Tối Huệ Quốc Là Gì? Nội Dung Nguyên Tắc Tối Huệ Quốc (MFN)?

Mục lục bài viết

  • 1 1. Tối huệ quốc là gì?
  • 2 2. Nội dung nguyên tắc tối huệ quốc (MFN):

    • 2.1 2.1. Chế độ ưu đãi đặc biệt:
    • 2.2 2.2. Hội nhập kinh tế khu vực:
  • 3 3. Các biện pháp đặc biệt đối với các nước đang phát triển:

1. Tối huệ quốc là gì?

Tối huệ quốc là một trong những quy chế pháp lý quan trọng trong thương mại quốc tế hiện đại. Quy chế này được coi là một trong những nguyên tắc nền tảng của hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thuật ngữ “đãi ngộ Tối huệ quốc” được ra đời vào cuối thế kỷ 19 trong thực tiễn thương mại của Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, Mỹ đã đưa ra chế độ Tối huệ quốc trong các hiệp định song phương như cơ sở để xúc tiến thương mại với một số đối tác châu Âu có quan hệ thương mại mật thiết với mình (ví dụ: Pháp, Hà Lan). Đãi ngộ Tối huệ quốc vào thời điểm ra đời chỉ mang ý nghĩa của chế độ thương mại thuận lợi nhất mà quốc gia sở tại có thể dành cho hàng hóa nhập khẩu đối tác thương mại của mình. Quy chế này mang tính chất có đi có lại. Nói cách khác đó là “chế độ đối xử bình đẳng giữa những thực thể được ưu đãi”. Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại hiện đại, quy chế Tối huệ quốc mang ý nghĩa chuẩn mực của sự đối xử ưu đãi mà một quốc gia phải dành cho các đối tác thương mại của mình.

Chế độ tối huệ quốc đòi hỏi một quốc gia phải bảo đảm dành cho tất cả các quốc gia đối tác một chế độ ưu đãi thương mại thuận lợi như nhau. Cụ thể là trong các điều ước quốc tế về thương mại cũng như luật thương mại quốc gia, đãi ngộ tối huệ quốc thường được thể hiện dưới dạng quy định cho các sản phẩm hàng hóa dịch vụ có xuất xứ từ một quốc gia đối tác được hưởng chế độ thương mại “không kém ưu đãi hơn chế độ ưu đãi nhất” mà quốc gia sở tại dành cho các những sản phẩm hàng hóa dịch vụ tương tự của bất kỳ quốc gia nào khác. Chế độ đối huệ quốc về bản chất không phải là việc ưu đãi của một quốc gia chủ nhà với từng quốc gia được hưởng chế độ này mà nó chỉ về sự ưu đãi tương tự, giống nhau giữa các quốc gia trong mối liên hệ với quốc gia chủ nhà.

Đối xử tối huệ quốc trong đầu tư thường được quy định ở điều Khoản Đối xử tối huệ quốc trong các hiệp định đầu tư, trong đó, nhà đầu tư của một bên quốc gia, hoặc chính quốc gia đó khi đầu tư sẽ được “đôi xử không kém thuận lợi hơn” so với nhà đầu tư của nước thứ ba, hoặc chính quốc gia thứ ba trong cùng một lĩnh vực vấn đề đầu tư.

Với sự tồn tại của chế độ đãi ngộ tối huệ quốc, các quốc gia sẽ được bảo đảm rằng quốc gia đối tác thương mại của mình sẽ không dành cho quốc gia khác chế độ thương mại ưu đãi hơn, qua đó triệt tiêu lợi thế cạnh tranh tự nhiên của họ đối với sản phẩm hàng hóa dịch vụ cụ thể trong cạnh tranh với các quốc gia liên quan đó. Ngoài ra, Tối Huệ Quốc còn là một trong 7 nguyên tắc cơ bản (Việt Nam công nhận 7 nguyên tắc tuy nhiên một số nước công nhận…) của luật quốc tế hiện đại. Do vậy, nguyên tắc này không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực thương mại mà còn trong một số lĩnh vực khác.

Xem thêm: Nghị quyết của tổ chức quốc tế liên chính phủ là nguồn bổ trợ của quy phạm pháp luật quốc tế

Tối huệ quốc tiếng anh là: “Most Favoured Nation”, viết tắt là “MFN”.

2. Nội dung nguyên tắc tối huệ quốc (MFN):

Nguyên tắc này được hiểu là dựa trên cam kết thương mại, một nước dành cho nước đối tác ưu đãi có lợi nhất mà nước đó đang và sẽ dành cho nước thứ ba khác trong tương lai.

Nguyên tắc này có lịch sử phát triển khá lâu đời. Bắt đầu từ thế kỉ XVII, nó được sử dụng như là biện pháp để mở rộng thương mại và sau đó được quy định trong các hiệp định thương mại hàng hải song phương. Thông thường trong các hiệp định như vậy, nguyên tắc này không chỉ áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu mà còn đối với cả thương nhân nước ngoài khi nhập cảnh, cư trú, kinh doanh v.v. trên lãnh thổ nước đó. Nguyên tắc này có thể được áp dụng kèm điều kiện hoặc vô điều kiện tùy thuộc vào chính sách của từng nước và thỏa thuân giữa các bên.

Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (General Agreement on Tariffs and Trade – GATT) ra đời năm 1947 là hiệp định thương mại đa phương đầu tiên sử dụng một cách rộng rãi nguyên tắc này. Đây được coi là một trong những nguyên tắc cơ bản để thực hiện mục tiêu tự do hóa thương mại của WTO. Theo nguyên tắc này thì bất kì ưu đãi, ưu tiên, đặc quyền hoặc miễn trừ nào mà nước thành viên dành cho sản phẩm của nước thành viên khác sẽ phải được dành cho sản phẩm cùng loại của các nước thành viên còn lại. Mục đích của nguyên tắc này là nhằm đảm bảo rằng sản phẩm nhập khẩu cùng loại sẽ được đối xử bình đẳng và không phân biệt tại nước nhập khẩu. Do đó, nguyên tắc này còn được gọi là nguyên tắc đối xử không phân biệt.

Nguyên tắc đối xử không phân biệt được quy định cụ thể trong các hiệp định sau của WTO.

GATT 1994 (Điều 1); GATS (Hiệp định về thương mại dịch vu – General Agreement on Trade in Services) (Điều 2); TRIPs (Hiệp định về một số khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại Agreement on Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights-TRIPs).

Mặc dù đây là nguyên tắc quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu mở rộng tự do hóa thương mại nhưng GATT/WTO vẫn công nhận một số các ngoại lệ sau đây:

2.1. Chế độ ưu đãi đặc biệt:

Đây là chế độ ưu đãi đặc biệt về thuế quan truyền thống giữa một số nước thành viên hình thành trong thời kì chế độ thuộc địa, tồn tại trước khi hiệp định GATT 1947 ra đời. Chế độ ưu đãi đặc biệt về thuế quan là các đặc lợi về thuế quan mang tính phân biệt đối xử vì chỉ áp dụng riêng giữa một số nước với nhau hoặc trong một khu vực nhất định như chế độ ưu đãi của Khối thịnh vượng chung, chế độ ưu đãi của Khối liên hiệp Pháp, ưu đãi giữa Mỹ và Philipine…

Tuy mục tiêu của GATT 1947 là tự do hóa thương mại và chống phân biệt đối xử giữa các nước thành viên nhưng khi ra đời GATT 1947 đã không thể xóa bỏ ngay lập tức và toàn bộ các ưu đãi thuế quan này, cho nên nó đã buộc phải chấp nhận sự tồn tại của chế độ ưu đãi đặc biệt này như một ngoại lệ nhưng với các điều kiện sau:

Xem thêm: Một số nội dung cơ bản nổi bật của Luật thỏa thuận quốc tế

Thứ nhất là các ưu đãi này chỉ giới hạn trong thuế quan đối với hàng nhập khẩu và không cho phép ưu đãi đặc biệt về thuế xuất khẩu, hạn chế xuất nhập khẩu và các hạng mục khác;

Thứ hai là ưu đãi đặc biệt này chỉ giới hạn giữa một số nước thành viên đã được chấp nhận và không được phép thiết lập các ưu đãi mới sau khi GATT 1947 ra đời (Khoản 2 Điều 1 và phụ lục liệt kê cụ thể các ưu đãi đặc biệt này);

Thứ ba là không cho phép tăng sự chênh lệch giữa thuế suất ưu đãi đặc biệt đã có khi thành lập GATT 1947 với thuế suất tối huệ quốc.

2.2. Hội nhập kinh tế khu vực:

Theo quy định tại Điều 24 GATT 1994 thì nguyên tắc đối xử tối huệ quốc sẽ không áp dụng đối với khu vực mậu dịch tự do hoặc đồng minh thuế quan. Nói cách khác là hội nhập kinh tế khu vực cụ thể là đồng minh thuế quan và khu vực mậu dịch tự do được coi là ngoại lệ của nguyên tắc đối xử tối huệ quốc. Đồng minh thuế quan nghĩa là về mặt nguyên tắc các nước thành viên của nó không thiết lập các rào cản thương mại đối với thương mại của nhau, còn đối với thương mại ngoài khu vực thì áp dụng hệ thống thuế quan chung cũng như các quy định chung về thương mại. Khu vực mậu dịch tự do nghĩa là về nguyên tắc các nước thành viên của khu vực không thiết lập rào cản đối với thương mại của nhau nhưng mỗi nước thành viên duy trì hệ thống thuế quan và các quy định thương mại của riêng mình đối với thương mại của các nước ngoài khu vực (Khoản 8 Điều 24).

Về mặt lịch sử, khi GATT 1947 hình thành, đã tồn tại đồng minh thuế quan Benelux (gồm 3 nước Bỉ, Hà Lan và Lucxămbua). GATT 1947 thừa nhận rằng khu vực mậu dịch tự do và đồng minh thuế quan giữa các nước thành viên sẽ có thể thúc đẩy tự do hóa thương mại, tạo ra hiệu quả thương mại giữa các nước trong khối. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là sự tự do thương mại giữa các nước trong khối mà thôi, cho nên mặt trái của việc thành lập khu vực mậu dịch tự do và đồng minh thuế quan là tạo ra rào cản phân biệt đối xử với các nước ngoài khối. Tùy theo mức độ của các rào cản này mà có thể nhập khẩu của các nước ngoài khối có hiệu suất cao lại bị thay thế bởi sản phẩm có hiệu suất thấp của các nhà sản xuất trong khối.

Chính vì những nhược điểm trên mà GATT 1947 đã đưa ra một số điều kiện sau đây đối với việc thành lập khu vực mậu dịch tự do hay đồng minh thuế quan.

Thứ nhất, thuế quan và các rào cản thương mại khác về mặt thực chất giữa các nước trong khu vực phải được dỡ bỏ hoàn toàn.

Thứ hai, thuế quan và các rào cản thương mại khác đối với các nước ngoài khu vực không được phép tăng hơn so với trước khi thành lập đồng minh thuế quan hay khu vực mậu dịch tự do; Thứ ba, đồng minh thuế quan, khu vực mậu dịch tự do phải được xây dựng theo lịch, trình hợp lí trong một Khoảng thời gian hợp lí.

3. Các biện pháp đặc biệt đối với các nước đang phát triển:

Ngoại lệ tiếp theo của nguyên tắc đối xử tối huệ quốc là ưu đãi đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Biện pháp đối xử đặc biệt mà ngay từ khi thành lập GATT 1947 đã cho phép các nước đang phát triển áp dụng là hỗ trợ chính phủ đối với phát triển kinh tế. Biện pháp này được quy định tại Điều 18, theo đó, các nước thành viên đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển kinh tế sẽ được tiến hành những hạn chế nhập khẩu cần thiết phục vụ cho phát triển kinh tế với một số điều kiện nhất định.

Xem thêm: Quy định của pháp luật quốc tế về bảo vệ môi trường biển 

Sau đó, vào những năm 60 của thế kỉ XX, cùng với những thay đổi về kinh tế, chính trị trên thế giới, xuất phát từ sự chênh lệch về trình độ phát triển so với các nước phát triển, một số nước đang phát triển đã đấu tranh đòi được hưởng nhiều ưu đãi hơn trong thương mại quốc tế và đã đề xuất một biện pháp đặc biệt mới theo đó các nước phát triển sẽ phải dành cho các nước đang phát triển những ưu đãi về thương mai có lợi hơn so với các ưu đãi dành cho nước thứ ba khác”. Dựa trên đề xuất này mà Chế độ ưu đãi phổ cập (Generalized System of Preferences – GSP) đã được chấp nhận đưa vào áp dụng trong GATT 1947 từ năm 1971. Vì được áp dụng trong lĩnh vực thuế quan cho nên nó còn được gọi dưới cái tên là Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập.

Nói một cách ngắn gọn thì GSP thực chất là việc các nước phát triển đơn phương tự nguyện dành cho sản phẩm của các nước đang phát triển hướng thuế suất nhập khẩu thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của các nước phát triển khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nước phát triển sẽ không yêu cầu các nước đang phát triển đưa ra cam kết thương mại trên cơ sở có đi có lại mà sẽ đơn phương cắt giảm và huy bỏ hàng rào thuế quan, bằng cách đó thúc đẩy xuất khẩu từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển giúp tăng nguồn thu, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa và đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của các nước đang phát triển.

So sánh với Chế độ ưu đãi đặc biệt nêu trên thì GSP có điểm giống là mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ một số nước nhất định sẽ thấp hơn mức thuế nhập khẩu đánh vào sản phẩm của nước thành viên khác. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa hai chế độ này là ở chỗ, GSP không chỉ áp dụng với các nước có quan hệ đặc biệt về mặt lịch sử và chính trị mà nó áp dụng chung cho tất cả các nước đang phát triển.

Chính vì thế mà nó được gọi là chế độ phổ cập. Hơn nữa, những nước được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập là các nước đang phát triển và nó là các ưu đãi mang tính một chiều của các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển, trong khi đó ưu đãi trong Chế độ ưu đãi đặc biệt lại mang tính song phương và nước được hưởng ưu đãi là các nước thuộc chế độ đó bất kể là đang phát triển hay đã phát triển.

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

– Hiệp định GATT;

– Hiệp định TRIPS.

Từ khóa » Nguyên Tắc đối Xử Tối Huệ Quốc Và đối Xử Quốc Gia Trong Luật Thương Mại Quốc Tế