Tôm Sông Đà - ăn để Nhớ Phiêng Lanh

San tôm vào lồng trước khi lên xe về xuôi - Ảnh: Đức Hùng

Khi Sông Đà dừng lại tạo thành một lòng hồ mênh mang bát ngát ở Quỳnh Nhai, thì người Thái lại bắt đầu lại công cuộc mưu sinh mới bên dòng sông Mẹ đã gắn bó với dòng tộc, làng xóm tự ngàn đời. Nhiều hộ gia đình di vén ngay hai bên bờ sông, nơi nhưng cái tên Chiềng Ơn, Mường Giàng đã dần đi vào quỹ đạo mới, bến thuyền Phiêng Lanh lại trở thành nơi tấp nập giao thương.

Từ phía Than Uyên, chúng tôi theo quốc lộ 279 huyền thoại thuở nào đi về Pá Uôn, cây cầu vươn mình trong nắng bắc trên dòng sông tây bắc. Tiếng bạn trên điện thoại giục giã, đến ngã ba vào trung tâm thị xã Quỳnh Nhai mới, bạn đang chờ ăn trưa.

Nhiều trong chúng tôi hôm đó, lần đầu gặp anh bạn dưới xuôi đã bị bỏ bùa bởi một cô gái Thái và quê hương Quỳnh Nhai, nên đã gắn bó với miền đất này như ruột thịt. Bữa trưa đã được đặt, cũng cơm gà, cá sông, nhưng anh bạn chỉ vào đĩa tôm rang chủ quán vừa đưa lên mâm, và bảo: “Đây mới là đặc sản”.

Đĩa tôm nhìn quá dân dã. Những con tôm bé như đầu ngón tay út bọn trẻ con vẫn còn đầu đuôi, tất nhiên râu tóc đã được cắt gọn nằm tú hụ trên đĩa làm tôi liên tưởng đến bữa cơm trưa quê nhà.

Bằng mắt thường cũng nhận ra món tôm được rang với xả băm nhỏ, một chút đường két lại trên những vụn đồ ăn, rồi được rắc lên trên một dúm lá chanh thái nhỏ. Giản dị như món tôm đồng mẹ vẫn hay rang ở nhà.

Mặc dù còn nguyên vỏ áo tôm nhưng lớp vỏ này không hề cứng mà lại khá mềm, đượm gia vị dầu, mắm với chút thơm của xả, cay của ớt, ngọt của đường, lại thêm chút hương chanh, thịt tôm vừa đậm đà vừa săn chắc nên thành ra tốn cơm đến thế.

Hỏi nguồn tôm thì chợt à lên một tiếng khi anh bạn bảo, đây là tôm tự nhiên sống trên lòng hồ sông Đà, được bà con đánh bắt và đang là nguồn kinh tế quan trọng cho nhiều hộ gia đình nơi này. Rồi anh bảo, cứ ăn cho ngon đi, chiều thuê thuyền dạo lòng hồ sẽ tha hồ khám phá.

Gánh tôm sông Đà lấp lánh trong nắng chiều - Ảnh: Thủy OCG
Giỏ đánh tôm chất đầy mái thuyền trên bến Phiêng Lanh - Ảnh: Đức Hùng

Bến thuyền Phiêng Lanh giữa chiều không quá đông, nhưng không khí vội vã, tấp nập vẫn hiển hiện rõ nét trên những gương mặt người. Một chiếc xe tải đông lạnh đang chờ tiếp hàng, chính là những giỏ tôm hồ sông Đà tươi rói chúng tôi vừa ăn trong bữa trưa.

Ngay phía trong bến thuyền là những lồng thủy sản “tạm”, gọi như thế vì đây là nơi để lưu giữ thủy sản sông Đà sau khi được đánh bắt về và trước khi được đưa lên xe ô tô vận chuyển đi khắp mọi miền Tổ quốc.

Bạn tôi nói, tôm hồ sông Đà vừa ngon vừa rẻ, lại tươi sạch nên là nguồn nguyên liệu được nhiều thương lái thu mua để mang về xuôi bán.

Mùa tích nước hồ cũng là mùa tôm vào vụ chính, rọ tôm theo thuyền nhỏ được đặt khắp lòng hồ. Mồi nhử tôm được làm từ sắn khô, trấu, cá tép nghiền vụn, đun đặc rồi nặn thành viên, có thể dùng hàng tuần.

Dưới bến, một nhóm người đang xúc tôm từ lồng tạm cho vào một chiếc giỏ lớn quang gánh lên bờ, nước vẫn còn chảy tràn trong nắng chiều lấp lánh. Từ chiếc giỏ lớn này, một nhóm người sẽ san tôm vào từng chiếc giỏ sắt nhỏ, có lưới bao, miệng gút lại bằng sợi dây rút, xếp chồng lên nhau tăm tắp trong thùng xe đông lạnh.

Thấy tôi ngây người đứng xem, người thanh niên đang chăm chú san tôm dừng lại cười hớn hở rồi hỏi tôi có mua tôm về làm quà không.

Món tôm rang sông Đà - Ảnh: Thủy OCG

Chiều sông Đà đầy gió và nắng trời. Những âm thanh cuộc sống rẻo vui, có thể chưa đủ đầy nhưng sao mà ấm áp.

Chúng tôi xuống thuyền ngược lòng hồ qua gầm cây cầu thương nhớ Pá Uôn của đồng bào Tây Bắc, đôi lúc dùng ống kính tê lê để ngắm dăm ba chiếc thuyền nhỏ đang gỡ giỏ tôm hay đánh cá lúc chiều buông.

Đôi lúc lại gặp một thuyền máy ngược chiều, mái tôn sứt mẻ chất đầy giỏ bắt tôm chậm chạp về bến.

Đi núi ăn thủy sản - đi biển ăn thịt gia súc gia cầm có vẻ hơi đi ngược quy luật. Nhưng chẳng phải, trên núi vẫn có món cá suối chiên giòn hấp dẫn đó sao.

Và hôm nay, có một món ăn mới trên rừng, khiến người ta phải nhớ về sông Đà, về Quỳnh Nhai, về Phiêng Lanh, về một vùng lòng hồ thênh thang nơi dòng sông dừng lại.

Từ khóa » Tôm Sông đà