Tôi Không Làm được Bạn Cũng Vậy Thôi? - Dahuu

Có bao giờ bạn nghe câu nói như thế chưa? Chắc là vài chục thậm chí hàng trăm lần trong cả đời chứ không ít.

Từ nhỏ đi học, bạn đã phải nghe mấy câu đại loại như: thằng “cây toán” của lớp còn không làm ra, mày mà làm được tao “cùi”; dòng họ mình không ai học giỏi cả, nên con đừng cố gắng quá làm gì; đừng có vẽ vời nữa, tao từng học và giờ đang thất nghiệp đây này;… Khi lớn lên một chút, bạn sẽ nghe những câu “gần gũi” hơn: “Với tính cách của em, chị nghĩ thất bại là cái chắc”, “Lúc trước anh cũng thử làm rồi, nhưng không được, biết đâu chú mày được, nhưng cũng đừng hy vọng quá”, “Mày muốn vào làm công ty đó à, không đủ trình đâu, tao bằng cấp hơn mày mà còn không được”,… Khi già hơn, những điệp khúc này vẫn tiếp tục lảng vảng bên tai bạn: “Chú già quá rồi, còn đua đòi với tuổi trẻ làm gì, về nhà giữ cháu đi”, “Sao? Cậu muốn mở tiệm à? Không được đâu! Tôi thử rồi, mình không theo kịp tuổi trẻ đâu”, “Chị muốn đi du lịch à? Thôi chị à, mình lớn tuổi rồi, sức đâu mà đi nữa”.

Các bạn có thể tóm lại tất cả các câu nói trên, dù ở lứa tuổi nào đi chăng nữa, nó đều có một đặc điểm chung, đó là kéo bạn ra khỏi những ước mơ mà với họ đó là những mộng mơ. Ước mơ và mộng mơ là hai khái niệm đều tập trung nói về vấn đề bạn muốn đạt được trong tương lai, nhưng ước mơ là mong muốn “có thể” có được, nhưng mộng mơ thì lại “xa vời” thực tế như trong bài: Ước mơ và hoài bão tuổi trẻ mình đã đề cập. Những người nói với bạn những câu trên, thường thì họ… chẳng làm được gì cả hay có làm nhưng thất bại. Hãy nghĩ lại bản thân bạn, có bao giờ khi không làm được gì đó, bạn cũng sẽ tự quan niệm rằng vấn đề ấy là bất khả thi chưa? Bạn quy chụp cho tất cả mọi người khi tham gia vấn đề ấy đều sẽ thất bại như bạn? Như vậy, chẳng khác gì bạn đang nói: Tất cả mọi người đều giống bạn! Dù họ thuộc giới tính nào, làm nghề gì, tính nết ra sao,… Nếu thế thì chắc không cần phải phân biệt nhau để làm gì cả. Hay đôi lúc, bạn nghe người bạn mình nói về một vấn đề “lạ” mà bạn chưa nghe bao giờ, không giống bình thường tức là nó viễn vong? Vậy bạn sẽ rất hợp khi sống ở thời xa xưa, khi bảo có “đèn đốt ngược” hay những “con ngựa sắt” thì chắc bạn sẽ bị đem đi xử tử vì dám nói “điêu”.

Tôi không làm được bạn cũng vậy thôi?

Nếu bạn đã, đang và từng rơi vào tình huống người nói hay người nghe trên, bây giờ nghĩ lại chắc bạn cũng thấy cả hai đều đã không suy nghĩ rõ ràng. Nếu người nghe cố gắng phân tích và giữ chặt mơ ước của mình hơn, chắc chắn bạn sẽ không bị lay động trước lời nói ấy, hãy xem đó như một lời góp ý, và hãy tìm hiểu vì sao họ nói như thế, nếu họ chưa từng làm mà đã “phán”, bạn gặp may rồi đấy, vì chứng tỏ kế hoạch ấy của bạn vẫn chưa được phổ biến, hãy xây dựng cẩn thận và hiểu biết đầy đủ, chắc chắn gần như bạn sẽ thành công với những kế hoạch mà bạn đã vạch ra. Còn nếu họ từng làm và thất bại, và mong muốn có bạn cùng “xuồng” với họ, bạn hãy lắng nghe lý do thất bại, và xem xét những lối đi để trách rơi vào trạng thái như hiện giờ của họ.

Quay về với những người đang rơi vào trạng thái: Tôi không làm được bạn cũng vậy thôi, thật sự đó chỉ là do trạng thái tâm lý của cá nhân bạn, chứ không phải của tất cả mọi người, bạn thất bại không có nghĩa người khác cũng thế, bạn chưa thấy nhưng không có nghĩa là nó không tồn tại. Tại sao bạn không thử dành cho bản thân một vài giờ để suy nghĩ những sự việc đã qua, tại sao không nghĩ đến những khía cạnh hấp dẫn từ những ý tượng quái lạ, hay nói lên lý do vì sao bạn nghĩ kế hoạch ấy thất bại thay vì khẳng định rằng điều đó sẽ là không thành công.

Các bạn hãy nhớ rằng, khi bắt đầu một kế hoạch, bạn có thể chia sẻ cho người khác để tham khảo ý kiến của họ, chứ không phải đem cả mơ ước của bạn đưa họ quyết định, và nếu bạn lắng nghe ước mơ của người khác, hãy dẹp cái tôi ích kỷ và thay bằng một lý trí sáng suốt.

Đánh giá:

Chia sẻ:

  • Bấm để chia sẻ trên Twitter (Mở trong cửa sổ mới)
  • Nhấn vào chia sẻ trên Facebook (Mở trong cửa sổ mới)

Từ khóa » Bạn Cũng Vậy Thôi