Tội Lây Truyền HIV Cho Người Khác Là Gì? - Luật Hoàng Anh

HIV là một căn bệnh nguy hiểm do việc sử dụng ma túy gây nên. Căn bệnh này có thể lây lan qua nhiều con đường khác nhau như lây từ mẹ sang con, lây qua đường tình dục hay lây qua đường máu. Để hạn chế sự lây lan căn bệnh nguy hiểm này. Pháp luật hình sự đã đặt ra quy định người nào lây truyền HIV cho người khác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

1. Căn cứ pháp lý

Điều 148 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định Tội lây truyền HIV cho người khác như sau:

Điều 148. Tội lây truyền HIV cho người khác

1. Người nào biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người khác, trừ trường hợp nạn nhân đã biết về tình trạng nhiễm HIV của người bị HIV và tự nguyện quan hệ tình dục, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Đối với người dưới 18 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 145 của Bộ luật này;

c) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

d) Đối với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trực tiếp chữa bệnh cho mình;

đ) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.”

2. Dấu hiệu pháp lý của tội lây truyền HIV cho người khác.

2.1. Khách thể của tội phạm

Lây truyền HIV cho người khác là hành vi của một người biết mình bị nhiễm HIV đã cố ý dùng các hình thức, thủ đoạn để làm cho người khác cũng bị nhiễm HIV.

Tội phạm trực tiếp xâm phạm quyền bất khả xâm phạm sức khoẻ của người khác, làm lan tràn căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền được bảo hộ về tính mạng, sưc khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người và sự an toàn của cả cộng đồng trước bệnh tật.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Theo quy định của Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) số 64/2006/QH11 ngày 29/6/2006 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) số 71/2021/QH14 ngày 16/11/2020 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2021), HIV là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Human Immunodeficiency Virus" là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người, làm cho cơ thể suy giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh, AIDS là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Acquired Immune Deficiency Syndrome" là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV gây ra, thường được biểu hiện thông qua các nhiễm trùng cơ hội, các ung thư và có thể dẫn đến tử vong.

Có nghĩa là HIV là một loại vi rút khi xâm nhập cơ thể con người ngây ra hội chứng suy giảm miễn dịch. AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm cho nó không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh và dẫn đến chết người. Vì vậy, căn bệnh nhiễm HIV/AIDS là căn bệnh thế kỷ.

Dịch HIV có xu hướng giảm, nhưng mỗi năm nước ta vẫn phát hiện thêm 11.000 ca nhiễm HIV và 2.800 người tử vong... Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh, tính đến 31/8/2020, cả nước có 213.008 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 107.812 người nhiễm HIV đã tử vong. Trung bình mỗi năm cả nước phát hiện thêm 11.000 ca nhiễm HIV.[1]

Người phạm tội biết được mình đã bị nhiễm HIV, nhưng vì động cơ nào đó nên đã có hành vi truyền bệnh này cho người khác. Căn bệnh này được truyền bằng 3 con đường chính: truyền từ mẹ sang con khi có thai; truyền bằng đường máu như truyền máu trong bệnh viện, tiêm chích ma tuý; truyền bằng đường quan hệ tình dục.

Người phạm tội có các hành vi như: dùng kim tiêm chọc vào người mình rồi chọc vào người khác; dùng dao, mảnh chai rạch tay, chân mình cho máu dính vào rồi rạch vào người khác; đem máu của mình cho người khác, quan hệ tình dục bừa bãi với người khác. Ví dụ có cô gái khi biết mình bị nhiễm HIV đã hận đời và tiêu cực nên đã quan hệ tình dục bừa bãi với rất nhiều người với ý thức là mình chết thì cũng cho nhiều người chết theo. Trường hợp người mẹ nhiễm HIV đã đẻ ra con cũng bị nhiễm bệnh này thì không phạm tội.

Tuy nhiên Điều 147 Bộ luật Hình sự có loại trừ một trường hợp không bị coi là phạm tội lây truyền HIV cho người khác trường hợp nạn nhân đã biết về tình trạng nhiễm HIV của người bị HIV và tự nguyện quan hệ tình dục. Theo đó, điều kiện để người lây truyền HIV cho người khác bị coi là phạm tội là nạn nhân không biết rằng người quan hệ tình dục với mình bị nhiễm HIV.

Hậu quả xảy ra là người khác cũng bị nhiễm HIV. Căn cứ để xác định nạn nhân có bị nhiễm bệnh hay không phải dựa vào xét nghiệm của cơ quan y tế có thẩm quyền. Nếu nạn nhân không bị nhiễm bệnh thì không cấu thành tội này. Phải làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả xảy ra. Nạn nhân bị nhiễm HIV phải do lây lan từ người phạm tội, nếu nạn nhân bị nhiễm HIV do lây lan từ nguồn lây khác thì người đó không phạm tội này.

Tội phạm hoàn thành kể từ khi hậu quả nạn nhân bị nhiễm HIV xảy ra. Trường hợp nạn nhân không bị nhiễm HIV nhưng đã có hành vi lây truyền, người phạm tội phải chịu trách nhiệm với trường hợp phạm tội chưa đạt.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội lây truyền HIV cho người khác là chủ thể đặc biệt.

Thứ nhất, họ phải là người nhiễm HIV. Họ là nguồn bệnh và có mong muốn lây lan để mọi người xung quanh cùng bị HIV giống mình. Thời điểm họ thực hiện hành vi có thể là lúc họ mới bị HIV những cũng có thể là lúc họ đã chuyển sang giai đoạn AIDS, vì biết bệnh tình đã trở nặng, khó có thể tiếp tục sống mà muốn lây bệnh cho người khác. Chủ thể của tội này có thể là một người nhưng cũng có thể là nhiều người bụ nhiễm HIV và cùng mong muốn lây lan HIV cho những người xung quanh.

Thứ hai, chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Bộ luật hình sự.

Thứ ba, chủ thể của tội phạm phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện việc lây truyền HIV cho người khác với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội hoàn toàn biết rõ mình bị HIV và mong muốn người khác cũng bị nhiễm HIV như mình. Nếu một người không biết mình bị HIV mà vô tình lây lan cho người khác thì không phạm tội này.

3. Các tình tiết định khung hình phạt cụ thể

a) Đối với 02 người trở lên.

Lây truyền HIV đối với 02 người trở lên là biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền cho từ hai người trở lên, nếu chỉ cố ý truyền HIV cho một người còn người khác là vô tình bị lây nhiễm HIV thì người phạm tội chỉ bị bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 148 Bộ luật Hình sự.

Trường hợp cố ý lây truyền HIV cho nhiều người nhưng chỉ có một người bị nhiễm còn các người khác không bị nhiễm HIV thì người phạm tội vần bị truy cứu trách nhiệm hình sự về trường hợp" đối với nhiều người". Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt Toà án có thể cân nhắc giảm nhẹ một phần hình phạt cho người phạm tội vì hành vi phạm tội của bị cáo chỉ hoàn thành đối với một người còn những người khác là phạm tội chưa đạt.

Nếu tất cả những người bị lây truyền HIV đều không bị nhiễm HIV thì người phạm tội vẫn bị truy coi là phạm tội đối với nhiều người, nhưng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội không bằng trường hợp có một người hoặc nhiều người bị nhiễm HIV và chỉ bị coi là phạm tội chưa đạt.

b) Đối với người dưới 18 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 145 của Bộ luật này.

Trường hợp phạm tội này, người bị nhiễm HIV ( người bị hại) là người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi).

Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 6 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH quy định cách xác định tuổi của nạn nhân dưới 16 tuổi như sau:

Việc xác định tuổi của người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau:

a) Giấy chứng sinh;

b) Giấy khai sinh;

c) Chứng minh nhân dân;

d) Thẻ căn cước công dân;

đ) Sổ hộ khẩu;

e) Hộ chiếu.

Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định:

a) Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.

b) Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.

c) Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.

d) Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.

Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.

c) Đối với phụ nữ mà biết là có thai.

Trường hợp này người phạm tội biết nạn nhân là phụ nữ có thai nhưng vẫn có ý lây truyền HIV cho nạn nhân. Trường hợp nạn nhân không có thai nhưng người phạm tội đinh ninh là có thai và thực hiện hành vi lây truyền HIV thì cũng bị coi là phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai. Ví dụ B bị nhiễm HIV rất căm ghét A, A có một số biểu hiện như nôn khan, thèm chua,...(một số biểu hiện của người phụ nữ mang thai) nhưng không mang thai và B nghĩ rằng A mang thai. Dù vậy, B vẫn thực hiện hành vi lây truyền HIV cho A.

d) Đối với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trực tiếp chữa bệnh cho mình.

Người bị hại trong trường hợp phạm tội này là người trực tiếp chữa bệnh cho người phạm tội họ có thể là Bác sỹ, Y sỹ, Y tá, Hộ lý hoăc nhân viên y tế khác. Nếu người phạm tội lây truyền HIV cho thầy thuốc hoặc nhân viên y tế, nhưng những người này không trực tiếp chữa bệnh cho người phạm tội thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 148 Bộ luật Hình sự.

đ) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác Điều 134 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, trường hợp phạm tội này người phạm tội không vì động cơ cản trở người thi hành công vụ mà có thể vì bất cứ động cơ nào. Tuy nhiên, nếu vì lý do công vụ của nạn nhân mà người phạm tội có ý truyền HIV cho họ thì cần xác định nạn nhân phải là người đã thi hành một công vụ và vì việc thi hành công vụ đó mà bị người phạm tội cố ý lây truyền HIV cho họ thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 148 Bộ luật Hình sự.

4. Hình phạt đối với người phạm tội lây truyền HIV cho người khác

Điều 148 Bộ luật Hình sự quy định 02 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:

- Khung hình phạt phạt tù từ 01 năm đến 03 năm đối với người nào biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người khác, trừ trường hợp nạn nhân đã biết về tình trạng nhiễm HIV của người bị HIV và tự nguyện quan hệ tình dục.

- Khung hình phạt phạt tù từ 03 năm đến 07 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đối với 02 người trở lên; đối với người dưới 18 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 145 của Bộ luật này; đối với phụ nữ mà biết là có thai; đối với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trực tiếp chữa bệnh cho mình; đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Luật Hoàng Anh

[1] http://trungtamytegovap.medinet.gov.vn/chuyen-muc/moi-nam-ca-nuoc-phat-hien-them-11000-ca-nhiem-hiv-c14393-36797.aspx, truy cập ngày 18/06/2021.

Từ khóa » Tội Lây Truyền Hiv Cho Người Khác