Tôm Sinh Thái - Xu Thế Tất Yếu – Tạp Chí Thủy Sản Việt Nam

Lợi ích kép

Nuôi tôm sinh thái ở Việt Nam được biết đến chủ yếu là mô hình nuôi tôm – rừng và nuôi tôm – lúa, tập trung chính tại các tỉnh ĐBSCL. Nuôi tôm rừng dù xuất hiện lâu đời nhưng các mô hình trên chỉ thật sự định hình và phát triển kể từ năm 1995. Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng xuất phát từ xã Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Đây là vùng rừng ngập mặn ven biển, xứ sở của các loài cây đước, mắm, sú, vẹt mọc thành rừng, chằng chịt nhiều kênh rạch, ngọn xẻo. Nước thủy triều từ biển vào hàng ngày rồi rút ra, đem đến cho kênh, rạch, xẻo ngọn những phiêu sinh vật tự nhiên nuôi lớn cá, tôm thiên nhiên và để lại trên mặt đất một lượng phù sa lớn màu mỡ. Lượng phù sa ấy ngày càng dày lên, giữ gìn hệ cây rừng trầm thủy tự nhiên thêm chắc chắn và phát triển không ngừng để làm chỗ trú ngụ cho các sinh vật tự nhiên sinh sôi nảy nở. Vào thời điểm đó, một số hộ nông dân được lâm trường cấp cho một diện tích mặt nước và rừng khoảng 4 – 5 ha để nuôi tôm sinh thái. Người đăng ký nuôi tôm sinh thái phải chọn mua con giống thật tốt ở những đơn vị sản xuất tôm giống uy tín, có địa chỉ rõ ràng và được kiểm định nghiêm ngặt. Tôm được thả nuôi trên diện tích mặt nước có độ che phủ của rừng tự nhiên đạt 50% diện tích. Chỉ cần nguồn nước thủy triều tự nhiên, không nhiễm bẩn, con tôm tự kiếm ăn trong nước tự nhiên; nước thủy triều ra vào hàng ngày đủ mang thức ăn đến cho chúng.

Được công nhận là tôm sinh thái tiếp theo phải kể đến mô hình tôm – lúa. Vào mùa khô, khi đất bị nhiễm mặn, người dân tranh thủ cho nước ra, vào theo thủy triều để thu tôm, cá tự nhiên theo hình thức quảng canh, sau đó rửa mặn và trồng lại lúa vào mùa mưa. Mô hình tôm – lúa đã xuất hiện từ trước năm 1975, tập trung ở các vùng đất ven sông, kênh, rạch của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).

Ảnh: Stock

Nuôi tôm sinh thái được nhiều cái lợi. Về mặt kinh tế, tôm sinh thái cho sản lượng ít hơn tôm nuôi công nghiệp nhưng người nuôi không tốn tiền thức ăn, tiền thuốc, giá bán tôm lại cao nên thu nhập khá ổn định. Đặc biệt, nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng là hành động tích cực giữ rừng, trồng cây, giữ đất. Những vuông tôm sinh thái với tỷ lệ tán rừng 50% góp phần giảm năng lượng của sóng biển, chống xói mòn từ sóng và dòng chảy của biển tác động vào nội địa.

Diện tích tăng mạnh

Khi môi trường ngày càng thay đổi, nắng nóng, độ mặn tăng cao, tôm nuôi thất vụ xảy ra thường xuyên đối với những hộ dân sinh sống dưới tán rừng đước. Nhưng với mô hình nuôi tôm sinh thái đã mở hướng kinh tế cho nhiều nông dân. Năng suất tôm nuôi ổn định, tình trạng trắng tay của nông dân được giảm đáng kể.

Cà Mau là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển nuôi tôm nói chung và đặc biệt là phát triển các diện tích nuôi tôm sinh thái. Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển đánh giá, với ưu thế của mô hình tôm sinh thái nên thời gian qua người dân mở rộng diện tích. Cụ thể, năm 2017 diện tích nuôi tôm sinh thái chỉ có 6.678 ha với 1.260 hộ tham gia, nhưng đến đầu năm 2021 đã phát triển hơn 19.400 ha với 4.313 hộ, trong đó được chứng nhận 9.980 ha/1.977 hộ. Năng suất tôm sinh thái tăng rõ rệt. Cụ thể năm 2017 bình quân năng suất nuôi tôm sinh thái là 180 kg/ha/năm, năm 2020 năng suất 230 kg/ha/năm, những tháng đầu năm 2021 nhiều diện tích nuôi tôm sinh thái trúng vụ đạt từ 230 – 250 kg/ha. Đến nay, huyện Ngọc Hiển xây dựng được 3 xã trọng điểm về nuôi tôm sinh thái: Viên An Ðông, Viên An và Ðất Mũi. Ðặc biệt, tại xã Viên An Ðông, 500 hộ nuôi tôm sinh thái đầu tiên đã đạt chuẩn xanh của tổ chức Seafood Watch (Mỹ). Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp chế biến thủy sản tham gia phát triển nuôi tôm sinh thái, đồng thời xây dựng 2 trạm thu mua tôm sinh thái tại xã Viên An Ðông và Tam Giang Tây, tạo điều kiện thuận lợi đầu ra cho người nuôi.

Lựa chọn của tương lai

Trong khi nuôi tôm ngày một khó khăn hơn do môi trường nuôi ngày một ô nhiễm, những chất thải trong quá trình nuôi tôm chưa được xử lý triệt để, tình trạng các lô tôm xuất khẩu còn phát hiện dư lượng hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép… thì nuôi tôm theo hình thức sinh thái là một giải pháp cần được quan tâm hơn cả. Bởi, tôm sinh thái có nhiều ưu việt từ chất lượng sản phẩm đến vấn đề bảo vệ môi trường và nhất là được nhiều thị trường ưa chuộng.

Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia (Bangladesh, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Philippines) có cung cấp sản phẩm tôm sú cho thị trường thế giới. Sản phẩm tôm sinh thái đang được bán cho những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật Bản hay các nước EU. Giá bán của tôm sinh thái thường gấp đôi hoặc gấp ba lần so với giá tôm nuôi bằng thức ăn công nghiệp thông thường.

Với những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu, con tôm sinh thái đang từng bước khẳng định vị trí của mình, các doanh nghiệp đang ráo riết sản xuất tôm sạch, tôm được cấp chứng nhận. Do đó, nhà nước nên quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận cũng như xây dựng vùng nuôi bền vững để con tôm sinh thái giữ vững uy tín. Đó cũng là cách nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người dân thiết thực nhất.

Lê Loan

Từ khóa » Tôm Sú Sinh Thái