Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh – Nguyễn Nhật Ánh - Con Học Giỏi

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được xem là một trong những tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm được dựng thành phim vào năm 2015 do Victor Vũ làm đạo diễn, thu hút rất nhiều khán giả. Mặc dù vậy, phim ảnh cũng không thể truyền tải hết cái hay của tác phẩm. Nếu được cầm quyển sách này trong tay thì chắc hẳn độc giả sẽ có được những cảm xúc thật đặc biệt, điều mà phim ảnh chưa thể hiện được.

Đến với tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” người đọc sẽ được đắm chìm trong khung cảnh tuyệt đẹp của làng quê Việt Nam, cùng nhớ lại những kí ức tuổi thơ ngọt ngào và cả những rung động của tình yêu đầu đời. Nguyễn Nhật Ánh đã làm xao xuyến tâm hồn biết bao thế hệ độc giả bằng những ngôn từ bình dị, không trau chuốt.

Nội dung truyện nói về những đứa trẻ ở một làng quê Việt Nam nghèo khó. Thiều, Tường và Mận là những đứa trẻ cùng lớn lên bên nhau, cùng trải qua những biến cố của cuộc đời. Theo Nguyễn Nhật Ánh, đây là lần đầu tiên ông đưa vào truyện của mình nhân vật phản diện, đặt ra vấn đề đạo đức trong xã hội, ranh giới giữa thiện và ác.

Mục lục

  • Có một nhân vật Thiều “rất khác”
  • Gia đình luôn là nơi ấm áp nhất
  • Tình yêu đầu đời như nụ hoa chớm nở
  • Lời kết cho cuốn sách “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”

Có một nhân vật Thiều “rất khác”

Không giống như những nhân vật trước đây của Nguyễn Nhật Ánh, Thiều ở tác phẩm này mang tính cách hoàn toàn khác. Có thể thấy ở cuốn sách “Mắt biếc” là một anh chàng Ngạn giàu tình yêu với làng “Đo Đo”, ôm mối tình si với Hà Lan. Còn trong “Còn chút gì để nhớ” là cậu thanh niên Chương chung tình, giàu ước mơ và hoài bão. Thiều lần này không có những tính cách đó mà ngược lại có đôi phần “ích kỉ”. Thiều có một cậu em trai là Tường, và rất hay “đố kị” với em.

Nguyễn Nhật Ánh đã mạnh dạn đưa vào tác phẩm tuyến nhân vật phản diện, không phải để người đọc nhận xét đúng sai mà là để rút ra những bài học giá trị về cuộc sống. Ở độ tuổi “mới lớn”, chắc hẳn không ít độc giả đã từng trải qua cảm giác giống Thiều: vui buồn, giận hờn, thương cảm, hối hận… Bạn đọc như sống lại những năm tháng của tuổi thiếu niên, cái tuổi mà chúng ta thích thể hiện, thích được làm “người lớn”, và rồi cảm xúc chợt ùa về, lật từng trang sách mà cảm giác bồi hồi xao xuyến.

Nét “xấu tính” của Thiều bộc lộ khi chứng kiến cảnh Tường và Mận thân thiết với nhau. Tường có nuôi một con Cóc tía dưới gầm giường và đặt tên là “Cu Cậu”. Khi bị ông Năm Ve phát hiện, Thiều đã không lên tiếng mà còn “tiếp tay” cho ông Năm bởi vì còn nhớ đến chuyện cũ ngày trước:

“Nhớ đến cảnh Tường và con Mận ngày nào cũng xúm xít bên nhau trước gầm giường chơi với con Cu Cậu hàng buổi, máu nóng bỗng dồn lên mặt khiến đầu tôi phừng phừng.”

Rồi một hôm, khi về đế nhà, nghe tiếng của Tường và Mận nói chuyện sau bếp “Chị ăn thêm một miếng nữa đi. Cái đùi gà này, em dành cho chị đó”. Lúc này, cơn giận dữ của Thièu đã lên đến đỉnh điểm, Thiều xông vào nhà như con bò điên.

“Hoàn toàn mất trí, thoáng thấy thằng Tường và con Mận đang ngồi cạnh nhau bên bàn ăn, tôi với lấy cây gậy đánh chó ba tôi vẫn dựng trên vách, phang tới tấp vào lưng thằng Tường.”

Và kết quả là Tường phải nằm trên giường một thời gian dài mới đi lại được. Những tưởng Tường sẽ giận anh hai, sẽ mách chuyện với ba mẹ, nhưng không, Tường còn dặn anh đừng nói với ba mẹ là mình bị anh hai đánh. Sau sự việc đó, Thiều hối hận vô cùng, cảm thấy thương em trai hơn và tận tình chăm sóc, mong em khỏi bệnh.

Tuổi mới lớn được xem là độ tuổi “khó bảo”. Thiều là hiện thân cho cái tuổi ấy, có đôi chút bồng bột và ngông cuồng. Nhưng điều đáng mừng là Thiều đã nhận ra lỗi sai của mình và sửa chữa kịp thời.

Gia đình luôn là nơi ấm áp nhất

Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn con người. Ai cũng có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để quay về. Câu chuyện gia đình trong tác phẩm được thể hiện ở ba tuyến nhân vật khác nhau, đó là gia đình của Thiều, Mận và bác Tám Tàng.

Cha của Thiều được dân làng yêu mến nhưng hay nổi nóng và đánh đòn hai anh em. Mẹ Thiều luôn tỏ ra dịu dàng với các con nhưng cũng hay trách mắng khi con làm điều sai quấy. Và Thiều có một đứa em trai giàu tình yêu thương, luôn nhường nhịn anh hai của mình. Mận thì có một người cha bị bệnh, mất tích trong đám cháy. Tuy nhiên, Mận vẫn luôn tin là cha mình còn sống và cùng mẹ đi tìm cha. Còn bác Tám Tàng, hàng xóm của Thiều, là một người cha rất yêu con gái, Khi bé Nhi – con gái bác, có chút vấn đề về thần kinh thì người cha ấy sẵn sàng làm mọi thứ để con vui, chẳng hạn như đóng vai một đức vua trong truyện cổ tích…

Có thể thấy, mỗi gia đình một hoàn cảnh nhưng đều có điểm chung là tràn ngập tình yêu thương. Cho dù có đi bất cứ đâu, thì gia đình vẫn là nơi yên bình nhất, luôn dang rộng vòng tay đón ta bất cứ lúc nào ta cần.

Tình yêu đầu đời như nụ hoa chớm nở

Mạch cảm xúc nhẹ nhàng cùng tình cảm trong sáng Thiều dành cho Mận, người đọc như quay về thời tuổi trẻ, cái thời mà ai cũng có những rung động đầu đời. Tình cảm của Thiều không phải là sự day dứt, tiếc nuối mà là nụ hoa vừa chớm nở. Cảm giác “thích” một ai đó thật lạ, sự bối rối xen lẫn những ghen tuông, giận hờn. Tình yêu đầu “trong veo” như giọt sương ban sớm, luôn chứa đựng những cảm xúc chân thật nhất.

Khi biết mình thích Mận, mỗi lần có bài tập mới, vừa giải xong là Thiều chạy qua nhà Mận ngay: “Tao giải xong rồi nè. Mày chép đi!”. Sự nhiệt tình của Thiều đã làm Mận nghi ngờ “Sao dạo này bạn tốt với mình thế?”. Câu nói đó làm Thiều ấp úng, không thốt nên lời nhưng lại thấy vui trong lòng. Ngày qua ngày, quan hệ của Thiều và Mận càng thân thiết hơn. Một hôm, Khi đang chơi ở nhà Thiều thì có người báo nhà Mận bị cháy. Khi sự việc xảy ra, ba Mận mất tích, mẹ Mận thì bị người ta bắt về điều tra, Mận bơ vơ không ai nương tựa. Chính lúc này, Thiều đã thể hiện bản lĩnh “anh hùng” của mình khi qua nhà Mận ngủ và trông nhà giúp Mận. Và vì thế, Thiều có cơ hội để “ngắm nhìn” Mận lúc ngủ say “Tôi nhìn đôi mắt nhắm nghiền của nó, thấy vẫn còn vài giọt lệ chưa khô còn hoen trên má. Chắc hôm qua, nó khóc suốt đêm.”

Rung động đầu đời luôn đem đến cho người ta những cảm xúc khó tả. Tác giả đã đưa người đọc quay về thời niên thiếu ngây ngô, bướng bỉnh nhưng cũng rất “dịu dàng” khi biết mình thích ai đó. Truyện không nhấn mạnh nhiều về tình yêu đôi lứa nhưng cũng đủ khiến cho độc giả phải cười “tủm tỉm” mỗi khi đọc tác phẩm.

Lời kết cho cuốn sách “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”

Cảm xúc đọng lại sau khi kết thúc tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có lẽ là sự trân quý tình cảm của những người dân nơi vùng quê Phú Yên nghèo khó (quê tui). Dù bây giờ tôi là một chàng trai trưởng thành và sinh sống trên mảnh đất Sài thành nhưng tôi vẫn không bao giờ quên được hình bóng quê nhà, với tôi mà nói “Quê hương như bầu sữa mẹ nuôi lớn tui, dõi theo từng bước chân của tôi”. Tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm và cả tình cảm tuổi mới lớn, tất cả được tác giả thể hiện thật tài tình qua tác phẩm.

Đọc truyện để thêm yêu quê hương, yêu gia đình và yêu thời “tuổi trẻ” của mình. Truyện đã giúp ta có cái nhìn sâu sắc về cuộc đời, về những lỗi lầm của bản thân qua nhân vật Thiều “xấu tính”. Chắc hẳn ai cũng có những phần “không tốt” trong tính cách của mình, nhưng biết nhận ra nó và hoàn thiện bản thân thì đó là điều đáng quý. Đây chắc hẳn là một tác phẩm đáng để đọc và suy ngẫm, dành cho những độc giả yêu sách, yêu văn của Nguyễn Nhật Ánh.

Blog con học giỏi xin cám ơn các bạn đã đọc bài review và ủng hộ blog nhaaaa :)))

Xem giá sách tại đây

Bài review được cung cấp bới Ctv Hoàng Dung

  • Xem thêm: Hoàng tử bé và những giá trị về cuộc sống tại đây.

Từ khóa » Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh Sách Review