Tóm Tắt Nhân Vật A Phủ (xuất Thân, Lai Lịch, Tính Cách, Cuộc Sống)

Mục lục nội dung Sơ đồ tóm tắt nhân vật A PhủTìm hiểu chi tiết nhân vật A Phủ

Sơ đồ tóm tắt nhân vật A Phủ

Tóm tắt nhân vật A Phủ (xuất thân, lai lịch, tính cách, cuộc sống)

Tìm hiểu chi tiết nhân vật A Phủ

1. Xuất thân – lai lịch:

- A Phủ mồ côi cha mẹ từ sớm, không có nơi nương tựa, A Phủ phải tự đi làm thuê làm mướn để nuôi sống mình.

- Anh mang trong mình nhiều phẩm chất tốt đẹp, đáng quý:

+ Chăm chỉ, khéo léo, là người giàu khả năng lao động: anh biết đúc lưỡi cày, biết làm cuốc, đi cày rất khoẻ và săn bò tót giỏi; là một người khoẻ mạnh, chạy nhanh như ngựa. Điều đó khiến A Phủ có rất nhiều người con gái ước ao: “Đứa nào được A Phủ cũng bằng có được con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy lúc mà giàu”. Nhưng anh không có cách nào vượt qua được phép làng và tục lệ cưới xin rất nặng nề ở đây. A Phủ không có cha mẹ, không có ruộng nương, không có nhiều bạc, lại suốt đời đi làm thuê nên anh không thể nào có nổi vợ

+ Là một người phóng khoáng, gan bướng, yêu cuộc sống tự do, yêu đời: ngay từ thuở nhỏ, A Phủ mồ côi, người làng A Phủ đói bụng bắt bán đổi lấy thóc của người Thái ở dưới cánh đồng nhưng A Phủ không chịu ở đó, anh đã tìm cách trốn lên núi cao, sống lưu lạc đến Hồng Ngài… A Phủ không có nhà cửa, tiền bạc, anh chỉ có độc một cái vòng vía (vòng trừ tà ma, tránh tai hoạ, bệnh tật – theo mê tín) lằn trên cổ nhưng mùa xuân đến anh cứ cùng trai làng đem sáo, khèn, con quay, quả pao, quả yến đi kiếm người yêu trong các làng trong rừng.

- Là con người không bao giờ  sợ hãi trước cường quyền, bạo lực. Trong cuộc vui xuân của anh và bạn bè, A Sử đã đến phá đám vui, A Phủ biết kẻ đó là con nhà quan  nhưng anh vẫn ra tay đánh, vẫn phải trừng trị kẻ xấu, kẻ gây rối. A Phủ đã ném một con quay gỗ rất to vào mặt A Sử, anh còn nắm cái vòng bạc ở cổ A Sử – cái vòng khẳng định vị trí của A Sử - kéo dập đầu xuống, xé vai áo, đánh tới tấp. Cũng chính vì thế mà A Phủ phải chịu kiếp đoạ đày cùng cực trong nhà thống lí Pá Tra.

2. Cuộc sống của A Phủ trong nhà thống lí Pá Tra.

- Sau việc đánh con quan làng, A Phủ đã nhận lấy những trận đòn kinh người của nhà Thống Lý, A Phủ dù bị đánh đập nhưng không hề kêu van xin tha đến nửa lời. Anh rất cứng đầu, mạnh bạo và không chịu khuất phục. Anh phải chịu một cảnh xử kiện quái gở ở nhà thống lí.

+ có đến mấy chục người hút thuốc phiện, hút suốt từ trưa cho đến hết đêm, “khói thuốc phiện tuôn ra các lỗ cửa sổ tun hút xanh như khói bếp”, “khói thuốc phiện ngào ngạt tuôn ra các lỗ cửa sổ” sau một lượt hút lại môt lượt A Phủ bị đánh rất tàn nhẫn, mặt A Phủ sưng lên, môi và đuôi mắt dập chảy máu. “Cứ như thế, suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút”. Nhà văn Tô Hoài đã dùng những câu văn rất chân thực để miêu tả lại cảnh xử kiện độc đáo ấy, có đến vài lần nhà văn nhắc đến hình ảnh khói thuốc phiện tuôn ra các lỗ cửa sổ, ông còn sử dụng những câu văn mang tính chất liệt kê và phép lặp cú pháp để nhấn mạnh tính chất dã man của cường quyền trong nhà Pá Tra đối với người dân ở miền núi Tây Bắc thời kì phong kiến thực dân thống trị.

+ Người phát đơn kiện cũng là người ngồi trên ghế quan toà xử kiện, xử tội A Phủ nên không còn công lí cho A Phủ. Lí do mà  cha con thống lí phạt vạ A Phủ không phải vì cuộc va chạm, ẩu đả  thường tình của đám thanh niên trong những cuộc chơi mà là do A Phủ “đã đánh con quan làng”, đáng lẽ A Phủ phải bị xử tội chết nhưng làng đã xử cho anh được sống để anh nộp vạ. A Phủ đã phải chịu nợ một trăm đồng bạc trắng. A Phủ mồ côi cha mẹ, A Phủ nghèo không có trăm bạc trắng nên anh phải chịu làm con ở không công cho nhà thống lí Pá Tra. Pháp luật ở trong tay của kẻ thống trị, kẻ bóc lột nên một chàng trai khoẻ mạnh, phóng khoáng, yêu đời đã phải đem cuộc đời mình để trả nợ phạt vạ cho nhà thống lí Pá Tra – chỉ vì một lẽ côngbằng đơn giản đám thanh niên trong những ngày tết.

- Bị phạt vạ, A Phủ thành người ở không công quần quật với hàng núi công việc:

+ Vừa ra khỏi cảnh xử kiện, vì phải quỳ và bị đánh suốt từ trưa cho đến hết đêm, thân thể đầy thương tích đã phải đi mổ lợn hầu “các quan làng”, hầu những kẻ ép mình vào vòng nô lệ.

+ Đốt rừng, cày nương, vỡ nương, săn bò tót, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa, quanh năm một thân một mình  rong ruổi ngoài gò ngoài rừng, có những khi đói rừng, hổ gấu thường tìm đến các đàn trâu bò dê ngựa, A Phủ phải ở lều luôn hàng tháng trong rừng. Nhưng anh không hề nói lại nửa lời mà chấp nhận vì bọn chúa đất đày đọa, áp bức nhân dân quá trơ trẽn. A Phủ chấp nhận cũng vì chính A Phủ cũng không có gia đình, có nhà, hơn nữa, anh đã gây nên tội thì cũng phải chịu phạt

- Khi hổ vồ mất bò, A Phủ nhất quyết cãi lại lời Thống Lý, quyết tâm đi bắt hổ. Nhưng cuối cùng anh đành phải tự tay đóng cọc và lấy một cuộn dây mây để người ta trói mình. Ở trong nhà thống lí Pá Tra, sinh mạng anh đúng là đã bị coi thường, anh phải thế mạng cho một con bò đã bị hổ ăn thịt – Pá Tra đã nói với A Phủ: “Tao trói mày ở chỗ kia. Bao giờ chúng nó bắt được con hổ về thì tao cho mày khỏi chết. Nếu không được hổ thì tao cho mày đứng chết ở đấy”. Đau khổ cùng cực, suốt mấy ngày bị trói đứng như thế, đói rét và có thể chỉ “đêm mai” là A Phủ chết “chết đau, chết đói, chết rét, phải chết”. Một người mang trong mình bao nhiêu sức mạnh, sự gan góc và dũng mãnh, tự do như người nguyên thuỷ, có lúc lẫn cả vào núi rừng Tây Bắc nguyên sơ, lẫn vào muông thú, thế mà mất hết sức phản kháng, phải chờ chết bên cái cọc tự tay mình đóng ấy. Giọt nước mắt trên hõm má đã xám đen lại của anh là giọt nước mắt của sự đắng cay, sự cô độc, bất lực và tuyệt vọng.

3. Nhưng ở A Phủ cũng có một sức phản kháng mạnh mẽ: sức sống ấy được nuôi dưỡng từ quãng đời thơ ấu cay cực trong kiếp mồ côi và lớn dần lên từng ngày tháng cùng cuộc sống bất định của anh. Cuộc sống trong nhà thống lí vô vàn cực khổ nhưng cũng đã có lúc anh quên mất thân phận của mình, có những lúc anh vẫn sống như quãng đời tự do. Anh đi chăn bò và phải ở luôn ngoài rừng nhưng anh vẫn say mê bẫy nhím bẫy chim như thuở nào. Anh chịu đánh trong lúc xử kiện vì anh gây ra tội nhưng khi anh đánh mất bò thì anh sẵn sàng muốn lấy công chuộc tôi và anh tin rằng mình sẽ bắt được con hổ - con hổ còn giá trị hơn con bò rất nhiều lần. Bị trói từ chân đến vai nhưng đêm đến anh đã cúi xuốn nhay đứt hai vòng dây mây, anh tìm cách để tự giải thoát mình. Và khi được Mị cứu, lúc ấy anh đã kiệt sức,  vì mấy ngày bị trói, bị đói khát, đau đớn. Nhưng vì cái chết sẽ có thể đến ngay, anh đã quật sức vùng dậy chạy để thoát khỏi xiềng xích nhà thống lí, thoát khỏi cuộc đời nô lệ. Hơn nữa, anh còn đồng ý cho Mị đi cùng. Thực chất, anh còn cứu được cả Mị khỏi kiếp nô lệ ở Hồng Ngài. Khát vọng, sức sống từ người phụ nữ cùng cảnh ngộ đã thổi bùng trở lại sức sống và khát vọng tự do nơi người con trai mang bản chất tốt đẹp này. Điều này đã vượt khỏi suy nghĩ và sự tính toán của cha con thống lí, của những tên cáo già trong giai cấp thống trị.

- A Phủ cũng đã vượt quãng đường khá dài để đến được vùng đất Phiềng Sa. Ở đây, anh cũng như nhiều người dân khác phải chịu cuộc sống vô cùng khổ cực do sự áp bức của bọn thực dân phong kiến nhưng khi gặp được cán bộ cách mạng, anh nhanh chóng trở thành một người cách mạng, một đội trưởng du kích dũng cảm, là người tiêu biểu cho khả năng cách mạng lớn lao của người dân miền núi Tây Bắc.

4. Đánh giá

- Nếu Mị là kiểu nhân vật tâm lí thì A Phủ lại là nhân vật hành động táo bạo, quyết liệt.

- Khi miêu tả A Phủ, nhà văn phối hợp vừa tả vừa kể, lựa chọn và nhấn mạnh các chi tiết cụ thể, ấn tượng để khắc họa những đặc điểm, tính cách nhân vật.

- Cùng với Mị, A Phủ đã góp phần hoàn thiện chân dung con người miền núi Tây Bắc: Số phận đau thương nhưng giàu sức sống, tình cảm và khát vọng. A Phủ đã có được Tô Hoài thể hiện trong cả một quá trình: Từ một cậu bé mồ côi lưu lạc đến một thanh niên khoẻ mạnh, từ một người tự do bỗng chốc trở thành con ở trừ nợ trong nhà thống lí phải sống kiếp ngựa trâu, từ một người còn xa lạ, chưa hiểu gì về cách mạng đến được giacs ngộ tình thần cách mạng và trở thành một đội trưởng du kích dũng cảm. Quãng đời ấy của A Phủ cho thấy tội ác của giai cấp thống trị nhưng cũng minh chứng cho khả năng cách mạng và con đường đấu tranh vươn tới cuộc sống tự do, tươi sáng của người lao động miền núi Tây Bắc.

5. Kết luận: Khi miêu tả nhân vật A Phủ, nhà văn miêu tả qua những hành động khi bị đánh đập, để thấy được sức sống kiên cường của anh. Số phận của nhân vật A Phủ cũng giống như số phận của Mị và của bao người dân miền núi khác. Họ đã phải luôn đấu tranh giành lại hạnh phúc, họ đã phải trải qua bao tủi cực, cay đắng. Nhưng họ đã đấu tranh để tự giải phóng bằng sức mạnh quật khởi của chính mình.

Từ khóa » Tóm Tắt Về A Phủ