Tổ Tiên Của Con Gà Là Con Gì

Để từ những con gà rừng làm tổ trên cây đến việc biến thành một trong những món ăn phổ biến nhất thế giới, loài gà đã trải qua hàng năm lịch sử, viết nên một câu chuyện đầy bi tráng

Nhân dịp năm gà, hãy cùng nhìn lại hành trình 10.000 từ những con gà trong rừng châu Á tới ngay hôm nay với “dân số gấp 3 lần loài người”, có mặt trong hầu hết các nhà bếp trên khắp Trái Đất nhé.

Hai con gà chọi nhau trên đường hành quân của vị tướng Hy Lạp

Chuyện kể rằng vào thập niên đầu tiên của thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, vị tướng Themistocles của thành Athen, Hy Lạp đang trên đường hành quân chống lại quân Ba Tư xâm lược, bỗng dừng lại trước cảnh 2 con gà trống đá nhau. Khi đó ông đã bảo quân lính lại và nói rằng: “Này anh em, những con gà này không phải đánh nhau cho vị thần hộ vệ trong nhà, cho lăng mộ tổ tiên họ, cho vinh quang, cho sự tự do hoặc sự an toàn của con cái họ, nhưng đơn giản chỉ vì một trong số chung không nhường đường cho kẻ khác.”

Mặc dù truyền thuyết này không kể tiếp con gà nào sẽ thắng và thua, cũng không giải thích tại sao binh linh lại nghe câu nói đó mà được truyền cảm hứng, nâng cao tinh thần chiến đấu thay vì cảm giác thất vọng hoặc chán chường. Tuy nhiên lịch sử ghi nhận rằng binh lính Hy Lạp đã nhờ đó mà có tinh thần lên, tiếp tục đẩy lùi quân xâm lược, tiếp tục giữ vững nền văn minh của họ, lan tỏa mạnh tới các nước phương Tây ngày nay, bao gồm cả việc duy trì những con gà làm thức ăn với đủ kiểu chiên, luộc cùng đủ thứ loại sốt. Có lẽ những con gà trống khi xưa cũng không nghĩ rằng vai trò của chúng lại quan trọng như vậy, tuy nhiên, hậu duệ của chúng cho tới ngày nay sẽ tự hào vì điều đó.

Gà là lại thức ăn cực kỳ phổ biến trong thời đại của chúng ta, trải dài qua nhiều nền văn hóa, nhiều quốc gia, đi đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp. Với hương vị thịt nhẹ nhàng, kết cấu đồng nhất, gà có thể dễ dàng chế biến theo nhiều cách, với nhiều loại thức ăn khác nhau. Tại nhiều nơi mà người ta còn tin rằng các món ăn có liên quan tới gà đã trở thành đặc trưng của quốc gia họ, thí dụ như món cà ri gà, gà tikka masala hoặc món gà rán Kentucky. Đã từ rất lâu rồi người ta đã bắt gặp hình ảnh hầu như gia đình nào cũng có nuôi vài con gà chạy trong sân, sau đó tới lúc cần thì ra bắt để chuẩn bị cho bữa ăn tối. Thịt gà tại nhiều nơi còn là món ăn gắn liền với những kỷ niệm, đặc biệt là gợi lên nhiều liên tưởng cho hầu hết người Mỹ.

Loài gà: biểu tượng của sự may mắn, linh vật biết tiên tri hay là dấu chỉ của sự phản bội?

Vậy làm thế nào bọn gà có thể thống trị về mặt văn hóa lẫn ẩm thực của chúng ta? Sẽ thật đáng ngạc nhiên bởi nhiều nhà khảo cổ học tin rằng khi xưa, tổ tiên chúng ta đã thuần hóa gà không phải để ăn, mà là để cho chúng đá nhau. Cho đến khi có sự ra đời của sản xuất trên quy mô công nghiệp vào thế kỷ 20, sự đóng góp kinh tế và dinh dưỡng của loài gà mới trở nên phổ thông. Trong cuốn “Súng, vi khuẩn và thép”, Jared Diamond đã liệt loài gà trong danh sách “những động vật có vú cỡ nhỏ trong nhà, chim và côn trùng nuôi nhà”, hữu ích cho con người nhưng khác với ngựa hoặc bò vốn đã cùng với con người thay đổi tiến trình lịch sử.

Những quả trứng gà từng được treo trong các đền thờ Ai Cập để cầu chúc cho sự dồi dào của nước sông. (ảnh minh họa)​

Tuy nhiên, loài gà đã truyền cảm hứng cho nhiều nền văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, khoa học và tôn giáo trong suốt thiên niên kỷ. Loài gà đã và vẫn là một con vật linh thiêng trong nhiều nền văn hóa. Tại nhiều nơi trên thế giới, chúng vẫn là biểu tượng của sự nuôi dưỡng và sinh sản. Những quả trứng gà từng được treo trong các đền thờ Ai Cập để cầu chúc cho sự dồi dào của nước sông, của những gì mà cơn lũ mang lại. Những con gà trống mạnh mẽ từng được sử dụng như một biểu tượng của nam tính và thậm chí trong đạo thờ thần lửa của Ba Tư cổ đại còn tin rằng gà chính là hiện thân của một vị thần, cất tiếng vào lúc bình minh để báo hiệu cho một nước ngoặt trong cuộc chiến giữa bóng tối và ánh sáng.

Đối với người La Mã cổ đại, dụng cụ giết gà là vật may mắn, đặc biệt là trong thời chiến. Gà đồng hành cùng vứi quân đội La Mã và hành vi của chúng được quan sát cẩn thận trước trận chiến, khi đó họ cho rằng gà ăn ngon miệng nghĩa là điềm báo của chiến thắng. Theo ghi chép của sử gia La Mã Cicero, khi một con gà không thèm ăn trước trận thủy chiến vào năm 249 TCN, một lãnh tụ đã tức giận ném nó xuống nước. Sau đó, ông đã thua cuộc.

Trong đoạn Kinh Thánh Cựu Ước liên quan tới nghi lễ hiến tế đã cho thấy đấng Yahweh có sở thích đặc biệt đối với thịt đỏ hơn là gia cầm. Trong Sách Lêvi 5:7 nói rằng nếu người phạm tội không có đủ tiền mua chiên dê để dâng lễ, họ có thể mang tới một cặp chim gáy hoặc bồ câu để thay thế và được chấp nhận. Sách Matthew 23:37 có một câu chó thấy Chúa Jesus ví việc Ngài yêu thương bảo vệ con người tại Jerusalem giống như gà mẹ chở che gà con dưới cánh.

Gà nhiều lần xuất hiện trong Kinh Thánh. Như đây là vai trò của con gà trong lời tiên tri rằng Thánh Phêrô sẽ chối Chúa Jesus 3 lần “trước khi gà gáy”​

Hình ảnh con gà dù nhỏ nhưng lại cực kỳ quan trọng trong Phúc Âm Công Giáo, giúp hoàn thành lời tiên tri rằng Thánh Phêrô sẽ chối Chúa Jesus 3 lần “trước khi gà gáy”. (Vào thế kỷ thứ 9, Đức Giáo Hoàng Nicholas I đã ban hành một sắc lệnh quy định hình ảnh gà trống phải đặt trên đỉnh của các nhà thờ để nhắc nhở về sự kiện này. Đây cũng là lý do truyền thống mà cho tới ngày nay vẫn còn nhiều nhà thờ có tượng gà trên đỉnh, thí dụ như Nhà Thờ Con Gà ở Đà Lạt chẳng hạn.) Dù con gà trống không thật sự liên quan nhưng có vai trò đánh dấu thời điểm, có thể là dấu chỉ của sự phản bội nhưng vẫn chưa thật sự thúc đẩy vai trò của con gà trong nền văn hóa phương Tây. Trong ngôn ngữ Mỹ bình thường, từ con gà thường dùng để chỉ tính nhát gan, có vấn đề thần kinh và dễ sợ hãi.

Trên thực tế, giống đực của những loài vật đa phần là hung dữ, đặc biệt là khi được nuôi dưỡng và huấn luyện chiến đấu. Tự nhiên đã trang bị cho gà trống cặp chân với xương chắc chắn, con người đã bổ sung thêm những chiếc cựa kim loại hoặc những mảnh dao sắc vào chân chúng để phục vụ cho những trận chiến một mất một còn. Đá gà là bất hợp pháp tại nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Mỹ và được liệt vào hành vi vô nhân đạo. Nhưng vẫn còn nhiều nơi còn tục đá gà, hợp pháp lẫn bất hợp pháp và thậm chí có nơi còn tuyên bố đó như một môn thể thao liên tục lâu đời nhất thế giới. Các tác phẩm nghệ thuật thời cổ đại cũng nhiều lần miêu tả tới hình ảnh chiến binh gà trống. Tại thành phố Pergamum, Hy Lạp cổ đại thậm chí còn thành lập cả một lò đá gà, huấn luyện chúng trở thành những con gà chiến.

Một chút về lịch sử thuần hóa gà và “thịt khủng long có vị thế nào?"

Việc thuần hóa loài gà cũng có cả một gia phả phức tạp kéo dài từ 7000 cho tới 10000 năm và theo nghiên cứu công bố gần đây thì có liên quan tới ít nhất 2 giống gà hoang dã tổ tiên, nhiều hơn 1 sự kiện thuần hóa ban đầu. Các bộ xương hóa thạch sớm nhất được xác định tại vùng đông bắc Trung Quốc, sống vào khoảng năm 5400 TCN, nhưng đây lại là vùng đồng bằng lạnh, khô và không thể là nơi sinh sống của tổ tiên loài gà. Do đó, nếu đây thực sự là xương gà thì chúng tới từ nơi khác, thí dụ như Đông Nam Á.

Thuyết tiến hóa mở rộng của Charles Darwin cho rằng tổ tiên của gà là loài gà rừng lông đỏ Gallus gallus và điều này đã được khẳng định sau này bởi phép phân tích DNA. Loài gà Gallus gallus cũng có ngoại hình giống với gà hiện đại ngày nay với chiếc mào và yếm đỏ, cựa dưới chân để chiến đấu và tiếng gáy để kêu gọi bạn tình. Tương tự như vậy, tổ tiên gà mái hồi xưa cũng có màu nâu, có nhiệm vụ đẻ trứng và cũng kêu cục cục như gà mái hiện đại ngày nay. Trong môi trường sống trải dài từ Ấn Độ tới Philippines, loài G. gallus tìm sâu bọ, hạt và trái cây dưới đất rừng làm thức ăn, sau đó bay lên tổ trên cây vào ban đêm. Người ta cho rằng khả năng bay hạn chế chính là đặc điểm giúp con người dễ dàng bắt giữ, nuôi nấng và thuần hóa chúng sau này.

Tuy nhiên G. gallus không phải là tổ tiên duy nhất của gà hiện đại. Các nhà khoa học đã xác định được 3 loài khác có dòng dõi với loài gà rừng lông đỏ. Tuy nhiên, chính xác có bao nhiêu vật liệu di truyền từ các loài này còn được lưu giữ ở loài gà hiện đại vẫn còn là vấn đề phỏng đoán chứ chưa thật sự được xác định. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng loài gà hiện đại đã thừa hưởng ít nhất một đặc điểm chính là bộ da màu vàng có nguồn gốc từ loài gà rừng xám ở miền nam Ấn Độ.

Phỏng đoán về đường phát tán của loài gà dựa trên những bằng chứng tìm thấy​

Vậy có phải những con gà G. gallus được thuần hóa, sau đó lan từ Đông Nam Á tới phía Bắc Trung Quốc hoặc Tây Nam Ấn Độ. Hay là có tới 2 quá trình thuần hóa gà hiện đại diễn ra một cách độc lập tại Ấn Độ cổ và Đông Nam Á? Đó là 2 kịch bản có thể xảy ra và đã khiến các nhà khoa học đau đầu trong suốt khoảng thời gian dài. Nguyên nhân chính là khi truy ngược nguồn gốc đặc điểm DNA của gà hiện đại, các nhà khoa học đã mắc phải những đứt đoạn và rối rắm trong lịch sử, chủ yếu do loài gà thuần hóa và chim hoang dã có sự lẫn lộn với nhau về mặt di truyền.

Tuy nhiên tới năm 2004, mọi chuyện đã dần sáng tỏ khi một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia đã xác lập bản đồ gen hoàn chỉnh của loài gà. Từ đó, họ xác định rằng gà là loài động vật đầu tiên được thuần hóa, cũng là loài chim đầu tiên, đồng thời cũng là hậu duệ của loài khủng long,… được con người thuần hóa. Không chỉ thế, bản đồ gen còn cho phép các nhà nghiên cứu có được cái nhìn toàn cảnh trong suốt quá trình thuần hóa một loài kéo dài cả thiên niên kỷ. Trong một dự án tiến hành bởi Đại học Uppsala, Thụy Điển, các nhà nghiên cứu đã tìm kiểm sự khác nhau giữa gà rừng lông đỏ và hậu duệ của nó là gà hiện đại.

Qua đó, họ còn xác định được sự khác nhau về mặt di truyền giữa loài gà chuyên đẻ trứng và loài gà dùng để lấy thịt. Cụ thể, họ xác định được đột biến quan trọng trong một gen quy định TBC1D1 với chức năng điều hòa quá trình chuyển hóa glucose. Một đột biến khác bắt nguồn từ chọn lọc giống là gen quy định hormone kích thích tuyến giáp TSHR. Ở động vật hoang dã, gen này giúp tái định vị chiều dài ngày, hạn chế sự sinh sản vào từng mùa cụ thể. Đột biến vô hiệu hóa gen này sẽ cho phép con gà có thể nuôi và đẻ trứng trong suốt cả năm.

"Những đầu bếp La Mã đã phát hiện rằng con gà trống bị thiến sẽ tự béo lên mà không cần nuôi ép như gà thường"

Một khi những con gà đã được thuần hóa, các mối quan hệ văn hóa, thương mại, di cư và những cuộc xâm lược đã liên tục đưa những con gà đi tới nhiêu khu vực khác nhau trên thế giới trong suốt hàng ngàn năm qua. Mặc dù vẫn chưa có kết luận cuối cùng nhưng một số bằng chứng cho thấy nguồn gốc xuất phát của loài gà về hướng Tây có thể là từ nền văn minh lưu vực sông Ấn, nơi các thành phố của nền văn minh Harappan đã hình thành nên con đường giao thương với khu vực Trung Đông từ 4000 năm trước.

Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy xương gà ở Lothal, một trong những thương cảng khổng lồ ở bờ biển phía Tây Ấn Độ, cho thấy rằng rất có khả năng gà đã được người ta mang theo làm hàng hóa hoặc thức ăn trên con đường băng qua bán đảo Ả Rập. Từ năm 2000 TCN, các bản ghi tại khu vực Lưỡng Hà đã đề cập tới khái niệm “những con chim của Meluhha”, có khả năng là đặt tên cho những con gà đến từ khu vực sông Ấn. Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng bản ghi đó không phải là những con gà mà dùng để chỉ một loài chim đặc biệt nào đó tại vùng Lưỡng Hà, có thể là một “loại chim hoàng gia Meluhha”.

Vào khoảng 250 năm sau đó thì gà bắt đầu tới Ai Cập để phục vụ “đá chim” và như một loại sinh vật bổ sung lạ lẫm. Người ta đã tìm thấy hình ảnh những con gà được vẽ trang trí trên các lăng mộ hoàng gia. Sau đó khoảng 1000 năm, gà đã biến thành một món hàng hóa phổ biến trong cuộc sống người dân Ai Cập. Bấy giờ, người Ai Cập đã có thể làm chủ kỹ thuật ấp trứng gà, họ có thể bắt gà mái đẻ trứng và ấp nở vào những khoảng thời gian mong muốn để chủ động trong việc sử dụng. Kỳ thực, đo không phải là điều đơn giản bởi phần lớn trứng gà sẽ được ấp trong 3 tuần, nhưng chỉ khi nào nhiệt độ được giữ liên tục tại 37 - 40 độ C và độ ẩm vào khoảng 55%. Đồng thời, những quả trứng cũng phải được lật 3 - 5 lần mỗi ngày để không gây ra những dị tật về thể chất.

Ảnh minh họa hệ thống lò ấp trứng của người Ai Cập cổ đại​

Khi đó, người Ai Cập đã xây dựng nên những khu phức hợp ấp trứng với hàng trăm lò. Mỗi lò là một căn phòng lớn, được kết nối với nhau bằng hàng loạt các hành lang và lỗ thông hơi, kết nối tới một lò trung tâm. Tại đây, rơm và phân lạc đà sẽ được đốt để cung cấp nhiệt một cách có kiểm soát tới các lò ấp. Kỹ thuật này đã được người Ai Cập sử dụng và lưu giữ một cách bí mật qua nhiều thế kỷ.

Tại Địa Trung Hải, các nhà khảo cổ học đã khai quật được xương gà có niên đại từ khoảng 800 năm TCN. Gà khi đó đã trở thành món ăn của người La Mã với nhiều cách chế biến khác nhau, bao gồm cả món trứng chiên và các món gà nhồi. Những người nông dân bắt đầu phát triển nên phương pháp vỗ béo gà, có người sử dụng bánh mì ngũ cốc ngâm trong rượu vang, có người lại sử dụng hỗn hợp hạt giống thì là, lúa mạch và mỡ thằn lằn.

Tuy nhiên, có thời điểm chính quyền cấm tiến hành các kỹ thuật nói trên. Tuy nhiên nhận thấy xu hướng theo đuổi lối sống xa hoa của một bộ phận dân chúng Cộng hòa La Mã, cộng với sự suy thoái đạo đức, một đạo luật ban hành năm 161 TCN quy định rằng mỗi bữa ăn chỉ có thể dùng 1 con gà cho toàn bộ bàn ăn, không phải mỗi người và chỉ dùng những con gà không vỗ béo. Khi đó, những đầu bếp La Mã đã phát hiện rằng con gà trống bị thiến sẽ tự béo lên mà không cần nuôi ép như gà thường.

Gà tới Mỹ, công nghiệp hóa và những lợi ích kinh tế

Theo dòng lịch sử, khi La Mã sụp đổ, vai trò của loài gà cũng trở nên mờ nhạt tại Châu Âu. Kevin MacDonald, giáo sư khảo cổ học tại Đại học London cho biết: “Tất cả mọi thứ đều tuột dốc. Trong thời kỳ hậu La MÃ, kích thước của những con gà quay trở về giống như thời đồ sắt vào 1000 năm trước.” Là người có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này, ông cho rằng những nông trại lớn, có tổ chức của người La Mã khi xưa rất thích hợp để nuôi dưỡng lượng lớn gà, đồng thời bảo vệ chúng khỏi những loài thú ăn thịt. Qua nhiều thế kỷ, tới thời Trung Cổ, những loài khác như ngỗng hoặc gà gô cũng bắ đầu được mang lên bàn ăn.

Khi người châu Âu đến Bắc Mỹ, họ phát hiện ra một lục địa mới với đầy ắp gà tây và vịt, nguồn thức ăn dồi dào tại đây. Một số nhà khảo cổ học tin rằng hơn 100 năm trước chuyến đi của Columbus, những con gà đã được mang tới Tân thế giới bởi những người Polynesia. Cho tới thế kỷ 20, mặc dù những con gà có giá trị thực phẩm, là nguồn trứng dồi dào cho các bữa ăn,… nhưng vẫn có vai trò tương đối nhỏ trong chế độ ăn uống lẫn nền kinh tế Mỹ. Rất lâu sau khi bò và lợn được đưa vào các nhà máy giết mổ công nghiệp thì việc sản xuất thịt gà cùng các sản phẩm của nó vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, địa phương và không thường xuyên.

Và một sự kiện đột phá đã xảy đến, thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp gà với những nông trại lên tới trên 250 ngàn con chính là nhu cầu nuôi gà để chế thuốc kháng sinh và vitamin. Từ đây, người ta nghĩ tới chuyện nuôi những đàn ga trên quy mô công nghiệp trong nhà. Giờ đây, những con gà được bảo vệ bởi điều kiện thời tiết bất lợi bên ngoài, tránh những loại động vật ăn thịt, đồng thời được nuôi dưỡng bởi chế độ ăn uống có kiểm soát thay vì phải đi loanh quanh tự tìm thức ăn như hồi đầu thế kỷ 20. Các nông trại công nghiệp nhanh chóng mọc lên, đưa gà trở thành một trong những nguồn cung cấp protein dồi dào cho con người.

Cho tới đầu những năm 1990, gà đã vượt qua bò, trở thành loại thịt được dùng nhiều nhất tại Mỹ (kết quả khảo sát dựa trên sản lượng tiêu thụ) với sản lượng hàng năm đạt khoảng 9 tỷ con, tương đương khoảng 36kg gà tính trên đầu người. Những con gà hiện đại biến thành một cỗ máy được thiết kế để chuyển hóa hạt ngũ cốc thành protein với hiệu quả đáng kinh ngạc. Chỉ cần cho ăn 0,91 kg thức ăn để sản xuất ra 1 con gà nặng 0,45 kg (trọng lượng sống), chỉ bằng 1 nửa tỷ lệ thức ăn/cân nặng gà hồi năm 1945.

Trong một phép so sánh, người ta phải mất khoảng 3,18 kg thức ăn để tạo nên 0,45 kg thịt bò và cần thêm 1,36 kg thức ăn nữa mới cho ra 0,45 kg thịt lợn. Những thế hệ nông dân càng về sau càng có kinh nghiệm trong việc nuôi gà và thậm chí, họ chỉ mất khoảng 6 tuần để biến một con gà con 1 ngày tuổi thành con gà 2,3kg. Đồng thời, kỹ thuật phối giống một cách có chọn lọc còn tạo nên những con gà ngoan ngoãn tới độ mà khi thả ra bên ngoài, chúng vẫn tập trung vào khu vực máng ăn để chờ cho ăn.

"Tôi thích gà gầy còm biết bói toán, không cần gà mập mạp nhiều thịt!"

Có lẽ người cổ đại sẽ khó lòng mà tưởng tượng được những con gà mà họ huấn luyện để chọi nhau hoặc xem như một linh vật lại trở thành loài vật được chăn nuôi trên quy mô lớn, chỉ biết chờ ăn, còn nào cũng giống nhau, đợi cho tới khi lớn và chờ tới lượt giết thịt, luộc chín hoặc chiên giòn. Tuy nhiên, có vẻ vẫn còn nhiều nơi không thể đón nhận những con gà kiểu Mỹ nhiều thịt, mập chắc, hấp dẫn.

Thí dụ như trường hợp tại Mali, các nhân viên cứu trợ phương Tây đã cố gắng đưa giống gà Rốt đỏ vào để thay thế cho việc sử dụng loài gà gầy nhôm, ít thịt ở đây nhưng thất bại. Theo truyền thống, dân làng dự đoán tương lai bằng cách cắt cổ một con gà và đợi xem nó ngã về hướng nào. Nếu ngã về bên trái hoặc phải nghĩa là thuận theo câu hỏi của người cầu, còn nếu ngã về phía trước là không được. Bởi thế, những con gà Rốt đỏ vốn là giống gà thịt sẽ luôn đổ về phía trước do cấu trúc ngoại hình của nó và chắc chắn, người dân tại Mali sẽ không chịu chấp nhận một con gà chỉ biết nói không khi họ cầu mong điều gì đó.

Một ví dụ khác như Santería, tôn giáo hình thành tại Cuba với nhiều yếu tố vay mượn từ Công Giáo, nền văn hóa Carib và cả tôn giáo Yoruba của Tây Phi,… đều có tục dùng gà, lợn, dê, cừu, rùa cùng nhiều loài vật khác để hiến tế thần linh. Những người sùng đạo Santería và chính quyền thành phố đã tranh cãi xem có nên giữ hay bỏ lại tục hiến tế gà hay không. Cuối cùng thì họ đã giành được chiến thắng, tiếp tục được giữ tục tế gà.

Khi gà là những con pet!

Và không chỉ để lấy thịt mà có nơi người ta còn nuôi gà như một loại thú cưng, đặc biệt là mua gà con về để nuôi từ nhỏ. Theo Jennifer Haughey, một người đang nuôi gà tại Rhinebeck, New York thì "những con gà đầy màu sắc, dễ thương như lợn guinea và thậm chí là bắt chuột giỏi hơn cả mèo của tôi!?!” Vậy đặc điểm nào ở loài gà được chủ nhân đánh giá cao nhất? Theo Barbara Gardiner Whitacre, người đang nuôi 5 con gà giống trên tầng nhà ở New York thì màu trứng chính là tiêu chí hàng đầu: Những quả trứng gà Welsummer có màu nâu chocolate đậm, trứng gà Ameraucana có màu xanh ngọc, những đốm màu ô liu của trứng gà mái Ameraucana sẽ mất đi sau khi phối với gà trống Welsummer, thay vào đó là những đường sọc ngẫu nhiên.

Ngoài ra, đặc tính gan dạ, tinh khôn và sẵn sàng làm bố mẹ của loài gà cũng là điểm khiến người ta ưa thích. Chúng có thể sẵn sàng ngồi suốt khoảng thời gian dài trên đống trứng đã thụ tinh cho tới khi trứng nở, đóng góp phần công sức vào khía cạnh kinh tế của cả trang trại. Và thậm chí, chúng ấp cả những quả trứng không phải của chúng. Whitacre cho biết khi cần thiết, có thể đổi trứng của những con gà mái khác hoặc thậm chí là trứng vịt. Đôi khi cũng xảy ra những xung đột.

Những quả trứng gà nhiều màu sắc, có hoa văn hình thù có thể được lựa chọn như một món đồ trang trí​

Cô kể lại trước đó có nuôi một con gà giống Silkies với ngoại chắc chắn, lông rậm rạp và đẹp mắt. Tuy nhiên da của chúng lại có màu xanh đen, gần như là thịt và xương cũng đen. Chắc chắn đây không phải là thứ mà thực khách sẽ thích khi nhìn thấy trên bàn ăn. Whitacre kể cách đây 2 năm, cô đã miễn cưỡng lấy 2 con gà trống Silkies: “Tất nhiên, thịt của chúng mềm và ngon, chỉ có điều là mang màu xanh xám và ngả đen. Những chiếc xương càng kỳ cục hơn với một màu đen. Có thể nó không phù hợp với chúng tôi nhưng hóa ra đối với nhiều nơi ở châu Á, nó lại được dùng như một loại thực phẩm quý và thậm chí là chữa bệnh."

Thịt gà, thịt gà, thịt gà ở khắp nơi

Chưa hết đâu, không chỉ có lợi ích kinh tế hay nuôi làm thú cưng hoặc những quả trứng đẹp mắt với giá hàng trăm đô la, những con gà còn có giá trị ở thành phần cơ bản nhất: món gà rán giòn tan hoặc dĩa gỏi gà ngon miệng! Vâng, gà, một linh vật của sự toàn cầu hóa, một biểu tượng phổ quát của nền ẩm thực thế giới! Thịt gà đã xuất hiện trong cả đĩa salad Caesar, nằm trong miếng sandich, băm ra thành viên ăn cùng với những sợi mì ống, xé ra thành từng thớ trộn với bắp chuối làm gỏi hoặc phủ bột chiên giòn lên trong chuỗi cửa hàng ẩm thực. Rõ ràng thịt gà đã trở thành một trong những món ăn quyền lực nhất thế giới, tiếp cận được tới mọi tầng lớp khác nhau, từ người bình dân cho tới các nguyên thủ quốc gia.

Nãy giờ nói nhiều về chuyện phương Tây nhưng tại châu Á, loài gà cũng có vai trò quan trọng trong nền ẩm thực phong phú và đa dạng nơi đây. Nghe có vẻ vô lý nhưng với dân số cực đông, lượng cửa hàng KFC ở Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới. Và không nói ai cũng biết, món chính của KFC là gà! Từ khi những chiếc cánh gà đầu tiên được rán tại KFC Bắc Kinh vào năm 1987 cho tới nay, chuỗi cửa hàng này đã đạt con số 3000 trên khắp Trung Quốc, thu về lợi nhuận còn nhiều hơn ở Mỹ. Thành công đó không chỉ dựa vào dân số địa phương mà còn phụ thuộc vào chiến lược bản địa hóa chuỗi cửa hàng một cách thông minh. Điều đó thể hiện qua việc các món ăn kèm ở từng địa phương như mì, cơm hoặc bánh bao cũng được đưa vào KFC để ăn kèm với gà. Mà gà lại là lựa chọn dễ ăn, dễ chấp nhận đối với nhiều người dân ở đây.

Đã nhiều ngàn năm kể từ cuộc chiến của tướng Themistocles và có lẽ, ông cùng cả đội quân hùng hậu cũng không ngờ rằng 2 con gà chọi bên đường giờ đây đã trở thành biểu tượng của sự toàn cầu hóa, của nền kinh tế phương tây, là dấu chỉ của sự công nghiệp hóa và là một trong những loại thịt phổ biến nhất thế giới. Loài gà đã bao trùm khắp thế giới, viết lên cả một câu chuyện sử thi hùng tráng của tiến hóa, của nền nông nghiệp, công nghiệp và thật trớ trêu, số lượng giờ đây vượt quá loài người với tỷ lệ 3:1.

Từ khóa » Tổ Tiên Của Con Gà Là Con Gì