Tôi Và Yugi-oh - Hiệp Sĩ Bão Táp

Lần đầu tôi biết đến Yugi-oh là qua bộ manga cùng tên được xuất bản ở Việt Nam với cái tên rất là “oách xà lách”: Vua Trò Chơi. Hồi bé mà, thấy cái gì liên quan đến “trò chơi” là mê tít, dù rằng đọc không hiểu lắm luật của trò “bài ma thuật” này ra sao, nhưng tôi vẫn thích mê nó, bởi vì một lẽ đơn giản: nhìn nó đẹp! Thế rồi dần dần tự động tôi ghi nhớ những cái tên của những lá bài khủng, nào là “Phù thủy áo đen”, “Rồng trắng mắt xanh” hay “Thần sức mạnh”, vân vân và mây mây. Với một thằng nhóc 10 tuổi thì thế giới của Yugi-oh là một thế giới đẹp ơi là đẹp, rồi khi tôi được tặng một bộ bài Yugi-oh (tất nhiên toàn là bài fake thôi) thì đến khi ấy, tôi mới thực sự chơi và bước chân vào thế giới Yugi-oh.

Thực ra thì lúc ban đầu tôi chả có ai chơi cùng, vì đám bạn bè cùng xóm đâu có biết cái trò “bài ma thuật” này chơi ra làm sao đâu, mà nói thật thì, chính bản thân tôi lúc ấy cũng đã biết gì về luật chơi đâu cơ chứ. Thêm nữa là những dòng chữ tiếng Anh dài ngoằng được viết ở mỗi lá bài, với một thằng nhóc 10 tuổi thì đấy quả là một cơn ác mộng. Ừ thì cũng đọc được một số từ ngữ cơ bản, nhưng những thuật ngữ của trò chơi thì hoàn toàn mù tịt, chả hiểu cái quái gì cả. Vậy chơi ra làm sao khi vừa không có ai chơi cùng, lại vừa mù luật, vốn hiểu biết về trò chơi gần như bằng 0?

À, đấy là lúc trí tưởng tượng được vận dụng tối đa. Không biết luật chơi? Mò lại những trang truyện đã đọc để xem các nhân vật chơi ra làm sao, triệu hồi lá bài này lá bài nọ, rồi bài cạm bẫy, phép thuật, đủ thứ rồi bắt chước. Không có ai chơi cùng? “Phân thân” ra mà chơi chứ sao! Nghĩa là bắt chước các vị hiền nhân thời xưa đánh cờ, tự mình phân làm hai người đánh với nhau, ở trong trường hợp của tôi là chia bộ bài làm hai và… tự một mình ngồi chơi. Đương nhiên là cách chơi này rất mau chán, Yugi-oh là board game, mà chơi board game một mình thì vui thế nào được? Thêm nữa là vì chả rõ luật chơi nên cứ chơi hú họa, bắt chước trong truyện nên… chả ra cái quái gì cả, nói chung là rất mau chán.

Nhưng rồi sau đó lên cấp hai, may thay, lớp tôi cũng có một số người biết đến Yugi-oh, thế là như bắt được vàng, cả lũ quây lại rồi bắt đầu cãi nhau chí chóe vì hóa ra… cũng chẳng thằng nào biết hết luật. Nói chung là mỗi đứa một kiểu, thằng bảo thế này, thằng bảo thế nọ rồi quay ra cãi nhau liên hồi, “Ê mày, lá này năng lực nó thế này cơ mà”, “Mày điên à, tao đọc truyện thấy khác mà”, “Hai thằng im hết, theo tao nó là thế này”, “Ơ đm, rõ ràng nó thế này”,… Cãi nhau hàng tá trận, chơi thế nào mới là đúng, năng lực lá bài này thế nào, triệu hồi lá bài này ra sao, nói chung đủ thứ chuyện được một đám nhóc 11 tuổi lôi ra cãi nhau, ấy thế nhưng vui. Rồi chúng tôi cùng nhau thỏa thuận nên chơi thế nào cho đỡ cãi nhau, điển hình là cứ mỗi ván thì nghe theo một thằng cho công bằng! Và rồi dần dần chúng tôi tìm hiểu nhiều hơn về Yugi-oh, vốn tiếng Anh khá hơn, chúng tôi bắt đầu hiểu được luật chính xác, chúng tôi bắt đầu hiểu được năng lực của từng lá bài, những ván chơi bắt đầu quy củ hơn vì theo đúng luật, chúng tôi bắt đầu build cho mình một bộ bài riêng theo đúng phong cách.

Tôi còn nhớ hồi ấy tôi đã build tương đối nhiều bộ, thực ra thằng nào cũng thế, nhưng ai cũng có cho mình một bộ chủ lực. Với tôi, là bộ bài Ninja với chủ lực là những con rồng. Một đứa bạn của tôi thì chơi Lightsworn, cũng chủ lực là rồng, một đứa khác thì chơi Spellcaster, những pháp sư, đứa khác thì chơi Elemental Hero và Destiny Hero, các anh hùng. Tôi thích Ninja, dù đó là một bộ bài không hề mạnh, và số lần tôi thua thì luôn nhiều hơn thắng, nhưng cứ kệ, tôi thích Ninja, tôi thích những bậc thầy về Ninjutsu, tôi thích cái cách Ninja thoắt ẩn thoắt hiện, tôi thích cái combo Ninjutsu hóa Rồng của bộ bài Ninja, vì thế tôi chơi Ninja, dù nếu chuyển sang một bộ bài khác thì chắc chắn tỷ lệ thắng sẽ cao hơn. Nhưng không, tôi vẫn chọn Ninja và luyện chơi sao cho thành thục nhất, và dần dần số trận thắng nhiều lên.

Bốn năm cấp hai có lẽ là khoảng thời gian tôi vui nhất với Ninja, với Yugi-oh, chúng tôi chơi gần như hàng ngày, cứ rảnh là lôi bài ra đấu. Về nhà thì lên mạng đấu với nhau trên Duelingnetwork. Cứ thế và cứ thế, Ninja đấu với Spellcaster, 2 thắng 3 thua, Ninja đấu với Lightsworn, 1 thắng 3 thua, Ninja đấu với Elemental Hero, 2 thắng 2 thua, Ninja đấu với Six Samurai, 3 thắng 2 thua. Lặp đi lặp lại như thế, và tôi vẫn cứ chơi, vẫn cứ dùng Ninja, vẫn thua nhiều hơn thắng. Nhưng rồi, cũng có nhiều thứ khác, nhiều thú vui khác, đám bạn bắt đầu quay sang chơi các web game, Vua Pháp Thuật, Gunny, Võ Lâm Chi Mộng, rồi thì chúng tôi bắt đầu xem anime, xem phim. Có quá nhiều thứ để vui, để chơi, hơn là ngồi đăm chiêu với mấy lá bài.

Tôi cũng thế, cũng chơi Gunny, cũng chơi game nhiều hơn, cũng xem anime, thậm chí là xem và chơi nhiều ấy chứ. Chúng tôi không còn chơi Yugi-oh nhiều, nhưng tôi và vài người bạn thân vẫn yêu nó, vẫn luôn giành cho Yugi-oh một khoảng thời gian nhất định. Rồi dần dần game online hay anime cũng phai nhạt phần nào với tôi, và chúng tôi lại quay lại với Yugi-oh, nhưng không còn những cuộc cãi nhau chí chóe nữa, thay vào đó là những cuộc bàn luận về những bộ bài mới, những chiến thuật mới, những cách chơi mới đến quên cả thời gian. Càng tìm hiểu sâu hơn về Yugi-oh, chúng tôi càng thích, càng yêu nó. Tôi đã nghĩ có lẽ mình sẽ tiếp tục chơi Yugi-oh đến khi 80 tuổi mất!

Nhưng mà, đâu có thứ gì tồn tại vẹn nguyên mãi mãi, tình yêu với Yugi-oh cũng thế. Nó cứ dần dần phai nhạt trong tôi, mà tôi không hiểu vì sao. Đó có thể là do lên cấp ba, tôi không còn học chung trường với những người bạn cùng yêu Yugi-oh nữa. Đó có thể là do tôi tìm được tình yêu với những thứ khác – game offline, Star Wars, The Lord of the Rings. Mà đó cũng có thể là do Yugi-oh đã thay đổi nhiều rồi. Không còn gặp nhau nhiều, những ván bài Yugi-oh cũng dần biến mất, chỉ đôi khi cuối tuần, chúng tôi hẹn nhau chơi một vài ván, vui là chính. Rồi đứa bạn hỏi tôi, rằng mày có còn yêu Yugi-oh nữa không, mày có còn chơi nhiều nữa không, tôi nghĩ một lát, rồi nói, tao vẫn yêu Yugi-oh, nhưng tao yêu Yugi-oh của ngày xưa, còn Yugi-oh bây giờ, khác quá rồi. Ngày xưa chúng tôi vui vẻ với Fusion summon, với Synchro summon, với Xyz summon, nhưng bây giờ Yugi-oh đã quá khác biệt rồi, Pendulum summon, Link summon và thay đổi gần như hoàn toàn cách chơi. Và thế rồi dần dần Yugi-oh bước ra khỏi cuộc sống của tôi.

Rồi tôi lên đại học, nhiều thời gian rảnh, và tôi thoáng nghĩ, hay là mình quay lại với Yugi-oh? Tôi dành một buổi chiều ngồi xem lại luật mới của Yugi-oh, những banlist tôi bỏ lỡ, những chiến thuật mới, những meta deck mới, tôi muốn xem Ninja của tôi giờ ở đâu. Hóa ra, Ninja vẫn mãi là một bộ bài dạng khá, không mạnh cũng chả yếu, nhưng giờ Ninja của tôi không thể chen chân vào giữa thế giới Yugi-oh nữa rồi, cũng như tôi chẳng thể nào một lần nữa thực sự chơi lại Yugi-oh. Hơn một năm không chơi không phải là lý do chính, nếu thực sự cần, tôi có thể bỏ ra ba tháng để làm quen lại, nhưng tôi chọn không, bởi vì dù muốn hay không, tình yêu của tôi với Yugi-oh đã phai đi rồi, dù không hề muốn, nhưng nó vẫn cứ phai dần đi.

Tôi và Yugi-oh, đã gặp nhau lúc mười tuổi, đã cùng nhau đi qua những năm tháng cấp hai, cấp ba đầy sóng gió. Tôi nhớ về những ngày mơ mộng trở thành một Duelist chuyên nghiệp, tôi nhớ về những ngày nghiền ngẫm chiến thuật đến quên ngủ, tôi nhớ về những ngày chúng tôi say mê chơi Yugi-oh đến quên cả bài vở, có sao đâu, vì những ngày ấy, trong tôi chỉ có Yugi-oh. Nếu được, tôi muốn một lần quay lại những ngày xưa ấy, những ngày tôi bỡ ngỡ với Yugi-oh, những trận cãi nhau không hồi kết với lũ bạn, “Ê mày, lá này năng lực nó thế này cơ mà”, “Mày điên à, tao đọc truyện thấy khác mà”, “Hai thằng im hết, theo tao nó là thế này”, “Ơ đm, rõ ràng nó thế này”,…

Những ngày đó, tôi cùng các Ninja của mình, xông vào trận chiến với các phù thủy quyền năng, với những con rồng to lớn, với những anh hùng mạnh mẽ…

Từ khóa » Build Bộ Bài Elemental Hero Yugi H5