Tôi đi Bắt 'bánh ương' - Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Bánh ương còn có tên khác là ếch òn. Đây là loài lưỡng cư, cùng họ với ếch, nhái, ễnh ương, đầu nhỏ, bụng tròn như quả bóng, nhìn hơi “kinh dị”. Theo tìm hiểu của tôi thì đây là món đặc sản lâu đời của người Chăm.

Ếch òn hay ễnh ương?

Hôm đó, khi bóng đêm đã bao trùm bốn bề đảo Phú Quý, tôi mới kết thúc 1 ngày làm việc. Vừa trải qua một trận mưa lớn, cây cối 2 bên đường còn ướt rượt. Trên đường về, tôi thấy nhiều ánh đèn pin loang loáng trong những vườn, rẫy xa xa. “Người ta làm gì giờ này vậy?”, tôi hỏi. “Họ đi bắt bánh ương”, Thắng đáp. “Bánh ương là cái gì?”. “Bánh ương là con ếch òn đó”. “Ếch òn là con gì?”. “Đó là con giống như con ếch, con nhái, con ễnh ương ở trong đất liền á. Nhưng lại không phải mấy con đó”.

Cha con ông Tưng đi bắt ếch òn. Ảnh: Phúc Lập.

Cha con ông Tưng đi bắt ếch òn. Ảnh: Phúc Lập.

Tôi hỏi, Thắng trả lời, nhưng Thắng càng giải thích tôi càng rối. Chính Thắng cũng ngạc nhiên khi thấy tôi… tỏ vẻ ngạc nhiên. Rồi một hồi, anh có vẻ thông cảm cho “người ngoài” như tôi nên giải thích: “Đúng rồi, ban đầu tôi nghĩ ai cũng biết. Nhưng nghĩ lại thì đúng là con này chỉ ngoài đảo mới có, mới ăn chứ đất liền không có. Tối mai tôi “thiết kế” cho anh 1 chuyến đi bắt ếch òn về ăn. Con này chỉ có đầu mùa mưa thôi chứ mùa khô bói cả ngày không ra 1 con đâu. Đặc sản đấy”.

Đúng hẹn, chiều hôm sau, Thắng dẫn tôi đến nhà ông Văn Tưng, ở thôn Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng. “Bánh ương ăn ngon lắm. Nếu lần đầu ra đảo thì nên ăn 1 lần cho biết với người ta. Nó là món ăn bình dân, người nào lần đầu nhìn chắc không dám ăn, nhưng mà ngon lắm. Ngoài chợ cũng có bán, giá từ 20 - 30 ngàn đồng chục con, tùy loại lớn nhỏ. Nhưng mà mình tự đi bắt về ăn có cái thú riêng”, ông Tưng nói rồi cùng cậu con trai tên Minh, đeo chiếc đèn pin lên trán, xách thêm chiếc túi lưới, ngoắc tôi lên đường.

Nhìn chúng khá giống con ễnh ương, nhưng không phải. Ảnh: Phúc Lập.

Nhìn chúng khá giống con ễnh ương, nhưng không phải. Ảnh: Phúc Lập.

Ra khỏi nhà chừng hơn 1 cây số, đến khu vườn thấp, nước lúp xúp dưới chân, tôi bắt đầu nghe tiếng ếch, nhái, ễnh ương kêu ram ran, vang vọng cả một vùng. Chúng không kêu riêng lẻ mà cất tiếng đồng thanh. Đây là một trong những đặc điểm giúp người đi bắt dễ dàng phát hiện nơi chúng tập chung, ngoài yếu tố là những bãi cỏ lúp xúp nước.

“Con bánh ương trong đất liền Ninh Thuận, Bình Thuận, người ta gọi là ếch òn, còn ngoài ngày gọi là bánh ương, cũng là nó cả thôi. Tiếng kêu này không phải tiếng ễnh ương đâu nha. Người ở nông thôn, đồng ruộng lâu mới phân biệt được. Ngoài này không có con ễnh ương, chỉ có con này, ngon hơn ếch nhiều”, ông Tưng nói.  

Phần bụng con nào con nấy căng tròn trứng. Ảnh: Phúc Lập.

Phần bụng con nào con nấy căng tròn trứng. Ảnh: Phúc Lập.

Trong khi tôi chỉ nghe âm thanh râm ran của các loài côn trùng, thì 2 cha con ông Tưng đã liên tục chụp những con bánh ương núp dưới lùm cỏ, hoặc nổi ngay trên mặt một vũng nước. Những con ếch òn nhỏ cỡ 2 - 3 ngón tay, điểm nổi bật của chúng là có cái bụng tròn căng, quá khổ so với thân hình. Phần lưng màu nâu sậm, có 2 sọc xám dọc 2 bên lưng. Trong khi ễnh ương mùa nào cũng có, vừa ở trên cạn vừa dưới nước, nhanh nhẹn và nhảy xa, khó bắt, thì con ếch òn lại chậm chạp, khi thấy động, chúng chỉ lủi vào bụi cỏ hoặc lặn xuống nước nông, mắt thường vẫn nhìn thấy. Đặc biệt, khi rọi đèn pin, mắt chúng đổi màu đỏ và có vẻ như không còn biết đường trốn chạy. Tuy nhiên, tôi không phân biệt được chúng có phải ễnh ương hay không.

Giơ 1 con lên sát đèn, ông Tưng nói: “Chú nhìn thấy có giống con ễnh ương trong đất liền không? Nếu người không biết thì nghĩ 2 con là 1, nhưng không phải. Con ễnh ương trong đất liền có màu xám, hoa văn khác, sọc trên lưng cũng khác, con lớn hơn. Còn ếch òn nhỏ hơn, mầu nâu sậm, hơi nâu đỏ, 2 sọc trên lưng cũng khác, phần bụng chỉ có 1 màu trắng. Ếch òn là loài lưỡng cư, nó sống dưới hang, vùi dưới cát, khi nào có mưa chúng mới lên để đẻ trứng”.

Ông Tưng cho biết, ếch òn có màu da lưng nâu sậm, khác với màu xám của ễnh ương. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Tưng cho biết, ếch òn có màu da lưng nâu sậm, khác với màu xám của ễnh ương. Ảnh: Phúc Lập.

Sau khoảng hơn 1 giờ soi, ông Tưng bảo: “Về thôi, nhiêu đây đủ ăn rồi, bắt nhiều ăn không hết”, ông nói.

Văn Minh, con trai ông Tưng cho biết, ở Phú Quý có nhiều cách bắt bánh ương, đó là dùng đèn pin đeo trán soi mắt, bắt bánh ương nhảy (lúc trời đang đổ mưa, bánh ương từ các hang nhảy ra), nhưng hiệu quả nhất là bắt bằng cách đào một mương sâu độ chừng nửa mét dọc theo các bìa hàng rào có cây cối um tùm, khi trời mưa, bánh ương nhảy ra, lọt xuống mương và không lên được, lúc đó chỉ việc bắt chúng bỏ vào bị. “Người ta bắt về bán kiếm thêm mới làm kiểu đó, còn mình lâu lâu bắt về ăn, đi chút xíu được vài chục con đủ rồi”, Minh nói.

Món đặc sản… "kinh dị"

Về nhà, ông Tưng đổ những con ếch òn ra chiếc xô nhựa, rồi lấy phích nước sôi, dội vào, những con ếch òn bên trong chỉ giãy giụa vài giây rồi duỗi thẳng 4 chân. Sau đó, ông đổ ra chiếc rổ nhựa, dùng con dao nhỏ cạo nhớt. Sau đó, bỏ một nắm muối hột vào xô, bóp mạnh. Hầu hết những con éch òn trong thau đều đầy một bụng trứng căng tròn.

“Bánh ương đầu mùa chỉ cần cạo bỏ lớp nhớt dày bên ngoài là chế biến chứ không cần mổ bỏ ruột. Vì chúng nằm dưới hang lâu rồi, trong bụng chỉ có trứng thôi chứ không có gì hết. Mà kể cả có thức ăn đi nữa thì cũng không cần bỏ nội tạng. Vì mổ rồi mới chế biến thịt sẽ không ngọt bằng để nguyên”, vừa làm ông Tưng vừa nói.

Sau khoảng hơn 1 tiếng, 2 cha con ông Tưng bắt được khoảng 5 chục con. Ảnh: Phúc Lập.

Sau khoảng hơn 1 tiếng, 2 cha con ông Tưng bắt được khoảng 5 chục con. Ảnh: Phúc Lập.

Sau khi làm sạch nhớt những con ếch òn, ông Tưng rửa lại 1 lần bằng nước sạch, ông chia một nửa để nấu canh lá me, nửa còn lại ông đặt lên chiếc lò than đỏ rực nướng. “Con này có thể chiên, nướng, luộc, nấu canh chua me… Đối với món luộc, chỉ cần rửa sạch nhớt sau khi xóc muối hột. Rồi để nguyên con như thế luộc. Khi ăn chỉ cần xé để lấy phần ruột bỏ, còn lại dùng hết. Nước chấm là nước mắm mặn dầm ớt xanh, hoặc thêm ít me chín. Dùng kèm với vài cộng rau húng, rau răm.

Món canh thì cầu kỳ hơn. Sau khi rửa sạch nhớt, bánh ương sẽ được chặt ra từng khúc nhỏ chừng ngón tay, đem ướp với hành ớt và gia vị. Để vài phút cho ngấm, đem xào sơ qua với dầu ăn, cho nước dùng vào đun sôi lên, cho thêm nắm lá me non vào, thêm hành lá, rau quế nữa.

Ếch òn có lớp nhớt khá dày, và bám dính trên tay. Ảnh: Phúc Lập.

Ếch òn có lớp nhớt khá dày, và bám dính trên tay. Ảnh: Phúc Lập.

“Hồi lâu lâu rồi em vào bạn em ở Ninh Thuận, nó làm món gỏi ếch òn cho em ăn. Người ta luộc chín, bằm nhỏ trộn với nhiều loại rau rừng, gia vị gì em không biết, mà ăn ngon, lạ miệng. Hỏi nó trộn những gì thì nó nói nhiều loại lá rừng ngoài đảo không có đâu, nên định học mà lại thôi”, Minh nói.

Sau khi những con ếch òn trên lò than đã lấm tấm nốt sém vàng, nhìn chúng chỏng chơ 4 chân, bụng tròn căng, tôi vẫn “ghê ghê”, nhưng một mùi thơm hấp dẫn bắt đầu sộc vào mũi. “Thơm chưa? Chín rồi đấy”, ông Tưng nói rồi dùng tay lấy 1 con đưa cho tôi.

Sau khi nhìn mọi người cầm nguyên con chấm vào chén nước mắm ớt rồi vừa ăn vừa hít hà, tôi cũng rón rén làm theo. “Cảm giác thế nào?”, ông Tưng hỏi. Rồi ông trả lời thay tôi: “Người nào lần đầu nhìn thấy cũng ghê, thậm chí sợ nữa chứ đừng nói ăn. Nhưng khi đã ăn rồi thì ghiền ngay. Vì thịt nó ngon hơn ếch trăm lần, nhiều chất đạm, dinh dưỡng. Chú ăn trứng ếch òn có thấy ngon hơn trứng ếch nhiều không?”. Tôi không biết nói gì, chỉ gật đầu “đồng quan điểm” với những nhận định của ông Tưng.

Ếch òn có thể chế nhiều món, nhưng có lẽ hấp dẫn nhất là món nướng than. Ảnh: Phúc Lập.
Ếch òn có thể chế nhiều món, nhưng có lẽ hấp dẫn nhất là món nướng than. Ảnh: Phúc Lập.

Ếch òn có thể chế nhiều món, nhưng có lẽ hấp dẫn nhất là món nướng than. Ảnh: Phúc Lập.

“Mỗi năm bánh ương chỉ lên một lần vào mùa mưa để sinh sản, giao phối, những tháng còn lại chúng nằm dưới cát, trong hang, chuẩn bị cho việc sinh sản, số lượng trứng trong bọc của mỗi con lên tới hàng ngàn, nhiều nhất là ở khu vực thôn Phú An, xã Ngũ Phụng. Mặc dù nó rất ngon, đặc sản đấy, nhưng vì hình dáng xấu, ghê ghê nên không nhiều người ưa, nhất là trẻ con, phụ nữ. Vì thế mà vẫn còn nhiều. Mỗi mùa mưa đến, tôi cũng đi bắt về bán kiếm thêm, một đêm có thể bắt vài trăm con”, ông Đỗ Văn Tùng, hàng xóm của ông Tưng nói.

Từ khóa » ễnh ương Và ếch òn