Tội ác Diệt Chủng Của Phát Xít Đức - Nghiên Cứu Quốc Tế

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Ngoài các đặc điểm chung của chủ nghĩa phát xít như độc tài, chuyên chế, phản dân chủ, xâm lược, dã man tàn bạo, phát xít Đức có một điểm độc đáo là tàn sát nhằm tiêu diệt những người chúng cho là “hạ đẳng” dù họ không phải là đối tượng chiến tranh. Hành vi nói trên xuất phát từ quan điểm chủng tộc bệnh hoạn cực đoan ích kỷ của Hitler: coi chủng tộc German là thượng đẳng (chúng tự lấy tên là người Aryan), các dân tộc Do Thái, Gypsy, Slavơ là hạ đẳng, cần giết hết để lấy không gian cho chúng sinh tồn. Phát xít Nhật cũng có quan điểm cho dân tộc Nhật là dòng dõi thần thánh, cần thống trị toàn châu Á để xây dựng “Đại Đông Á” ngang ngửa với Âu, Mỹ; nhưng chưa tới mức bệnh hoạn như Hitler.

Năm 1933, Hitler chỉ thị phải thủ tiêu những người bẩm sinh tàn tật hoặc đần độn (không phải Do Thái). Khoảng 5000 trẻ em loại này đã bị tiêm thuốc độc chết. Năm 1939, hắn lập 6 “Trung tâm T-4”, dùng khí CO (carbon monoxide) giết mỗi đợt 20-30 người thiểu năng trí tuệ hoặc tâm thần, rồi đốt xác phi tang. Gia đình họ nhận được bình tro hài cốt và thư chia buồn nói chết là do viêm phổi, phải đốt xác để tránh truyền nhiễm. Về sau, do bị lộ, các đại diện tôn giáo lên tiếng phản đối. Hitler phải ngừng việc này (8/1941) khi hơn 70 nghìn nạn nhân đã chết, nhưng vẫn thủ tiêu tiếp vài nghìn tù chính trị, tù hình sự và người Do Thái theo cách cố ý kết luận họ bị tâm thần.

Bài đang hotTác động của chính quyền “kiểu Trump” đối với Trung Quốc

Người Do Thái di cư đến Đức từ thế kỷ I; đầu thế kỷ XX họ có hơn nửa triệu người ở Đức, chiếm 1% số dân. Thủa xưa, tín đồ đạo Ki Tô ở châu Âu ghét người Do Thái vì cho rằng họ gây ra cái chết của Jesus. Cuối thế kỷ XIX, xuất hiện một “lý thuyết sinh học” nhận định Do Thái là một chủng người khác thường, có bản tính độc ác di truyền. Nước Nga Sa Hoàng giết hại hàng nghìn người Do Thái với lý do ấy. Nhiều người Do Thái chạy sang Đức, nơi họ coi là quốc gia văn minh nhất. Nhưng họ đã nhầm, vì sau này nơi đây xuất hiện Hitler.

Hitler cho người Do Thái là loại quái vật bí hiểm quỷ quyệt, chuyên đứng sau giật dây, gây ra tất cả các tội ác, từ chủ nghĩa tư bản cho đến nạn mại dâm. Hắn dùng luật pháp định tội họ và đánh họ về kinh tế. Từ năm 1931, các đội Xung kích Nazi đã đập phá khu người Do Thái và các ngôi mộ của họ, cũng như ngăn người Đức tới mua hàng ở các cửa hiệu Do Thái. Năm 1933, Hitler ký các đạo luật cấm người Do Thái làm công việc văn thư, luật pháp, y tế, nông nghiệp, âm nhạc, kịch nói, điện ảnh, cấm phục vụ trong quân đội v.v.. Giai đoạn 1933-1939 đã ban hành hơn 400 đạo luật chống Do Thái. Năm 1935, Quốc Hội thông qua Luật Chủng tộc Nuremberg, hoàn toàn loại trừ người Do Thái ra khỏi đời sống xã hội. Năm 1937, Goering thực thi “Aryan hoá nền kinh tế”, nghĩa là tịch thu các xí nghiệp của người Do Thái. Khoảng 80% các xí nghiệp này đã chuyển vào tay người Đức.

Từ 1934, Đức bắt đầu xua đuổi người Do Thái. Hàng năm có 8000 người Do Thái bị đưa đến Palestine thuộc Anh – nơi được Anh hứa lập riêng một nhà nước Do Thái. Về sau các nước khác không nhận nữa, vì họ cũng bài Do Thái và vì đã nhận quá nhiều; như Ba Lan chỉ trong 20 năm đã có 400 nghìn người Do Thái đến. Mỹ, Anh, Pháp có truyền thống nhận người tỵ nạn, nay cũng hạn chế nhận. Việc xua đuổi giết hại người Do Thái chỉ chậm lại trong thời gian Đức tổ chức Thế vận hội Olympic 1936; sau đó lại đẩy mạnh. Trong “Đêm Kinh hoàng” 9/11/1938, các đội Xung kích đánh giết, cướp bóc, đập phá, đốt cháy nhiều cửa hiệu, đền thờ, nhà ở của người Do Thái ở Munich. Đầu năm 1939, Hitler tuyên bố: “Chủng tộc Do Thái ở châu Âu sẽ bị huỷ diệt.” Lực lượng SS bắt người Do Thái đưa về trại tập trung Dachau gần Munich để giết dần họ. Sau khi chiếm Ba Lan, nơi có 3,3 triệu người Do Thái, phát xít Đức bắt đầu tăng tốc độ tàn sát. Để giấu dân Đức biết việc này, từ cuối 1939, phát xít Đức chở người Do Thái và người Gypsy (ở Việt Nam quen gọi là người Di-gan, một chủng tộc gốc Indo-Aryan, năm 1979 được Liên Hợp Quốc công nhận là một dân tộc) ở châu Âu vào các trại tập trung ở Ba Lan.

Cuộc tấn công vào Liên Xô – nơi có 5 triệu người Do Thái – đánh dấu bước ngoặt trong chính sách chống Do Thái. Hitler huấn thị cho các chỉ huy quân đội: Do Thái và Bôn-sê-vich, giới trí thức và Hồng quân Nga đều là kẻ địch phải tiêu diệt. Lực lượng SS trở thành đội quân hành quyết chuyên nghiệp. Khi tiến vào Liên Xô, chúng cứ thấy người Do Thái là bắn ngay. Tại 3 nước vùng Ban-tích, chúng phối hợp với cảnh sát địa phương (vốn ghét Do Thái) làm việc này. Trong 5 tuần đầu vào đất Liên Xô, số người Do Thái bị chúng giết nhiều hơn tổng số đã giết từ trước đến lúc đó. Ngày 1/8/1941, Heydrich báo cáo Himmler: “Có thể tin chắc là trên mảnh đất miền Đông này sẽ không còn người Do Thái nữa.” Sau đó Himmler đến tận Minsk để xem “biểu diễn” cảnh hành quyết: hàng trăm người Do Thái nằm úp mặt dưới rãnh đào, lính SS bắn vào từng người. Himmler sợ tái mặt suýt ngã, thế nhưng sau đó hắn huấn thị: mọi người cần thi hành chức trách luật pháp của mình; để tự bảo vệ, loài người cần xác định kẻ nào là có hại, và đã có hại thì phải tiêu diệt sạch. Khi chiếm Kiev (9/1941), lính SS gọi toàn bộ người Do Thái tập trung vào nghĩa trang rồi xả súng bắn; trong 2 ngày, chúng giết chết 33.771 người. Về sau, Himmler ra lệnh phải tìm cách giết sao để “đỡ hành hạ họ về tinh thần”. “Sáng kiến” đầu tiên là dùng các xe tải bọc kín, mỗi xe chứa khoảng 50 người rồi bơm khí CO vào cho họ chết ngạt.

Đầu 1942, khi đã giết hơn 1 triệu người “hạ đẳng”, Goering ra lệnh tăng tốc độ giết họ với mục đích diệt chủng. Chúng xây dựng ở Đông Âu 3 trung tâm giết người là các trại tập trung Belzec, Treblinka, Sobibor. “Dây chuyền công nghệ” mới là: dùng xe lửa chở người đến trại, lột hết quần áo, đưa vào phòng kín mỗi phòng 400 người rồi bơm khí CO vào, xác đem đốt hoặc chôn. Trung bình nạn nhân đến trại không quá 3 giờ là bị giết! Hàng ngày có 100 toa xe lửa chở người đến, mỗi ngày 3 trại này “sản xuất” được 25 nghìn xác chết! Tổng giá trị số tiền cướp từ nạn nhân lên tới 70 triệu USD. Tóc của họ được chở về Đức để chế tạo loại vải đặc biệt. Ba trại tập trung trên về sau bị Đức san bằng để phi tang tội ác; xác chết được đào lên rồi đốt. Tiếp đó, chúng xây dựng trại tập trung Auschwitz I, II và III, vừa là trại lao động vừa là các nhà máy giết người. Tháng 3/1944, Đức chiếm Hungary; lúc này Liên Xô đang đánh đuổi quân Đức ở Đông Âu, nhưng chúng vẫn kịp chở 280 nghìn người Do Thái ở Hungary đến Auschwitz. Khi quân đội Liên Xô giải phóng trại này (27/1/1945), chỉ còn 2800 người sống sót, trong kho còn hơn 836 nghìn áo khoác và váy phụ nữ, 370 nghìn áo khoác nam và 7 tấn tóc của người đã chết.

Hitler cũng tàn sát hàng loạt người Gypsy – buộc tội họ phá hoại huyết thống người German. Chủ nhiệm “Viện nghiên cứu Vệ sinh chủng tộc và sinh vật học quần thể” là bác sĩ Robert Rits được giao nhiệm vụ nghiên cứu tìm “chứng cớ khoa học”. Tất cả người Gypsy đều phải đăng ký với chính quyền, rồi được phân loại theo mức độ lai với người Đức. Cuối cùng Rits kết luận: người Gypsy có dòng máu người nguyên thuỷ, làm thành một giai cấp “á vô sản” tự khép kín, có khuynh hướng phạm tội, nên đưa vào các trại tập trung để lao động, hoặc tốt nhất thủ tiêu họ. Khoảng 250-500 nghìn người Gypsy đã chết trong các trại tập trung.

Tháng 8/1939, trước khi xâm lược Ba Lan, Hitler ra lệnh cho quân đội Đức: “Giết hết bất cứ đàn ông, đàn bà, trẻ con có huyết thống Ba Lan hoặc nói tiếng Ba Lan; chỉ có thế chúng ta mới giành được không gian sinh tồn ta cần”, nhằm lập một đế chế Nazi ở Đông Âu, xây dựng tại đây một xã hội “tuyệt đối nông thôn hoá, thuần khiết về đặc tính sinh học, không cho phép tồn tại dân bản địa hạ đẳng.” Himmler nói: “Chúng ta phải bảo đảm chỉ người Đức thuần chủng mới được sống ở miền Đông.” Để đàn áp phong trào kháng chiến, chúng quy định: cứ 1 lính Đức bị giết thì chúng sẽ giết 50-100 người Ba Lan.

Lực lượng SS thành lập “Uỷ ban Tăng cường Đức hoá” (RKFDV) để quy hoạch đất đai Đông Âu, thủ tiêu người Slavơ ở đó và bố trí người Đức đến ở. Quân Đức đến đâu cũng ra lệnh cho mọi người dọn nhà sạch sẽ, chuẩn bị hành lý tuỳ thân trong vòng 20 phút và nộp chìa khoá nhà cho chúng, rồi chúng chở họ đến các trại tập trung. Nhà của người Ba Lan phải giữ lại cho người Đức đến ở sau khi hết chiến tranh. Ai phản đối lập tức bắn. Ngoài nhà treo biển: “Người Ba Lan, Do Thái và chó cấm vào”. Ruộng đất giao cho quân đội Đức quản lý để khi lính Đức giải ngũ sẽ sử dụng. Tên Heydrich trùm SS khét tiếng giết người Do Thái về sau đã bị du kích Tiệp Khắc ám sát; để trả thù vụ này, phát xít Đức đã gây ra vụ thảm sát làng Lidice.

Tổng cộng phát xít Đức đã giết 13 triệu dân thường Đông Âu; Ukraine – 4 triệu người (gần 1 triệu là Do Thái), một nửa số dân Kiev bị giết; Belorussia – 2,3 triệu hoặc 25% số dân; Ba Lan – 6 triệu (một nửa là Do Thái, một nửa là tín đồ Tin Lành) hoặc 22% số dân; Liên Xô – vài triệu dân người Slavơ và 3 triệu tù binh Nga gốc Slavơ. Tại Ba Lan, chúng giết toàn bộ các nhà báo, 45% bác sĩ, 57% luật sư, 40% giáo sư – những người chúng cho là có thể lãnh đạo dân chống lại Đức.

Tuy thế, Hitler có thái độ khác đối với các nước Tây và Bắc Âu. Vẫn đánh nhau với Anh nhưng hắn tôn trọng dân Anh, vì họ cùng nguồn gốc chủng tộc German. Hắn lúc đầu muốn hoà bình với Anh để cùng chống Liên Xô, nhưng Thủ tướng Churchill phản đối vì đã thấy rõ bộ mặt xâm lược của hắn. Hitler coi người Slavơ là “đáng khinh”, nhưng chưa cần diệt ngay như người Do Thái. Người Slavơ do nhiều dân tộc hợp thành, gồm người Ba Lan, Tiệp Khắc, Slovakia, Croatia, Slovenia và Serbi; các nước có người Slavơ như Hungary, Romania và Bulgaria còn là đồng minh của Đức, cho nên việc tiêu diệt người Slavơ khác với người Do Thái. Hitler chủ trương nước Đức không xây dựng xã hội quý tộc nuôi nô lệ mà tự lao động kiếm sống trong một “xã hội nông thôn”.

Cùng chủ đề:

  • Những điều ít biết về cuộc đời Adolf Hitler
  • Nguồn gốc của Thảm sát Holocaust

Có thể bạn quan tâm:

  1. Người Đức nghĩ gì về nạn diệt chủng của phát xít Đức?
  2. Vì sao Anh, Mỹ làm ngơ khi Hitler tàn sát người Do Thái?
  3. Những điều ít biết về cuộc đời Adolf Hitler
  4. Khi Stalin đối mặt Hitler: Ai hơn ai? (P1)
  5. Nước Nga trong mắt người Trung Quốc
  6. Khảo sát về chủ nghĩa xã hội kiểu Thụy Điển (P1)
  7. Helmut Kohl viết về sự kiện sụp đổ Bức tường Berlin
  8. Vấn đề Đảng trong Hiến pháp Liên Xô

Từ khóa » Những Tội ác Của Phát Xít đức