Toàn Cầu Hóa Là Xu Thế Tất Yếu

Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu (Ảnh minh họa).

Một trong những đóng góp thiết thực nhất của toàn cầu hóa đối với việc cải thiện đời sống con người là trong vấn đề thương mại về vắc-xin. Từ năm 1998 đến năm 2015, các thuế quan đối với vắc-xin đã giảm và tốc độ tăng trưởng của thương mại về vắc-xin đạt mức trung bình 24% mỗi năm. Trao đổi thương mại đã giúp phổ biến các loại vắc-xin có thể giúp cứu sống con người, tạo thuận lợi cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của các nước, giảm tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và trẻ em, và xóa bỏ hầu như hoàn toàn các bệnh làm suy yếu con người, trong đó có bệnh bại liệt.

Tuy nhiên, toàn cầu hóa đã không mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Thương mại đã góp phần làm tăng thịnh vượng chung cũng như tạo thêm các cơ hội việc làm ở các nền kinh tế mở cửa. Tuy nhiên, việc mở cửa cũng tạo ra thất nghiệp mang tính cơ cấu do các doanh nghiệp hoặc ngành công nghiệp không có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế sẽ phải đóng cửa và sa thải người lao động.

Điều đáng tiếc là những người lao động có kỹ năng thấp hoặc trung bình, vốn là những người ít có khả năng thích nghi nhất với thất nghiệp mang tính cơ cấu, lại là những người chịu nhiều tác động tiêu cực nhất của toàn cầu hóa. Bản phân tích số liệu thương mại và việc làm của 125 nền kinh tế trong giai đoạn 2000 - 2014 cho thấy tương quan giữa xuất khẩu và việc làm. Xuất khẩu tăng 10% thì việc làm dành cho người lao động có kỹ năng thấp kém hoặc trung bình giảm 1,1 đến 2,1%.

Tuy nhiên, cũng chính các số liệu này cho thấy, chủ nghĩa bảo hộ không phải là câu trả lời cho thất nghiệp mang tính cơ cấu. Không có bằng chứng nào cho thấy việc tăng nhập khẩu có mối tương quan trực tiếp với giảm việc làm. Thay vì đó, các số liệu cho thấy mối quan hệ thuận giữa nhập khẩu và việc làm.

Khác với nguồn vốn, có thể chuyển dịch dễ dàng từ ngành này sang ngành khác, người lao động cần thời gian và nguồn lực để chuyển đổi từ một ngành kém cạnh tranh sang ngành có nhiều cơ hội hơn. Do đó, cần có các chính sách điều chỉnh liên quan thương mại để hỗ trợ những người lao động bị thua thiệt bởi toàn cầu hóa. Trên phương diện kinh tế, các chính sách này bao gồm việc tạo điều kiện cho người dân liên tục được đào tạo (và tái đào tạo) các kỹ năng, hỗ trợ tạm thời cho các hộ gia đình bị tác động bởi thất nghiệp cơ cấu, cũng như tạo điều kiện tiếp cận vốn để khởi nghiệp.

Ở tầm toàn cầu, các điều chỉnh liên quan thương mại có thể được tạo thuận lợi thông qua các chính sách liên quan thương mại dựa trên luật lệ nhằm khuyến khích hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế. Thương mại cũng có thể mang tính bao trùm hơn nhờ các luật lệ “mềm” (soft laws) (ví dụ: Các bộ hướng dẫn không mang tính ràng buộc hoặc các tuyên bố chính sách) trên các lĩnh vực lao động hoặc tiêu chuẩn môi trường nhằm bảo đảm cạnh tranh công bằng.

Mặc dù khái niệm “tính bao trùm” của toàn cầu hóa đã được nêu tại các tuyên bố APEC, mà sớm nhất là tại văn kiện về các Mục tiêu Bogor năm 1994, nhưng trong những năm gần đây, các nhà Lãnh đạo APEC đã đề cao hơn nữa việc bảo đảm tính báo trùm và bền vững của tăng trưởng khu vực. Các nỗ lực về tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, quốc tế hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và phát triển nhân lực đã được thúc đẩy nhằm chia sẻ rộng rãi các cơ hội và lợi ích của toàn cầu hóa đến mọi thành phần trong xã hội.

Toàn cầu hóa không phải liều thuốc để giải quyết mọi bất bình đẳng xã hội, nhưng sự thịnh vượng, thông tin và giao lưu con người có được nhờ quá trình toàn cầu hóa có thể được sử dụng để bảo đảm phân phối một cách công bằng hơn những cơ hội và lợi ích. Để đạt được điều đó, cần tới nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách và ý chí của các chính trị gia để chuyển hóa cơ hội thành hiện thực./.

Từ khóa » Toàn Cầu Hóa Là Gì Vì Sao Toàn Cầu Hóa Là Xu Thế Tất Yếu Của Nền Kinh Tế Thế Giới