Tóc Và Những điều Thú Vị Về Tóc Có Thể Bạn Chưa Biết - ICare Pharma

Toggle
  • 1. Nang tóc (chân tóc)
    • 2. Thân tóc

1. Nang tóc (chân tóc)

Là phần bầu hình chén nằm dưới da đầu. Mỗi nang tóc chứa rất nhiều mạch máu nhỏ li ti. Chất dinh dưỡng sẽ theo những mạch máu đó để đi nuôi tóc. Nang tóc là phần “sống” duy nhất của sợi tóc giúp tóc mọc dài ra.

2. Thân tóc

Chính là “sợi tóc” mà các bạn nhìn thấy. Đây là phần tóc đã “chết” và không có trao đổi hóa sinh (vì vậy các bạn không thấy đau khi dùng kéo cắt tóc). Xung quanh nang tóc có các tuyến nhờn (còn gọi là tuyến dầu hay tuyến bã) giúp bôi trơn sợi tóc và các cơ nang để giúp tóc “dựng lên” (chẳng hạn khi chúng ta sợ đến “dựng tóc gáy”).

Thân tóc gồm 3 lớp: Lớp biểu bì (cutin), lớp giữa (cortex) và lớp tủy (medulla).

Lớp tủy (medulla) là phần trong cùng của sợi tóc, chứa các hạt chất béo và không khí. Nếu sợi tóc quá mỏng sẽ không có lớp tủy.

Lớp giữa (cortex) gồm nhiều bó sợi nhỏ hợp thành và chứa sắc tố (chất tạo nên màu cho sợi tóc, còn gọi làmelanin). Lớp giữa quyết định độ chắc khỏe cũng như màu tóc là vàng, nâu, đỏ hoặc đen.

Lớp biểu bì (cutin) là phần ngoài cùng của thân tóc, gồm 5-10 lớp keratin trong suốt xếp chồng lên nhau như vảy cá có tác dụng bảo vệ sợi tóc khỏi các hóa chất hoặc ảnh hưởng bên ngoài. Giữa các vảy keratin có một chất kết dính gọi là KIT. Lớp biểu bì còn được bao phủ bởi một màng mỡ mỏng (lipid) để tóc không thấm nước.

Sợi tóc bóng mượt và óng ả hay không là nhờ lớp biểu bì. Các hóa chất trong thuốc nhuộm, dầu gội, tia tử ngoại mặt trời, nhiệt từ máy sấy, chất clo trong nước hồ bơi… đều có thể làm mất chất kết dính KIT khiến cho các vảy keratin bị bong ra, tóc bị hư tổn, xơ xác, dễ rối, không còn mượt mà và khó chải.

Bản thân sợi tóc (phần thân tóc) là một cấu trúc “chết” nên không tự phục hồi được. Vì vậy dầu xả hoặc kem xả có chứa silicon, tinh dầu và một số chất khác sẽ giúp giữ ẩm và làm tóc mượt trở lại.

Màu tóc: Màu tóc tự nhiên là do hai loại melanin quyết định: eumelanin (sắc tố tự nhiên, có màu nâu đến đen) và pheomelanin (sắc tố đỏ). Nhìn chung, nếu càng có nhiều eumelanin thì tóc càng sẫm màu và ngược lại.

Tỉ lệ melanin thay đổi theo thời gian, nên màu tóc các bạn cũng thay đổi theo tuổi. Càng về già, các sắc tố càng giảm nên màu tóc nhạt dần. Nếu không còn sắc tố nữa, tóc sẽ có màu trắng. Ngoài ra, yếu tố chủng tộc cũng ảnh hưởng đến màu tóc.

NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ VỀ TÓC CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT

– Lông và tóc của con người có xu hướng ngày càng ít đi và tương lai xa chúng ta sẽ hoàn toàn … không có tóc. Tuy nhiên, đến lúc đó thì có lẽ các nhà khoa học cũng có đã có đủ hiểu biết để ngăn điều đó xảy ra. 🙂

– Mỗi sợi tóc bền không kém gì một sợi dây sắt có độ dày tương đương.

– Mỗi ngày tóc mọc dài trung bình 0.35mm, tức khoảng 1cm mỗi tháng. Tuy nhiên tốc độ mọc tóc còn tùy thuộc nhiều vào cơ địa mỗi người, giới tính và chế độ dinh dưỡng.

– Mỗi sợi tóc “sống” trung bình từ 2-6 năm, do đó một số bạn có thể có mái tóc rất dài, còn một số bạn thì “nuôi mãi chẳng thấy dài ra”. Trung bình mất 6 năm để có mái tóc dài chấm vòng 3 (khoảng 70cm). Nếu tóc bạn nào chỉ “thọ” được 2 năm thì một mái tóc dài qua lưng sẽ mãi chỉ là niềm mơ ước.

– Độ dài trung bình và tốc độ mọc trung bình mỗi tháng của tóc, lông mi và ria mép:

+ Tóc: 70cm, 1cm/tháng. Thông thường, mỗi tháng tóc mọc dài thêm được 1cm. Tuy nhiên, nó cũng không hẳn là con số hoàn toàn chính xác. Có người tóc chỉ dài ra 0,7cm nhưng có những người, độ dài tóc tăng thêm tới tận 2cm.

+ Lông mi: 3cm, 0.45cm/tháng

+ Ria mép (đàn ông): 28cm, 1.2cm/tháng

– Da đầu chúng ta có từ 65 đến 150 nghìn sợi tóc. Người tóc vàng có nhiều tóc nhất, và ít nhất là người tóc đỏ. Thông thường, có khoảng 100.000 sợi tóc trong một mái tóc. Theo di truyền, số lượng tóc dao động từ 70.000-150.000 sợi, phổ biến nhất là 100.000 sợi. Con số này đã được ấn định sau tháng thứ 5 của phôi thai với sự hình thành các nang tóc trên da đầu. Lúc đó, đầu của em bé trong bụng mẹ chỉ nhỉnh bằng quả quít nhưng số lượng nang tóc đã không còn cơ hội được thay đổi nữa rồi.

– Mỗi sợi tóc dày từ 0,02 đến 0,04 mm, tức là khoảng 25-50 sợi tóc xếp cạnh nhau sẽ được 1mm.

GIẢI ĐÁP MỘT SỐ THẮC MẮC VỀ TÓC

– Tóc của nữ giới có “tuổi thọ” cao hơn của nam giới. Đúng. Một sợi tóc “nữ tính” sẽ sống “dai” hơn một sợi tóc “nam tính. Trung bình, tóc của nam giới thọ được 2-4 năm, trong khi đó, ở nữ lại từ 4-7 năm.

– Nang tóc tương ứng với phần màu trắng sinh ra từ sợi tóc bạc. Sai. Nang tóc là phần rỗng nằm trong da đầu, nơi sản sinh ra tóc và dẫn máu tới nuôi dưỡng tóc. Nó đảm nhiệm vai trò nối tóc với phần còn lại của cơ thể. Còn phần màu trắng lại bắt nguồn từ chân của sợi tóc bạc.

– Từ chân sợi tóc đã rụng, tóc không mọc lại được nữa. Sai. Một mái tóc khỏe sẽ luôn tự tái tạo không ngừng. Khi chu kỳ sống của một sợi tóc nào đó đã kết thúc, nó sẽ được thay thế bằng một sợi tóc khác với chân tóc mới mọc lên ngay từ chân tóc đã rụng xuống.

– Các sợi tóc vẫn tiếp tục mọc dài ra khi chúng chưa bị rụng. Sai. 10-15% tổng số các sợi tóc không có khả năng mọc dài thêm được nữa. Nguyên nhân là do chúng đã bước vào giai đoạn cuối của cuộc đời – giai đoạn thoái trào. Giai đoạn này kéo dài trung bình 3 tháng.

– Tầm 30 sợi tóc bị rụng mỗi ngày là hiện tượng bất bình thường. Sai. Sự rụng tóc tự nhiên phụ thuộc vào độ dày của mái tóc. Một vài người đánh mất khoảng 20 sợi tóc mỗi ngày, nhưng có những người lại mất tới 50-60 sợi tóc/ngày. Hơn thế, tóc rụng đi sẽ được thay thế bằng những sợi tóc khỏe hơn. Vì thế, đừng lo lắng quá làm gì. Trừ trường hợp không giống như những điều nói trên, bạn mới cần có một sự chẩn đoán chính xác.

 Cắt tóc sẽ giúp tóc mọc dày hơn. Thông thường sau khi cắt tóc đi, những lọn tóc mới mọc ra thường có xu hướng dày hơn so với những lọn tóc cũ. Nhưng việc cắt tóc không giúp cho mái tóc bạn mọc nhanh hơn so với tốc độ bình thường. Trung bình mỗi tháng tóc của bạn có thể dài thêm 2,5cm. Tuy nhiên, bạn lại nên cắt tóc trong trường hợp tóc bị chẻ ngọn, bởi đây là cách duy nhất giúp bạn nhanh chóng cải thiện tình trạng tóc bị chẻ ngọn.

– Cắt tóc giúp tóc khoẻ hơn. Sai. Tóc không mọc ra từ phía đuôi nên việc cắt tóc chẳng thể nào giúp sợi tóc bóng khỏe hơn cả. Tuy nhiên, do đuôi tóc thường mỏng và bị chẻ, nên khi cắt đi, sợi tóc có vẻ to ra nên ta có cảm tưởng như tóc khỏe khoắn hơn hẳn.

– Sử dụng dầu dưỡng tóc không tốt cho tóc bằng việc mát xa da đầu. Sự thật là mát xa giúp cho máu dễ dàng lưu thông trên da đầu và kích thích các nang tóc phát triển, giúp cho tóc luôn khoẻ và không bị hư tổn. Tuy nhiên, nếu trước khi tắm, bạn dùng dầu oliu hay dầu dừa thoa đều lên mái tóc thì cũng có thể đem lại những tác dụng bất ngờ đối với mái tóc khô, xơ cứng.

– Nhuộm tóc khi mang thai có khả năng gây hại cho bé. Các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ khuyến cáo bạn không nên hoặc hạn chế đến mức tối thiểu việc sử dụng thuốc nhuộm tóc trong giai đoạn bầu bí, đặc biệt trong thời kỳ 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ. Bởi lẽ chất hoá học trong thuốc nhuộm tóc có thể gây dị dạng thai nhi hay sinh non, sinh thiếu tháng.

– Ánh nắng mặt trời gây hại cho tóc. Ánh nắng mặt trời có chứa các tia UV có hại cho da và tóc. Nếu mái tóc phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài sẽ chính là tác nhân khiến cho mái tóc trở nên khô, xơ và cứng. Chính vì thế, đừng quên đội nón mũ rộng vành khi ra nắng đế bảo vệ mái tóc.

– “Tốc độ” phát triển của tất cả các sợi tóc trên da đầu đều giống nhau. Điều này không hoàn toàn đúng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tốc độ phát triển của mái tóc ở từng khu vực trên da đầu có sự khác biệt rõ rệt. Đối với trẻ em vùng tóc ở trên đỉnh đầu sẽ phát triển nhanh hơn vùng tóc ở các khu vực khác.

 Hút thuốc lá gây hại đến sự phát triển của tóc. Thuốc lá lại chính là thủ phạm gây nên chứng rụng tóc. Theo kết quả từ các công trình nghiên cứu, những người hút thuốc lá sẽ phải đối mặt với nguy cơ tóc bạc sớm hơn 4 lần so với những người bình thường khác.

– Mái tóc khỏe là do ảnh hưởng của yếu tố di truyền. Điều này chỉ đúng một phần nào đó, bởi đa phần yếu tố di truyền sẽ ảnh hưởng đến loại tóc mà bạn sở hữu nhiều hơn là “sức khỏe” của mái tóc. Ngoài ra một mái tóc khoẻ còn phụ thuộc vào những nhân tố như chế độ ăn uống, cách thức chăm sóc tóc, stress…

– Những sản phẩm chăm sóc tóc chiết xuất từ thảo mộc là an toàn. Không hẳn, bởi lẽ có nhiều sản phẩm được quảng cáo là chiết xuất từ thảo mộc nhưng lại có thể gây kích ứng da đầu.

– Nên dùng lược có răng cưa thay vì lược tròn để chải tóc ướt? ĐÚNG. Vì lược tròn gây ra nhiều lực ma sát hơn nên dễ gây tổn thương đến bề mặt tóc. Do đó, bạn nên sử dụng lược có răng cưa thưa để chải khi tóc còn ẩm. Bạn có thể chọn loại lược răng cưa làm bằng sừng, hoặc lược với các sợi lông tự nhiên để tránh tổn thương cho da đầu. Nhớ nhé, chỉ dùng lược có răng cưa để chải tóc ướt mà thôi.

– Chỉ đàn ông mới bị hói? Điều này chưa hẳn đúng. Thực tế bệnh hói đầu có thể “viếng thăm” cả nam giới lẫn nữ giới, Tuy nhiên các thống kê cho thấy tỷ lệ này ở quý ông cao hơn.

Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây nhất thì ở độ tuổi 25, có đến 25% quý ông mắc chứng rụng tóc, chủ yếu do ảnh hưởng của các loại hoá chất có tên là Dihydrotestosterone, hay DHT. Những hóa chất này bao phủ xung quanh kén tóc và gây ảnh hưởng xấu, thậm chí huỷ hoại kén tóc nói riêng và bộ tóc nói chung.

Ở phụ nữ, tỷ lệ rụng tóc thấp hơn so với nam giới nhưng tóc của họ nhìn chung mỏng hơn so với các quý ông. Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng đó là do sự mất cân bằng hormone (do mang thai, thiếu chất, dùng thuốc tránh thai hoặc do hệ luỵ của thuốc tránh thai).

– Đâu là thủ phạm gây hói đầu? Có nhiều nguyên nhân gây hói đầu, như dùng sai dầu gội, hoặc dùng loại dầu gội kém chất lượng, do tình trạng sức khoẻ không tốt, stress, do hệ luỵ của việc điều trị một căn bệnh nào đó (xạ trị ung thư) hay do tác dụng phụ của thuốc…Thuốc tránh thai cũng có thể là tác nhân khiến tóc mỏng đi?

– Tóc rụng có thể mọc lại không? Nếu như tóc rụng do căng thẳng, do đang điều trị bệnh ung thư hay lupus, phẫu thuật, nhiễm trùng, dùng thuốc, thiếu chất dinh dưỡng hay chế độ kiêng khem hà khắc…, tóc có thể mọc lại sau đó. Nếu rụng tóc do hormone nam thì cần có phương pháp điều trị để hãm phanh sự biến mất của tóc hay giúp chúng mọc trở lại.

– Bạn có dễ bị rụng tóc không? Tóc của bạn bị gãy, rụng ở mức độ nào? Hãy kiểm chứng bằng cách trả lời các câu hỏi sau:

Bạn rụng trên 100 sợi tóc mỗi ngày?

Bạn gội đầu hơn ba lần mỗi tuần?

Bạn đổi kiểu tóc hai tháng mỗi lần.

Bạn thường xuyên buộc tóc dù đi làm hay đi chơi.

Bạn không có thời gian cho việc hấp dầu.

Bạn luôn ở trong tình trạng căng thẳng vì khối lượng công việc quá nhiều.

Nếu có ít nhất ba câu trả lời “có”, bạn đang đối diện với nguy cơ tóc gãy rụng. Nếu chỉ có hai câu trở xuống, xin chúc mừng vì tóc bạn đang khỏe mạnh. Hãy tiếp tục dành cho tóc sự chăm sóc tốt để mái tóc luôn bóng đẹp và không gãy rụng.

–  Màu tóc được quyết định bởi sắc tố trên da. Đúng. Màu sắc của tóc phụ thuộc vào số lượng melanin có trong thành phần kêratin. Đây cũng chính là sắc tố tạo nên màu da. Melanin được sinh ra từ chân tóc và di chuyển dọc đều mỗi sợi tóc. Nếu melanin vắng mặt sẽ hình thành các sợi tóc “bạch tạng”. Theo tuổi tác, lý do tóc trắng tới “thăm hỏi” bạn là bởi vì các tế bào nang không còn sản xuất ra melanin nữa.

– Làm sao biết tóc đã hư tổn. Các dấu hiệu hư tổn dễ nhận thấy như: tóc trở nên xỉn màu và mất độ bóng, khi sờ vào sợi tóc thấy khô ráp và dễ gãy, tóc rối rất khó chải và phần đuôi bị chẻ ngọn. Một cách kiểm tra đơn giản nhưng cũng chính xác về tình trạng hư tổn tóc của bạn là quấn một sợi tóc quanh ngón tay, sau đó, thả sợi tóc vào ly nước, nếu sợi tóc nhanh chóng trở lại trạng thái ban đầu là còn giữ được độ khỏe nhất định. Nếu không, có thể kết luận tóc bạn đã bị tổn thương và cần biện pháp chăm sóc phục hồi thích hợp. Để loại bỏ các hư tổn cho mái tóc, cùng với các công nghệ chăm sóc tóc hiện đại, bạn cần có cả sự nỗ lực và thời gian.

Từ khóa » độ Dài óng ả