Tóm Tắt Bài Chí Phèo Ngắn Nhất - Ngữ Văn Lớp 11 - Haylamdo

Tóm tắt bài Chí Phèo ngắn nhất ❮ Bài trước Bài sau ❯

Tóm tắt bài Chí Phèo

Với các mẫu Tóm tắt bài Chí Phèo hay, ngắn gọn nhất sẽ giúp học sinh nắm được nội dung chính của các tác phẩm qua đó dễ dàng soạn văn lớp 11 hơn.

Tóm tắt bài Chí Phèo ngắn nhất - Ngữ văn lớp 11

A/ Nội dung bài Chí Phèo

Tác phẩm Chí Phèo là một tác phẩm xuất sắc của nhà văn Nam Cao nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Đây là một truyện ngắn không chỉ đem lại giá trị nội dung vô cùng sâu sắc, mà giá trị nghệ thuật của nó cũng là một đề tài vô cùng hay trong chương trình Ngữ văn lớp 11 cần ghi nhớ.

B/ 5 mẫu Tóm tắt bài Chí Phèo

Tóm tắt bài Chí Phèo - mẫu 1

Chí Phèo là một đứa trẻ bị bỏ hoang trong một lò gạch cũ và được nhặt về nuôi. Khi lớn lên Chí Phèo đi ở hết nhà này nhà khác để nuôi thân. Đến năm 20 tuổi, hắn làm canh điền cho nhà Bá Kiến và tấm bi kịch cuộc đời hắn từ diễn ra từ đây. Vì Bá Kiến ghen nên hắn bị giải lên huyện và bị bắt bỏ tù. Hắn ở tù bảy tám năm, sau khi trở về, hắn xuất hiện với bộ dạng khác hẳn ngày xưa với nhiều hình xăm trên mình. Hắn lúc nào cũng say và cứ say là hắn lại đến nhà Bá Kiến để chửi bới, rạch mặt ăn vạ. Bá Kiến đã biến Chí Phèo thành kẻ tay sai chuyên đâm thuê chém mướn cho lão. Trong tình trạng luôn say mèm, ai cho tiền sai gì hắn cũng làm, hắn trở thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại luôn làm những trò tác quái phá làng, phá xóm, khiến người dân ai ai cũng khiếp sợ. Cuộc đời hắn không lúc nào tỉnh. Vào một đêm trăng, Phèo say thì gặp Thị Nở. Đêm đó, họ ăn nằm với nhau. Phèo nửa đêm đau bụng, nôn mửa, sáng hôm sau, Thị cho hắn một bát cháo hành. Cũng từ đó hắn khao khát trở về cuộc sống lương thiện và được sống cùng Thị Nở. Nhưng một lần nữa hắn bị đạp xuống vực vì bà cô của Thị không đồng ý. Chí Phèo tuyệt vọng, lại uống và lại xách dao ra đi, vừa đi hắn vừa chửi rủa sự đời. Hắn cầm dao đến nhà Bá Kiến đòi trả lương thiện cho hắn. Hắn đâm chết Bá Kiến rồi tự tử. Thị Nở nghe tin hắn chết nhìn xuống bụng và nghĩ đến lò gạch.

Tóm tắt bài Chí Phèo - mẫu 2

Ở làng Vũ Đại có thằng Chí Phèo nổi tiếng là hay ăn vạ, đi đâm thuê chém mướn cho nhà Bá Kiến, ngày nào cũng chửi làng phá xóm. Chả là trước kia hắn bị mẹ bỏ rơi ở cái lò gạch cũ, được dân làng thay nhau nuôi. Cho đến năm 18 tuổi đi làm thuê cho nhà bá Kiến nhưng vì vợ hắn cứ gọi Chí lên xoa đầu, bóp vai nên Bá Kiến ghen bắt Chí Phèo phải đi tù. Cuộc đời Chí rơi vào đau thương từ đây. Khi Chí trở về, hắn trở thành một con người hoàn toàn khác, cầm dao và vỏ chai đến nhà bá Kiến - kẻ đã tống hắn vào tù - ăn vạ. Ông Bá xoa dịu hắn bằng bữa rượu và mấy đồng bạc, Chí ngoan ngoãn đi về và từ đó trở thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Nhưng Chí vẫn là một con người, khi gặp Thị Nở vào một đêm trăng, hắn và Thị đã âu yếm nhau. Thị cho hắn tình thương khiến hắn muốn trở lại làm người. Nhưng Thị cũng dập tắt mọi hy vọng khi bà cô của Thị một mực không đồng ý cho tình cảm của hai người. Chẳng còn ai trên đời này quan tâm đến mình, yêu thương mình, cuộc đời thì đi vào lầm lỗi, sa ngã nên Chí đã đến nhà Bá Kiến kêu lên: "Ai cho tao lương thiện?" Chí giết chết Bá Kiến và kết liễu cuộc đời mình. Thị lúc này chỉ nhìn xuống bụng và nghĩ về cái lò gạch - nơi Chí Phèo được người ta tìm thấy mang về nuôi.

Tóm tắt bài Chí Phèo - mẫu 3

Chí Phèo vốn sinh ra là một người không cha không mẹ được dân làng Vũ Đại truyền tay nhau nuôi nấng. Lớn lên Chí trở thành một anh canh điền khỏe mạnh làm việc cho nhà Bá Kiến. Vốn tính hay ghen Bá kiến đã đẩy Chí vào tù. Bảy tám năm sau khi ở tù trở về Chí bỗng trở thành một kẻ lưu manh hóa, sống bằng nghề rạch mặt ăn vạ khiến cả làng xa lánh, không ai thừa nhận sự xuất hiện của Chí. Chí Phèo trở về và một lần nữa trở thành công cụ tay sai cho Bá Kiến để đổi lấy tiền uống rượu. Chí Phèo gặp Thị Nở và hai người ăn nằm với nhau. Chí được Thị chăm sóc, bát cháo hành cùng những cử chỉ của Thị đã làm sống dậy khát vọng sống hoàn lương của Chí. Chí hy vọng rằng Thị sẽ là cầu nối để Chí có thể trở về với đời sống lương thiện. Thế nhưng Bà cô Thị Nở lại ngăn cản Thị Nở đến với Chí. Bị Thị Nở cự tuyệt, Chí Phèo bèn xách dao đi với mục đích ban đầu là đâm chết con khọm già nhà Thị nhưng sau lại rẽ vào nhà Bá Kiến đòi lương thiện. Chí Phèo đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình.

Tóm tắt bài Chí Phèo - mẫu 4

Bảy tám năm sau khi bị đẩy vào tù, Chí Phèo đến ăn vạ nhà Bá Kiến. Bá Kiến dùng sự khôn khéo đã khiến CP trở thành tay sai. Trong một đêm say, Chí Phèo gặp và ăn nằm với Thị Nở. Hắn bị ốm, Thị Nở chăm sóc, khi hắn có mong ước hoàn lương thì Thị Nở lại khước từ. Hắn cầm dao đến nhà Thị Nở nhưng giữa đường lại rẽ vào nhà và giết Bá Kiến rồi tự kết liễu mạng sống.

Tóm tắt bài Chí Phèo - mẫu 5

Chí Phèo vốn không cha không mẹ, được dân làng truyền tay nhau nuôi lớn. Rồi đến làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Bá Kiến ghen tuông nên đã đẩy anh vào tù. Bảy tám năm sau, Chí ra tù và trở về làng với bộ dạng của một tên lưu manh. Hắn chuyên uống rượu, rạch mặt ăn vạ. Cả làng lánh xa hắn, Chí bị Bá Kiến lợi dụng thành công cụ cho hắn. Chí gặp Thị Nở, hai người ăn nằm với nhau. Chí tỉnh rượu rồi ốm, được Thị Nở chăm sóc. Bát cháo hành và những cử chỉ chân thật của Thị Nở đã làm sống dậy khát vọng sống cuộc đời lương thiện của Chí. Nhưng bà cô Thị Nở ngăn cấm. Chí tuyệt vọng khi bị Thị Nở từ chối. Anh xách dao đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện. Anh đâm chết Bá Kiến và tự vẫn.

C/ Hoàn cảnh sáng tác và Giá trị

- Hoàn cảnh sáng tác: Lúc đầu truyện có tên là “Cái lò gạch cũ”, khi in sách lần đầu, nhà xuất bản tự ý đổi tên là “Đôi lứa xứng đôi”. Sau khi in lại trong tập “Luống cày”, tác giả đặt tên là “Chí Phèo”.

- Giá trị nội dung:

+ Qua truyện ngắn Nam Cao đã khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám: một bộ phận nông dân lương thiện bị đẩy và tình trạng lưu manh hóa.

+ Nhà văn đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo tàn phá cả thể xác tâm hồn của người nông dân lương thiện đồng thời khẳng định bản chất lương thiện ngay trong khi họ bị vùi dập mất cả nhân hình lẫn nhân tính.

+ Chí Phèo là tác phẩm có giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc.

- Giá trị nghệ thuật: 

+ Nghệ thuật điển hình hoá nhân vật.

+ Nghệ thuật miêu tả tâm lí tài tình.

+ Nghệ thuật trần thuật, kết cấu mới mẻ, linh hoạt, phóng túng.

+ Ngôn ngữ, giọng điệu sinh động.

+ Cốt truyện độc đáo, các tình tiết giàu kịch tính.

Từ khóa » Tóm Tắt Truyện Chí Phèo Lớp 11