Tôi Là Ai? - Tâm Lý Học Tội Phạm
Có thể bạn quan tâm
Trong suốt cuộc đời, con người chúng ta trải qua những thay đổi kỳ diệu. Về mặt thể xác, chúng ta bắt đầu từ một sinh thể nhỏ bé đáng yêu cao khoảng 50 phân, với làn da mềm mại và đàn hồi, để rồi khoảng 90 năm sau đó, trở thành một sinh thể già lão, xám xịt, làn da đồi mồi với chiều cao khoảng 180 cm. Trong thời điểm trung gian, bất cứ tế bào nào trong cơ thể ta cũng được thay thế hết lần này sang lần khác và chúng ta đã trải qua vô số trải nghiệm gần như không còn để lại dấu vết gì trong ký ức. Nhân vật 25 tuổi có thể nhớ gần hết những cảm giác của mình hồi 5 tuổi, trong khi nhân vật 67 tuổi chỉ còn lưu giữ lại vài dấu hiệu lờ mờ về hồi mình gần 30 tuổi. Chúng ta mang một tên gọi trong suốt cuộc đời và ta nghĩ mình như một sinh thể tương đối thống nhất và vững chắc, nhưng liệu ta có vẫn đúng là một người đó như từ trước đến giờ không. Ngay khi ta đặt mình dưới kính hiển vi triết học, vấn đề về bản sắc cá nhân sẽ nổi lên phức tạp hơn ban đầu ta hình dung nhiều. Do vậy, ta có thể nói gì về những thứ luôn tiếp diễn trong đời mình. Cái gì có thể đảm bảo ta có thể nghĩ về mình như một cá nhân thống nhất trong suốt cuộc đời?
Rốt cuộc, cái bản sắc, danh tính cá nhân ấy nằm ở đâu? Một giả định phổ thông cho rằng cơ thể là định dạng cá nhân của ta. Đây là giả thiết cho rằng cái thành phần cốt lõi khiến tôi là tôi là ở cái hình hài đơn nhất trong đó tôi cư trú cả đời. Nhưng các triết gia muốn thử thách giả định này một chút. Giả sử như toàn bộ tóc trên đầu tôi rụng xuống, tôi có còn là tôi không? Nếu tôi mất một ngón tay? Có chứ. Một chân? Tất nhiên.
Vậy nếu bây giờ một con quỷ dữ hiện ra và bảo ta phải bỏ đi tất cả các bộ phận trên cơ thể, nhưng vẫn được giữ lại một mẩu, vậy mẩu nào sẽ được giữ lại? Vài người có thể sẽ muốn giữ lại cùi chỏ hay lỗ rốn, nhưng hầu hết chúng ta sẽ muốn giữ lại bộ não. Sự lựa chọn này cho ta biết một điều thú vị. Vô hình trung, vài bộ phận trên cơ thể ta gần gũi với bản thể hơn các bộ phận khác, và bộ phận trọng yếu là bộ não. Thiên chúa giáo có hẳn một phiên bản về thí nghiệm tư duy nói trên. Ta còn được hỏi điều gì sẽ xảy ra sau khi chết và hình dung sự phân ly giữa thân thể và một bộ phận có vẻ khiêm tốn, khoog đáng kể nhưng quý báu , bất diệt và còn tồn tại mãi, nó được gọi là linh hồn. Có một phiên bản khác của tư duy này mà hai người yêu nhau có thể thử chơi. Vào thời kỳ đầu của tình yêu, khi hai người ngủ chung lần đầu, họ có thể hỏi nhau: anh/em thích điều gì nhất ở em/anh? Nếu trả lời là em có đôi nhũ hoa quyến rũ hay anh có đôi bắp tay thật săn chắc tuyệt vời thì bạn hố to rồi. Ngực hay nhũ không phải là câu trả lời thỏa đáng để ta thấy mình là mình. Chúng ta có vẻ muốn được yêu bởi cái gì gần gũi với bản thể của mình hơn, bởi tâm hồn hay trí tuệ chẳng hạn.
Nay ta hãy đẩy thí nghiệm tư duy này đi xa hơn: bộ phận nào của não đóng vai trò chính yếu hơn trong việc định hình cái tôi? Hãy tưởng tượng tôi bị một khối u ở đầu khiến tôi mất khả năng chơi bóng bàn. Vậy tôi vẫn là tôi chứ? Phần lớn sẽ nói “chắc chắn rồi”. Nhưng nếu trước đây tôi nói tiếng Latinh rồi mất khả năng đó, và nay tôi còn quên cả cách nấu măng tây với mayonnaise ít béo, vậy tôi có còn là tôi nữa không? Có chứ. Nói cách khác, những khả năng về kỹ thuật có vẻ không thật sự gần với cái cốt lõi bản thể. Có còn đó những kiểu ký ức khác không? Thứ mà định hình phần lớn cái tạo nên con người tôi có xu hướng là phần lưu trữ những ký ức mà tôi còn nhớ được: Như cái thảm trải sàn trong căn phòng mà tôi đã lớn lên, cô gái mà tôi yêu thời còn học đại học, thời tiết ở Sydney ngày mà tôi đặt chân đến lần đầu, quyển sách tour du lịch Australia đầu tiên mà tôi mua. Nhưng nếu tất cả những ký ức này cũng biến mất, tôi còn có thể là tôi nữa không? Theo một quan điểm là “cũng vẫn có thể” chừng nào vẫn còn lại một yếu tố nào đó giúp ta định hình và có thể gọi là “tính cách của tôi” thể hiện qua cách thức ta phản ứng với hoàn cảnh. Chừng nào ta vẫn giữ quan điểm cái gì là hài hước, thú vị hay quan trọng, thì về mặt căn bản ta vẫn có thể tuyên bố mình vẫn là con người đó. Ký ức, bộ lưu trữ cảm xúc hay hành vi có thể biến mất đi, nhưng tôi vẫn có thể đảm bảo mình vẫn có cảm giác ấy và cư xử một cách thống nhất trong tưng lai. Những người quanh tôi có thể cần phải liên tục nhắc nhở tôi về những gì đã xảy ra, nhưng ít nhất họ vẫn nhận ra tôi là tôi.
Từ đây, một ý niệm hấp dẫn nổi bật lên: nhân dạng có vẻ không chỉ là sinh tồn về mặt thể xác. Tôi có thể nằm trong thể xác của người khác, hay sống trong một cái lọ mà vẫn là tôi. Nhân dạng cũng không chỉ là một chuỗi ký ức. Tôi có thể quên đi tất cả nhưng vẫn là chính tôi.
Nhưng khi theo đuổi khái niệm mà nay ta gọi là “cá tính”, đây là ý niệm gắn liền với triết gia người Anh, John Locke. Ông đã viết rằng: Nhân dạng được tạo nên bởi cái ông gọi là “Sự đồng nhất về ý thức.” Nếu một con quỷ hiện lên bảo ta lựa chọn giữa việc nhớ tất cả nhưng cảm xúc và hành vi bất nhất, và việc đồng nhất cảm xúc lẫn hành vi nhưng không nhớ gì cả, thì hầu hết chúng ta, theo Locke gợi ý, sẽ chọn phương án thứ hai.
Như vậy, nếu như ta phải thu nhỏ nhân dạng về mặt cốt lõi, nó sẽ xoay quanh các giá trị ta theo đuổi, khuynh hướng và khí chất của ta. Hãy nghĩ về cái chết trong khi nắm bắt ba khái niệm này. Quan điểm chung về cái chết thường buồn và ảm đảm, vì nó có nghĩa là cái chết của nhân dạng. Nhưng nó thực sự chỉ là cáo chung của nhân dạng khi ta gán nhân dạng với sự sinh tồn của thể xác ta, mà không tính đến các ký ức sâu thẳm. Nhưng nếu ta suy nghĩ về nhân dạng mình theo nghĩa rộng hơn: về những giá trị của ta, tính cách, yêu và ghét, thì khi đó về mặt cốt lõi, ta có thể được ban cho một dạng thức vĩnh cửu. Đơn giản vì những đặc tính trên sẽ mãi tiếp diễn trong toàn bộ giống loài, cư trú ở đây hay ở kia, ngoài chỗ trú ngụ hiện tại.
Có thể những gì ta được học về "cái Tôi" mới chỉ là một điểm nghỉ chân tạm thời cho cả một dãy những ý niệm và xu hướng còn xa xưa hơn thuỷ tổ loài người, và chúng sẽ còn sinh tồn lâu dài hơn cả thể xác chúng ta. Ta có thể thử giảm nhẹ nỗi buồn đau về cái chết bằng cách bỏ đi ý niệm rằng mình chỉ là một chòm sao nhỏ bé biệt lập về mặt thể xác. Theo một nghĩa thì ta còn trường tồn lâu dài hơn, trải qua hàng thế hệ với tư cách là một tập hợp những ý niệm và khuynh hướng. "Chúng ta" sẽ tiếp tục được gieo hạt, đâm chồi và sống còn bất cứ nơi đâu những ý niệm định hình phần lớn cá tính của ta vẫn được thể hiện đúng như cách nó phải là, trong những thế hệ tiếp theo.
Việc tập trung trả lời những câu hỏi về nhân dạng sẽ đem lại nhiều hiệu ứng trái ngược nhưng cũng đầy khuyến khích, do đó khiến ta bớt đeo bám vào vài chi tiết nhỏ nhặt không đáng kể của bản thân, thay vào đó ta tự tin hơn vì những gì quan trọng về con người ta trước giờ sẽ sống còn theo một cách thức lâu dài hơn nhiều, kể cả sau khi thân thể ta đã về với cát bụi và mọi ký ức đều đã bị xoá đi.
Xem video ở đây:
Nguồn: The school of life
Từ khóa » Gu Của Tôi Là Ai
-
Gu Của Tôi: Là Một Chàng Trai... - Chúng Ta Của Sau Này | Facebook
-
Gu Của Tôi: Là Một Chàng Trai Mà Không Phải Cô Gái Nào Cũng Dễ ...
-
Gu (goût) Là Gì? Cách Thể Hiện Gu Của Bản Thân Tinh Tế Nhất
-
Gu Của Tôi Là Gay - Tập 1 | FPT Play
-
Xem Phim Người Yêu Của Tôi Là Ai, Review Phim
-
TÔI LÀ AI? TÔI ĐẾN TRÁI ĐẤT NÀY VỚI MỤC ĐÍCH GÌ?
-
Tôi Là Ai? Ai Là Tôi? - Tự Hiểu Mình's Blog
-
Gu Của Các Bạn Là Ai ???còn Gu Của Tôi Là ông Này - YouTube
-
Tôi Là Ai? - Wowhay4u