Tội Làm Sai Lệch Hồ Sơ Vụ án Bị Phạt Bao Nhiêu Năm Tù - Luật Sư X

Cơ quan điều tra Viện KSNDTC đã tống đạt quyết định khởi tố bị can Quảng Thị Thái Bình, cán bộ TAND huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), về tội “làm sai lệch hồ sơ vụ án”.

Theo quyết định khởi tố bị can, trong quá trình giúp việc cho thẩm phán thụ lý, giải quyết vụ án dân sự “tranh chấp hợp đồng tài sản” theo thông báo thụ lý số 43/2017/TLST-DS ngày 12/6/2017 của TAND huyện Ninh Phước, bị can Quảng Thị Thái Bình – khi ấy với chức danh thư ký – đã tự ghi thêm nội dung vào biên bản ghi lời khai, lập khống biên bản hòa giải thành và không gửi biên bản hòa giải thành cho các đương sự.

Tuy nhiên, bị can Quảng Thị Thái Bình vẫn trình ông Hán Văn Nhuận – khi đó là thẩm phán – ký hợp thức vào các biên bản và ký quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trái pháp luật.

Bài viết dưới đây Luật sư X sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Căn cứ pháp lý

Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

Nội dung

Điều 375 Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án

1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án bị sai lệch;

c) Gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội;

b) Làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát;

c) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

Khách thể của tội làm sai lệch hồ sơ vụ án

Xâm phạm đến hoạt động quản lý hồ sơ của cơ quan tiến hành tố tụng; lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

Chủ thể của tội làm sai lệch hồ sơ vụ án

Chủ thể của tội làm sai lệch hồ sơ là chủ thể đặc biệt.

Chỉ là người có liên quan đến quản lý hồ sơ vụ án. Cụ thể gồm: Điều tra viên; Kiểm sát viên; Thẩm phán; Hội thẩm nhân dân; Thư ký tòa; người có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp khác (như thẩm tra viên, nhân viên văn thư,… của tòa án, cơ quan điều tra, viện kiểm sát có nhiệm vụ quản lý hồ sơ vụ án); người bào chữa; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.

Mặt khách quan của tội làm sai lệch hồ sơ vụ án

Hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án; hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án.

Tài liệu, vật chứng của vụ án được hiểu là tài liệu vật chứng của các vụ án đã được cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án thụ lý để giải quyết như vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính …

Hành vi khách quan của tội làm sai lệch hồ sơ là hành vi can thiệp vào tài liệu, vật chứng theo hướng làm sai lệch nội dung vụ án.

Những thủ đoạn can thiệp thông thường của tội phạm này là:

  • Thêm tài liệu (vd: biên bản lấy lời khai…), vật chứng (vd: công cụ phạm tội…)
  • Bớt tài liệu, vật chứng;
  • Sửa đổi tài liệu (vd: sửa giấy chứng thương, sửa biên bản lấy lời khai…), sửa đổi vật chứng;
  • Đánh tráo tài liệu, vật chứng (vd: thay tài liệu, vật chứng đang có trong hồ sơ bằng tài liệu, vật chứng giả);
  • Hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng (vd: xé, đốt,…).

Do điều luật quy định “hoặc bằng thủ đoạn khác” nên những thủ đoạn can thiệp khác chưa được liệt kê tại điều luật cũng là thủ đoạn của hành vi khách quan của tội phạm

Mặt chủ quan của tội làm sai lệch hồ sơ vụ án

Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm này là lỗi của người phạm tội. Cụ thể là lỗi cố ý.

Hình phạt của tội

Hình phạt của tội làm sai lệch hồ sơ vụ án có 03 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung. Cụ thể như sau:

– Khung hình phạt cơ bản là hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

– Hai khung hình phạt tăng nặng là hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm và từ 10 năm đến 15 năm. Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng là dấu hiệu về hình thức phạm tội (có đồng phạm; có tổ chức hay không); dấu hiệu về hậu quả của tội phạm.

– Khung hình phạt bổ sung là bắt buộc. Cụ thể là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Thông tin liên hệ

Trên đây là phân tích của Luật sư X về Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Để giải đáp thắc mắc, nhận thêm thông tin và nhận thêm sự tư vấn giúp đỡ của luật sư hãy liên hệ 0833 102 102.

Câu hỏi thường gặp

Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc nhưng không làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án có bị xử lý không?

Đây là tội phạm hình thức nên hậu quả sai lệch nội dung hồ sơ không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Thực hiện thủ đoạn mục đích làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án là tội phạm đã hoàn thành, bất kể nội dung hồ sơ vụ án có sai lệch hay không.

Dấu hiệu về hậu quả của tội làm sai lệch hồ sơ vụ án như thế nào thì khung hình phạt tăng nặng?

Hậu quả vụ án bị giải quyết sai lệch; Hậu quả thiệt hại về tài sản; hậu quả kết án oan người vô tội,bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội; Hậu quả làm người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại hoặc đương sự tự sát.

Nguyên thư ký TAND huyện Ninh Phước có thể bị xử phạt như thế nào?

Bị can Quàng Thị Thái Bình đã tự ghi thêm nội dung vào biên bản ghi lời khai, lập khống biên bản hòa giải thành và không gửi biên bản hòa giải thành cho các đương sự. Do đó, bị can phải đối mặt với hình phạt tù cao nhất là 05 năm; ít nhất là 01 năm tùy vào hậu quả của tội phạm. Đồng thời hình phạt bổ sung bắt buộc bị can phải chịu là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5/5 - (1 bình chọn)

Từ khóa » Tội Sai Lệch Hồ Sơ Vụ án