Tội Lừa đảo Chiếm đoạt Tài Sản Theo Pháp Luật Hình Sự Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích về cơ sở pháp lý cũng như các yếu tố cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trên cơ sở đó đưa ra những thủ đoạn mà đối tượng phạm tội này sử dụng để lừa đảo nhằm giúp cho cá nhân, tổ chức nắm được, tránh được việc mình sẽ trở thành nạn nhân của đối tượng phạm tội này.
1. Cơ sở lý luận của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Thứ nhất, căn cứ pháp lý
Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: “(1). Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; (2) Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; (3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. (4). Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. (5). Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Thứ hai, các yếu tố cấu thành của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Một là, mặt khách quan của tội phạm.
Về hành vi khách quan: (1) Hành vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà ngay lúc đó, người bị hại không biết được có hành vi gian dối; (2) Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động, bằng hình ảnh…hoặc kết hợp bằng nhiều cách thức khác nhau. Hiện nay, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm rất tinh vi, tội phạm thường thực hiện hành vi lừa đảo trên các trang mạng xã hội hoặc các trang web, sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, tội phạm sẽ cắt đứt mọi liên hệ với người bị hại và thường người bị hại không biết hoặc biết những thông tin không chính xác về tội phạm.
Do đặc điểm riêng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, không có thủ đoạn thuộc về tư tưởng, suy nghĩ của người phạm tội lại không được biểu hiện ra bên ngoài bằng hành vi, cũng chính vì thế mà khi phân tích các dấu hiệu khách quan cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản một số quan điểm cho rằng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có hai hành vi khách quan là hành vi “gian dối” và hành vi “chiếm đoạt”, nói như thế cũng không phải là không có căn cứ. Tuy nhiên, điều luật quy định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác…” nên không thể coi thủ đoạn phạm tội là một hành vi khách quan được vì thủ đoạn chính là phương thức để đạt mục đích mà biểu hiện của thủ đoạn gian dối lại bao gồm nhiều hành vi khác nhau, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể khác mà người phạm tội thực hiện hành vi đó nhằm đánh lừa người khác. Ví dụ: A nói dối với B là mẹ của A ốm phải đưa vào bệnh viện cấp cứu; B tin và đưa xe máy cho A để A đưa mẹ đi cấp cứu. A đem xe máy của B ra tiệm cầm đồ cầm cố lấy 10.000.000 đồng, sử dụng vào mục đích đánh bạc và đã thua hết. Nhưng trong một hoàn cảnh khác, A không nói dối với B là mẹ của mình bị bệnh mà lại nói dối với B là mượn xe chở bạn gái về rồi đem cầm cố lấy tiền đánh bạc. Như vậy việc người phạm tội có hành vi cụ thể nào để đánh lừa được người khác là phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và do người phạm tội lựa chọn sao cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản tin mà tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội.
Đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối của người phạm tội phải có trước hành vi chiếm đoạt và là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy trường hợp cụ thể, thủ đoạn gian dối đó có thể là hành vi che giấu tội phạm hoặc là hành vi phạm tội khác, ví dụ như tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Để lừa được chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, người phạm tội sử dụng nhiều cách khác nhau như: bằng lời nói dối, giả mạo giấy tờ, giả danh người có chức vụ quyền hạn, giả danh các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội để thông qua việc ký kết hợp đồng…Thực tế để xác định hành vi gian dối, thường căn cứ vào các chứng từ, tài liệu, giấy tờ giả (như Hợp đồng mua bán, Giấy chứng nhận sở hữu nhà, đất, giấy vay tiền…) mà đối tượng dùng để tạo niềm tin cho chủ tài sản, làm cho chủ tài sản tin để giao tài sản để xác định. Ví dụ: Trong các vụ án lừa đảo Ngân hàng, đối tượng phạm tội thường xây dựng phương án kinh doanh khống, làm giả hồ sơ tài sản thế chấp…để được vay vốn sau đó chiếm đoạt mà không có khả năng trả nợ.
Đây cũng là đặc điểm để phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Người lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng thủ đoạn gian dối gây lòng tin đối với chủ tài sản, làm chủ tài sản tin tưởng người phạm tội mà trao tài sản cho họ. Để chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội lừa đảo phải dùng thủ đoạn gian dối trước. Chính thủ đoạn gian dối là nguyên nhân làm người có tài sản tin tưởng mà trao tài sản. Người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn khác với người lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mặc dù sự chiếm đoạt tài sản có tính chất gian dối. Người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bằng cách vay, mượn, thuê, hợp đồng với chủ tài sản để chủ tài sản giao tài sản. Họ nhận được tài sản từ chủ tài sản một cách hợp pháp, ngay thẳng. Sau khi nhận được tài sản người phạm tội mới thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản ấy. Sự gian dối chiếm đoạt tài sản sảy ra sau khi nhận được tài sản nên lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là bội tín (phản bội lòng tin) của chủ tài sản. Về hậu quả: Hậu quả của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là làm thiệt hại về tài sản của người khác. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nếu hành vi gian dối bị phát hiện trước khi người bị lừa dối giao tài sản hoặc người bị lừa dối không phát hiện ra hành vi gian dối nhưng không thực hiện việc giao tài sản thì không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa giao tài sản cho mình hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận
Hậu quả của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Khoản 1 của điều luật quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. Nhưng không vì thế mà cho rằng, phải có thiệt hại về tài sản (người phạm tội chiếm đoạt được tài sản) thì mới cấu thành tội phạm.
Đối với những trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc rất lớn như ôtô, xe máy, máy tính xách tay, điện thoại đắt tiền, đồng hồ có giá trị rất lớn hoặc tài sản khác có giá trị hàng chục triệu đồng trở lên, thì dù người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản vẫn bị coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, là phạm tội trong trường hợp phạm tội chưa đạt hoặc chuẩn bị phạm tội tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Về mối quan hệ nhân quả: Cũng như những tội có cấu thành vật chất khác, hậu quả và hành vi khách quan của tội phạm có mối quan hệ nhân quả với nhau. Hậu quả thiệt hại về tài sản phải được xuất phát từ hành vi lừa dối. Nếu việc thiệt hại về tài sản từ nguyên nhân khác thì sẽ dựa vào những dấu hiệu khách quan để xác định xem có dấu hiệu của tội phạm không và được pháp luật điều chỉnh như thế nào.
Tuy nhiên, ở đây cũng nên lưu ý là cần phân biệt tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với những tội phạm có dùng thủ đoạn gian dối khác “tự nguyện” giao tài sản cho mình, còn đối với những thủ đoạn gian dối nhưng không phải do người bị hại tự động giao tài sản của mình thì phải căn cứ vào dấu hiệu khách quan để xác định tội phạm tương ứng, chẳng hạn dùng thủ đoạn cân, đong, đo, đếm gian dối nhằm ăn gian, bớt của khách hành hoặc để bán hàng giả nhằm thu lợi bất chính thì sẽ cấu thành tội lừa dối khách hành hoặc tội buôn bán hàng giả.
Hai là, mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản, bao gồm vật, tiền. Việc xâm phạm quyền sở hữu cũng thể hiện ở hành vi chiếm hữu bất hợp pháp tài sản của người khác sau khi lừa lấy được tài sản. Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như các tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, đây cũng là một điểm khác với các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, đặc điểm này được thể hiện trong cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ là tình tiết định khung hình phạt. Vì vậy, nếu sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt mà có hành vi chống trả để tẩu thoát, gây chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Ba là, mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả do hành vi của mình gây ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội có tính chất chiếm đoạt, do lỗi cố ý của chủ thể, mục đích là mong muốn chiếm đoạt được tài sản thuộc sở hữu của người bị hại. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Nếu sau khi đã có tài sản một cách hợp pháp, ngay thẳng rồi mới có ý định chiếm đoạt tài sản thì không phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy trường hợp cụ thể, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác như tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Thực tế việc chứng minh ý thức chiếm đoạt của người phạm tội thường căn cứ vào tài sản thực có, tình trạng tài chính, nhu cầu tài sản của người phạm tội kết hợp với lời khai nhận của người phạm tội như thế nào. Thông thường trước khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội bị rơi vào hoàn cảnh nợ nần do thua cờ, bạc, lô đề, kinh doanh…, không có khả năng trả nợ cho chủ nợ nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản.
Bốn là, mặt chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại điều 12 BLHS về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chủ thể của tội phạm không phải là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tức là nếu từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chỉ có người trên 16 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
2. Thực tiễn của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở nước ta
Trong những năm vừa qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở nước ta đã trở nên báo động và khá nghiêm trọng. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho Nhà nước, xã hội và công dân mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh và trật tự xã hội. Những năm vừa qua, ngành Tòa án đã đưa ra xét xử nhiều vụ đại án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều ngân hàng và nhiều cá nhân với tổng số tiền lên tới hơn 4.900 tỷ đồng; vụ án Lê Xuân Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty liên kết Việt và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt 2.000 tỷ đồng của 60.000 người; vụ Chu Minh Ngọc, Giám đốc Công ty Cimco cùng đồng bọn lập khống hồ sơ mua bán thép để hợp thức hồ sơ vay vốn lừa đảo chiếm đoạt 1.124 tỷ đồng của 7 ngân hàng; vụ Phan Bá Tòng, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 700 tỷ đồng của các ngân hàng và khách hàng; vụ Công ty Cổ phần thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo lừa đảo chiếm đoạt 178 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam có xu hướng phát triển mạnh, tăng về cả số lượng, mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại. Tình trạng mất an ninh, an toàn mạng diễn ra phổ biến ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân sử dụng máy tính. Hàng năm có hàng nghìn vụ việc tội phạm sử dụng máy tính mạng, mạng viễn thông và phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Với đặc điểm là một loại tội phạm mới, sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội thì việc nhận diện được phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này đã và đang gặp nhiều khó khăn. Thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, xảo quyệt, số vụ án về loại tội phạm này được đưa ra xét xử ngày càng tăng, đặc biệt là những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…Chỉ tính riêng thành phố Hà Nội, theo báo cáo tổng kết công tác năm 2017, lực lượng cảnh sát kinh tế – Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, điều tra 1.048 vụ án về kinh tế, 90 vụ xâm phạm sở hữu tài sản. Trong đó, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là 65 vụ (chiếm 72,22 tổng số vụ xâm phạm sở hữu tài sản), 89 đối tượng, thiệt hại tài sản 22.555 triệu đồng (Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 của Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an TP Hà Nội).
Thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thể hiện trong một số lĩnh vực như:
Thứ nhất, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng Một là, đối với đối tượng ngoài ngành ngân hàng, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường sử dụng các thủ đoạn: (1) Thế chấp khống hàng hóa với khối lượng lớn tuy thực chất chỉ có một ít hàng; lập hợp đồng kinh tế khống, hợp đồng thuê kho ba bên khống, hóa đơn VAT khống, hóa đơn VAT giả… trường hợp này thường có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng, sau khi thế chấp vay được tiền đối tượng sẽ chiếm đoạt khoản tiền đó; (2) Thế chấp ngân hàng bằng hàng hóa hình thành từ vốn vay, ngân hàng giám sát không chặt chẽ để khách hàng bán tài sản nhưng không trả nợ; (3) Lập hồ sơ, phương án kinh doanh giả, sử dụng tài sản thế chấp không thuộc quyền sở hữu của mình để móc nối vay tiền ngân hàng; (4) Lợi dụng thuê nhà, thuê đất để kinh doanh rồi dùng giấy tờ sở hữu của chủ nhà, chủ đất làm giả sang tên cho mình hoặc làm sổ đỏ giả thế chấp vay tiền ngân hàng, chiếm đoạt.
Hai là, thủ đoạn của các đối tượng là cán bộ ngân hàng: (1) Giả mạo chữ ký của lãnh đạo ngân hàng, kế toán viên, thủ quỹ để làm thủ tục chuyển tiền cho chi nhánh ngân hàng khác trong hệ thống rồi rút lại tiền; (2) Lợi dụng sơ hở, thiếu cẩn trọng trong công việc của các đồng nghiệp để lồng các chứng từ chuyển tiền giả mạo vào công văn trình ký.
Thứ hai, lừa đảo trong lĩnh vực tài chính: (1) Sử dụng những giấy tờ giả các Tổ chức quốc tế, cơ quan Nhà nước… lừa đảo các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về cho vay tín dụng; (2) Lập công ty “ma”, tổ hợp “ma” vay tiền, huy động vốn. Hiện nay xuất hiện rất nhiều những trang web lập nên nhằm mục đích lừa đảo dưới hình thức huy động tài chính đa cấp.
Thứ ba, lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán: (1)Nhận vay hộ vốn ngân hàng bằng sổ đỏ. Thực tế trong những năm qua ở một số vùng quê, các đối tượng phạm tội lợi dụng nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh của các hộ dân, đặt vấn đề vay hộ với điều kiện những người này phải đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ký các giấy ủy quyền thế chấp nhà cửa, để bảo lãnh cho chúng vay vốn. Sau khi rút được tiền của ngân hàng chúng không đưa lại tiền cho họ và cũng không trả lại sổ đỏ, chỉ sau khi hết hạn vay ngân hàng yêu cầu những người bảo lãnh phải thanh toán, họ mới biết là mình bị lừa; (2) Mang đất đã thế chấp vay vốn ngân hàng ra chia lô để bán; (3)Dùng thủ đoạn gian dối, mạo nhận quen biết với các cán bộ quan chức, người có chức vụ, quyền hạn, làm việc tại các cơ quan Nhà nước, các dự án lớn hứa hẹn và nhận tiền để “chạy”, lo thủ tục cấp phép cho dự án hoặc gây ảnh hướng với người khác rồi nhận tiền, nhưng sau đó không làm được việc như đã hứa hẹn, không hoàn trả được tiền mà chiếm đoạt hoặc bỏ trốn; (4) Các đối tượng lừa đảo lợi dụng sự thiếu hiểu biết về thông tin về dự án của các khách hàng, đưa ra thông tin sai lệch để khách hàng tin là có thật. Sau đó nhận tiền của khách hàng chiếm đoạt hoặc bỏ trốn; (5) Mạo danh nhà đầu tư thứ cấp của các công ty bất động sản lớn để kêu gọi đầu tư, rao bán nhà và lừa gạt khách hàng; (6) Làm giả giấy tờ, tài liệu, các quyết định giao đất của các cơ quan như: UBND thành phố, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Quy hoạch kiến trúc lập dự án “ma” rồi tổ chức huy động vốn hoặc lừa bán căn hộ, nhà “trên giấy” chiếm đoạt tài sản; (7) Làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc làm giả bộ hồ sơ, hợp đồng góp vốn, mua căn hộ, nhà đất của một chủ đầu tư dự án có thật để thu tiền, chiếm đoạt rồi bỏ trốn.
Thứ tư, lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động: (1) Thông qua việc môi giới lao động, tổ chức đưa lao động đi nước ngoài; (2) Lợi dụng quy định của Luật Doanh nghiệp đăng ký thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn với chức năng xúc tiến việc làm tạo vỏ bọc để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; (3) Móc nối, mua chuộc một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn, núp bóng dưới danh nghĩa các cơ quan nhà nước, các trung tâm quốc tế có chức năng xuất khẩu lao động để lừa đảo; (4) Thành lập công ty “ma” sử dụng con dấu giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân có nhu cầu muốn đi lao động ở nước ngoài; (5) Quảng bá xuất khẩu lao động sai với sự thật, dùng hình thức đi du lịch trong thời gian ngắn hoặc sử dụng visa, thẻ thuyền viên giả để đưa người lao động ra nước ngoài để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ; (6) Tuyển lao động vào công ty hứa sẽ cho đi xuất khẩu lao động, nhưng thực chất chỉ là đi thăm quan, giới thiệu sản phẩm, tham gia dự triển lãm ở nước ngoài, sau đó bỏ mặc họ tự tìm việc ở nước ngoài để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; (7) Móc nối với một số phần tử xấu ở nước ngoài để xây dựng “kịch bản” đưa người xuất khẩu lao động ra nước ngoài chiếm đoạt tài sản.
Thứ năm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua tin nhắn rác và mạng xã hội facebook, zalo.
Lợi dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, mạng internet, mạng viễn thông đưa ra thông tin trúng thưởng để lừa đảo, như: gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng đến các số điện thoại, gửi các đường link thông báo trúng thưởng đến các tài khoản trong trang mạng xã hội (facebook, zalo, skype, viber…), các website game. Nội dung tin nhắn thông báo trúng thưởng có hình thức phổ biến như: Thông báo bạn đã trúng thưởng giải nhất của chương trình sự kiện vàng tri ân khách hàng facebook gồm 01 xe máy SH, 01 Phiếu quà tặng trị giá 350.000.000 đồng (ba trăm năm mươi triệu đồng), 01 phiếu sử dụng xăng miễn phí 01 năm của Petrolimex do Tập đoàn Messenger và Honda đồng tài trợ. Hoàn thiện hồ sơ truy cập vào web http://www.traogiaithang11.com) và liên lạc với số điện thoại.
Khi có người click vào đường link thông báo trúng thưởng này sẽ được hướng dẫn cách thức nhận thưởng gồm: Đăng nhập tài khoản của mình tại đây thì sẽ bị đối tượng chiếm quyền quản trị (hack) tài khoản, thông báo nộp tiền phí nhận thưởng bằng cách nạp thẻ cào điện thoại hoặc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.
Thứ sáu, lừa đảo lừa đảo thông qua hình thức Vishing
Đây là thủ đoạn phạm tội mới, đối tượng thường sử dụng dịch vụ gọi điện qua Internet (VOIP – Voice over Internet Protocol) hoặc sử dụng sim rác để che giấu danh tính, giả danh những người có thẩm quyền, gọi đến nạn nhân thông báo nội dung liên quan đến tài chính của họ, từ đó đưa ra yêu cầu nạn nhân phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tiền vào một tài khoản do đối tượng cố định.
Thực tế cho thấy, các đối tượng phần lớn là người nước ngoài thường là những ổ nhóm người Việt Nam, câu kết với một số đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, khi nhập cảnh vào Việt Nam thường chọn địa bàn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phố lớn thuê nhà, thuê đường truyền Internet tốc độ cao, bằng công cụ kỹ thuật chuyển cuộc gọi, các đối tượng thực hiện việc gọi điện đến các thuê bao cố định hoặc di động, giả danh cơ quan công an hoặc nhân viên tổng đài chăm sóc khách hàng. Sau khi lấy được lòng tin của người dân, các đối tượng tiếp tục giả danh là người đại diện của các cơ quan bảo vệ pháp luật như Công an, Viện kiểm sát muốn kiểm tra xem số dư tài khoản ngân hàng của nạn nhân có phải phi pháp hay không và liên tục đe dọa, trấn áp tinh thần của nạn nhân và cuối cùng, chúng yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền vào tài khoản của các cơ quan bảo vệ pháp luật hoặc cơ quan tài chính nhà nước để giám định kiểm tra.
Thứ bảy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo mô hình kinh doanh đa cấp – đa cấp tiền ảo
Với thủ đoạn này, những nhà đầu tư bị dụ dỗ đầu tư vào những kế hoạch lừa đảo với những lời hứa sau khi đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, thực chất không hề có sự đầu tư nào được gọi là công ty đầu tư, mà chính là những nhà đầu tư trước sẽ nhận được lợi nhuận từ tiền của những nhà đầu tư sau. Nhưng khi hệ thống này đổ bể, những nhà đầu tư không hề nhận được phần chia cho mình như lời hứa, và mất cả số vốn đầu tư ban đầu. Đây là thủ đoạn lừa đảo rất phổ biến trên mạng Internet tại Việt Nam trong thời gian gần đây: Có thể kể đến vụ Colony Invest, vụ công ty cổ phần đào tạo trực tuyến MB24 và công ty CPTM Cộng Đồng Việt lợi dụng việc bán gian hàng ảo trên mạng Internet lừa đảo chiếm đoạt số tiền lần lượt là 700 tỷ đồng và 400 tỷ đồng, hay gần đây nhất là vụ việc lừa đảo đa cấp tiền đảo Ifan và Pincoin với tổng số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt lên tới 15.000 tỷ đồng. Thủ đoạn của hình thức lừa đảo trên đó là huy động vốn đa cấp, lấy tiền của người dưới thưởng cho người trên, không có phát sinh lãi, không kinh doanh. Theo kiemsat.vn
Tài liệu tham khảo 1. Xem, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; 2. Xem, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự hiện hành (Sửa đổi, bổ sung năm 2017), TS Nguyễn Đức Mai, NXB Chính trị quốc gia sự thật; 3. Xem, ThS Lê Quang Thắng “Nguyên nhân và giải pháp hạn chế mức độ ẩn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Tạp chí Kiểm sát số 14/2018; 4. Xem, ThS Lê Quang Thắng “Những thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn Hà Nội và các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa”, Tạp chí Tòa án điện tử; 5. Xem, Nguyễn Thị Xuân Thu “Nhận diện một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao”, Tạp chí Cảnh sát nhân dân, 2018.
Ths ĐOÀN NGOC HẢI
Từ khóa » Những Phá Lừa đảo Của Người Nước Ngoài
-
Cảnh Báo Thủ đoạn: "Người Nước Ngoài" Lừa Tình, Lừa Tiền Qua Mạng
-
Cảnh Giác Với Thủ đoạn Lừa đảo Bằng Hình Thức Gửi Tiền, Quà Từ ...
-
Nhiều Phụ Nữ Sập Bẫy “người Tình Ngoại Quốc”, Bị Lừa Hàng Chục Tỷ ...
-
Những Chiêu Trò Lừa đảo Khi Du Lịch Nước Ngoài - Công An Nhân Dân
-
Nhiều Phụ Nữ Việt Nam Bị Người Nước Ngoài Lừa Tình, Lừa Tiền
-
Bị Lừa đảo Khi đồng ý Nhận Quà Tặng Của Người Lạ Từ Nước Ngoài Gửi ...
-
Nhận Diện Một Số Thủ đoạn Lừa đảo Chiếm đoạt Tài Sản Qua Mạng Xã ...
-
Cảnh Giác Với Thủ đoạn Lừa Nhận Tiền, Quà Từ Nước Ngoài
-
Băng Nhóm Cấu Kết Người Nước Ngoài Lừa đảo Tình, Tiền Nhiều Phụ ...
-
Triệt Phá đường Dây Lừa đảo Hàng Tỷ đồng Của Phụ Nữ Qua Mạng
-
Bắt Nhóm Lừa đảo Bằng Thủ đoạn 'tạo Email Gần Giống' Do Người ...
-
Bắt Một Người Nước Ngoài Lừa đảo Gần Cả Tỉ đồng Của Phụ Nữ Nhẹ Dạ
-
Cảnh Giác Với Vấn Nạn Lừa đảo Công Nghệ Cao - Báo Kinh Tế đô Thị
-
Lừa đảo Qua Mạng: Tố Cáo ở đâu? Số điện Thoại Báo Lừa đảo?