Toàn Cảnh Cuộc Biểu Tình, Bạo động ở Bình Thuận Ngày 10 Tháng 6 ...

Ngày 10 tháng 6 năm 2018, các cuộc biểu tình để phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế mới, có quy định cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất đặc khu trong thời hạn 99 năm, đã bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong số đó, cuộc biểu tình ở Bình Thuận đã bùng phát thành bạo động. Ngay sau biến cố, mỗi thế lực chính trị lại tuyên truyền về vu bạo động theo một hướng, để phục vụ cho một mục đích riêng. Chẳn hạn, các tổ chức chống Cộng cực đoan tuyên truyền rằng qua vụ bạo động, có thể thấy người dân Việt Nam rất căm thù chế độ, căm thù Trung Quốc, và thời cơ lật đổ đã đến. Một số tổ chức đối lập khác, ôn hòa hơn, lại tuyên truyền rằng chính sự “đàn áp” của công an, và sự thiếu vắng Luật Biểu tình, đã làm nảy sinh bạo động. Trong khi đó, nhiều nhóm ủng hộ chính quyền hoặc hoặc trung lập lại mô tả người dân Bình Thuận như một đám đông ngu dốt, cực đoan đang tự làm hại chính mình.

Tuy nhiên, một số người quan sát lại có quan điểm khác. Họ cho rằng vụ bạo động ở Bình Thuận có nguyên nhân sâu xa, không liên quan đến dự luật Đặc khu Kinh tế mới hay chuyện cho thuê đất trong thời hạn 99 năm. Đó là bức xúc của cư dân địa phương trước tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và kế sinh nhai của họ, mà nhà máy nhiệt điện xây bởi nhà thầu Trung Quốc gây ra [21]. Trong cuộc xung đột phức tạp này, cả lực lượng cảnh sát, chính quyền địa phương lẫn cư dân địa phương đều không hẳn là bên có lỗi.

I. Nguyên nhân sâu xa của vụ việc

Ngày 8 tháng 8 năm 2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho xây Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nằm ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Công trình này do Tập đoàn Điện khí Thượng Hải – Trung Quốc thi công, theo hình thức hợp đồng EPC, với tổng mức đầu tư 23.477 tỷ đồng. Ngày 15 tháng 1 năm 2014, tổ máy số 1 bắt đầu đi vào vận hành, xả ra một lượng khói thải lớn, gây ô nhiễm môi trường trong khu vực. Mỗi ngày, nhà máy còn thải ra 4000 tấn tro, xỉ, chứa trong một bãi xỉ rộng 64 ha.

Khói, tro và nước thải của nhà máy này đã khiến hoa màu không phát triển được, khiến tôm cá trong các ao hồ và vùng biển ven bờ bị chết, khiến các xưởng nước mắm ở địa phương phải đóng cửa vì mất nguồn nguyên liệu, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân địa phương, sống ở khu dân cư cách nhà máy chưa đầy 1 km.

Theo thông tin của một công ty thầu phụ, thì EVN đã thuê nhà thầu Trung Quốc thi công 12 nhà máy điện chạy bằng than đá nằm dọc theo các bãi biển của Việt Nam, và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chỉ là một trong số đó.

Người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm lên chính quyền địa phương, và đề nghị giải quyết. Đáp lại yêu cầu đó, tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra và xử phạt nhà máy 3 lần, chỉ trong khoảng thời gian từ đầu năm 2014 đến tháng 4 năm 2015. Tổng Cục Môi trường cũng kiểm tra và xử phạt nhà máy 1,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi nộp phạt, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tiếp tục tái phạm, và không khắc phục tình trạng ô nhiễm [2].

Trước tình hình đó, khoảng 10h sáng ngày 14 tháng 4 năm 2015, một nhóm cư dân địa phương kéo đến Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 để biểu tình phản đối. Do không được người chịu trách nhiệm giải quyết, còn bị bảo vệ đuổi ra ngoài, lúc 14h cùng ngày, họ huy động thêm người biểu tình, rồi dùng bàn ghế và nhiều vật dụng khác để chặn Quốc lộ 1A, làm giao thông ách tắc. Từ 3h sáng ngày 15 tháng 4 năm 2015, người biểu tình ra về để ăn uống, nghỉ ngơi, khiến giao thông bắt đầu “nhúc nhích được một ít”. Đến 9h sáng hôm đó, họ tiếp tục chặn đường để biểu tình, khi xe còn chưa kịp thông, khiến giao thông tiếp tục ách tắc [2].

Chính quyền huyện Tuy Phong đã đến hiện trường để thuyết phục người biểu tình rút đi, nhưng không được. Đến trưa hôm đó, đoàn xe ách tắc đã dài hơn 20km, trải từ ngã ba Phan Rí Cửa đến thị trấn Liên Hương [3]. Lần này, nhóm người biểu tình mang theo cả ô lớn để che nắng, và tổ chức tiếp tế một cách bài bản [2].

Do lượng xe bị tắc quá lớn, hồi 14h cùng ngày, lực lượng Cảnh sát Cơ động đến hiện trường, dùng lựu đạn cay lùa người biểu tình xuống một nhánh nhỏ của đường liên thôn để thông xe. Đáp lại, người biểu tình tấn công cảnh sát bằng gạch, đá, bom xăng và Methanol (CH3OH) – một chất rất độc, có thể gây mù với một lượng nhỏ, gây tử vong với lượng lớn hơn, nên được xem là “cay hơn cả lựu đạn cay của cảnh sát” [2]. Sau một hồi giằng co, phía công an và Cảnh sát Cơ động tràn xuống tấn công người biểu tình bằng dùi cui. Người biểu tình dồn lực lượng tấn công, dồn cảnh sát vào một góc và chiếm lại Quốc lộ.

Nhóm cảnh sát đã bị vô hiệu hóa được người biểu tình cung cấp nước uống. Ngoài ra, một số người dân sống ven đường cũng tổ chức nấu cháo, nấu nước, để cung cấp miễn phí cho đoàn người đi đường bị ách tắc [2].

Cũng trong buổi chiều ngày 15 tháng 4 năm 2015, phía chính quyền đã có một loạt động thái để đáp ứng yêu cầu của người biểu tình. Cụ thể, người phát ngôn của UBND tỉnh Bình Thuận tuyên bố rằng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, và sẽ khắc phục xong sau 10 ngày nữa. Đại diện của nhà máy này cam kết rằng “trong 10 ngày tới sẽ không chở xỉ than đi nữa, nếu có vận chuyển thì sẽ dùng bao phủ kín, ngăn bụi phát tán ra môi trường”, và “sẽ dùng nước tưới lên khu vực đổ xỉ than để hạn chế bụi bay vào nhà dân”. Trong khi đó, EVN ra thông cáo báo chí rằng các đơn vị liên quan đang làm sạch, gia cố đường dân sinh trong thời gian hoàn thiện đường vận hành chính thức, đồng thời giám sát không cho phép các xe chở xỉ che chắn không kỹ lưỡng tham gia vận chuyển [2].

Tuy nhiên, đến tối hôm đó, người biểu tình vẫn tiếp tục dùng bom xăng tạo tường lửa để chặn quốc lộ. Khoảng 19h, sau khi được bổ sung lực lượng, phía cảnh sát trở lại trấn áp người biểu tình, và hai bên tiếp tục xung đột bằng những vũ khí cũ. Đến 22h đêm, người biểu tình thắng thế, ép cảnh sát vào một khách sạn gần đó và nhốt họ ở trong. Đến 23h30’, nhận thấy mục đích đánh động dư luận đã đạt được, nhóm người biểu tình rút về nghỉ. Sáng ngày 16 tháng 4, Quốc lộ 1A đã được thông xe hoàn toàn [2].

Cuộc bạo động khiến 3 xe ô tô bị vỡ cửa kính và hư hỏng nhẹ, các cửa kính ở mặt tiền của khách sạn Vĩnh Hảo bị vỡ, 17 cảnh sát bị thương, và một số người biểu tình bị thương nhẹ [2][4].

Sau vụ việc,  Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 nghiêm khắc kiểm điểm, và chỉ thị nhà máy “tuyệt đối không được để tái diễn, gây ảnh hưởng tới môi trường, cuộc sống người dân”.

Khi vụ việc lắng đi, khoảng giữa tháng 6 năm 2015, Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố và bắt tạm giam 7 người biểu tình, để điều tra về “hành vi gây rối trật tự công cộng, đập phá tài sản và chống người thi hành công vụ” [4].

Trong 3 năm sau đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Vĩnh Tân vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Vì vậy, khi cuộc biểu tình ở Bình Thuận bùng phát thành bạo động vào ngày 10 tháng 6 năm 2018, cây bút Minh Quang Hà đã bình luận trên Facebook như sau [21]:

“ Bản chất của cuộc bạo động này không phải là phản ứng lại dự thảo luật đặc khu. Thứ ấy chỉ là giọt nước cuối cùng tràn ly.

Bản chất là sự ức chế tích tụ lâu trong lòng dân ở đây, trước vấn nạn ô nhiễm do nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, dự án có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc. Người dân đã kêu nhiều, nhưng đâu vẫn hoàn đó. Họ cho rằng chính quyền làm ngơ, nên họ bức xúc. Bức xúc dồn nén, gặp cơ hội, nó bùng phát thành một bạo động phạm pháp”.

II. Nguyên nhân trực tiếp của vụ việc

Ngày 23 tháng 5 năm 2018, Quốc hội Việt Nam bắt đầu thảo luận về dự án Luật Đặc khu Kinh tế mới, trước khi bỏ phiếu thông qua vào cuối kỳ họp. Dự luật bao gồm một qui định rằng nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, nhà đầu tư nước ngoài có thể thuê đất ở đặc khu với thời hạn 99 năm, thay vì chỉ 70 năm như luật hiện tại.

Ngay sau khi dự luật được đưa ra Quốc hội, nhiều thành viên và thân hữu của Viện IDS cũ – như Phạm Chi Lan, Nguyễn Quang A, Lê Đăng Doanh, Tương Lai, Lưu Trọng Văn, Trần Đình Sử,… – đã đồng loạt phát biểu để định hướng dư luận, khiến dư luận dồn sự chú ý vào chi tiết “cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất với thời hạn 99 năm”. Họ tuyên truyền rằng quy định này sẽ mở đường cho Trung Quốc xâm lược Việt Nam bằng cách mua đất. Nhiều người trong nhóm này còn viết trên blog, Facebook cá nhân và các trang tin đối lập, rằng các đại biểu Quốc hội Việt Nam đang “bán nước” cho Trung Quốc bằng cách soạn thảo và bỏ phiếu thuận cho dự luật này. Từ ngày 31 tháng 5 năm 2018, các phát ngôn của nhóm này đã khiến dư luận Việt Nam hình thành “một làn sóng khủng khiếp” chưa từng có để phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế mới.

Cụ thể, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cựu thành viên Viện IDS, là người đầu tiên hướng sự chú ý của dư luận vào chi tiết “cho thuê đất trong thời hạn 99 năm”. Bà Lan phát biểu về vấn đề này từ ngày 24 tháng 5 năm 2018, chỉ một ngày sau khi dự luật được đưa ra Quốc hội. Ngày 31 tháng 5, CLB Lê Hiếu Đằng, tập hợp các thân hữu của Viện IDS cũ, ra một bản tuyên bố phản đối [5]. Ngày 1 tháng 6, nhóm Diễn đàn Xã hội Dân sự, hậu thân của Viện IDS, tiếp tục ra tuyên bố phản đối thứ hai và kêu gọi cộng đồng ký tên [6].

Cùng thời điểm này, các thành viên Diễn đàn Xã hội Dân sự cũng dẫn dắt dư luận bằng ba hành động song song khác:

_ Một số người từng có bằng cấp và địa vị cao – như Nguyễn Quang A, Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh, Tương Lai,… – trả lời phỏng vấn các đài nước ngoài và các trang tin đối lập về chủ đề này. Trong đó, clip phỏng vấn Phạm Chi Lan của Đoàn Bảo Châu (nhà văn, võ sư, phóng viên tự do, chồng của Hoàng Thu Hường trong viện ISEE và báo Vietnamnet) thu được những 3,9 triệu lượt xem, 101 nghìn lượt Likes và 113 nghìn lượt Shares, chỉ tính riêng trên Facebook [14].

_ Một số văn nhân – như nhà thơ, nhà báo Lưu Trọng Văn và nhà phê bình văn học Trần Đình Sử – dùng các phát biểu trên Facebook cá nhân để định hướng dư luận trong giới văn nghệ sĩ chính thống. Cụ thể, ngày 26 tháng 5, Lưu Trọng Văn đã viết một bài kêu gọi thay đổi thể chế chính trị để chống Trung Quốc [7]. Bài này có 2000 lượt Likes và gần 400 lượt Shares trên Facebook cá nhân của ông Văn. Suốt hai tuần sau thời điểm đó, ông Văn liên tục viết các post Facebook có cùng chủ đề. Đến ngày 1 tháng 6, đạo diễn Lưu Trọng Ninh (em trai Lưu Trọng Văn, thường share lại bài của Văn) bắt đầu liên tục tuyên truyền theo hướng tương tự [9]. Vì Lưu Trọng Ninh rất nổi tiếng trong giới điện ảnh và giải trí Việt Nam, ý kiến của ông Ninh ảnh hưởng đến một lượng lớn người trong giới. Chẳng hạn, ngày 3 tháng 6, MC Phan Anh kêu gọi cộng đồng thay avatar để phản đối dự luật, đồng thời share lại bài của Lưu Trọng Ninh trong phần comment [10]. Một số nhân vật giải trí khác, như ca sĩ Mỹ Lệ và diễn viên Thái Hòa, đã hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Anh, và viết post kêu gọi người hâm mộ của họ tham gia. Kể từ đó, chi tiết “cho thuê đất trong thời hạn 99 năm” thu hút sự chú ý của đông đảo dân thường, và trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

01 - Bài viết của Lưu trọng Văn, có đoạn kêu gọi xử bắn và đống giam những người làm suy yếu, chia rẽ dân tộc vì lợi ích nhóm và chính kiến
Ảnh 01 – Bài viết của Lưu trọng Văn, có đoạn kêu gọi xử bắn và đống giam những người làm suy yếu, chia rẽ dân tộc vì lợi ích nhóm và chính kiến nhóm

Song song với đó, từ ngày 30 tháng 5, nhà phê bình văn học Trần Đình Sử bắt đầu tuyên truyền trên Facebook rằng các đặc khu kinh tế tạo điều kiện cho Trung Quốc “xâm lược” Việt Nam [8]. Post của ông Sử được nhiều người trong giới văn chương và nghiên cứu văn chương share lại. Từ thời điểm đó, nhiều nhà văn quân đội, như Nguyễn Đức Ngọc [11] và Tạ Duy Anh [12], bắt đầu viết các bài phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế mới, được nhiều người share. Ngày 2 tháng 6, nhà thơ Trần Đăng Khoa share bài của Nguyễn Đức Ngọc. Ngày 3 tháng 6, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết bài phản đối dự luật Đặc khu [13]. Vì cả Trần Đăng Khoa và Nguyễn Quang Thiều đều có địa vị cao trong Hội Nhà văn Việt Nam, tiếng nói của họ khiến dư luận cho rằng quan điểm “phản đối dự luật Đặc khu” đã được giới văn chương chính thống công nhận.

_ Một số thành viên đã thể hiện rõ khuynh hướng chống Cộng, như Phạm Đình Trọng [15], công khai viết rằng các đại biểu Quốc hội đang “bán nước” bằng dự luật Đặc khu. Các thành viên của nhóm No-U, thân Diễn đàn Xã hội Dân sự, giúp họ lan truyền thông điệp đó. Ngoài ra, No-U cũng tiếp tục thúc đẩy phong trào mặc áo phông phản đối “đường lưỡi bò trên biển Đông” của Trung Quốc, mà họ đã phát động từ ngày 20 tháng 5. Đảng Việt Tân, một tổ chức chống Cộng ở hải ngoại, đã công khai quyên tiền để giúp các thành viên No-U in và phát áo miễn phí [16].

Các đài nước ngoài phát sóng bằng tiếng Việt rất chủ động khai thác các diễn biến này. Chẳng hạn, từ ngày 24 tháng 5, BBC tiếng Việt đã có bài về tình trạng người Trung Quốc ồ ạt đến Việt Nam mua nhà giá rẻ [17]. Sau khi CLB Lê Hiếu Đằng ra thông báo phản đối, bốn đài vừa kể khai thác vấn đề theo ba hướng khác nhau. BBC tiếng Việt chủ động khai thác ý kiến của giới “cố vấn” – bao gồm Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (có Phạm Chi Lan và Lê Đăng Doanh tham gia), tổ cố vấn của Thủ tướng, nguyên đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết. Cây bút Quốc Phương của BBC đi đầu trong việc này. Đài RFA cũng định khai thác theo hướng tương tự, nhưng lượng chuyên gia tiếp cận được không lớn. VOA đẩy mạnh đưa tin về chính sách của Mỹ ở biển Đông và khả năng hợp tác, nhất là hợp tác quân sự, giữa Mỹ và Việt Nam. Trong khi đó, RFI ít chú trọng chủ đề này hơn các đài còn lại.

Trong suốt quá trình nêu trên, nhiều tổ chức và cá nhân trong phong trào chống Cộng đã đặt ra vấn đề phát động biểu tình, để “chống Trung Quốc xâm lược” và phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế mới. Tuy nhiên, họ chủ yếu khích nhau phát động biểu tình, hoặc cãi nhau xem có nên biểu tình hay không, rồi chê nhau hèn hoặc tham danh vị.

02 - Ngô Duy Quyền và Lê Thị Công Nhân phê phán nhóm No-U về việc ngăn người khác phát động biểu tình
Ảnh 02 – Ngô Duy Quyền và Lê Thị Công Nhân phê phán nhóm No-U về việc ngăn người khác phát động biểu tình

Trong lúc các gương mặt đối lập quen thuộc còn đang tranh cãi, lúc 12h02’ ngày 6 tháng 6, Admin 3T của trang Đô Thành Sài Gòn – một trang chủ trương lật đổ chế độ hiện tại ở Việt Nam để dựng lại chế độ Việt Nam Cộng hòa cũ – đăng lời kêu gọi biểu tình đầu tiên. Họ đề nghị biểu tình lúc 8h sáng ngày 10 tháng 6, tại vườn hoa Hoàng Văn Thụ, TP.HCM, để phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế mới [18]. Đến 19h34’ cùng ngày, trang Nhật Ký Yêu Nước cũng kêu gọi biểu tình vào cùng thời điểm, nhưng ở nhiều địa điểm thuộc cả ba miền Việt Nam. Lúc 00h28’ ngày 7 tháng 8, trang Đô Thành Sài Gòn sửa post đã đăng, thay lời kêu gọi của mình bằng lời kêu gọi của trang Nhật Ký Yêu Nước. Đây là một quyết định hợp lý, vì Nhật Ký Yêu Nước là trang có uy tín hơn trong việc kêu gọi biểu tình. Thêm nữa, Đô Thành Sài Gòn chỉ đưa ra địa điểm ở TP.HCM, trong khi Nhật Ký Yêu Nước có quyền kêu gọi trên cả nước.

3h sáng ngày 9 tháng 6 năm 2018, Chính phủ Việt Nam thông báo rằng họ đã đề nghị Quốc hội hoãn thông qua dự luật Đặc khu Kinh tế mới sang kỳ họp tới, để có thêm thời gian chỉnh sửa, và được Quốc hội thông qua. Ngay buổi sáng hôm đó, Phạm Chi Lan trả lời phỏng vấn rằng việc lùi dự luật là “một tiền lệ tốt để về sau để cơ quan Nhà nước lắng nghe nhân dân”, và là “một trong những quyết định sáng suốt nhất” [19]. Cùng ngày, ông Nguyễn Đức Thành, thành viên Viện Phan Chu Trinh (cũng xuất phát từ Viện IDS), phát biểu rằng đây “là một tín hiệu tốt”, “thể hiện sự lắng nghe của chính phủ” [20]. Cũng trong ngày hôm đó, ông Lã Việt Dũng – thành viên nhóm No-U Hà Nội – kêu gọi cộng đồng không đi biểu tình, vì Quốc hội đã hoãn thông qua dự luật.

03 - Lã Việt Dũng, thành viên nhóm No-U Hà Nội, đề xuất không biểu tình
03 – Lã Việt Dũng, thành viên nhóm No-U Hà Nội, đề xuất không biểu tình

Tuy nhiên, trong ngày hôm đó, nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam – như Tuấn Khanh và Đỗ Trung Quân – vẫn viết bài kêu gọi người dân đi biểu tình.

Từ 7h sáng ngày 10 tháng 6 năm 2018, cuộc biểu tình để phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế mới đã nổ ra ở nhiều địa phương trên cả nước, thu hút hàng nghìn người dân tham gia. Trong số này, cuộc biểu tình ở TP.HCM và Bình Thuận đã bùng phát thành bạo động.

III. Diễn biến của vụ việc

Sáng ngày 10 tháng 6 năm 2018, một số cư dân địa phương ở Phan Rí Cửa, Tuy Phong, Bình Thuận hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình, dù vùng này không nằm trong các địa điểm mà lời kêu gọi đưa ra. Họ dùng lại chiến thuật cũ từ năm 2015, là chặn Quốc lộ 1A, gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ liên tục.

Sau 4 giờ, cảnh sát giao thông và các lực lượng khác bắt đầu yêu cầu đám đông giải tán để thông xe. Người biểu tình chống cự, tấn công cảnh sát bằng gạch đá [22].

Đến 14h30’, công an bắt khoảng 20 người cầm đầu ở một điểm tắc, khiến xe cộ ở điểm này lưu thông trở lại, nhưng chưa xử lý được các điểm tắc khác.

Sau khi về nhà lấy vũ khí, lúc 16h, người biểu tình trở lại chặn Quốc lộ và tấn công công an. Họ làm bị thương một số cán bộ và cảnh sát, đốt một số xe công.

Khoảng 19h30’, người biểu tình kéo đến trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận. Trong khoảng giữa 22h và 23h, họ chiếm trụ sở UBND và đập phá nhiều tài sản. Sau khi chiếm được trụ sở UBND, họ chuẩn bị kéo đến trụ sở Công an tỉnh Bình Thuận để đòi thả những người bị bắt. Ngoài ra, còn có tin người biểu tình kéo đến trụ sở Biên phòng tỉnh, nhưng không rõ thời gian và chưa kiểm chứng.

Trong nhóm dân địa phương đi biểu tình, có một số thành phần kích động những người khác. Theo mô tả của nhân chứng Nadal Nguyễn, thì trong số này có nhiều thanh niên trẻ. Họ sẵn sàng đánh bất cứ ai quay phim, chụp hình vụ việc mà không phải là dân địa phương.

Về mặt truyền thông, một số dân địa phương đã quay phim, tường thuật trực tiếp cảnh biểu tình từ 10h46’ sáng. Đến 16h43’ (ngay sau khi bạo động bùng nổ), trang Nam Quốc Sơn Hà bắt đầu Livestream. Trang Đạo Công Giáo Và Đời bắt đầu Livestream từ khoảng 18h30’, và ngưng vào khoảng 22h. Kênh Bán TV bắt đầu Livestream từ khoảng 21h. Một số dân địa phương, trang Nam Quốc Sơn Hà và trang Bán TV tiếp tục quay phim đến sau 23h ngày 10 tháng 6. Các trang đối lập khác chủ yếu đăng lại ảnh và clip từ những nguồn này.

Trong các nguồn tin vừa kể, Nam Quốc Sơn Hà [23] là một trang chống Cộng cực đoan đã đăng nhiều clip kích động biểu tình. Họ là bên tường thuật cuộc bạo động một cách liên tục nhất.

Cụ thể, trong ngày 10 tháng 6, trang này đã đăng 13 clip quay trực tiếp về cuộc biểu tình. Clip đầu tiên quay lúc 16h43’, clip cuối cùng dài hơn 3 tiếng, quay liên tục từ khi đám đông chiếm trụ sở, đến 01h28’ ngày 11 tháng 6 vẫn chưa ngắt.

Vì trang này được lập vào lúc 17h05’ ngày 9 tháng 6 năm 2018, có thể thấy ngay từ đầu, trang đã được lập để kích động và đưa tin về cuộc biểu tình ngày 10 tháng 6.

Trong khi đó, Đạo Công Giáo Và Đời là một trang Công giáo chống Cộng có đông người theo dõi. Ngày 10 tháng 6, trang này đã phát trực tiếp một số clip quay cảnh biểu tình, bao gồm cả clip quay ở Đài Loan và clip quay ở Bình Thuận. Trang cũng đăng lại clip quay cảnh hàng nghìn người ở một giáo xứ Công giáo nào đó tập trung tại nhà thờ, làm lễ trước khi đi biểu tình vào sáng sớm ngày 10 tháng 6.

(đang tiếp tục cập nhật)

IV. Nhận định của người viết

_ Không thể nói rằng vụ bạo động bùng phát vì Việt Nam không có Luật Biểu tình, để hướng dẫn hoạt động biểu tình. Dù có hay không Luật Biểu tình, thì hành động chặn Quốc lộ, gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ, và hành động tấn công cảnh sát, phá hoại trụ sở UBND tỉnh, trụ sở Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh bằng gạch đá, bom xăng, cũng đã vi phạm nhiều quy định trong Bộ Luật Hình sự.

_ Không nên mô tả nhóm người biểu tình ở Bình Thuận như một đám đông ngu dốt, cực đoan, tự làm hại bản thân. Bởi một mặt, trong quá trình tìm thông tin, người viết đã thấy nhiều người biểu tình và cư dân địa phương phản đối hành vi chiếm trụ sở, đập phá tài sản. Mặt khác, ngay cả nhóm người chủ xướng bạo động cũng đã bị tình thế dồn vào đường cùng.

_ Không thể nói rằng vụ bạo động bùng phát vì “công an đàn áp dân”. Bởi khi công an dùng vũ lực giải tán đám đông sau 4h biểu tình, để khai thông đường quốc lộ, họ đang thực hiện nghĩa vụ theo luật định.

_ Không thể nói chính quyền địa phương “làm ngơ” trước tình trạng ô nhiễm môi trường, vì riêng trong giai đoạn 2014 – 2015, chính quyền địa phương đã xử phạt Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tất cả 4 lần, với số tiền phạt không nhỏ, và đề nghị trung ương xử lý.

_ Không nên bóp méo tính chất của vụ Bình Thuận để tuyên truyền, hoặc biến người dân địa phương thành quân cờ trên bàn cờ chính trị lớn.

Giả Nhân

Chú thích:

[1] Bài của Lê Nguyễn Hương Trà về nguyên nhân của cuộc biểu tình ngày 15/04/2015 ở  đoạn Quốc lộ 1A qua Bình Thuận – 16/04/2015

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10203259384760111&set=a.1073608735149.10397.1674099665&type=3&hc_location=ufi

[2] “Bình Thuận: Dân chặn xe trên quốc lộ 1 và đụng độ với cảnh sát cơ động” – Dân Luận, 16/04/2015

https://www.danluan.org/tin-tuc/20150415/nong-dung-do-giua-canh-sat-co-dong-va-nguoi-dan-bieu-tinh-tai-binh-thuan

[3] “Người dân chặn đường phản đối ô nhiễm” – RFA tiếng Việt, 15/04/2015

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/peop-blok-tra-prot-pollut-04152015080307.html

[4] “7 người bị bắt vụ Điện Vĩnh Tân 2” – BBC tiếng Việt, 11/06/2015

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/06/150611_vinhtan_prosecution#orb-banner

[5] “Tuyên bố về luật đơn vị hành chính – Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc” – CLB Lê Hiếu Đằng, 29/05/2018

https://baotiengdan.com/2018/05/29/tuyen-bo-ve-luat-don-vi-hanh-chinh-kinh-te-dac-biet-van-don-bac-van-phong-phu-quoc/

[6] “KÊU GỌI PHẢN ĐỐI DỰ THẢO LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH – KINH TẾ ĐẶC BIỆT” – nhóm Nguyễn Quang A, 01/06/2018

https://www.facebook.com/a.nguyenquang.16/posts/2215446242016739

[7] “Vòng vây đã siết chặt… Con đường nào cho Dân tộc?” – Lưu Trọng Văn, 26/05/2018, 16:32

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2066435663681660&id=100009457401127

[8] Post phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế của Trần Đình Sử – 30/05/2018,

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=838737306311436&id=100005255232519

[9] Post tuyên truyền đầu tiên trên Facebook đạo diễn Lưu Trọng Ninh, 01/06/2018, 07:18

(MC Phan Anh share lại post này)

https://www.facebook.com/trongninh.luu/posts/2084693035101437?hc_location=ufi

[10] MC Phan Anh đăng avatar phản đối – 03/06/2018, 14:30

(Trong phần comment, Phan Anh liên tục cập nhật từng post phản đối của ba người nổi tiếng khác, là diễn viên Thái Hòa, ca sĩ Mỹ Lệ và Lưu Trọng Ninh. Đến ngày 04/06, Phan Anh cũng đăng lại thư ngỏ của Nguyễn Quang Thiều.)

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10155514464106198&set=a.426101051197.223639.700371197&type=3&theater

[11] “KHI NHÂN DÂN LÊN TIẾNG VÌ VẬN MỆNH GIANG SƠN, DÂN TỘC THÌ ĐẤY LÀ CÁI ĐẠI PHÚC CHO ĐẤT NƯỚC VÀ NÒI GIỐNG!” – Nguyễn Đức Ngọc, 01/06/2018, 09:29

Nguyễn Đức Ngọc là nhà thơ có quan hệ với báo Văn nghệ Quân đội.

Post này của ông Ngọc được Trần Đăng Khoa share lại vào ngày 02/06/2018.

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2292459844314842&set=a.1403290436565125.1073741828.100006525465851&type=3

[12] “TRƯỚC KHI QUỐC HỘI BẤM NÚT VỀ LUẬT ĐẶC KHU” – Tạ Duy Anh, 03/06/2018, 11:05

(Tạ Duy Anh vốn là một nhà văn quân đội, chuyên viết truyện theo phong cách chủ nghĩa hiện thực. Hiện là biên tập viên NXB Hội Nhà văn. Bài của Tạ Duy Anh được Sương Nguyệt Minh, cũng là một nhà văn quân đội, share lại trong cùng ngày.)

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10214461306144040&id=1160946631

[13] “Đặc khu và tiếng kêu của nhân dân” – Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), 03/06/2018, 18:49

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2056153741372292&set=a.1436745096646496.1073741829.100009330598056&type=3

[14] Đoàn Bảo Châu phỏng vấn Phạm Chi Lan – 04/06/2018

https://www.facebook.com/DoanBaoChau65/videos/10156324905848965/

[15] “Ôi Cuốc hội” – Phạm Đình Trọng (BVN), 29/05/2018

http://www.boxitvn.net/bai/54386

[16] “Đảng Việt Tân đang tài trợ cho Lã Việt Dũng in áo No-U miễn phí?” – Võ Khánh Linh, 21/05/2018

http://vokhanhlinh98.blogspot.com/2018/05/ang-viet-tan-ang-tai-tro-cho-la-viet.html

[17] “Người Trung Quốc ‘ồ ạt mua nhà giá rẻ ở VN'” – BBC tiếng Việt, 24/05/2018

https://www.bbc.com/vietnamese/business-44220384

[18] Lời kêu gọi biểu tình trên fanpage Đô Thành Sài Gòn – 06/06/2018, 12:02

https://www.facebook.com/dothanhsg/photos/a.1687079788175797.1073741829.1686812708202505/2032001003683672/?type=3

[19] “Bà Phạm Chi Lan: Lùi Dự Luật Đặc khu là một trong những quyết định sáng suốt nhất” – Tri Thức Trẻ, 09/06/2018

http://cafef.vn/ba-pham-chi-lan-lui-du-luat-dac-khu-la-mot-trong-nhung-quyet-dinh-sang-suot-nhat-20180609162415404.chn

[20] “Đề nghị hoãn thông qua Luật Đặc khu: Chính phủ thể hiện rõ trách nhiệm và sự cầu thị” – VTC, 09/06/2018

https://baomoi.com/de-nghi-hoan-thong-qua-luat-dac-khu-chinh-phu-the-hien-ro-trach-nhiem-va-su-cau-thi/c/26352065.epi

[21] “Bản chất nhìn từ Phan Rí” – Minh Quang Hà (FB cá nhân), 10/06/2018, 22:06

https://www.facebook.com/quangminh.ha1/posts/10160598086330512

[22] “Bạo loạn đã xảy ra tại Bình Thuận” – Blog Hoàng Thị Nhật Lệ, 10/06/2018

http://hoangthinhatle.com/bai-noi-bat/bao-loan-da-xay-ra-tai-binh-thuan/

[23] Trang Facebook “Nam Quốc Sơn Hà”

https://www.facebook.com/namquocsonhavietnam

[24] Trang Facebook “Đạo Công Giáo Và Đời”

https://www.facebook.com/payenguoiconggiao

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
Like Loading...

Related

Từ khóa » Những Vụ Bạo Loạn ở Việt Nam 2018