là người có công lớn trong việc mang chất liệu sơn dầu đóng góp vào nền mỹ thuật Việt Nam đương thời. Trong suốt những năm tháng theo học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông đã nghiêm túc nghiên cứu về kỹ thuật vẽ này để đạt được đến mức độ thực hành tinh xảo nhất.
Nhắc đến Tô Ngọc Vân, người ta thường nhớ ngay đến một bậc thầy về sơn dầu luôn miệt mài tìm kiếm những giá trị đẹp đẽ và nhân văn nhất của người phụ nữ xưa. Để rồi khi Việt Nam vươn ra thế giới, chúng ta có thể giới thiệu những hình ảnh đầy chất riêng ấy với bạn bè năm châu bằng niềm tự hào không thể che dấu.
Một danh họa có thể vẽ ra những phẩm chất tốt đẹp của người dân Việt Nam
Từ năm 1945 trở đi, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ kháng chiến giành lại độc lập cho đất nước, người người nhà nhà xung phong ra tiền tuyến bất kể già trẻ gái trai, bất kể xuất thân hay tôn giáo, ngành nghề và những người làm nghệ thuật cũng không ngoại lệ.
Đối với giới họa sĩ lúc bấy giờ, để gác lại công việc rồi mặc vào bộ quần áo cánh nâu, đầu đội mũ cối ra chiến trường phục vụ cho cách mạng khi nghe có thể đơn giản nhưng nhìn nhận sự lầm than của nhân dân để phác lên những bức họa mới thì không phải vấn đề một sớm một chiều.
Trước đó, Tô Ngọc Vân được người đời xem là một họa sĩ có lối vẽ theo quan niệm tiểu tư sản nhưng trong những năm tháng kháng chiến, ông đã đưa ra những nhận thức mới về nền nghệ thuật của dân tộc và hoàn thành bức Hà Nội vùng đứng lên, miêu tả một người phụ nữ đẹp đang vươn lên trong cảnh khói lửa.
Ông cũng tham gia vào các hoạt động cải cách ruộng đất rồi xung phong đi chiến dịch, trở thành một người chiến sĩ đúng nghĩa. Ông tích cực phục vụ cho kháng chiến và hiểu rằng trước cảnh chiến tranh lầm than, điều cần nhất là những người nghệ sĩ có thể dùng nghệ thuật để khích lệ tinh thần đấu tranh cho toàn dân.
Ban ngày ra chiến trường, ban đêm ông lại quay về với nghiệp vẽ của mình. Suốt khoảng thời gian đầu quân nơi tiền tuyến, Tô Ngọc Vân đã vẽ lại bao nhiêu bức tranh cho dân tộc, giúp người đời về sau có được sự hình dung bao quát nhất về một thời kháng chiến đầy gian truân.
Nếu trước đây ông thường vẽ những bức tranh thiếu nữ e ấp bên tà áo dài thướt tha thì sau khi gia nhập vào đoàn quân kháng chiến, những người phụ nữ ấy trở thành những nữ cán bộ khỏe mạnh, cánh tay xắn cao sẵn sàng phục vụ cho chiến đấu. Tô Ngọc Vân từng nói rằng đó là hình ảnh đẹp nhất của một người phụ nữ trong mắt ông.
“Đây là một tranh phụ nữ đẹp nhất của tôi từ trước đến nay.” – trích lời tự sự của họa sĩ Tô Ngọc Vân sau khi vẽ một nữ cán bộ ở vùng nông thôn
Vì thời gian sáng tác không nhiều, Tô Ngọc Vân chuyển sang vẽ tranh ký họa ghi lại những hoạt động diễn ra thường nhật.
Hình tượng chính trong tranh của ông không còn là những người thiếu nữ dịu dàng mà thay vào đó là hình ảnh vị Chủ tịch làm việc trong chiến khu, những người đồng chí kề vai sát cánh và cả những người nông dân chất phác mà ông vô tình gặp được trên chặng đường hành quân.
Một số bức tranh tiêu biểu của Tô Ngọc Vân trong suốt thời kỳ đó có thể kể đến như Hai chiến sĩ, Hành quân qua suối và Đèo Lũng Lô. Qua những tác phẩm này, họa sĩ đã cho chúng ta thấy một cái nhìn toàn vẹn về những gian khổ và thiếu thốn mà quân dân ta đã phải trải qua lúc bấy giờ.
Từ trong cái mộc mạc và giản dị đó, người họa sĩ ấy vẫn có thể nhìn ra nét đẹp cao quý và thiêng liêng ẩn sâu trong linh hồn của những người con đất Việt, đó là tình yêu quê hương sâu nặng, sẵn sàng hy sinh vì độc lập cho Tổ quốc.
Có lẽ vì thế nên tranh của Tô Ngọc Vân giai đoạn này dù màu sắc không rực rỡ, hình ảnh không sinh động như những bức vẽ trước đây nhưng khi nhìn vào, người ta sẽ thấy được những nét cọ cứng rắn thể hiện sự quyết tâm và niềm hy vọng hướng về tương lai tươi sáng.
“Cùng một thời đại của đất nước có hàng trăm nhà văn cùng viết, hàng trăm họa sĩ cùng vẽ, nhưng không phải người nào cũng tạo ra hình ảnh chân thực về con người và đất nước mình, giống như tấm gương phản chiếu xã hội. Người đó đôi khi không nhất thiết là người có tài năng nhất, tất nhiên để làm được việc đó phải có tài. Tô Ngọc Vân là một họa sĩ như vậy. […] Theo tôi, trong tất cả các họa sĩ Việt Nam, Tô Ngọc Vân vượt lên hơn hẳn việc vẽ ra phẩm chất con người thành thị và đặc biệt nông dân Việt Nam, thân phận của họ và hơn nữa là thân phận dân tộc.” – họa sĩ Phan Cẩm Thượng
Ngoài xung phong ra chiến trường, họa sĩ còn được giao nhiệm vụ mở lớp học vẽ cho cán bộ nhằm phục vụ cho kháng chiến, ông từng là Trưởng đoàn Văn hóa kháng chiến Việt Bắc đồng thời là Giám đốc Xưởng họa kháng chiến lúc bấy giờ.
Tô Ngọc Vân vừa là một chiến sĩ can trường, một thầy giáo tận tâm và cũng là một họa sĩ đầy đam mê, dù không công việc nào là dễ dàng nhưng ông vẫn hoàn thành tất cả một cách xuất sắc và được rất nhiều người kính phục, từ những người đồng đội đến những lứa học trò do chính ông đào tạo nên.
Người chiến sĩ đích thực sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc
Tiếc thay cho một nhân tài đoản mệnh, tiểu đoàn của Tô Ngọc Vân khi hành quân qua khu vực Km số 41 thuộc đèo Lũng Lô đã bất ngờ gặp máy bay Pháp ném bom và ông đã hy sinh đầy anh dũng.
Nơi ấy ngay gần sát chiến trường Điện Biên Phủ máu lửa năm nào, chỉ cần một chút nữa thôi là Tô Ngọc Vân cùng đồng đội đã có thể vẻ vang ăn mừng chiến thắng. Tiếc rằng số phận an bài, người họa sĩ tài năng của dân tộc đã hy sinh anh dũng khi chỉ mới 48 tuổi, đó là một cái chết bất tử vì độc lập tự do cho toàn dân tộc.
Sau khi qua đời, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã được nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sĩ và an táng tại nghĩa trang Mai Dịch cùng rất nhiều những chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.
Trong suốt quá trình làm nhiệm vụ, ông còn nhận được Huân chương Độc lập Hạng nhất và Huân chương Kháng chiến Hạng nhì, đây là hành động nhằm vinh danh người chiến sĩ dũng cảm đã một lòng hy sinh vì đất nước.
Ra đi khi sự nghiệp đang trên đà phát triển rực rỡ nhất, Tô Ngọc Vân đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật nhờ những đóng góp vô giá cho nền Mỹ thuật nước nhà.
Tất cả những bức tranh ông vẽ trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ đều được trao giải Nhất trong Triển lãm Mỹ Thuật Toàn quốc năm 1954 tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.
Rất nhiều các tác phẩm của ông cũng được lưu lại để trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nơi những thế hệ sau tìm đến để nhìn lại đất nước một thời đã qua và bày tỏ lòng tôn kính với những người đi trước.
Để tưởng nhớ cho người chiến sĩ đã ngã xuống đầy bất khuất, niên khóa 1955 – 1957 của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã được đổi tên thành niên khóa Tô Ngọc Vân.
Bao nhiêu thế hệ sinh viên của ngôi trường ấy vẫn luôn một lòng nhớ về người thầy đã dành tất cả những năm tháng tóc xanh để công tác và làm việc tại nơi này, bồi dưỡng nên những nhân tài xuất sắc cho cả một nền Mỹ thuật Việt Nam.
Ngoài ra, tên ông còn đường đặt cho rất nhiều con đường thuộc các thành phố lớn trải dài trên cả nước, người ta thường dễ dàng bắt gặp đường Tô Ngọc Vân ở hai thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Có thể đối với lớp trẻ sau này, Tô Ngọc Vân chỉ là một cái tên bình thường và con đường mang tên ông cũng giống như bao con đường khác. Tuy nhiên, những người đã sống qua thời kỳ đau thương ấy của đất nước thì lại mang trong mình cả một đoạn ký ức đằng đẵng để hoài niệm mãi.
Sau tất cả, ông là một người thầy được học trò tôn kính, là nhà phê bình nghệ thuật tận tụy với nghề, là người chiến sĩ không màng gian khổ anh dũng hy sinh và trên hết là người họa sĩ với đam mê mãnh liệt, luôn sống hết mình từng giây từng phút.
Cống hiến nhiều đến vậy nhưng cuối cùng đọng lại trong mắt người đời vẫn là hình ảnh Tô Ngọc Vân đội chiếc mũ cối bộ đội, khuôn mặt tươi cười như tỏa nắng ban mai. Một hình ảnh đơn giản nhưng chứa đựng biết bao huy hoàng trong cuộc đời của người họa sĩ Việt Nam huyền thoại.
Thanh Hằng
Từ khóa » Tiểu Sử Về Tô Ngọc Vân
-
Tô Ngọc Vân – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tô Ngọc Vân - Tiểu Sử Cuộc Đời, Sự Nghiệp & Tác Phẩm
-
Họa Sĩ Tô Ngọc Vân - Nhân Cách Lớn Của Nền Hội Họa Việt Nam
-
Giới Thiệu Về Cuộc đời Và Sự Nghiệp Của Hoaj Sĩ Tô Ngọc Vân
-
Tiểu Sử Họa Sĩ Tô Ngọc Vân, Họa Sĩ Tô Ngọc Vân Là Ai? (Chi Tiết Về ...
-
Họa Sĩ Tô Ngọc Vân
-
Tô Ngọc Vân - Wikiwand
-
Giới Thiệu Về Sự Nghiệp Và Cuộc đời Của Họa Sĩ Tô Ngọc Vân - Mpod
-
TÁC PHẨM CỦA DANH HỌA TÔ NGỌC VÂN
-
Hoạ Sĩ Tô Ngọc Vân- Người Phác Hoạ Thân Phận Dân Tộc
-
Họa Sĩ Tô Ngọc Vân | 1908 - 1954 | Vietnam Arts
-
Tô Ngọc Vân(1906 - 1954) - Nhân Vật Lịch Sử.
-
Bạn Có Biết Họa Sĩ Tô Ngọc Vân Và Những Tác Phẩm Sự Nghiệp