Bên cạnh đó người dân còn phản ánh, nhiều bờ thửa, đường mương tại cánh đồng này được đắp bằng chính đất múc lên từ ruộng, không vận chuyển từ khu vực khác đến khiến nhiều thửa ruộng bị trũng sâu, ngập ngang bụng, không thể canh tác.
Bên cạnh những bất cập về vấn đề dồn thửa đổi ruộng, người dân tại xã Phú Xuân bức xúc cho rằng UBND xã không minh bạch trong việc quản lý quỹ đất, để nhiều đối tượng xây nhà, lấn chiếm đất nông nghiệp, lấn chiếm hành lang giao thông trong thời gian dài...
Người dân cho biết quỹ đất 5% do xã quản lý nhiều năm chưa công khai, không thông báo công khai để người dân biết cùng đấu thầu sử dụng. Bằng một cách nào đó, nhiều lô đất đã thuộc về cán bộ hoặc con em cán bộ xã, hợp tác xã và thôn.
Ông Nguyễn Thanh Sự - một người dân sinh sống trên địa bàn xã Phú Xuân bức xúc: "Khu đất này ngày trước xã giao cho ban quản lý hợp tác xã và hội người cao tuổi chúng tôi trông nom, quản lý với mục đích trồng cây lâu năm, cụ thể là trồng vải. Sau đó xã lấy ra và chặt hết cây vải, bán cho ai có nhu cầu.
Đến nay chỉ còn lại 7 lô đất, chủ yếu được các cán bộ xã, thôn, hợp tác xã các thời kỳ sử dụng: "Trong đó có 1 đồng chí là Nguyễn Văn Thuỷ - nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, ông Nguyễn Văn Tịnh - Chủ nhiệm HTX thôn Can Bi, 3 hộ nữa nằm trong Ban quản lý Hợp tác xã và chỉ có 2 hộ là người dân".
Nhiều bất cập trong công tác quản lý đất đai của chính quyền xã Phú Xuân. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Tình (người dân thôn Can Bi 2, xã Phú Xuân) chia sẻ: "UBND huyện Bình Xuyên đã hứa ngày 30.10.2020 là ngày hạn cuối để xử lý 7 suất đất sai hợp đồng đấu thầu, sử dụng đất công ích, đất nông nghiệp vào xây dựng, nhưng đến nay thì vẫn chưa được xử lý.
Trước những phản ánh của người dân, PV Báo Lao Động đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân. Trong buổi làm việc, ông Mậu thừa nhận có sai phạm trong việc đấu thầu đất công ích trên địa bàn.
"UBND xã cho Hợp tác xã giao khoán là sai nhưng tập thể thống nhất cao. Tiền không thu về ngân sách nhà nước mà lại thu về cho hợp tác xã. Giao khoán trồng vải nhưng lại biến tướng thành dịch vụ, thu mua sắt vụn, bán máy móc... Chúng tôi cũng nói thôi nhiệm kỳ của "các bác" đã như thế rồi thì cho hết hợp đồng".
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân thừa nhận, những cá nhân vi phạm tại đây chủ yếu thuộc về các cán bộ hoặc người nhà cán bộ thôn, xã. Trong đó có trưởng thôn Kim Thái, con trai quản trị Hợp tác xã Can Bi...
Sau hai năm “thất nghiệp”, người dân xã Phú Xuân chỉ mong được “rũ hết ruộng để tính lại”. Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Mậu khẳng định UBND xã không đồng tình, bởi “công sức bao lâu nay không thể bỏ".
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Mậu cho biết có tình trạng múc đất từ ruộng lên để làm đường. Thế nhưng khi nói đến việc chưa triển khai lấy ý kiến người dân khi dồn điền đổi thửa theo kết luận của thanh tra tỉnh, vị Chủ tịch này lại cho rằng đó là do các trưởng thôn.
"Chúng tôi có tổ chức họp nhưng tỉ lệ người tham gia họp không đông. Nói chung là dân cũng không quan tâm. Về biên bản họp thì các đồng chí trưởng thôn lại lưu giữ kém. Đến giờ sổ công tác cũng không còn", ông Mậu cho hay.
Trước những bức xúc của người dân, PV Báo Lao Động đã truyền đạt thông tin đến UBND huyện Bình Xuyên. Ông Nguyễn Ngọc Bộ – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên thừa nhận trên địa bàn xã Phú Xuân có tình trạng người dân chiếm đất để xây dựng công nghiệp trái phép.
Theo lãnh đạo huyện Bình Xuyên, năng lực UBND xã Phú Xuân còn yếu kém, đơn vị này thậm chí phải cử cán bộ mới để hỗ trợ xử lý công việc.
Một số công trình xây dựng lấn chiếm hành lang giao thông theo phản ánh của người dân. Ảnh: Phan Anh Thực tế, UBND xã Phú Xuân đã từng tổ chức ra quân cưỡng chế đối với các hộ xây dựng lấn chiếm trên hành lang giao thông, tuy nhiên "hiệu quả ngược" khi thiết bị máy móc lại bị chính những người vi phạm thu giữ. Phó chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên cho biết: "Xã làm không được chuẩn, thích là đem máy đến nhà người ta. Cưỡng chế thì phải theo quy định. Quan điểm của huyện là xử lý nghiêm".
Những sai phạm kéo dài, tràn lan khó xử lý có thể một phần do sự yếu kém, thiếu kiên quyết của UBND xã Phú Xuyên. Điều này được chính Phó chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên thừa nhận.
Theo Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc, UBND xã Phú Xuân đã báo cáo trên địa bàn xã này có 66 hộ vi phạm sử dụng đất nông nghiệp. Kiểm tra, xác minh 54/66 trường hợp, trong công văn 06/TB-TTr, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc chỉ rõ:
Có 49 trường hợp vi phạm về sử dụng đất, diện tích 19.759,9 m2 trong đó: Lấn đất 699,5 m2, sử dụng sai mục đích 19.060,4 m2; xây dựng công trình 5.795,2 m2, cụ thể: Thời điểm vi phạm trước ngày 1.7.2014 có 13 trường hợp vi phạm, diện tích 11.199,7 m2 đất (đất nông nghiệp là 10.971,7 m2, đất phi nông nghiệp là 228 m2), xây dựng công trình 2.451,6 m2. Thời điểm vi phạm sau ngày 1.7.2014: Có 34 trường hợp vi phạm, diện tích 8.560,2 m2 đất (đất NN 8.211,7 m2, đất phi NN 348,5 m2), xây dựng công trình 3.343,6 m2. Theo tìm hiểu được biết, ngày 8.3.2021, Ban Thường vụ Huyện ủy họp, thảo luận, đánh giá về công tác dồn thửa đổi ruộng tại xã Phú Xuân. Qua đó, Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất phân công ông Trần An - Ủy viên BTV Huyện ủy, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy tăng cường về Đảng ủy xã Phú Xuân, đảm nhiệm nhiệm vụ của Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuân chỉ đạo, giải quyết các công việc liên quan đến công tác dồn thửa đổi ruộng tại xã Phú Xuân. Phân công ông Nguyễn Ngọc Bộ - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện tăng cường về UBND xã Phú Xuân, đảm nhiệm nhiệm vụ của Chủ tịch UBND xã Phú Xuân chỉ đạo, giải quyết các công việc liên quan đến công tác dồn thửa đổi ruộng tại xã Phú Xuân. UBND huyện thành lập 02 Tổ công tác. Trong đó, tổ 1 sẽ do ông Trần An - Ủy viên BTV Huyện ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy làm Tổ trưởng, có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, làm rõ:
Xác định rõ toàn bộ diện tích thực hiện dồn thửa đổi ruộng của thôn Can Bi 1, Can Bi 2; diện tích giảm trừ của các hộ dân trước khi thực hiện dồn thửa đổi ruộng và diện tích theo các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân thôn Can Bi 1, Can Bi 2 tham gia dồn thửa đổi ruộng; Diện tích đường, mương không có trong quy hoạch, đường mương phát sinh nhưng bổ sung vào quy hoạch chưa đúng quy định (theo thẩm quyền...) và đường mương đã có trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không phù hợp thực tiễn; công trình đường, mương, cống, mặt ruộng sau khi san gạt đảm bảo phục vụ canh tác.
Rà soát quy trình thực hiện dồn thửa đổi ruộng, bốc phiếu, chia ruộng tại xã Phú Xuân... Báo cáo, đề xuất giải pháp giải quyết với Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy chậm nhất ngày 25.3.2021.
Tổ 2 do ông Nguyễn Ngọc Bộ - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện làm Tổ trưởng, có trách nhiệm chỉ đạo rà soát, làm rõ: Quỹ đất 2 (đất 5%) trên địa bàn xã Phú Xuân; các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn xã Phú Xuân, khẩn trương chỉ đạo giải quyết các trường hợp vi phạm đất đai theo kiến nghị của người dân (04 trường hợp vi phạm năm 2020 và 07 trường hợp ở khu Trũng È...)... Báo cáo, đề xuất giải pháp giải quyết với Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy chậm nhất ngày 25.3.2021.
Sau phản ánh của Báo Lao Động về những bất cập trong công tác dồn thửa đổi ruộng và quản lý đất đai tại xã Phú Xuân (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc), ngày 23.4, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Thủy, nguyên Bí thư Đảng ủy và ông Nguyễn Văn Mậu, nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc để điều tra hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ vụ án.