Tội Giết Hoặc Vứt Bỏ Con Mới đẻ Phải Chịu Hình Phạt Như Thế Nào?

Với các hành vi xâm phạm tính mạng của con người, không phải hành vi nào cũng cấu thành tội giết người, tùy vào dấu hiệu cấu thành tội phạm mà hành vi giết người còn được quy thành tội: giết người, giết con mới đẻ, giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh…Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ được quy định thành hai dạng hành vi phạm tội là giết con mới đẻ và vứt bỏ con mới đẻ. Bài viết dưới đây sẽ đi vào tìm hiểu tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ để phân biệt rõ tội này với các tội khác.

Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật hình sự 2015.

1. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là gì?

Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là trường hợp phạm tội của người mẹ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là hành vi xâm phạm đến tính mạng con người (con của người thực hiện hành vi) do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện được quy định trong bộ luật hình sự. Cấu thành tội phạm của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ khác so với tội giết người ở mặt khách quan do tư tưởng lạc hậu hoặc hoàn cảnh đặc biệt mà giết hoặc vứt bỏ con đẻ của mình, nếu vì lý do khác mà giết hoặc vứt bỏ con do mình mới đẻ ra thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ngoài ra còn có dấu hiệu cơ bản là ngoài người mẹ của nạn nhân ra, không ai có thể là chủ thể của tội phạm này.

Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ được quy định tại Điều 124 Bộ luật hình sự 2015

“1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

2. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ tiếng anh là gì?

Tội giết hoặc vứt bỏ con đẻ tiếng anh là: “Murder or abandoning of a newborn child”.

3. Cấu thành tội phạm của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ?

Điều 124 Bộ luật hình sự quy định hai trường hợp phạm tội và cũng có thể được coi là hai tội danh. Đó là tội giết con mới đẻ và tội vứt bỏ con mới đẻ. Tuy nhiên,  Điều 124 Bộ luật hình sự không được xây dựng theo cách quy định hai tội danh tại cùng điều luật như một số điều luật khác trong đó có Điều 337 Bộ luật hình sự (Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiều hủy tài liệu bí mật nhà nước), Với cách quy định đang thể hiện, người đọc có thể hiểu Điều 124 không phải quy định 2 tội danh như Điều 337 mà chi quy định 2 dạng hành vi phạm tội.

– Giết con mới đẻ được quy định, là trường hợp “người mẹ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình để trong 07 ngày tuổi…”

– Vứt bỏ con mới để được quy định là trưởng hợp “người mẹ do ảnh hưởng năng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do minh để ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết …”

3.1. Về mặt khách quan của tội phạm:

Đối với trường hợp giết con mới đẻ:

– Về hành vi: Người mẹ chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt có hành vi cố tình giết con mới đẻ. Hành vi giết con mới đẻ có thể được thực hiện thông qua các hình thức bóp mũi, bóp cổ cho ngạt thở  hoặc không cho con bú dẫn đến đứa trẻ chết,…

– Về mặt hậu quả: Đứa trẻ mới sinh ra bị tước đoạt mạng sống.

Đối với trường hợp vứt bỏ con mới đẻ:

– Về hành vi: Người mẹ chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt có hành vi cố tình vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết. Trong đó, hành vi vứt bỏ con mới để được hiểu là hành vi của người mẹ đế đứa trẻ ở nơi xa rời sự chăm sóc của mình nhưng không mong muốn đứa trẻ chết. Như vậy, dấu hiệu lỗi trong trường hợp phạm tội này không thế là lỗi cố ý trực tiếp. Nếu khi vứt bỏ mà mong muốn đứa trẻ chết thì là trường hợp giết con mới đẻ.

Hành vi vứt bỏ con mới đẻ có thể được thể hiện thông qua việc vứt con ngoài cổng chùa, vứt con vào thùng rác, ngoài đường phố,…

– Về mặt hậu quả: Làm chết con mới đẻ là hậu quả bắt buộc.

3.2. Về mặt chủ quan của tội phạm:

– Về lỗi: Người thực hiện hành vi do lỗi cố ý trực tiếp hoặc do lỗi cố ý gián tiếp.

Theo đó, theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 thì cố ý phạm tội trực tiếp là hành vi của người phạm tội, mà khi đó người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là rất nguy hiểm sẽ tước đoạt đi mạng sống của đứa trẻ, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

Còn cố ý gián tiếp là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình có thể dẫn đến cái chết cho con mới đẻ, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy người phạm tội không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

– Mục đích: Nhằm tước đoạt mạng sống của con mới đẻ hoặc bỏ mặt cho hậu quả đó xảy ra đối với con mới đẻ đối với trường hợp vứt con mới đẻ.

3.3. Mặt khách thể của tội phạm:

Tội phạm xâm phạm đến mối quan hệ liên quan đến tính mạng của người khác được pháp luật hình sự bảo vệ; xâm phạm đến quyền được sống của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Đối tượng tác động ở đây là con được sinh ra trong 07 ngày tuổi. Việc xác định con được sinh ra trong 7 ngày tuổi là dựa vào việc xác định tâm sinh lý của người mẹ trong trạng thái mới sinh con (7 ngày sau sinh được xác định là thời gian người mẹ còn đang trong trạng thái tâm sinh lý không bình thường).

3.4. Về mặt chủ thể của tội phạm:

Dấu hiệu chủ thể: Chủ thể của trường hợp phạm tội này là người mẹ đang còn trong trạng thái mới sinh con nghĩa là còn đang trong trạng thái tâm, sinh lí không bình thường do tác động của việc sinh con. Việc xác định người mẹ đang ở trong trạng thái tâm sinh lý không bình thường là rất khó. Do vậy, các hướng dẫn, giải thích trước đây về dấu hiệu này đều quy định khoảng thời gian 07 ngày sau khi sinh là khoảng thời gian mà người mẹ được coi còn trong trạng thái mới sinh con. Bộ luật hình sự năm 2015 đã xác định nội dung hướng dẫn này là dấu hiệu định tội của tội danh này. Cụ thể: Điều luật xác định, nạn nhân của tội giết con mới đề phải là trẻ sơ sinh do người phạm tội sinh ra và còn trong vòng 07 ngày tuổi.

Chủ thể của tội phạm giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là chủ thể đặc biệt. Ở đây chính là người mẹ có năng lực chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt. Ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu, được hiểu như: sợ dư luận chê bai về việc mang thai vì đẻ con ngoài giá thú, muốn sinh con trai để nối dõi nhưng đứa bé lại là con gái,… Trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt chi phối, như: đứa trẻ sinh ra có khuyết tật, dị dạng bẩm sinh,…

4. Hình phạt của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ?

Trường hợp giết con mới đẻ là trường hợp giết người có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sựđặc biệt vì hành vi giết người là do hoàn cảnh đặc biệt đưa lại và hơn nữa người phạm tội đã thực hiện trong tình trạng tâm sinh lí không bình thường, khả năng nhận thức và kiềm chế đều bị hạn chế. Do vậy, hình phạt được quy định cho tội phạm này chỉ có một khung hình phạt với mức phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trường hợp vứt bỏ con mới đẻ là trường hợp phạm tội nhẹ hơn so với trường hợp giết con mới đẻ nên có khung hình phạt nhẹ hơn: cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trường hợp giết con trong 07 ngày tuổi và cơ quan điều tra chứng minh được người mẹ không phải do yếu tố khách quan là tư tư tưởng lạc hậu, do hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà dẫn đến giết đứa trẻ thì người mẹ có thể bị khởi tố về Tội giết người với mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ còn xảy ra nhiều ở nước ta hiện nay. Đặc biệt ở các dân tộc thiểu số do ảnh hưởng của tư tưởng lạc hậu mà dẫn đến hành vi giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ để dẫn tới hậu quả con mới đẻ chết. Việc pháp luật quy định điều luật này nhằm răn đe đối với những đối tượng có khả năng thực hiện loại tội phạm này đồng thời hể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong việc bảo vệ quyền được sống-quyền tối thiểu của con người.

Từ khóa » Tiểu Luận Tội Giết Con Mới đẻ