Tôi Bắt Học Sinh Quỳ Theo đúng Yêu Cầu Của Phụ Huynh - Kenh14

“Tôi bắt học sinh quỳ theo đúng yêu cầu của phụ huynh"

Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện bức ảnh một học sinh tại Hà Nội quỳ gối trước bục giảng trong giờ học, kèm theo đó là đơn kiến nghị của phụ huynh học sinh về vấn đề này. Ngay sau khi bức ảnh được lan truyền đã gây nên rất nhiều luồng ý kiến trái chiều. Trong đó, đa số mọi người đều bày tỏ sự bức xúc trước cách hành xử của nữ giáo viên chủ nhiệm.

Mới đây, cô Lê Thị Quy – giáo viên chủ nhiệm lớp 9B trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) đã chính thức lên tiếng về hình thức phạt học sinh trên.

Vụ học sinh quỳ gối trước bục giảng: “Tôi bắt học sinh quỳ theo đúng yêu cầu của phụ huynh - Ảnh 1.

Em học sinh quỳ được cho là của học sinh lớp 9B thuộc trường THCS Tô Hiệu (huyện Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: FB

Theo báo Tri Thức Trực Tuyến, cô Lê Thị Quy cho hay: “Tôi bắt học sinh quỳ theo đúng yêu cầu của phụ huynh học sinh, con người ta hư quá nên yêu cầu làm như vậy. Việc học sinh quỳ có biên bản giữa tôi và phụ huynh.

Mẹ em nói tôi thiếu trách nhiệm khi không trao đổi tình hình của học sinh thì vị này nên xem lại. Bố mẹ chưa một lần đi họp cho con, chỉ có bà đi họp. Sau đó, tôi mời phụ huynh họp vài lần, bố mẹ cũng không đến”, cô Quy nói.

Cũng theo nữ giáo viên, khi ông của học sinh đến họp, cô đã trao đổi là con rất hư, nghỉ nhiều buổi học.

Được biết, theo nội dung đơn kiến nghị của phụ huynh, do học sinh vi phạm quy định của lớp nên giáo viên chủ nhiệm lớp 9B đã yêu cầu 2 học sinh phải quỳ ngay trước bục giảng. Trong đó có một học sinh không chấp nhận quỳ vì cho rằng đó là hình phạt mang tính chất lăng nhục nên đã bị giáo viên này đuổi ra khỏi lớp học.

Trao đổi với Infonet, chị N.T.L (một phụ huynh có con bị cô giáo bắt quỳ) cho biết: “Bức ảnh cô giáo bắt học sinh quỳ được chụp ngày 9/3 vừa qua tại lớp 9B. Quan điểm của tôi là không bao giờ bênh con, nếu con làm sai tôi sẵn sàng trừng phạt ngay.

Tuy nhiên, tôi không đồng tình việc cô giáo chủ nhiệm lớp 9B áp dụng hình phạt là bắt các cháu quỳ gối ngay tại lớp vì cháu nói chuyện riêng trong lớp.

Phụ huynh này cũng cho biết: “Ngày 9/5 tôi đã làm đơn phản ánh sự việc này với Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín và trường THCS Tô Hiệu. Chiều 10/5 nhà trường cũng có buổi làm việc với gia đình.

Cô giáo đưa ra lời giải thích là trước đó phụ huynh đã ký biên bản đồng ý cho giáo viên áp dụng hình phạt. Tuy nhiên chỉ có 5/40 phụ huynh của cả lớp 9B ký vào biên bản này và trong đó không có gia đình tôi. Hiện chưa có kết luận về sự việc này. Trước mắt nhà trường cũng chưa đưa ra câu trả lời cụ thể về vấn đề này”.

Bắt học sinh quỳ gối là hình phạt nặng và phản giáo dục

Cũng liên quan đến câu chuyện bắt học sinh quỳ trước bục giảng lớp học của cô Quy, trả lời trên báo Tri Thức Trực Tuyến, bà Lê Thị Loan - nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục - Học viện Quản lý Giáo dục, cho rằng có nhiều cách trách phạt nhưng không được dùng biện pháp xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm học trò. Đó là điều tối kỵ.

Vụ học sinh quỳ gối trước bục giảng: “Tôi bắt học sinh quỳ theo đúng yêu cầu của phụ huynh - Ảnh 2.

Lá đơn kiến nghị của một phụ huynh về việc học sinh bị cô giáo bắt quỳ gối. Ảnh: FB

Hình phạt là phương pháp giáo dục hướng đến mục đích giúp các em nhìn ra lỗi sai của mình và sửa chữa. Ở đây, cô giáo yêu cầu học sinh quỳ có thể gây ảnh hưởng sức khỏe, danh dự của em đó. Đặc biệt, đây được coi là hình phạt nặng và phản giáo dục. Bởi lẽ, học sinh lớp 9 ở lứa tuổi nhạy cảm, đã biết mình cần được tôn trọng, có thể diện trước các bạn trong lớp.

Bà Loan cho rằng kể cả làm theo yêu cầu của phụ huynh, và đã được ghi rõ trong biên bản, giáo viên vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật, nội quy trường học, cũng như đạo đức nghề nghiệp.

Có thể phụ huynh chưa thực sự hiểu hết nhạy cảm đằng sau việc bắt con quỳ trước lớp, và nghĩ “yêu cho roi vọt” nên yêu cầu giáo viên kỷ luật bằng cách bắt quỳ. Thầy cô là những người hiểu biết, có phương pháp sư phạm, cần giải thích cho cha mẹ hiểu người lớn không được quyền làm vậy với các con. Đó là chưa kể hành vi bắt học sinh quỳ gối đã xâm hại quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người. Đó là phương pháp trái quy tắc, đạo đức nghề nhà giáo.

Nguyên cán bộ của Học viện Quản lý Giáo dục cũng cho rằng nếu đúng như phụ huynh phản ánh cô giáo không cho học sinh vào lớp, là đang làm mất quyền học tập của các em, cũng như không quản lý được học sinh.

Ngoài ra, nếu em đó vi phạm đến mức không thể dùng biện pháp khác và thường xuyên tiếp diễn, giáo viên có thể báo cáo nhà trường đình chỉ môn học trong thời gian nhất định. Việc này phải được thông báo cho gia đình học sinh biết.

"Cô giáo đuổi học sinh khỏi giờ dạy của mình và không quản lý thì đang mắc lỗi sai nghiêm trọng. Giả sử khi bị đuổi khỏi lớp, học sinh ra đường và xảy ra việc đáng tiếc thì sao. Với tư cách là nhà giáo, tôi phản đối cách giáo dục này”, bà Loan nói.

Từ khóa » Hinh Phat Quy Goi