Tộc Người Hán: Một Bản Sắc được Kiến Tạo - Tạp Chí Tia Sáng
Có thể bạn quan tâm
Sự hình thành “tộc người Hán” không chỉ được kiến tạo từ góc độ danh xưng, mà quan trọng hơn còn là quá trình mà rất nhiều nhóm người khác đã trở thành “Hán” theo bước đường mở rộng của các đế chế Trung Hoa. Sự bành trướng này không chỉ mang ý nghĩa về đất đai, lãnh thổ mà còn cả văn hóa, tộc người, biến những người ở vùng biên, từ “chưa phải Hán” thành “Hán”. Nhiều tộc người trong số này đã “biến mất”, sau đó xuất hiện trở lại thành “người Hán”.
Phong trào “Hán phục vận động” ở Trung Quốc gần đây là một trào lưu người trẻ ăn mặc trang phục cổ của người Hán. Ảnh: wikipedia.
Làm thế nào để tạo ra một “tộc người” với hơn một tỉ thành viên? Trước khi người “Hán” xuống phía Nam của sông Trường Giang, ở đây có “Bách Việt”. Sau khoảng 2000 năm, tại sao “99 Việt” đã biến mất, chỉ còn lại “Việt Nam”. Những “Việt” kia đã đi đâu cùng với nhiều người đồng hành khác như Tiên Ti, Hung Nô… và nhiều nhóm trong không gian của các đế chế Trung Hoa?
Chiếm 91,5% dân số, trong tổng số 56 dân tộc được công nhận tại Trung Quốc, người Hán là tộc người đông nhất thế giới (chiếm gần 20% dân số toàn cầu), tuy nhiên người Hán (漢人) chưa bao giờ là một tộc người đồng nhất từ góc độ nhân chủng học, mà là sản phẩm của quá trình kiến tạo bản sắc, đồng hóa văn hóa, thực hành chính trị và kinh tế phức tạp trong lịch sử mở rộng của các đế chế ở vùng Trung Nguyên (đồng bằng giữa sông Hoàng Hà và Trường Giang).
Từ “Hán Nhân” đến “Hán Tộc” là một bước nhảy với nhiều “bản sắc” được kiến tạo. Cũng như “người da trắng” trong xã hội Mỹ, “tộc người Hán” là một khái niệm được tạo ra nhằm phân loại con người với các bản sắc được tạo dựng nhằm cai trị họ hay thuyết phục họ tham gia vào các cuộc vận động chính trị. Quá trình sáng tạo bản sắc cho nhóm người này trở thành linh hồn của diễn ngôn chủ nghĩa dân tộc ở Trung Hoa thế kỷ XX.
Sự ra đời của “Hoa Hạ”, “Hoa” và “Hán”
Trái ngược với niềm tin phổ biến rằng “Hoa Hạ”, “Hoa”, “Hán”, “Trung Quốc” là các khái niệm cổ xưa tạo ra bản sắc thống nhất tiếp nối của truyền thống Trung Hoa, chúng là sản phẩm được sinh ra từ thời Chu cho đến trước nhà Tùy, trong khoảng 1300 năm của giai đoạn đầu hình thành đế chế.
“Hoa Hạ” là một từ chỉ địa danh, không phải tộc người. Nội hàm “tộc người” chỉ mới xuất hiện từ các thế kỷ tiếp giáp công nguyên. Đối lập với quan điểm của các sử gia bắt đầu từ những năm 1940 rằng có một “tộc người” thống nhất trước “Hán”, được gọi là “Hoa Hạ”, hình thành trước thời Đông Chu (770 TCN), các khảo sát mới đây cho thấy “Hoa Hạ” trước đó đơn thuần là một từ chỉ địa danh, và chỉ được sử dụng để chỉ tộc người sớm nhất là trong giai đoạn 770 TCN-581 CN (Yang 2007).
Từ “Hoa” có thể đã được dùng rất hạn chế để chỉ các nhóm người đã tạo dựng ra nhà nước ở vùng Trung Nguyên vào thế kỷ VI TCN, tuy nhiên sau đó bị lãng quên cho đến tận thế kỷ III CN mới được dùng trở lại.
“Hán” là một khái niệm “chính trị” chứ không phải tộc người. Bắt đầu với tên một dòng sông, sau đó là tên của một đơn vị hành chính (quận Hán Trung), nơi là nhà nước của Lưu Bang lấy tên từ đó. Dưới đế chế này, “Hán Nhân” không phải là “tộc người” mà là “thần dân” của nước Hán. Khi người Tiên Ti lập ra nhà nước Bắc Ngụy ở thế kỷ IV, họ dùng từ “Hoa” (vốn được dùng để chỉ các cư dân nói tiếng Trung (Chinese-speakers) trước đó) để gọi tên mình, và vì thế cần một tên gọi khác để chỉ những người nói tiếng Trung ở Trung Nguyên. Họ gọi tất cả các cư dân này là “người Hán”. Người Khiết Đan gọi những cư dân Tống sống trong đế chế của mình là “người Hán”, trong khi gọi cư dân nhà Tống là “Người Nam”. Người Kim và người Mông Cổ cũng tương tự. Đến nhà Minh thì mới bắt đầu quá trình gọi tất cả những người nói tiếng Trung là “người Hán”.
“Sự khác biệt của tiếng nói người Bắc Kinh và tiếng người Triều Châu giống như tiếng Italia và tiếng Pháp; sự khác biệt giữa tiếng người Mân Hải Nam và Tây An tương tự như giữa tiếng Tây Ban Nha và tiếng Rumania” (Norman, 1988, p. 187).
Chúng ta sẽ rất ngạc nhiên nếu biết rằng ban đầu khái niệm “Hán Nhân” không phải là “dự án” của người “Hán”, hay là cách người “Hán” mô tả về mình mà lại bắt đầu từ cách gọi của một tộc người bên ngoài tìm cách “dán nhãn” cho cư dân vùng Trung Nguyên. Đầu tiên là người Tiên Ti, sau đó là Liêu, Kim, Mông Cổ, Mãn Thanh. Cho đến trước thế kỷ XX, “Hán” chưa bao giờ là một khái niệm được công nhận thống nhất để chỉ một nhóm người được xác định cụ thể mà đơn thuần là từ chỉ một nhóm/ bộ phận của cư dân nói tiếng Trung mà thôi. Dần dần, nội hàm và phạm vi của “người Hán” được mở rộng, được chuẩn hóa, lan rộng ra toàn cầu như một tộc người thuần nhất. Ngày nay, hơn một tỉ người ở Trung Quốc được gọi là “tộc người Hán”; trong khi hàng triệu con cháu của họ di cư ra nước ngoài được gọi là “tộc người Hoa”.
Trong khi lịch sử chính thống ở Trung Quốc hiện đại tìm cách mô tả “người Hán” như một tộc người đoàn kết chặt chẽ, phát triển liên tục trong lịch sử, thực tế đó là những bản sắc được tạo dựng, được gán cho “người Hán”. Đó là cách những người bên ngoài “tưởng tượng” về cái gọi là “người Hán” mà thôi. Đến trước thời nhà Tùy chẳng hạn, những người được “dán nhãn” người Hán chỉ chủ yếu cư trú trên vùng đất được gọi là “Trung Quốc” bao gồm vùng trung tâm xung quanh Sơn Tây, Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Đông.
Cô dâu người Duy Ngô Nhĩ. Gần đây Trung Quốc có ban hành chính sách khuyến khích người Duy Ngô Nhĩ và người Hán kết hôn. Tờ South China Morning Post đưa tin, mỗi cặp đôi sẽ được hỗ trợ 10.000 nhân dân tệ một năm trong vòng 5 năm. Ảnh: hiveminer.com
Đổi lại, về mặt chủng tộc, chúng ta không hề biết ai là những “người Hán” này? Họ đến từ đâu? Có bao nhiêu nhóm “người Hán”? và trước khi trở thành “người Hán” thì họ là ai? Đồng thời cũng không hề có một hệ quy chiếu rõ ràng trong lịch sử: cái gì là đặc tính của “Hán tộc”? Điều đáng chú ý là các chỉ dấu này chủ yếu là chỉ dấu văn hóa, ví dụ nông nghiệp, Nho giáo, chữ viết, trang phục, thờ cúng tổ tiên… vậy nếu một nhóm người khác tiếp cận bao nhiêu trong số các nhân tố này thì thành “Hán”?
Một ví dụ thú vị được chỉ ra bởi sử gia Mỹ Charles P. Giersch khi ông khảo sát tương tác tộc người ở Vân Nam giữa các thế kỷ XVII-XIX. Dù có hàng triệu người từ nội địa (vùng Trung Nguyên) tràn vào Vân Nam từ thời Minh và đầu Thanh, tất cả những người này chỉ được gọi là di dân, lưu dân, và được thống kê dựa theo quê quán. Chỉ từ thế kỷ XIX, khi bạo lực nổ ra giữa dân Hồi giáo và dân di cư, những người này mới bắt đầu được gọi là “người Hán” (Charles P. Giersch 2012).
Người Hán, chủ nghĩa dân tộc, và bản sắc Trung Hoa
Không chỉ các quan lại nhà Thanh lúng túng trong việc quản lí dân cư, và cuối cùng gom tất cả những người từ Trung Nguyên đi ra thành “Hán”, ngay cả các học giả, nhà cách mạng, chính trị gia ở thế kỷ XX cũng gặp rắc rối lớn với cách định danh Hán để biến họ thành “động lực của cách mạng”. Sử gia có nhiều ảnh hưởng Cố Hiệt Cương (1893-1980) chẳng hạn, phủ nhận sự tồn tại của cái gọi là “tộc người Hán”.
Tuy nhiên các nhà cách mạng và chính trị gia không nghĩ như vậy. Chính họ đã đạo diễn một dự án không thể thách thức nhằm đưa “người Hán” thành một tộc người có chung cội rễ tổ tiên, chung dòng máu, đoàn kết, thống nhất với nhau trong 5000 năm lịch sử nhằm xây dựng và bảo vệ nền văn minh Trung Hoa. Tôn Trung Sơn và các đồng chí của ông theo đuổi cuộc cách mạng dân tộc nhằm đánh đổ triều Mãn Thanh và để thách thức tính chính thống của “kẻ ngoại tộc”, các nhà cách mạng tự coi họ đại diện cho người Hán, đều là con cháu của vị thủ lĩnh huyền thoại Hoàng Đế. Đó là một “tộc người” hậu duệ của Hoàng Đế, có sự thống nhất cao độ, xuất phát từ vùng Trung Nguyên-trung tâm của văn minh Trung Hoa. Cũng chính vì thế, họ biến “Hán tộc tính” trở thành “dân tộc tính” của nước Trung Hoa. Tôn Trung Sơn tuyên bố: “Có thể nói rằng phần lớn trong số 400 triệu người Trung Quốc chính là người Hán. Với phong tục tập quán chung, chúng ta hoàn toàn thuộc về một tộc người… So với các nhóm người khác, chúng ta có dân số lớn nhất, và nền văn minh của chúng ta kéo dài 4,000 năm” (William Theodore de Bary, 1999: 321).
Ngày nay, các sử gia Trung Quốc đã cập nhật tuyên bố này của Tôn Trung Sơn khi khẳng định rằng văn minh Trung Hoa đã 5.000 tuổi (Shen Songqiao 1997).
Sự hình thành “tộc người Hán” không chỉ được kiến tạo từ góc độ danh xưng, mà quan trọng hơn còn là quá trình mà rất nhiều nhóm người khác đã trở thành “Hán” theo bước đường mở rộng của các đế chế Trung Hoa. Sự bành trướng này không chỉ mang ý nghĩa về đất đai, lãnh thổ mà còn cả văn hóa, tộc người, biến những người ở vùng biên, từ “chưa phải Hán” thành “Hán”. Nhiều tộc người trong số này đã “biến mất”, sau đó xuất hiện trở lại thành “người Hán”.
Một góc khác của câu chuyện nằm ở chỗ nhiều người vùng biên đã nhìn thấy “cơ hội” gia nhập vào “đế chế Hán” bằng cách tuyên bố rằng tổ tiên của mình là “người Hán”, từ đó có thể tham gia vào bộ máy hành chính, nhận ưu đãi thuế khóa, thi cử… (Wang Ming-ke 1997, 2006).
Diễn trình phức tạp của quá trình “trở thành người Hán” này sau đó được gọi là “Hán hóa” hay “Hoa hóa” (sinification/ sinicization). Chính vì thế, bất cứ ai, sau một thời gian sống trong đế chế Trung Hoa, tiếp nhận những yếu tố “Hán”, thì đều có thể “trở thành người Hán”. Thực hành văn hóa đã chuyển hóa thành bản sắc tộc người. Điều này không có nghĩa là bất cứ ai sống dưới sự cai trị của đế chế Trung Hoa thì đều bị đồng hóa thành người Hán. Người Mãn chẳng hạn, mặc dù bị “Nho giáo hóa”, đã không bị “Hán hóa” (Pamela K. Crossley 1990, 1997; Evelyn S. Rawski 1996; Mark C. Elliott 2001). Mặc dù tất cả những yếu tố “bản sắc” này đều hết sức mập mờ và không hề có một thước đo cụ thể. Bản sắc của người Hán là gì? Và những người bên ngoài thực hành những gì của “bản sắc Hán” đó thì sẽ trở thành người Hán?
Thực tế, bên dưới khái niệm “người Hán” không phải là một đơn vị người “thuần nhất” là một tập hợp đa dạng của các nhóm người với ngôn ngữ, văn hóa, và tộc người trong một diễn trình lịch sử đan xen. Với cấu trúc này, tập hợp của “người Hán” không khác gì tập hợp của “người da trắng” ở nước Mỹ.
Bức tranh cổ động nói về một đất nước đa văn hóa. Nguồn: chineseposters.net.
Nhà nước Trung Quốc hiện đại đóng vai trò đặc biệt trong việc “kiến tạo” bản sắc Hán này. Quá trình này được hình thành rõ ở thế kỷ XX, gắn với sự hình thành chủ nghĩa dân tộc. Chính họ đã xây dựng những “nội hàm” mới cho “bản sắc Hán” như một tộc người thuần nhất, phát triển liên tục trong lịch sử, bắt đầu từ một tổ tiên chung là vị thủ lĩnh huyền thoại: Hoàng Đế.
Sản phẩm của dự án chính trị này chính là việc phát triển ý tưởng rằng Trung Hoa có 5.000 năm lịch sử (thực tế khoảng 3.500 năm), xây dựng xung quanh người Hán, một tộc người thống nhất, đoàn kết, bắt nguồn từ một tổ tiên chung. “Bản sắc tộc người Hán” vì thế là “bản sắc dân tộc Trung Hoa”. Các sử gia và nhà dân tộc học cũng tìm cách làm giảm khái niệm “Hán hóa” bằng khái niệm “dung hợp dân tộc”, nhờ quá trình đó, người Hán đã đi từ một “dân tộc cổ đại” thành một “dân tộc hiện đại”. Trong quá trình đó, nhờ thành tựu văn minh cao mà họ đã chinh phục ngược trở lại những kẻ chinh phục mình như Tiên Ti, Hung Nô, Nữ Chân/ Mãn (Fan Wenlan 1954: 36).
Một phần của lí do để trở thành “người Hán” đó là việc các dân du mục hay miền núi “lạc hậu”, đã tiếp cận với đời sống kinh tế-xã hội văn minh của người Hán, bị cuốn hút theo, và trở thành Hán (Ma Changshou 1962). Nói cách khác, đó là một quá trình “Hán hóa” hoàn toàn tự nguyện. Dung hợp tộc người vì thế trở thành diễn ngôn chính thức giải thích ý nghĩa tích cực của quá trình nhiều dân tộc thiểu số đã “trở thành người Hán” trong lịch sử (Huang Lie 1985).
Một cách ngắn gọn thì “tộc người Hán” là một huyền thoại, hơn là để chỉ một dân tộc cụ thể nào trong lịch sử. Lịch sử người Hán vì thế phản ánh quá trình bành trướng, dung nạp, đồng hóa, phức tạp mà các yếu tố được coi là “bản sắc” được tạo dựng một cách mơ hồ, không thống nhất, trong chính quá trình lịch sử hơn 2000 năm qua. Nhóm được coi là đồng nhất này thực ra là một tập hợp chồng chéo của nhiều nhóm người khác nhau, với những “bản sắc chung” được tưởng tượng, nhiều khi là cách do người bên ngoài gán cho, để hình thành nên một “tộc người” đa số. Cũng giống như tên gọi “Trung Quốc” để chỉ toàn bộ vùng lãnh thổ Trung Hoa ngày nay, nó không phải là một sản phẩm “cổ xưa” như chúng ta vẫn tưởng. Nội hàm đầy đủ của khái niệm này chỉ bắt đầu từ thời nhà Minh, Thanh, và sau đó đươc các nhà nước ở thế kỷ XX kế tục (Gang Zhao 2006). Xin đừng quên rằng cách hiểu hiện nay của chúng ta về người Hán hoàn toàn là sản phẩm của thời kỳ hiện đại, được tạo ra trong một thế kỷ qua.
Nhà nước Trung Quốc hiện đại đóng vai trò đặc biệt trong việc “kiến tạo” bản sắc Hán này. Quá trình này được hình thành rõ ở thế kỷ XX, gắn với sự hình thành chủ nghĩa dân tộc. Chính họ đã xây dựng những “nội hàm” mới cho “bản sắc Hán” như một tộc người thuần nhất, phát triển liên tục trong lịch sử, bắt đầu từ một tổ tiên chung là vị thủ lĩnh huyền thoại: Hoàng Đế.
Cuối cùng, dù ở bất cứ đâu trên trái đất, chủng tộc, tộc người là một quá trình được “kiến tạo” ở những mức độ khác nhau. Bài viết này không phải để “thách thức” nền tảng bản sắc của người Hán, cũng không phải phủ nhận sự tồn tại của các cư dân ở vùng Trung Nguyên. Bài viết này chỉ gợi ý rằng tên gọi “người Hán” và cách chúng ta mô tả về “bản sắc” của họ là có vấn đề. Nó chỉ đơn giản dẫn ra một ví dụ của lịch sử loài người, về cách thức một “tộc người” đã được định danh như thế nào? Thu thập thêm các thành viên mới ra sao? Các dự án chính trị của nhà nước đã góp phần tạo ra “tộc người” như thế nào? Và bản sắc của tộc người đã được kiến tạo ra sao trong quá trình lịch sử. Vấn đề của con người hiện đại là đôi khi chúng ta quá “sùng bái” bản sắc, dù là bản sắc của “tộc người”, “dân tộc”… hãy nhớ rằng tất cả các bản sắc này đều là sản phẩm do con người tạo ra mà thôi.□
—- Tham khảo:
Dikötter, F. (1992). The discourse of race in modern China. London: Hurst & Company. Phạm Văn Lan. Tự Tần Hán khởi Trung Quốc thành vi thống nhất quốc gia đích nguyên nhân. Lịch sử nghiên cứu, 1954(3), 22-36. Gang Zhao, “Reinventing China: Imperial Qing Ideology and the Rise of Modern Chinese National Identity in the Early Twentieth Century”, Modern China 32.1 (2006), 3-30 Hoàng Liệt. Ngụy Tấn Nam Bắc Triều dân tộc quan hệ đích kỉ cá lí luận vấn đề. Lịch sử nghiên cứu, 1985(3), 86-99. Holcombe, C. (1995). Re-Imagining China: The Chinese Identity Crisis at the Start of the Southern Dynasties Period. Journal of the American Oriental Society, 115(1), 1–14. http://doi.org/10.2307/605304 Mã Trường Thọ (1962). Ô Hoàn dữ Tiên Ti. (Thượng Hải: Thượng Hải Nhân dân). Norman, J. (1988). Chinese. Cambridge: Cambridge University Press. Thâm Tùng Kiều. Ngã dĩ ngã huyết tiến Hiên Viên: Hoàng Đế thần thoại dữ vãn Thanh đích quốc tộc kiến cấu. Đài Loan xã hội nghiên cứu quý san, 28 (1997): 1-77. Wang, E. Q. (1999). History, Space, and Ethnicity: The Chinese Worldview. Journal of World History, 10(2), 285–305. Vương Minh Kha (1997) Hoa Hạ biên duyên lịch sử ký ức dữ tộc quần nhận đồng. (Đài Bắc: Duẫn Thuần). Vương Minh Kha. 2006. Anh hùng tổ tiên dữ đệ huynh dân tộc: căn cơ lịch sử đích văn bản dữ tình cảnh. (Đài Bắc: Duẫn Thần) Wiens, H. J. (1967). Han Chinese expansion in South China (Hamden, Conn.,: Shoe String Press). William Theodore de Bary (1999). Sources of Chinese Tradition vol. 2 (New York: Columbia University Press).
Tác giả
- Vũ Đức Liêm
TS. Vũ Đức Liêm - Phó trưởng khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội
View all posts
Từ khóa » Dân Tộc Hán ở Trung Quốc
-
Người Hán – Wikipedia Tiếng Việt
-
Người Trung Quốc – Wikipedia Tiếng Việt
-
Người Hán - Dân Tộc Lớn Nhất Trung Quốc
-
Nguồn Gốc Lịch Sử Tộc Người Hán ở Trung Quốc
-
Khái Niệm 'Hán Nhân' Và 'Hán Tộc' Mới định Hình đầu Thế Kỷ 20 - BBC
-
Nguồn Gốc Lịch Sử Tộc Người Hán ở Trung Quốc
-
Nguồn Gốc Và Sự Khác Biệt Của Dân Tộc Hán Hai Miền Nam Bắc ...
-
Những Nội Dung Chủ Yếu Trong Xây Dựng Chính Sách Dân Tộc Của ...
-
Trung Quốc Có Bao Nhiêu Dân Tộc?Dân Tộc Hán + 55 Dân Tộc Thiểu Số
-
Người Hán Trung Quốc,nguoi Han Trung Quoc,du Lich Trung Quoc
-
Dân Tộc Hán Hình Thành Như Thế Nào? - Bạn Nên Biết
-
Vua Nam Việt đến Bắc Kinh, Thưởng Ngoạn đặc Sắc Và Diện Mạo ...
-
Người Choang - Dân Tộc Thiểu Số đông Nhất ở Trung Quốc