Tội Tổ Chức, Môi Giới Cho Người Khác Xuất Cảnh ... - Luật Hoàng Anh
1. Căn cứ pháp lý
Điều 348 Chương XXII Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép như sau:
“Điều 348. Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10 người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
2. Dấu hiệu pháp lý của tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
2.1. Khách thể của tội phạm
Điều 348 Bộ luật Hình sự quy định 02 tội phạm riêng biệt là tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh và tội tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.
Tổ chức, mô giới người khác xuất, nhập cảnh trái phép là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy người khác đi qua biên giới Việt Nam trái phép.
Tổ chức, mô giới người khác ở lại Việt Nam trái phép là hành vi chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy người khác ở lại Việt Nam trái quy định của pháp luật Việt Nam.
Như vậy, khách thể của tội phạm là hoạt động quản lý hành chính về lĩnh vực xuất cảnh, cư trú của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội phạm gồm hành vi tổ chức, hành vi mô giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và hành vi tổ chức, mô giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.
Tổ chức là chủ mưu, cầm đầu, vạch kế hoạch cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép,
Mô giới là hành vi giới thiệu, làm chung gian giữa người xuất, nhập cảnh trái phép; người ở lại Việt Nam trái phép với người tổ chức việc xuất nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép.
Theo quy định của công văn 1557/VKSTC-V1 của Viện Kiểm sát Tối cao về việc hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng các điều 347, 348 và 349 Bộ luật Hình sự, hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự là vì động cơ vụ lợi mà tổ chức, môi giới cho người khác từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép chỉ với mục đích đưa người khác qua biên giới. Ví dụ: A được trả tiền để dẫn 03 người qua đường mòn khu vực biên giới Việt Nam sang Trung Quốc.
Điều 348 Bộ luật Hình sự quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau (tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép). Trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội độc lập mà mỗi hành vi đều cấu thành một tội độc lập thì xử lý về nhiều tội. Ví dụ: A tổ chức cho B xuất cảnh trái phép, sau đó A lại tổ chức cho B nhập cảnh trái phép, thì A bị xử lý về 02 tội là tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép và tội tổ chứ cho người khác nhập cảnh trái phép.
Trường hợp người phạm tội có mục đích cho người khác ở lại Việt Nam trái phép nên đã tổ chức cho người đó nhập cảnh trái phép để ở lại Việt Nam (hành vi tổ chức nhập cảnh trái phép là điều kiện để thực hiện hành vi tổ chức ở lại Việt Nam trái phép), thì xem xét xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”. Ví dụ 2: C có mục đích cho E ở lại Việt Nam trái phép nên đã tổ chức cho E nhập cảnh trái phép để E ở lại Việt Nam, thì C bị xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” theo Điều 348 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp đưa dẫn người nhập cảnh trái phép đi sâu vào nội địa Việt Nam, thì tùy từng vụ việc cụ thể để đánh giá, phân loại, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp người được thuê biết trước việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã thoả thuận hoặc tiếp nhận ý chí của người tổ chức, môi giới, đưa dẫn người vào sâu trong nội địa Việt Nam, thì xử lý về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép” với vai trò đồng phạm. Trường hợp biết rõ người khác đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã đưa dẫn người đó vào sâu trong nội địa Việt Nam để lưu trú, tìm việc làm, thì xem xét xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.
Hậu quả của tội phạm không phải dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm hành vi khách quan xảy ra.
2.3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt. Bất kì ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Họ có thể là người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch.
Ngoài ra, chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
2.4. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hậu quả của tội phạm dù muốn hay không mong muốn nhưng vẫn thực hiện hành vi khách quan đó.
Yếu tố “vụ lợi” quy định tại khoản 1 Điều 348 Bộ luật Hình sự là động cơ người phạm tội nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng cho mình hoặc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Qua thực tiễn thấy, động cơ của người phạm tội chủ yếu vì lợi ích vật chất; trường hợp người phạm tội vì lợi ích phi vật chất thì cần phải chứng minh rõ lợi ích phi vật chất đó để bảo đảm việc buộc tội có căn cứ.
3. Hình phạt đối với người phạm tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép
Điều 348 Bộ luật Hình sự quy định 04 Khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:
- Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với từ 05 người đến 10 người;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết người.
- Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Vụ án xét xử về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép
Bản án số 30/2021/HS-ST ngày 20 -7 -2021 “V/v xét xử bị cáo Nguyễn Văn D, Bị cáo Hồ Văn R phạm tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” của Tòa án nhân dân.[1]
Khoảng đầu tháng 01/2021, Trần Văn Th, Võ Văn S, Võ Văn N, Phạm Ngọc Th, Hồ Xuân Th (đều trú tại: Xã D, huyện D, tỉnh Nghệ An) và Nguyễn Văn Th, trú tại: Xã Ng, huyện Ngh, tỉnh Nghệ An đang lao động tại Viêng Chăn, Lào có nhu cầu về Việt Nam nhưng không muốn bị cách ly, nên đã bàn bạc với nhau tìm cách nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Ngày 04/01/2021, Trần Văn Th liên hệ với Nguyễn Văn D, sinh năm 1981, trú tại: Xã D, huyện D, tỉnh Nghệ An đặt vấn đề đưa 06 người nhập cảnh trái phép về Việt Nam thì được D đồng ý và thống nhất với giá 6.000.000 đồng/01 người, rồi hẹn gặp ở huyện Sê Pôn, Lào. Trước đó, bị cáo D từng gặp Hồ Văn R, sinh năm 1978, trú tại: Xã Th, huyện H, tỉnh Quảng Trị hỏi về việc đưa người nhập cảnh trái phép thì được R đồng ý, nên D gọi điện cho bị cáo R hẹn 18 giờ ngày 05/01/2021 đưa 06 người nhập cảnh trái phép từ bờ sông Sê Pôn, Lào về Việt Nam và thống nhất tiền công 400.000 Kíp Lào/01 người.
Sáng ngày 05/01/2021, Trần Văn Th, Võ Văn S, Võ Văn N, Phạm Ngọc Th, Hồ Xuân Th và Nguyễn Văn Th đến huyện Sê Pôn, Lào thì được bị cáo D đón và thuê khách sạn nghỉ lại. Khoảng 16 giờ cùng ngày, D thuê 02 người Lào và dẫn 06 người đi trên hai xe ô tô bán tải về khu vực biên giới thuộc bản Đenvilay, Lào rồi đi bộ xuống bờ sông Sê Pôn. Trên đường đi, Th đưa cho D 14.300.000 Kíp Lào tiền chi phí. Khoảng 18 giờ cùng ngày, khi đến bờ sông, D gọi điện thoại cho bị cáo Hồ Văn R chèo đò từ bờ sông Việt Nam sang bờ phía bên Lào để đón 06 đối tượng trên, bị cáo D đưa cho R 2.550.000 Kip Lào rồi quay về. R chèo đò chở lần lượt mỗi lần 03 người sang bờ sông Việt Nam, rồi dẫn 06 người lên đường nhựa cách đó 100 mét đứng đợi và đi lấy xe mô tô.
Lúc này, Hồ Ai T, sinh năm 1992, trú tại: Thôn Th, xã Th, huyện H gọi điện thoại cho R rủ đi ăn uống thì R nhờ T chở giúp 03 người ra ngã ba T, huyện H, thì T đồng ý và yêu cầu tiền công 200.000 đồng. Sau đó, R điều khiển xe mô tô BKS 43D1-227.84 chở N, Th, Th đi trước, còn T điều khiển xe mô tô BKS 75U1-8429 chở Th, S, Th đi sau.
Khi đến km 0 + 450 đường 586 thuộc địa phận thôn L, xã T, huyện H thì T cùng Th, S, Th bị lực lượng Biên phòng phát hiện mời về làm việc, còn R chở N, Th, Thg ra Quốc lộ 9 gần nhà nghỉ L thuộc xã T, huyện H để bắt xe về thành phố Đ.
Ngày 14/01/2021, bị cáo Nguyễn Văn D bị Công an huyện T, tỉnh Salavan, Lào bắt giữ về hành vi tổ chức đưa người Việt Nam xuất cảnh sang Lào trái phép, tạm trú trái phép, cư trú quá hạn, kinh doanh lao động trái phép tại Lào, sau đó chuyển D cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay, Việt Nam để giải quyết. Quá trình làm việc, các bị cáo đều thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, không những xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh ở biên giới Việt Nam, mà còn xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, làm giảm hiệu quả và hiệu lực quản lý hành chính Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh ở Việt Nam.
Như vậy, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị quyết định tuyên bố Bị cáo Nguyễn Văn D, Bị cáo Hồ Văn R phạm tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”.
Xử phạt Bị cáo Nguyễn Văn D 30 (Ba mươi) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng tính từ ngày tuyên án.
Xử phạt Bị cáo Hồ Văn R 20 (Hai mươi) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam (ngày 06/01/2021).
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Bộ luật Hình sự
Luật Hoàng Anh
[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta771320t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 25/09/2021.
Từ khóa » Tội 348
-
Tội Tổ Chức, Môi Giới Cho Người Khác Xuất Cảnh, Nhập Cảnh Hoặc ở ...
-
Phân Tích Điều 348 Bộ Luật Hình Sự 2015
-
“Tội Tổ Chức, Môi Giới Cho Người Khác Xuất Cảnh, Nhập Cảnh Hoặc ở ...
-
Hướng Dẫn Nghiệp Vụ áp Dụng Các điều 347, 348 Và 349 Bộ Luật ...
-
Tội Tổ Chức, Môi Giới Cho Người Khác Xuất Cảnh ... - Tạp Chí Tòa án
-
Hoàn Thiện Quy định Tội Tổ Chức, Môi Giới Cho Người Khác Xuất Cảnh ...
-
Điều 348 Bộ Luật Hình Sự Quy định Tội Tổ Chức, Môi Giới Cho Người ...
-
Bắt Giam đối Tượng Tổ Chức Cho Người Khác ở Lại Việt Nam Trái Phép
-
Tội Tổ Chức, Môi Giới Cho Người Khác Xuất ... - Ngân Hàng Pháp Luật
-
Xử Lý Nghiêm Hành Vi đưa Người Khác Nhập Cảnh Trái Phép Vào Việt ...
-
Đưa Người Nước Ngoài Nhập Cảnh Trái Phép Vào Việt Nam Bị Phạt ...
-
Công Văn 1557/VKSNDTC-V1 Hướng Dẫn áp Dụng Điều 347, 348 ...
-
Phân Biệt Hành Vi Môi Giới Cho Người Khác Xuất Cảnh Trái Phép Và ...
-
Tội Môi Giới Cho Người Khác Xuất Cảnh, Nhập Cảnh Trái Phép Theo Bộ ...